April 20, 2024, 2:13 am

Bản quyền trong thời kỷ nguyên số: Cần cơ chế phối hợp xử lý

Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả, trong 8 tháng đầu năm 2020, chỉ riêng trong công tác thụ lý hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục đã thụ lý 6.111 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Tiếp nhận, thụ lý và giải quyết 15 vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan. Dự kiến trong 4 tháng cuối năm 2020, Cục Bản quyền sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong xử lý vấn đề bản quyền.

Trong báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2020 của Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã chỉ rõ, xử lý vi phạm bản quyền ở kỷ nguyên số đang là một thách thức không nhỏ đối với Cục bản quyền khi không thể ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, mà thay vào đó việc xử lý vi phạm bản quyền vẫn phải sử dụng các biện pháp truyền thống. Nhiều vụ việc, vấn đề nảy sinh vượt qua thẩm quyền của Cục Bản quyền tác giả. Vì vậy, để hạn chế và đi đến xử lý dứt điểm vi phạm bản quyền trong thời kỷ nguyên số, Cục bản quyền đề nghị cần có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Cảnh trong phim “Cô Ba Sài Gòn” bị ăn cắp bản quyền bằng hành vi livestream (quay và phát trực tiếp) bộ phim từ rạp chiếu phim Lotte ở Vũng Tàu

 

Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm bản quyền

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020. Đáng chú ý, tại hội nghị nói trên VCPMC đã cho biết trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả đã thu là trên 133 tỷ đồng. Theo đó, VCMPC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả liên quan hơn 68 tỷ đồng.

Không chỉ âm nhạc trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của “nạn ăn cắp” bản quyền mà trong lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, xuất bản... cũng không là ngoại lệ. Song, điều đáng nói là không phải lĩnh vực nào cũng có “may mắn” khi có được “chủ thể” đứng ra làm đại diện để đảm bảo quyền - tư cách pháp nhân cho một cá nhân trước “con đẻ” tinh thần của mình như lĩnh vực âm nhạc. Các lĩnh vực khác hầu như cá nhân tự thân vận động và khi phát hiện ra tác phẩm của mình bị làm giả, bị mạo danh... họ chạy đôn, chạy đáo đến Hội chuyên ngành, Cục Bản quyền trực thuộc Bộ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng, không phải tác giả (cá nhân) nào cũng có thể đòi lại được quyền lợi hợp pháp, chính đáng trước đứa con tinh thần của mình. Nhiều tác giả cực chẳng đã phải kiện ra tòa, nhưng kết quả “được vạ thì má đã sưng”... không phải ít. Gần đây nhất có thể kể đến vụ tranh chấp bản quyền bài thơ “Gánh mẹ” giữa ông Trương Minh Nhật và nhạc sỹ Quách Beem đang khiến báo giới tốn nhiều giấy mực và cộng đồng mạng xã hội quan tâm với nhiều quan điểm trái chiều. Phiên tòa dự kiến được mở lại nửa cuối tháng 8, nhưng do dịch Covid-19 quay trở lại, nên tạm hoãn. Chưa biết sự phán quyết của tòa thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng, bản quyền của bài thơ “Gánh mẹ” sẽ được trả về đúng với giá trị của nó. Chỉ có điều, dù phần thắng thuộc về ai thì công chúng yêu nghệ thuật cũng không khỏi chạnh lòng về sự thiếu chuyên nghiệp của người cầm bút và những người làm nghệ thuật trước thói quen “dùng chùa” .

Tình trạng vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh cũng rất nghiêm trọng. Không ít cá nhân, trang mạng xã hội, đơn vị thông tin truyền thông lấy ảnh trên Google, Facebook cá nhân để đăng tải mà không xin phép tác giả. Đáng chú ý là việc in ấn và phát hành lịch, việc xâm phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến. Khi tác giả phát hiện thì họ được trả nhuận bút cho một lần sử dụng. Trong khi thực tế, đơn vị trả nhuận bút lại sử dụng nhiều lần. Kể cả một số đơn vị doanh nghiệp lấy ảnh để đăng quảng cáo, khi bị tác giả phát hiện, đơn vị đó xin lỗi hoặc gỡ ảnh xuống. Do đó, đến thời điểm hiện tại, nhiếp ảnh vẫn là lĩnh vực chưa tìm ra giải pháp để có thể giải quyết triệt để tình trạng vi phạm bản quyền.

Gia tăng các thiết chế trong bảo vệ bản quyền

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong 4 tháng cuối năm, Cục Bản quyền tác giả sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ chính như: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phần quyền tác giả, quyền liên quan; Tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ -TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan; Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Hiệp ước WCT (Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả), Hiệp ước WPPT (Hiệp ước biểu diễn và bản ghi âm); Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị gia nhập Hiệp ước Marrakesh… Trong quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực thi một cách quyết liệt quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tổ chức nghiên cứu, xây dựng nội dung truyền thông về công nghiệp văn hóa; phối hợp tham gia xây dựng nội dung về công nghiệp văn hóa, đóng góp vào các báo cáo ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan.

Đây là những căn cứ pháp lý được xem là xương sống để từng lĩnh vực ngành triển khai trong công tác thực thi chống vi phạm bản quyền. Nhưng khi quy định, thậm chí là luật vào thực tiễn đã nảy sinh không ít bất cập. Tại Hội Mỹ thuật, dù có Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thì việc thẩm định tranh giả, tranh thật vẫn còn là ẩn số.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Vi Kiến Thành, thừa nhận, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam đang đứng trước những khó khăn lớn, đó là thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có cũng rất sơ sài, chung chung, khó áp dụng. Chưa kể, tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài” đang là suy nghĩ đè nặng trong nhiều người. Do đó, dù được thẩm định thủ công theo kinh nghiệm thì kết quả đa phần đều không thể khiến người trong cuộc “tâm phục, khẩu phục”. Bên cạnh đó, các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để làm các kiểm tra kỹ thuật hiện hoàn toàn nhờ vào con người, máy móc của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an)… cũng là một hạn chế của Trung tâm khiến cho chi phí, thời gian giám định tác phẩm nghệ thuật bị tăng lên cũng là nguyên nhân khiến nhiều tác giả không mặn mà gửi tác phẩm đến Trung tâm thực hiện giám định.

Và cũng vì rất nhiều lý do, mà đến nay dù Trung tâm đã hoạt động cả năm, song vẫn “ế khách”. Trong khi đó, để có thể  bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình nhiều người buộc phải thực hiện theo cách riêng. Đạo diễn Việt Tú, người đã theo đuổi vụ kiện bản quyền chương trình thực cảnh “Ngày xưa” cho rằng, để tránh tranh chấp không mong muốn, các nghệ sỹ nên lưu trữ cẩn thận trong quá trình sáng tác, phải thấu hiểu về luật và tiến hành đăng ký bản quyền sản phẩm do mình sáng tạo. Còn luật sư Quách Minh Trí thì đưa ra lời khuyên, những chủ thể sáng tạo hãy tự bảo vệ trước khi nhờ đến pháp luật bảo vệ mình. Cụ thể, các chủ thể sáng tạo cần tuyên bố sở hữu đối với những sản phẩm của mình, tức là đi đăng ký bản quyền tác giả ngay khi ra mắt công chúng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp đầu tiên (có thể) thực hiện để bảo vệ đứa con tinh thần của một cá nhân, nhưng khi tác phẩm đó đã được số hóa thì vấn đề bản quyền cần phải được nhìn nhận ở góc độ pháp lý trên phạm vi toàn cầu (các công ước về quyền tác giả). Một tác phẩm khi đã được số hóa có thể sao chép một cách dễ dàng, nhanh chóng, không chỉ chi phí thấp mà chất lượng cũng đạt đến độ hoàn hảo. Chỉ cần có mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh là bất kỳ ai cũng có thể truy cập, sử dụng tác phẩm theo ý thích của cá nhân. Đây là điểm mạnh của công nghệ, song cũng là gót chân Asin của không ít quốc gia trong thực thi bảo vệ quyền tác giả. Đó là những lỗ hổng trong Luật bản quyền khi chưa lường hết những điều khoản về tái bản, trình chiếu v.v...

Tại Việt Nam, việc thực thi bản quyền còn có sự chồng chéo về trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhà quản lý. Hình phạt và mức hình phạt dành cho hành vi xâm phạm bản quyền vẫn chỉ mang tính giáo dục, răn đe khiến cho nạn ăn cắp bản quyền ngày càng trở nên phổ biến. Để có thể duy trì việc bảo hộ hiệu quả bản quyền trong kỷ nguyên số hóa, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, xã hội, trong đó vai trò quan trọng không chỉ là Cục bảo vệ Bản quyền mà còn là sự phối kết hợp của Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông trong đấu tranh chống nạn ăn cắp bản quyền trong và ngoài nước. Cần xây dựng cơ chế phối hợp vừa chặt chẽ, vùa phù hợp với những chuẩn mực quốc tế, nhằm từng bước ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền. Từ đó, sớm trả lại môi trường sáng tác, thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật lành mạnh cho toàn xã hội.

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm