April 26, 2024, 4:13 am

Bàn thêm về đề thi môn Văn

Tháng 5 về, thầy trò các cấp trong cả nước lại rục rịch bước vào mùa thi. Và năm nào cũng vậy, đề thi - nhất là đề thi môn văn – lại làm nóng dư luận.

Như năm nay, mới đầu mùa thi mà đó đây đã rộ lên những chuyện lộ đề, đề chưa sát với chương trình chính khóa, đề chưa chuẩn về kiến thức và học thuật v.v… Có trường đại học tốp hàng đầu đất nước, vừa tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực “đầu vào” xong, đã phải điều trần với báo chí về việc nhiều đề thi đợt sau trùng đề thi đợt trước. Lại có phòng Giáo dục & Đào tạo một huyện miền núi phía Bắc, ra đề thi môn ngữ văn lớp 7 năm học 2022-2023 mà như sau:

Câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”. Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.

Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên”.

Có lẽ không cần phải bàn thêm về mức độ “lạ lẫm, hóc búa, quá sức” của đề thi ra cho học sinh lớp 7 trên đây.

Trong thi cử, khâu ra đề thi được coi là trọng tâm, đặc biệt với môn Văn, môn duy nhất cho đến nay vẫn giữ nguyên phương thức tự luận truyền thống. Đề thi môn Ngữ văn tự ngày nào chủ yếu chỉ “thuần văn”. Điều ngạc nhiên hơn cả là dường như không nhà giáo nào, kể cả những người trực tiếp làm chương trình, lên tiếng: Tại sao một môn học được gọi là Ngữ văn, tức là có cả “ngữ” và “văn” mà đề thi lại chỉ kiểm tra duy nhất bài “Tập làm văn”? Người ta coi đó là lẽ đương nhiên. Văn thì phải vậy chứ? Ngày xưa ông cha ta “lều chõng” đi thi cũng thế mà! Vì thế đề thi chỉ rặt những “cao đàm khoát luận”.

Ở một phía khác, có thời kì, đề thi môn Văn đi vào ngóc ngách chuyên sâu tới mức không khác gì những câu hỏi đánh đố thí sinh. Ví dụ: “Nhận xét về thơ ca Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng, đó là loại thơ ca đậm yếu tố “cổ truyền”; hoặc: “Phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh để làm rõ vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu”; hoặc nữa: “Phân tích một đoạn thơ trong bài Đàn ghi ta của Lorca để làm rõ yếu tố siêu thực trong thơ Thanh Thảo” v.v…

Tôi không dám khẳng định ba ví dụ đề thi trên đây là “dở”, nhưng yêu cầu của đề, vấn đề câu chữ, chi tiết trong mỗi đề… lại có thể vượt quá tầm hiểu biết của học sinh. Cụ thể: Ở đề thứ nhất, ngoài yêu cầu cho thí sinh là quá khó, còn có vấn đề sử dụng câu chữ. Đúng ra phải gọi là “yếu tố truyền thống” chứ “cổ truyền” thì mang một nghĩa khác. Ở đề thứ hai, chỉ qua một bài thơ liệu có thể khái quát đầy đủ “vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam” được không? Đó là chưa nói, đề thi không thông tin đầy đủ văn bản bài thơ. Để nhớ thuộc lòng toàn bộ bài thơ này, với thí sinh, không hề là dễ. Trong khi Sóng cũng chỉ là góc nhìn riêng về tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh, sao có thể khái quát toàn bộ phụ nữ Việt Nam? Với đề thứ 3, khái niệm “siêu thực” trong thơ rõ ràng vượt quá khả năng kiến thức của học sinh cấp phổ thông trung học. Ra đề như thế chẳng khác nào đánh đố họ. Tôi đồ rằng sở dĩ họ vẫn làm được bài, thậm chí hãn hữu vẫn có những bài hay, là vì học trò phần lớn đều trải qua các “lò luyện”. Mà lò luyện thì chao ôi là “mê hồn trận”.

Tôi đã từng tham gia chấm thi tại một số trường đại học ở Hà Nội, thực mục sở thị, thì có những bài viết dài tới 24 trang. Tôi nghĩ với dung lượng này, trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ, không thầy cô giáo nào dù “dẻo tay” đến mấy cũng có thể chép nổi. Có thể tìm thấy những “hạt vàng” lấp lánh nào trong những bài văn như thế? Chỉ là một mớ kiến thức “hổ lốn” ngoài văn bản, do cách dạy và học Văn của ta một thời gian dài vốn đã ngoài văn bản. Sở dĩ các thày cô tiện tay phóng bút cho điểm cao, cũng chỉ vì lí do không đủ thời gian để “đọc cho kĩ”. Mỗi kì chấm thi với số lượng hàng vạn bài thi (chỉ riêng môn Văn), thời gian hạn định mà Bộ cho phép chỉ là 3 tuần, sao có thể chấm kĩ được? Vì thế, đa số các bài thi sau khi chấm, chủ yếu chỉ là những chữ của học sinh, không có bất cứ “bút phê” nào của giám khảo, với lí do Bộ quy định, trong lần chấm thứ nhất, giáo viên không được quyền để lại bất cứ một dấu vết nào, nên đến lần chấm thứ hai, các thầy vẫn quen giữ thói quen như thế. Mặt khác, muốn lưu được các dấu vết (ví như một lời nhận xét) thì người chấm cũng phải xem kĩ, suy ngẫm. Nhưng như thế sẽ ảnh hưởng đến “tiến độ” chung. Nên tốt nhất cứ làm sao cho nhanh, cho gọn (!)

Nhưng chưa phải đã hết rắc rối. Trong khoảng thời gian từ năm 2002, khi thành phần đề thi Ngữ văn thêm vào câu hỏi “Nghị luận xã hội”, kể từ đó cách ra đề thi này lại một lần nữa trở thành “thời thượng”. Thực ra đề thi kiểu này không có gì xa lạ. Chẳng hạn, kiểu ra đề “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, hay “Trong câu trả lời con gái, Mark nói “Hạnh phúc là đấu tranh…” thì đó đã là ý tưởng của dạng đề nghị luận xã hội rồi. Gần đây, nhờ internet, người ta mới biết đề thi môn Văn ở mỗi quốc gia lại mang một nét đặc thù riêng. Trong khi đề của Trung Quốc rất gần với các đề nghị luận xã hội của ta, nhưng khó hơn gấp nhiều lần, thì đề thi Pháp lại mang đậm màu sắc triết học của quê hương Dercartes. Quả thật, rất khó nắm bắt khuôn khổ và giới hạn của các đề thi kiểu này. Mặc dù, đọc qua, ai cũng thấy hay hay. Nhưng hay như thế nào? Yêu cầu đề thi có phù hợp với học trò và nội dung, phương pháp giáo dục của các nhà trường phổ thông Việt Nam không? Tôi tin, trả lời cho đúng câu hỏi này, với tất cả chúng ta đều không hề dễ.

Ở Việt Nam, trong các kì thi nhiều năm qua, đề thi môn Văn PTTH gần như không mấy khi giữ được sự ổn định. Trước đây, từ năm 1970 và kéo dài hàng chục năm sau đó, đề thi Văn đại học chỉ duy nhất một câu, kết hợp cả nghị luận văn học và nghị luận xã hội như trên đã nói. Nhưng cũng có thời kì, đề thi bắt buộc gồm 2 câu, gồm một văn xuôi và một thơ. Rồi lại có thời kì, đề cấu trúc trong 3 câu, ngoài ra còn có câu 2 điểm “kiểm tra kiến thức”. Đến năm 2012, lại xuất hiện câu hỏi “đọc hiểu văn bản”, tiếp sau đó là câu “nghị luận xã hội”… Nói chung, trong suốt một thời gian dài, nỗ lực cố gắng “làm mới” cách ra đề thi môn Văn ở ta vẫn không thoát khỏi cảnh “con kiến mà leo cành đa”. Chỉ vừa hôm trước thấy hay, hôm sau đã dở. Sau 2024, cấu trúc đề thi Văn chắc chắn lại vẫn sẽ thay đổi, vì 2025 là năm chương trình sách giáo khoa mới có hiệu lực. Trong khi đề thi cấp Quốc gia, nhất thiết phải có sự ổn định, phải bảo đảm hai yếu tố chủ chốt: vừa kiểm tra được chương trình dạy và học, lại phải vừa mở rộng được khả năng sáng tạo của học sinh. Đề thi Ngữ văn, mà chính xác hơn là Quốc văn, phải kiểm tra được khả năng diễn đạt tiếng Việt, phù hợp với tâm hồn dân tộc Việt, không “lai căng”, nhưng phải chọn lọc và tiếp thu được cái hay, cái tốt của bên ngoài, tránh tình trạng vì “sính” cái lạ, mà sa vào những cái vụn vặt, tầm thường, thái quá; kiểu như có những đề thi lấy cả hiện tượng một người đẹp nào đó nêu quan điểm “không yêu đại gia thì cạp đất mà ăn à?”; hay nội dung ca từ của một ca sĩ “thần tượng” nào đó… gây cảm giác thô, gượng.

Trong khi chúng ta chưa có được một kì thi tuyển như ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, thì nên chọn phương thức tối ưu nào? Thi “đánh giá năng lực” như của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; hoặc “đánh giá tư duy” như Đại học Bách khoa Hà Nội; hoặc kết hợp bài thi “đánh giá năng lực” và “tự luận” như Đại học Sư phạm năm vừa qua… đều có thể bảo đảm sự chính xác trong việc kiểm tra kiến thức nói chung. Trong khi, qua thực tế kì thi tốt nghiệp PTTH năm 2022 và một vài kì thi môn Văn theo hình thức tự luận khác, thì dấu hiệu cho thấy, chúng ta đã cạn kiệt nguồn ngữ liệu để làm đề. Hiện tượng câu hỏi với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, vừa thi hôm trước đã bị tung tin đồn “lộ đề” là một minh chứng thuyết phục. Bởi lẽ, không chỉ với riêng kì thi mang tính Quộc gia này, mà kì thi sau đó của một số trường đại học khác, cũng đã bộc lộ những khó khăn trong lựa chọn nguồn ngữ liệu tác phẩm. Trước thực trạng đó, nếu không nhanh chóng tìm giải pháp cho một phương thức thi mới môn Ngữ văn, kể cả buộc phải qua hình thức “trắc nghiệm”, chúng ta sẽ đối mặt với việc đẩy đề thi và cả việc dạy và học Ngữ văn vào ngõ cụt, không lối thoát!

Nhà văn Trần Hinh

Nguồn Văn nghệ số 21/2023


Có thể bạn quan tâm