April 25, 2024, 10:30 pm

Bàn thêm về thẩm định ảnh nghệ thuật

Cứ sau mỗi một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, người trong giới thường bộc lộ những phản ứng rất khác nhau về các tác phẩm được chọn treo và đặc biệt về mỗi tác phẩm đoạt giải.

Tuy vậy đại đa số chúng ta thường có thói quen “dĩ hòa vi quý”, không muốn lên tiếng vì sợ “gây mất đoàn kết”. Hay nhỡ đâu lại động chạm đến những người “cầm cân nảy mực”. Hoặc chí ít, sợ làm buồn lòng bạn bè, là tác giả có những bức ảnh đoạt giải, chọn treo. Một số người gần đây đã phản biện. Nhưng kết quả cũng chỉ là làm thay đổi danh sách những tác phẩm đoạt giải và một vài ông trọng tài bị Ban Tổ chức ngầm treo còi dăm ba cuộc thi. Hiệu quả như vậy tuy đã có, nhưng rõ ràng mới chỉ có tính ứng phó, sức lan tỏa chưa cao. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ sau mỗi cuộc thi, Ban Lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vào cuộc, cặn kẽ chỉ ra những xác lý mang tính học thuật và khoa học, làm bài học kinh nghiệm cho người gửi ảnh dự thi, cho người làm giám khảo và người làm công tác tổ chức, thì tác dụng sẽ còn được mở rộng và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Bức ảnh "Từ Thần Sấm xuống xe trâu" (Văn Bảo) qua bao năm vẫn khiến người xem tâm phục, khẩu phục về một khoảnh khắc độc đáo.

(Nguồn: thethaovanhoa.vn

Mọi tác phẩm thuộc các lĩnh vực của văn học nghệ thuật, khi đã “trình làng” thì nó phải có một định mệnh riêng. Thực tế đã có nhiều tác giả từng phải ôm theo nỗi niềm cay đắng bởi hệ lụy từ những phán xét của tôn giáo, của nhãn quan chính trị và cả lòng tị hiềm của người cùng thời bủa vây. Không ít trong số đó phải lưu đày xa quê hương, hoặc vất vưởng với nỗi kỳ thị vô hình trên xứ sở. Có thể kể đến những tác giả như: Salman Rushdie, ông nổi tiếng thế giới sau khi sáng tác Những vần thơ của quỷ Satan, và đã bị Giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy nã tử hình; Ở Việt Nam cũng từng có những tác phẩm đã khiến cho các tác giả bị hệ lụy khôn lường. Tuy vậy thì vẫn có những tác phẩm lại sớm đem lại vinh quang cho các tác giả… Rõ ràng, sự gắn kết giữa tác phẩm – tác giả vừa vô hình, vừa hữu cơ, khi người đọc yêu tác phẩm nào đó, đồng thời họ tỏ lòng mến mộ, cùng chia sẻ cảm thông đến cuộc đời thăng trầm của tác giả. Nhưng các văn nghệ sĩ chắc cũng không đòi hỏi gì hơn, một khi thấy tác phẩm của họ đã như những viên gạch, được xây chắc vào lòng kính trọng giữa chốn nhân gian!

Những năm gần đây giới chơi ảnh luôn tò mò, họ “điểm mặt” các tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải ở mỗi cuộc thi. Thoạt đầu là mong tìm ra vài, ba tác phẩm có thể gây “sốc” cho tâm hồn, để từ đó có thể bổ khuyết, giúp cho công cuộc sáng tác của mỗi cá nhân đỡ bị cùn mòn đi… Nhưng thứ mà người ta học được chẳng thấy ai lộ liễu phô bày. Những câu hỏi “sao lại thế?” cứ tràn lan trên diễn đàn mạng. “Độ nóng” của cộng đồng người chơi Facebook đôi khi khiến cho cả một Hội đồng giám khảo lúng túng, không ít trường hợp Ban Tổ chức đã phải ra quyết định bất đắc dĩ là thay đổi kết quả của cuộc thi. Danh sách của “Hội đồng trọng tài” trải từ Bắc vào Nam hàng năm co giãn khác nhau, họ là những người cầm lá phiếu định đoạt số phận cho các tác phẩm ở mỗi vòng giải, thậm chí tôn vinh nó thành thứ siêu phẩm: “Xuất sắc quốc gia”. Đáng ra sau những ồn ào, họ phải có trách nhiệm lên tiếng, chỉ ra rằng các tác phẩm đoạt giải đẹp, hay ở cái gì? Bởi mỗi khi có ý kiến trái chiều, thì chẳng ai ngoài họ cần phải có trách nhiệm bênh vực cho tác phẩm khỏi sự thờ ơ của người xem và những miệt thị từ một số người trong giới chuyên môn. Nhưng sự im lặng của họ như thể nội dung vấn đề đã được đóng dấu “mật” quốc gia. Khi giới nhiếp ảnh nhớn nhác nhìn sang đội ngũ lý luận phê bình hằng mong tìm kiếm đôi lời dẫn giải, thì cũng thất vọng vì dường như họ đứng ngoài cuộc. Phải chăng những vụ việc tranh cãi đã làm tổn hại đến sự thanh sạch của họ chăng?

 “Trách nhiệm cao cả của công tác lý luận phê bình là thúc đẩy hoạt động sáng tác phát triển đúng hướng, nên người làm lý luận phê bình không chỉ có tâm trí vững, mà còn cần có dũng khí của công dân và tư cách người cầm bút. Không lùi bước trước uy lực, không bị vật chất cám dỗ, luôn tỏ thái độ trung thực với chính mình và với đồng nghiệp. Người viết phải có tâm sáng như pha lê, với trái tim nồng cháy đập theo nhịp đập của trái tim dân tộc…” – (Mạnh Thường – Trang 52; tạp chí Nhiếp ảnh và đời sống, số chào mừng xuân Kỷ Hợi – 2019).

Nhiếp ảnh là một chuyên ngành nằm chung trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhưng từ lâu nó đã không còn là sân chơi độc quyền của một nhóm người. Kỹ thuật số đã đưa nhiếp ảnh phổ cập tới đông đảo người dân, biến lượng thành viên ở những lĩnh vực khác trong giới văn nghệ thành thiểu số… Nhìn số lượng tác phẩm gửi đến Cuộc thi Ảnh Quốc tế tại Việt Nam lần thứ 10 (2019), thì những người có kinh nghiệm trên sân chơi này cũng đã phải kêu lên rằng, đây sẽ là một trong những cuộc thi ảnh khắc nghiệt nhất trên thế giới!

Thực tế là, người ta có thể châm chước cho một tác giả chụp ảnh, khi anh ta trót đam mê một motif, một gu thẩm mỹ đã nhiều năm theo đuổi. Nhưng người ta lại đang mày mò tìm quy luật chung, về những ban giám khảo khác nhau, lại cứ rập khuôn một cách thức thẩm định ảnh; khiến cho người gửi ảnh dự thi đã bắt thóp được rằng, đã là cuộc thi có liên đới đến “du lịch” thì cứ có yếu tố “Tây” vào là ăn giải! Và phải nghiên cứu bộ giải của một liên hoan đầu tiên xuất hiện trong năm nó có bộ khung thế nào, thì những cuộc liên hoan của các khu vực khác cứ na ná vậy mà gửi! Người ta chụp flycam, mình cũng flycam! Người ta chụp lồng bè nuôi cá, mình sẽ chụp lồng bè nuôi ngao, nuôi cua!… Người ta khai thác người khuyết tật cho có tính nhân văn, mình cũng chụp người thiệt thòi để vỗ vào lòng trắc ẩn của ban giám khảo!… Viết đến đây thì trộm nghĩ, các ban giám khảo của ta gần như chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nó có thứ gì đó ảo diệu như họ đều lướt trên mặt đất. Cảm giác rằng họ hễ cứ nhấc đầu gối lên là sẽ ào ạt ngã. Và có phải tác phẩm ảnh nghệ thuật được người sáng tạo cho ra đời vào những lúc “phiêu” của mình, thì khi thẩm định giá trị của các tác phẩm, các vị giám khảo cũng cần phải “thăng hoa” để bắt nhịp chăng?

Sẽ có nhiều lý do để biện minh, nhưng tôi cho rằng một tác phẩm ảnh nghệ thuật mà có thể chụp lại được, thì giá trị của nó chỉ đáng nằm ở mức khuyến khích – nếu nó còn mang hơi hướng sáng tạo. Nhưng khi đã chễm chệ trên tầm cao, thiển nghĩ nên tôn vinh những tác phẩm “độc bản” để người xem phải trầm trồ, khiến cho những người trong giới phải bàn luận về bố cục, ánh sáng, thời cơ, sự độc đáo của tác phẩm đó ở trạng thái tâm phục, khẩu phục. Như vậy nó còn thách đố những kẻ ham nhại theo, có muốn cũng chẳng thể bắt chước được. Ví như các bức ảnh Từ thần sấm xuống xe trâu (Văn Bảo), Mẹ con người tử tù (Lâm Hồng Long), hay Nét cao nguyên (Trần Phong)…

Nếu một nhà nhiếp ảnh rong ruổi cả năm mới gạn được vài tác phẩm trong hàng triệu triệu hình ảnh lọt qua mắt – đã được coi là thành công. Thì một ban giám khảo sau cả tuần làm việc, lật tung hàng ngàn bức ảnh của đồng nghiệp, mong sàng lọc lấy chục khuôn hình độc đáo để trao giải, thì nên chăng cũng phải coi công lao đó như là một thành quả của tìm tòi, sáng tạo? Sở dĩ các tác giả vẫn thường xuyên gửi ảnh dự thi, là bởi từ sâu thẳm, họ đã luôn tin tưởng vào sự minh bạch của Ban Tổ chức và nhân cách nghệ sĩ của những người cầm cân nảy mực. Còn sau một cuộc thi, mà người xem chỉ ra được hàng dài những khiếm khuyết của nhiều tác phẩm, thì Ban Tổ chức phải coi đó là thiếu sót, khi lựa chọn Hội đồng giám khảo đã không phù hợp cho tiêu chí cuộc triển lãm.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020

*Tên bài viết do Vannghe online đặt


Có thể bạn quan tâm