March 29, 2024, 3:43 am

Bạn tôi

Lâu tôi mới gặp lại Hoàn trong cái nhà xưởng ngổn ngang máy móc và sản phẩm đang làm của công ty anh, một công ty cơ khí phục vụ nông nghiệp hiếm hoi ở vùng quê xứ Nghệ. Hoàn đi khập khiễng, lom khom đưa tôi đi tìm mãi mới được một chỗ để ngồi nói chuyện trong tiếng máy chạy ồn ào và thỉnh thoảng anh phải ký tá giấy tờ gì đó do một cô nhân viên xinh xinh đưa đến. Hoàn bảo anh vừa phải mổ cột sống vì cái di chứng khênh vác quá nặng thời trai trẻ làm ở hợp tác xã Hồng Lực. Nói đến hợp tác xã thì vô vàn chuyện bi hài dù không muốn nhắc lại, nó cũng cứ sừng sững hiện ra.

Ngày ấy Hoàn bỏ thi đại học làm cho cả làng ai cũng tiếc ngẩn ngơ. Bởi vì Hoàn học chuyên toán, luôn luôn đứng đầu lớp, là học sinh giỏi của tỉnh. Gia đình Hoàn cũng không khó khăn lắm đến nỗi không nuôi nổi cho đứa con trai đầy triển vọng học xong đại học.

Hóa ra tất cả đều sai. Chàng thanh niên người tầm thước, đen đúa trông rất thật thà chất phác, giản dị, đầy ý chí ấy lại có một chí hướng riêng, tìm con đường lập nghiệp riêng của mình, tự đứng trên đôi chân của mình, mà không đi theo con đường tiến thân bằng chức tước hay bằng cấp như mọi người. Sau khi học nghề cơ khí vài năm, Hoàn xin vào hợp tác xã cơ khí Hồng Lực, nghĩ rằng vào đó để rèn luyện tay nghề.

Những năm đó ngành nghề gì cũng phải vào hợp tác xã, từ cắt tóc, bơm vá xe đạp, cá thể bị coi là lạc hậu. Hợp tác xã Hồng Lực do huyện quản lí, được coi như ngành công nghiệp của huyện, tập trung những thợ rèn, thợ đúc trong các chợ quê trong huyện lại. Sản phẩm là dao, liềm, lưỡi cày, diệp cày, cuốc bàn, cuốc răng, xẻng… cần thiết cho người nông dân hàng ngày. Huyện bao cấp nhiên liệu, nguyên liệu, thiết bị, lương bổng, giao chỉ tiêu sản phẩm. Tiêu thụ do mạng lưới các hợp tác xã mua bán các xã phủ khắp toàn huyện. Làm ăn khá nên hợp tác xã được chuyển lên thành Xí nghiệp cơ khí Hồng Lực. Huyện trang bị thêm cho máy phát diện, xí nghệp Hồng Lực tiến tới sản xuất các loại xe cải tiến, xe bò, một số máy móc thô sơ, trong đó có những chi tiết phải đúc, phải có khuôn thép. Người duy nhất làm được khuôn của xí nghiệp là Hoàn, thiết kế là anh, thi công cũng là anh, say mê, hào hứng, một mình hùng hục, làm như trâu, bất chấp nặng nhẹ đễn nỗi bị sục lưng để lại di chứng cho đến bây giờ.

Đến thời kỳ “bung ra”, con thuyền Hồng Lực ngoi ngóp sống và đến khi không còn bao cấp nữa thì nó không cạnh tranh được, chới với, chìm nghỉm rồi phá sản. Đã đến lúc Hoàn nghĩ về con đường lập nghiệp riêng của mình. Hoàn phải tạo nên một cái gì đó, chế tạo nên một cái gi đó, đóng góp cho làng cho quê hương cái gì đó, không phải chế tạo ô tô, sản xuất máy cái hay tàu thủy. Không, cái đó cao xa đã đành song thực tế là Hoàn không nghĩ tới. Hoàn là con nông dân, sinh ra trong làng quê làm nông nghèo, hàng ngày chứng kiến em mình vác bó củi vẹo xương sườn, thấy bố ngồi băm rau lợn sụm cả lưng, muốn rơi nước mắt khi nhìn các cô giáo tay phồng rộp vì bóc lạc thuê cho cơ quan Ngoại thương. Những hình ảnh ấy ám ảnh đau đớn. Hoàn muốn chế tạo cái gì đó để đỡ cái vất vả cho nông dân mà nông dân là bố mẹ, o dì chú dượng, hàng xóm láng giềng của mình. Đó mới thực sự là cái đích phấn đấu thiết thân, tâm huyết, hoài bão của Hoàn. Hoàn từ bỏ học đại học cũng vì cái đích nóng bỏng và thiết thân ấy….

Đầu tiên, anh mở lò rèn tại xã Quỳnh Văn, quê anh, rèn các loại nông cụ cầm tay, từ cày cuốc đến liềm hái, sửa chữa xe đạp, xe cải tiến. Việc gì cũng làm và làm hơn người nên cơ sở của anh không khi nào hết việc.

Thời bao cấp, chất đốt thiếu thốn. Thành phố thì có phiếu dầu, củi hoặc than nhưng nông thôn thì tự kiếm. Lên rừng chặt cây hay vơ lá thông lá phi lau, rơm rạ, những đứa trẻ mà không khác gì tiều phu thời bộ lạc. Mùa hè mà luộc một nồi khoai đun bằng lá phi lau hay rạ không khác gì bị nung trong lo bát quái. Hơn nữa, dân cần củi là cứ lên rừng chặt, đồi trọc ngày càng loang đỏ như vết thương. Một hôm Hoàn luộc nồi khoai đun bằng rạ, luộc chín khoai thì người mồ hôi như tắm, nóng cháy mặt, Hoàn thoát ra ngoài kêu lên, phải làm thế nào chứ thế này không chịu được. Là thế nào thì Hoàn chưa biết nhưng anh cứ trăn trở, suy nghĩ như bị ma ám.

Cái Hoàn cần đã nghĩ đã ra. Tính đi tính lại năm bảy phương án thiết kế, đúc đi đúc lại, thử đi thử lại, so sánh hàng tháng trời, cuối cùng thì hình mẫu một cái bếp cải tiến có hiệu suất cao ra đời. Nó có bộ kiềng bếp bằng gang, đun nấu bằng trấu hay củi tiết kiệm bốn mươi phần trăm nhiên liệu. Riêng việc đúc được gang cũng là bước tiến kỹ thuật mà nhiều nhà cơ khí thời đó nể phục. Những năm ấy, xoong nồi chủ yếu bằng gang, đến cả chậu, mâm cũng bằng gang, rất nặng và giòn. Hoàn mua đồ vỡ về nấu lại, làm ra khuôn mẫu mã mới, nhờ thế mà đúc được bộ kiềng đun nấu bằng gang nổi tiếng thời đó. Bếp của Hoàn giải quyết được khâu cung cấp ôxi cho sự cháy, mà củi khô, tươi, dài, ngắn, vỏ trấu, mùn cưa, đầu thừa đuôi thẹo đồ mộc... đưa vào bếp đều dùng được tất. Bếp của Hoàn được nông dân rất chuộng, đỡ nóng, tiết kiệm củi nên nhà nào cũng mua dùng. Vài năm mà bếp của Hoàn phủ khắp cả mấy tỉnh bắc miền Trung. Sáng chế của Hoàn giúp cho nông dân đỡ vất vả, được truyền thông ghi nhận bằng một phóng sự dài phát trên VTV1. Và trong cuộc thi “Sáng tạo khoa học” tỉnh Nghệ An năm đó, bếp lò của Hoàn được giải Nhì. Anh được cấp bằng sáng tạo, được đi dự Hội nghị Nông dân giỏi toàn quốc và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hoàn có chút thỏa mãn không phải vì công ty anh bán được đắt hàng, mà vì cái đích tâm huyết của anh là làm những thứ cần thiết, ích lợi và hiệu quả cho nông dân, cho bố mẹ chú bác anh em mình đã thực hiện được phần nào.

Như luồng lạch đã được khơi thông, sau bếp, Hoàn lại chế tạo thành công máy thái rau lợn. Nuôi lợn bằng chuối hoặc rau, mỗi nhà nuôi dăm con lợn thì phải thái băm hàng đống chuối. Số liệu tổng hợp số lợn của toàn huyện Quỳnh Lưu năm ấy có đến 61 nghìn con. Rồi đàn trâu bò cũng tới 11 nghìn con. Tất cả đều cần phải băm rau, thái chuối, và Hoàn đã giải quyết khâu thái băm rau bằng máy. Có lẽ cũng nhờ máy thái rau chuối này mà dăm năm sau đàn lợn của toàn huyện tăng gấp rưỡi.

Sau máy thái rau lợn là đến máy bóc lạc và máy thái thuốc lào. Và vài năm gần đây Hoàn cho ra đời dây chuyền máy đúc gạch không nung công suất lớn, một sáng chế độc quyền, từng bán ra trên 63 tỉnh thành, hải đảo và xuất khẩu ra 7 nước trên thế giới.

Ngày xưa khi Hoàn lớn lên còn chứng kiến người ta dựng nhà bằng vách trát đất thó, đất sét nhồi với rơm, gặp mưa bão là nát tươm, ta quen gọi là “nhà tranh vách đất”. Nhà gạch cũng có nhưng phải là nhà giàu, giàu mới mua được gạch đất nung, nhà bền và đẹp. Sau này phát triển hơn, quê Hoàn người ta làm gạch ngói đất nung bằng các lò nung thủ công, sản phẩm tàm tạm phục vụ nhu cầu dân sinh, nhưng gây ra ô nhiễm môi trường, lãng phí đất đai, chưa nói đến việc phá rừng làm củi đốt lò. Là người luôn nghĩ, làm cái gì giúp cho nông dân đỡ khó khăn, Hoàn nung nấu suy tính tìm một cái gì thay thế cho hòn gạch đang bế tắc. Hoàn về vùng Kẻ Mơ, nơi người ta xây nhà bằng khớm đã hàng trăn năm nay. Khớm là những viên hình khối đúc từ sò sảnh vớt ngoài bãi biển trộn với vôi cát, phơi khô, rất chắc. Đúc bằng khuôn thủ công, từng viên một. Cả vùng Mơ, đã hàng trăm năm nay, người ta đúc khớm kiểu này và xây nhà, cũng bền được dăm chục năm đến trăm năm. Hòn khớm làng Mơ như một cảm hứng sáng tạo giúp Hoàn tìm đến loại gạch không nung. Đá dăm đá bột ở vùng Hoàng Mai nhiều, người ta mới chỉ biết dùng để san nền, nếu lấy loại vật liệu này thay cho sò biển thì vô tận. Lò vôi thủ công cũng như lò gạch thủ công, dần loại bỏ. Chất kết dính Hoàn có thể thay bằng xi măng, rất ổn. Vấn đề còn lại là chế tạo một cái máy dập và đúc một giờ cho ra mấy trăm viên, đỡ sức người. Hình thù cơ chế hoạt động của nó ra sao là vấn đề Hoàn phải thức đêm vắt óc nghĩ.

Và cái máy ấy đã ra đời, một dây chuyền từ thành phần tỉ lệ cấp vật liệu đến trộn đưa vào khuôn ép và sản phẩm được chuyền ra ngoài, một hệ thống hoàn chỉnh, trơn tru, khoa học. Nó là cái hệ máy hiện tại, nó hình thành được như hôm nay là phải qua hàng chục lưạ chọn, hàng trăm cải tiến, từ cơ sang thủy lực, từ cấp nguyên liệu bằng đo đếm sang chương trình vi tính, qua hàng bao nhiêu lần đập bỏ làm lại, qua đắng cay thất bại chủ nó mấp mé ngã lòng… Và cuối cùng là nó trưởng thành qua hàng chục thế hệ. Nó là dòng máy thế hệ thứ 10, cùng với nó là những Dây chuyền máy ép gạch liên hoàn, Dây chuyền máy cơ cấp liệu băng tải, Máy ép gạch lát sân vườn, Máy mài gạch terazzo, Máy bẻ đai sắt tự động… Bây giờ thì nó có mặt khắp nơi. Ngay trong xã Quỳnh Văn, nó dựng nên 150 cơ sở sản xuất gạch không nung, hơn hai ngàn người có việc làm, có thu nhập ổn định. Ngay trong huyện Quỳnh Lưu, ngay trong tỉnh Nghệ An, và ngay trong tất cả trong 63 tỉnh thành, với năm ngàn sản phẩm bán ra, đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nông dân trong cả nước. Cùng với vật liệu khác, ở các chương trình khác, nó tạo nên sự hưng thịnh và bền vững cho dòng gạch không nung mang tính cách mạng trong khoa học vật liệu. 

 Hiện giờ Hoàn là giám đốc công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu với gần trăm công nhân bao gồm con cháu trong họ, trong làng tốt nghiệp đại học hay cao đẳng đều về xin vào làm ở công ty. Có cháu từng ở lại thi thố tài năng ở thành phố, trầy vi tróc vẩy rồi cuối cùng cũng quay về xin vào công ty Hồ Hoàn Cầu. Điều đó chứng tỏ sức hút của Hoàn về việc chăm lo quyền lợi của người lao động, tạo một chỗ làm, một đời sống ổn định. Ngay như bán hàng, Hoàn cũng rất xởi lởi. Ai khó khăn Hoàn bán chịu máy, trả dần cũng được. Hoàn cũng là người chu tất nữa. khách hàng của Hoàn là nông dân vốn non kém về kỹ thuật nên ý nguyện của Hoàn là làm được cái nào phải thật tốt, khi sử dụng có gì trục trặc Hoàn cho thợ về tận nơi, dù xa mấy, có khi sang tận Lào, điều chỉnh hoặc sửa chữa ngay. Anh có lần nói với tôi, dây chuyền đến đây có thể nói là đỉnh cao, đạt chuẩn, nhưng tôi vẫn cứ trăn trở xem có thể cải tiến ở khâu nào, chi tiết nào nữa không? Công ty không chạy theo số lượng mà phải chất lượng cao, tiến tới tôi đang nghĩ làm sao để hạ giá thành thêm nữa. Nông dân là cha mẹ bà con của ta, thực ra còn nghèo lắm mà anh…

Lâu lâu tôi mới gặp Hoàn, người bạn học phổ thông của mình, nhưng mỗi lần gặp là anh để lại cho tôi một ấn tượng đẹp. Và lần này thì cái giọng tha thiết của Hoàn ám ảnh tôi không dứt, “Nông dân ta còn nghèo lắm mà anh”…

Vâng, người nông dân trên đất nước ta còn nghèo, nhưng tôi hiểu, chính những việc làm, những tấm lòng của những người như bạn tôi lâu nay, đang từng ngày làm vơi đi những nhọc nhằn, nghèo khó ấy.

Nguồn Văn nghệ số 45/2020


Có thể bạn quan tâm