April 20, 2024, 4:07 am

Bàn về bài thơ Nắng chiều của Phan Khôi

 

Báo Văn nghệ số 23 (8-6-2019) có đăng bài Về bài thơ “Nắng chiều” của Phan Khôi, tác giả là Phan Nam Sinh - một người con của cụ Phan.

Trong bài báo của mình, tác giả có kể lại hoàn cảnh và thời điểm Phan Khôi viết bài thơ Nắng chiều mà lâu nay người đọc không được biết. Nhưng vấn đề mấu chốt ở bài viết này của Phan Nam Sinh là ở chỗ: ông cho rằng “Khi đọc tới các bài viết của các nhà phê bình có liên quan tới bài thơ, tôi vẫn cứ ngờ ngợ họ đã hiểu sai câu thứ hai”.

Đề bàn về chuyện này, hãy đọc lại bài thơ của Phan Khôi:

Nắng chiều

Nắng chiều đẹp có đẹp

Tiếc tài gần chạng vạng

Mặc dù gần chạng vạng,

Nắng được thì cứ nắng.

Không như ông Phan Nam Sinh, tôi cho rằng các nhà phê bình và rất nhiều người (đã đọc Nắng chiều) không hiểu sai câu thứ hai của bài thơ, như tác giả bài báo đã “ngờ ngợ”.

Cứ theo cách nghĩ của Phan Nam Sinh thì chữ “tài” ở đây chỉ là “chữ đệm theo” tập quán ngôn ngữ của người Quảng Nam” do đó, câu thơ chỉ có nghĩa là “tiếc trời đã sắp tối, màn đêm đã sắp về”. Nhưng tôi, và tôi tin là nhiều người hiểu chữ tại ở đây, Phan Khôi dùng với nghĩa “tài năng”, do đó câu thơ cần hiểu theo nghĩa “tiếc tài năng đã sắp hết”. Tại sao nên hiểu như vậy? Vì mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, rất nhiều nhà phê bình và người đọc (đã đọc bài Nắng chiều) không phải người Quảng Nam; mà tài là một tiếng đệm quá ư cá biệt, chỉ riêng người Quảng Nam mới sử dụng và có thể có người Quảng Nam mới hiểu theo nghĩa đấy là một tiếng đệm trong bài thơ.

Thứ hai, Phan Khôi là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ kỳ cựu. Ông đã từng giảng giải, phân tích và tranh luận rất nhiều về chữ nghĩa. Lại nữa, ông viết Nắng chiều ở Hà Nội, lúc miền Bắc vừa giải phóng (sau năm 1954). Chắc chắn ông thừa biết, nếu mình dùng từ quá riêng biệt của một địa phương, thì tất cả người đọc miền Bắc không hiểu. Vì vậy ông không dùng tài với nghĩa tiếng đệm, mà nếu dùng với nghĩa tiếng đệm, chắc chắn ông phải chú thích để người đọc không hiểu sai ý của ông.

Lại nữa, có thể phản biện một cách nghĩ của Phan Nam Sinh về tài năng nói chung và tài năng của Phan Khôi nói riêng. Ông viết trong bài báo của mình rằng:

“Sống gần Phan Khôi lúc cuối đời, tôi chưa từng nghe ông than vãn về tài năng của mình bao giờ cả. Mà sự thực thì Phan Khôi đâu đã cạn tài. Chỉ nửa tháng sau khi viết xong Nắng chiều, ông đã được Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Trung Quốc cùng với nhà thơ Tế Hanh dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn. Tại đây, ông đã viết bài thơ chữ Hán có tên là Tụng Lỗ Tấn đã dịch ra tiếng Việt và cũng đã được một vài tác giả đưa vào sách. Tới đầu năm 1958, nghĩa là sau đó chỉ gần hai năm, Phan Khôi còn viết truyện ngắn Ông Năm chuột, thuộc loại truyện ngắn hay nhất của ông, đăng trên tuần báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Cho mãi tới trước khi nhắm mắt một hai tuần lễ, ông còn kịp viết xong Những con số không nhất định trong từ ngữ kia mà.

Vả lại, với một nhà văn, nhà nghiên cứu thì ở vào tuổi suýt soát bảy mươi, nếu không muốn nói tài năng đang ở vào độ chín thì cũng chưa thể nào đã cạn được. Thế thì sao dám bảo rằng ông tự cho mình đã cạn tài?...”.

Đoạn văn trên của ông Phan Nam Sinh không ổn ở mấy lẽ:

1. Phan Khôi “không than vãn về tài năng của mình” với Phan Nam Sinh thì có thể than vãn với người khác chứ! Mà nếu không than vãn với người khác chăng nữa thì Phan Khôi vẫn có thể than vãn trong thơ của mình chứ!

2. Chúng ta biết, đời hoạt động của Phan Khôi không đơn giản, đến nay còn những nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Ta không bàn ở đây. Có điều, nhìn nhận thế nào thì nhìn nhận, đánh giá thế nào thì đánh giá, chắc không ai không công nhận Phan Khôi là người có nhiều tài, tài ở nhiều lĩnh vực, đến mức có những người gọi ông là học giả, là nhà tư tưởng, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà Hán học... Nội một việc ông thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ, chữ Pháp, là những ngôn ngữ rất cần thiết ở thời trước Cách mạng đã là tài. Ông được mời làm dịch giả chính quyển Kinh Thánh sang chữ quốc ngữ, dịch trong mười năm, lại là một cái tài nữa. (Ta biết, Kinh thánh do Phan Khôi làm dịch giả chính ấy, đến nay đã 90 năm, vẫn được sử dụng, và sử dụng nhiều hơn hẳn những bản dịch sau đó). Rồi thẳng thắn phê bình chính sách cai trị của thực dân Pháp, đả kích thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và đế quốc. Rồi tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào văn thân, phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ. Rồi làm báo kỳ tài, được những tờ báo lớn bấy giờ mời cộng tác. Rồi được coi như người mở đầu phong trào Thơ mới (với bài Tình già) v.v. và v.v...

Mấy cái tài mà ông Phan Nam Sinh nêu trên: đi Trung Quốc, làm một bài thơ về Lỗ Tấn, viết một truyện ngắn, viết một bài về ngôn ngữ chỉ “nhỏ như con thỏ” so với những cái tài tôi vừa dẫn ra làm thí dụ.

Như vậy, nếu Phan Khôi có than vãn rằng, tài năng mình đã cạn (lúc làm bài thơ Nắng chiều) so với tài năng mình trước kia, thì cũng không có gì là vô lý.

3. Ông Phan Nam Sinh đã quá “lạc quan” khi cho rằng “suýt soát bảy mười” là tuổi “nếu không muốn nói tài năng đang ở vào độ chín thì cũng chưa thể nào đã cạn được” đối với một nhà văn, một nhà nghiên cứu. Không phải! Số nhà văn, nhà nghiên cứu chín vào độ tuổi ấy hiếm lắm và tài so với trước đó còn ít lắm. Hầu hết là ở vào độ tuổi ấy, họ đã kết thúc sự nghiệp của họ từ lâu, đã chín từ lâu!

Nhân đây, cũng xin nói một chuyện có thể coi là kỷ niệm của tôi với bài thơ Nắng chiều. Hồi bài thơ đăng báo, tôi là một cậu bé 12, 13 tuổi đang học trường cấp II ở vùng đồng bằng Nam Định bấy giờ còn “xa” Hà Nội lắm. Thế mà nhiều sách báo hay cũng về đến quê tôi và đến được tay một cậu bé là tôi. Tôi không để ý bài thơ Nắng chiều in ở báo nào. Nhưng tôi nhớ rõ nó in cùng hai bài thơ khác của Phan Khôi, trong cùng một trang báo. Tôi chỉ đọc vài ba lần đã thuộc, tôi tin đến nay vẫn không nhớ sai một chữ (trừ việc không nhớ cái chú thích ở bài thơ đầu).

Hai bài thơ của Phan Khôi in trên bài thơ Nắng chiều như sau:

Hồng gai

Hồng nào hồng chẳng có gai

Miễn đừng là thứ hồng rài không hoa

Là hồng thì phải có hoa

Không hoa chỉ có gai mà ai chơi?

Ta yêu hồng lắm hồng ơi,

Có gai mà cũng có mùi hương thơm.

 

Hớt tóc trong bệnh viên quân y

Tuổi già thêm bệnh hoạn

Kháng chiến thấy thừa ta

Mối sầu như tóc bạc

Cứ cắt lại dài ra!

Nếu ta đặt Nắng chiều trong “hoàn cảnh” của hai bài thơ trên (báo in ba bài cùng một lúc, người đọc đọc cùng một lúc) sẽ thấy âm hưởng chính ở đây là buồn, dù bài Hồng gai không chứng tỏ buồn hay vui. Đây lại là một lý do cho thấy có thể Phan Khôi buồn vì tài mình không còn, hay sắp hết.

Trở lên là bàn cho ra ngô ra khoai cách hiểu một chữ trong thơ Phan Khôi, tôi hoàn toàn không có ý bác cách hiểu của ông Phan Nam Sinh về chữ tài trong bài “Nắng chiều”. Trong văn chương, nhất là trong thơ, có những khi có độ mờ nhòe (theo lý thuyết Lô-gích mờ) của mỗi chữ, mỗi câu, mỗi bài. Người này nhìn ra thế này, người khác nhìn ra thế khác. Trong văn chương, nhất là trong thơ, nhiều khi cũng có cả một trường liên tưởng rộng. Người này nhìn ra thế này, người khác nhìn ra thế khác.

Vì vậy, với chữ tài ở bài thơ Nắng chiều của Phan Khôi, xin ông Phan Nam Sinh cứ hiểu như cách hiểu của ông, nếu ông muốn; tôi thì cứ hiểu theo cách hiểu của tôi. Chấp nhận cả hai cách hiểu cũng là chuyện bình thường, không có gì ảnh hưởng đến... hòa bình thế giới cả!..


Nguồn Văn nghệ số 30/2019


Có thể bạn quan tâm