April 19, 2024, 1:41 am

Bạn đọc của nhà văn

Bài 5

1.

Một cuốn sách của bạn đã được xuất bản. Việc đầu tiên được bạn thực hiện ngay là gửi cuốn sách ấy  với lời đề tặng trân trọng đến  các nhà lý luận phê bình, các giáo sư, tiến sỹ, các nhà văn, các nhà báo trấn  giữ các mục văn hóa văn nghệ trên các báo nói báo hình báo in. Quan trọng lắm! Họ là những độc giả chuyên nghiệp. Họ là những siêu độc giả. Họ là người cầm cân nẩy mực. Họ có chữ, có tiếng nói, có phương tiện truyền bá là các trang sách trang báo, có diễn đàn. Nghề nghiệp, uy tín và năng lực của họ cho họ cái  quyên năng phán bảo giá trị cuốn sách của bạn. Họ sẽ nhận định đánh giá cuốn sách của bạn từ chủ đề tới  cốt truyện, từ cách xây dựng nhân vật đến khả năng sử dụng ngôn ngữ. Nhận xét của họ thường là chính xác. Và như vậy số phận cuốn sách của bạn thế là đã được định đoạt.

Cuốn sách của bạn, nhờ họ có thể trở thành best-seller. Các nghiên cứu sinh sẽ vồ lấy cuốn sách của bạn để viết luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Sách của bạn sẽ được tái bản liên tục. Nó sẽ được dịch ra tiếng nước ngoài. Sẽ nhận được các giải thưởng danh giá này nọ. Sẽ được người đọc rồng rắn xếp hàng từ 5 giờ sáng trước các hiệu sách để để mua và xin chữ ký của bạn. Như dân New Yook xếp hang mua Ipad. Như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở ta. Như cuốn Harry Potter của nhà văn Anh  J.K Rowling, hay cuốn Mật mã Da Vinci, cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới, 40 triệu bản, của Dan Browm, nhà văn Mỹ. Tất nhiên, cũng có thể cuốn sách của bạn bị các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp này đánh giá là kém cỏi và nó rơi vào khoảng không vô tăm tích!

Vậy là, có sáng tác thì có phê bình. Nhà văn sáng tác và nhà lý luận phê bình, một cặp bài trùng, một hình ảnh sóng đôi. Nhưng, đọc sách của bạn, ngoài các độc giả có chức năng chuyên biệt ấy ra, còn có ai nữa không? Có chứ! Giả dụ, sách của bạn in 800 bản thì bỏ rẻ ra thì cũng đã có tưng ấy trăm người đọc cuốn sách ấy của bạn rồi. Số bạn đọc này thuộc đủ các thành phần trong nhân dân. Có thể là một em thiếu nhi, một bạn sinh viên, một bác nông dân, một chị công nhân và cả một giáo sư nữa. Những người này không có sách của ta biếu tặng, họ bỏ tiền túi ra mua sách của ta như mua một loại hàng hóa. Họ vô danh trong nghề phê bình văn chương. Bạn không quen biết họ. Nhưng họ không vô tình với sách của bạn đâu. Trái lại. Và bạn hãy tin tôi đi. Quan hệ giữa nhà văn và các bạn đọc này đâu có ít điều tốt đẹp, sự chân tình và cảm động 

 

2.

Cảm động làm sao một hôm đang đi bộ trên đường Liễu Giai thì anh gặp một ông lão đi ngược chiều. Gặp anh, người nọ chợt sững lại. Rồi bất thình lình chìa tay ra. Xin lỗi. Ông có phải là nhà văn TXK? Tôi thấy anh tóc đã bạn nhiều, không còn trẻ như trong tấm ảnh in ở bìa cuốn tiểu thuyết của anh in lần đầu năm 1989 viết về nông thôn. Quyển gì nhỉ? Đấy, tuổi tác tệ thế, tôi quên mất tên rồi. Quên mất tên rồi, nhưng hồi ấy, chúng tôi là một nhóm kỹ sư nông nghiệp đang chỉ đạo vụ xuân ở Thái Bình, rất thích cuốn đó. Nhất là cái cảnh mùa gặt anh tả trong sách. Nghe vậy anh có giận ông lão không? Tuyệt nhiên là không rồi. Cũng vậy thôi. Một hôm khác, đang ngồi chơi trong công viên Thống nhất thì có một nhóm các chị tập dưỡng sinh đi qua. Các chị nhìn tôi có chuyện gì mà cười rúc rích thế? Dạ! Chúng em biết bác rồi. Bác ơi! Mỗi gia đình phải góp cho xã hội một thằng khốn nạn, không thì xã hội tốt quá, đó là một câu nói của một nhân vật bác viết trong cuốn tiểu thuyết gì của bác ấy nhỉ? Cuốn tiểu thuyết gì của bác ấy nhỉ? Làm sao mà các chị nhớ được. Các chị có cả trăm ngàn công việc cần nhớ ấy chứ. Nhưng nhớ được một câu văn, một cảnh trí, một nhân vật trong truyện như thế là cũng đủ ấm lòng người viết rồi. Nhiều nhà văn bạn tôi, kể rằng anh rất bất ngờ khi nhận được một cú điện thoại chúc mừng sinh nhật của một người không xưng tên chỉ nói là bạn đọc của anh; hỏi ra thì mới biết bạn đọc này xem sách của anh, lại nhớ đến cả mấy cái chi tiết về nhân thân của anh in ở bìa sách. Đáng tự hào lắm chứ vì có một bạn đọc chưa hề quen biết ở Hải Dương, chẳng hẹn hò gì, qua bưu điện gửi đến cho anh một cây thuốc quý để  anh trồng trong vườn vì nghĩ bác nhà văn rất hay tả cây cối trong văn. Một anh lái ta xi, trò chuyện trên quãng đường xa, khoe cùng quê Khoái Châu với  nhà văn Lê Lựu và khi biết anh cũng là nhà văn thì xin chụp với bác một kiểu ảnh và nhất quyết không lấy tiền công. Một ông giám đốc công ty chuyên sản xuất rượu cho phụ nữ tìm đến nhà thăm anh kèm theo hai chai rượu đặc sản, hỏi vì sao biết địa chỉ, liền cười đáp rằng: đến đây, hỏi nhà nhà văn ai mà không biết!

         Người dân mình qua các bạn đọc không quen biết thổ lộ những thiện cảm đặc biệt dành cho nhà văn ta! Nhiều nhà văn nói với tôi điều này và tôi cũng cảm thấy như thế

 

3.

Một cuốn sách của tôi đã được xuất bản. Một tháng trôi qua. Sáu tháng đi qua. Không một hồi âm. Tình cảnh chung là như thế. Năm 1976, tôi về làm biên tập ở Nhà xuất bản Lao động. Kế hoạch xuất bản sách văn học năm đó là 7 đầu sách. Tết  2018 vừa rồi đến Nhà xuất bản, hỏi, cô Võ Kim Thanh giám đốc đáp: Dạ, trên dưới 1000 cuốn đủ các loại ạ. Cả nước hiện có 63 Nhà xuất bản. Thống kê cho biết mỗi năm cho ra lò khoảng 30.000 đầu sách. Sách của tôi lọt thỏm vào cả một đại dương sách bao la. Thành ra nhận được thư của bạn đọc nhỏ tuổi viết: Bác ơi, trong cuốn truyện Gặp gỡ ở La Pan Tẩn bác viết hai từ chấn chở nhưng cháu nghĩ phải viết “trấn trở” mới đúng ạ. Còn hai từ hài xảo sao ở trang khác bác lại viết  “hải sảo”. Vây cái nào đúng hơn? Thì tôi cũng đã thấy lòng hửng lên một niềm vui nho nhỏ rồi. Huống hồ, cũng là một bạn đọc nhưng lớn tuổi hơn đọc truyện ngắn Trái chín cây của tôi in trên Văn nghệ số Tết Giáp Ngọ 2014, gọi điện cho tôi nói rằng, trong truyện ngắn đó, anh đã học được khoảng một chục chữ mới nhưng anh chê tôi có 1 chỗ chữ dùng không đúng. Một bà mẹ ngoài bắc sao lại có thể trách con gái là mi chẳng học được gì ba mi cả. Chà, nhà văn là những người làm việc với với từng từ một, nay mừng làm sao bạn đọc của tôi đã chẳng phụ lòng tôi, biết thưởng thức từng chữ một trong câu văn của tôi. 

 

3.

Chỉ là mấy cái lặt vặt, như những hạt sạn li ti cháu muốn góp ý với bác thôi, bác đừng giận cháu nhé! Đó thường là những câu kết trong những cú điện thoại, những lá thư các bạn đọc trẻ tuổi chưa hề quen biết tôi gửi cho, góp ý nhận xét về những trang viết của tôi. Nhưng đâu chỉ là những cái lặt vặt, những hạt sạt li ti không đáng kể và tôi làm sao mà giận cháu được. Trái lại là khác. Và bây giờ thì không còn là chuyện nhỏ nhặt trong câu chữ ở sách của mình nữa rồi. Nguyễn Tuấn Khanh, một độc giả trẻ, tôi chưa hề gặp mặt, cho biết anh ở Số nhà 25, Tổ 8, Phường Thạch Bàn, Quận Long Biên,  Hà Nội, khoe đã có trong tủ sách gia đình 21 tác phẩm của tôi. Đọc tiểu thuyêt Chuyện của Lý, Nxb Hội Nhà Văn 2013 của tôi, Khanh  gọi điện cho tôi, nói: Chương 7 của cuốn Chuyện của Lý bác viết rất hay. Nhưng chương 24 bác viết: “Mở cái tủ lạnh, ông nhận ra, cá thu kho, tôm càng xanh tẩm bột rán, nem cua bể… vợ chồng anh con cả sửa soạn cho, còn đủ cả, mà ông chẳng buồn ăn”. Theo cháu, năm đó, hòa bình mới lập lại, tủ lạnh chưa phổ biến và trong tủ lạnh thức ăn không thể phong phú như thế được ạ! Dạ, thưa bác, Khanh nói tiếp, cũng năm đó theo anh nhớ là chưa có thể lệ học sinh có số điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ được nhận vào thẳng đại  học mà tôi viết ở trang 437: Lý đã dành được số điểm cao tuyệt đối trong kỳ  thi tôt nghiệp và  như vậy là em được nhận vào đội tuyển quốc gia và sau đó được một trường đại học ở Thủ đô tiếp nhận không cần qua sát hạnh.  Viết thế, cháu e là chưa chính xác!

- Cám ơn Khanh! Tôi đáp. Để bác xem lại. Đó có thể là sơ xuất của bác

- Thưa bác, được bác khuyến khích cháu xin nói tiếp: Trong tiểu thuyêt Gặp gở ở La Pan Tẩn, Nhà xuất  bản Hội Nhà văn 2012, ở Chương ba có tên Chiếc kẻng sắt, trang 47, tác giả  kể  lại sự kiện thầy giáo Thiêm buổi chiều trên đường trở về sau khi xuống chợ huyện bán 40 cây trúc lấy tiền xây dựng trường lớp,  thấy chiếc vành bánh xe ô tô ở lòng suối, đã đào lên và bằng sức mình tự địu về rất khó nhọc. Xin hỏi: Tại sao thầy Thiêm lại phải tự địu cái la-giăng ô tô quá nặng ấy về? Vì cũng ở chương đó, trang 43, có kể buổi sáng khi thầy Thiêm xuống chợ huyện với 40 cây trúc có con ngựa bạch thồ giúp kia mà. Con ngựa đâu sao không thồ cái la-giăng ô tô cho thầy? Cuối cùng cháu xin nói thêm ý này nữa. Trang 178, tác giả tả con dấu Ủy ban nhân dân xã: Đè lên chữ ký của ông chủ tịch rõ rành là những đường nét nhờ nhờ đỏ của con dấu cấp xã có khuôn hình chữ nhật thật. Dấu UBND xã hồi đó đúng là hình chữ nhật thật. Nhưng mực dấu là mực đen chứ không phải mực đỏ, bác nhà văn à!  

 

4.

Ôi, các bạn đọc trăm tai nghìn mắt của tôi! Trong cuốn Chim én liệng trên cao Nhà xuất Kim Đồng in năm 2016 của tôi được các nhà phê chuyên nghiệp khen là viết rất kỹ. Vậy mà tôi đã bị một độc giả không xưng tên gọi điện bảo rằng: Ở trang 212, nhà văn cho nhân vật Kim khoe: Ở Đại hội tâp sau rèn cán chỉnh quân năm 1951 ở Phú Thọ tôi bịt mắt tháo lắp khẩu các bin chỉ mất có mười lăm phút. Thời gian 15 phút như thế là quá lâu. Cháu tháo lắp chỉ mất 5 phút thôi. Vì bác nên nhớ là súng Mỹ nó chế tạo để các bộ phận nó tháo lắp rất dễ.

Thêm nữa, cũng ở trang 212 đó, bác viết: Kim gật đầu. Vừa lật ngang lật dọc khẩu súng vừa rổn rảng: Tôi ra phố chơi. Nghe dân nói, hồi bọn lõ ở đây (theo cháu hiểu đây là Sa Pa, chân Phan Si Păng) có hôm xăng ô tô của chúng còn đóng băng kia. Không đúng! Ở âm 7 độ xăng mới đóng băng. Đây chỉ là nước làm mát động cơ đóng băng thôi, bác ạ.

- Bác xin phép bác nói nữa được không ạ? Độc giả nọ hỏi.

- Quá tuyệt vời! Tôi đáp

- Đây! Chương mười lăm, Phần hai, trang 345, bác cho Tri châu Vi Văn Dẻn khen anh Kim chiến sĩ  quân báo khi hai bên giáp mặt nhau: - Bravo! Hoan hô! Anh có giọng hát đẹp ngang Robert Tino, ca sỹ Ý đại lợi trứ danh danh đấy. Không đúng về thời gian. Robert Tino 1947 mới sinh. Lúc câu chuyện đang diễn ra là khoảng năm 1952, 1953, ta đang mở chiến dịch Tây Bắc. Nghĩa là Robert Tino mới có 5 tuổi. Xin nhớ 12 tuổi Robert Tino mới đi đánh giầy, mới được phát hiện là có giọng ca vàng!

 

5.

Trời! Đến đây thì tôi thật sự hoảng hồn. Vì câu chuyện càng lúc càng trở nên nghiêm trọng hơn nữa rồi. Cô Thùy Dương ở Công ty TNHH Đinhtibook trong một lá thư dài gửi cho tôi, cho biết tôi đã sơ xuất sai lầm khi định tuổi tác cho hai nhân vật: Ông Quyết Định bí thư tỉnh ủy và vợ ông tên Yên trong cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa của tôi. Cô viết: ở chương X trang 192 bác cho nhân vật Yên vợ  Bí thư tỉnh ủy Quyết định nói: Yên tuổi Canh Tý, mệnh Thổ đất ở đầu vách. Cũng ở chương đó, trang 193, nhân vật này nói tiếp: Anh Quyết Định cũng tuổi Tý, mệnh Thủy. Như vậy lúc câu chuyện đang diễn ra là năm 1972, ông Quyết Định chưa đến 40. Vợ ông chưa đến 30. Như thế, tính chi li ra thì làm sao năm 1945-46, mới chỉ khoảng 9,10 tuổi ông Quyết Định đã có thể một mình một ngựa đi vào vùng thổ ty thuyết phục họ đi theo chính phủ cụ Hồ như tác giả đã miêu tả ở các trang trước đó? Lại nữa, ông chồng mệnh Thủy, vợ ông mệnh  Thổ. Thủy phá Thổ, làm sao mà hợp nhau được tuy khởi đầu là anh hùng gặp giai nhân thật!

Chết cha tôi rồi! Đâu còn là một sai lầm li ti nho nhỏ nữa. Mà là một cái lỗi to đùng của tôi! Tôi đã cám ơn cô Thùy Dương và ở lần xuất bản gần đây, năm 2017, tôi đã chữa lại như sau: Ông Quyết Định sinh năm 1922, tức Nhâm Tuất, mạng đại hải thủy, nước biển lớn. Như vậy, vào năm xẩy ra câu chuyện, ông bí thư xấp xỉ 50. Yên, vợ ông sinh năm 1936, tuổi Bính Tý, mạng giản hạ thủy, nước mù sương, kém chồng 16 tuổi. Vào năm xẩy ra câu chuyện, Yên khoảng 34 tuổi. Vào tuổi Nhâm Tuất, cuộc sống của ông Quyết Định có nhiều thay đổi. Thuở nhỏ thường bị đe dọa tật ách. Có tình duyên đẹp. Nhưng cũng hay bị đố kỵ. Năm 49 tuổi ông bị sao Kế Đô chiếu mệnh (chứ không phải sao Thái Bạch) Cũng là do mầm bệnh có từ hồi nhỏ bị rắn độc cắn bộc phát. Tuổi của Yên: Cuộc sống có nhiều may mắn, nhẹ nhõm, từ 21 đến 25 tuổi, tài lộc tươn đối sung mãn. Từ năm 31 tuổi hay gặp thị phi, trắc trở. Thế đấy! Đã xem xét nhân vật dưới góc độ của lý số thì phải cần chính xác như vậy. Tôi nhận được bài học này từ nữ độc giả thầm lặng của tôi!

 

6.

Tất nhiên, đâu chỉ còn là chuyên câu chữ. Một ngày cuối năm 1989, khi cuốn tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú của tôi được Nhà xuất bản Lao động ấn hành, tôi nhận được một lá thư viết tay ba trang đặc chữ, một kiểu chữ cổ của người có học, nắn nót, trên nên giấy bản mỏng. Nội dung lá thư đại ý: Ông đã đọc cuốn sách này của tôi. Ông đặc biệt chú ý đến mấy trang đầu ở chương 2 của cuốn sách, ở đó tôi miêu tả một đám tang của một thầy giáo. Ông chê tôi viết còn sơ sài và bảo, nếu miêu tả một đám tang cổ kỹ càng hơn thì sẽ gây được xúc động hơn. Tiếp đó, ông viết liền ba trang chữ đặc miêu thuật lại một cách tỷ mỉ cách thức tổ chức, tiếp biến một đám tang cổ như thế nào và gửi cho tôi. Lúc đó, tôi đã không sao tìm được ông để cám ơn ông. Vì cuối lá thư, tên ông chỉ có ba chữ: Thép đã tôi. Mấy năm sau dò hỏi thì được biết ông đã có thời gian làm việc ở Viện Bác cố Viễn Đông và đã khuất núi hơn năm rồi. Sau này, nhờ lá thư của ông, tôi đã phục dựng lại cảnh trí một đám đám tang ở chương mười bảy trong cuốn Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Một đám tang cổ, với đủ cả lễ nghi thể thức xưa cũ tạo nên một bầu không khí vô cùng trang trọng, xứng đáng là cuộc tiễn đưa một nhân vật kỳ dị, người ông nội của thầy giáo Thiêm về nơi an nghỉ cuối cùng. Cũng ở cuốn sách này của tôi, trong một trang viết, tôi có nhắc lại câu nói của F.Engels, đại ý: Cuộc cách mạng nào cũng có cái ngu xuẩn của nó. Khổ! Câu chữ này vào thời điểm đó hiển nhiên đã gây nên cả một dư luận xôn xao, còn tôi thì thật sự rơi vào trạng thái vô cùng nao núng. Thì may thay, một bạn đọc, Phó Giáo sư Trần Đình Huỳnh, công tác ở Học viện Chính trị Hồ Chí Minh đã chống lưng cho tôi, qua điện thoại chỉ cho tôi hay, câu ấy trích ở trang nào, cuốn nào, tập nào trong Bộ Marx-Engels tuyển tập. Còn một giáo sư xã hội học tài năng, hình như là anh P.T thì phải, đã viết cho tôi cả mấy trang giấy dài, nói rõ cho tôi biết thế nào căn bệnh suy nhược tâm thể mà nhân vật Đặng Trần Tự của tôi đã phải chịu đựng trong hoàn cảnh sống bế tắc như tiểu thuyết đã mô tả, nhưng tôi viết chưa đến nơi đến chốn!

 

7. 

Không thay thế vị trí chủ công của lớp độc giả chuyên nghiệp trong việc định giá mộtcuốn sách, một tác gia, một giai đoạn văn học... Nhưng với ai thì không biết chứ với tôi thì sẽ là một khoảng trống vắng lớn, nếu không có những bạn đọc tôi vừa kể trên, những độc giả “không quân hàm”, không quen biết, đa năng đa thức, bách khoa toàn thư. Sau cùng tôi cũng xin nói thêm một ý nhỏ nữa. Cũng thuộc lớp độc giả nàyphải kể đến chính là các biên tập viên, nhân viên sửa bản bông, các morassier ở các tờ báo, các tạp chí, các nhà xuất bản. Họ là những người đầu tiên đọc bản thảo của anh. Họ là những người đánh giá, rồi góp ý sửa chữa, nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật cuốn sách của anh. Họ sửa chữa các sai sót về logic, về kiến thức trong sách của anh. Câu thơ nguyên văn là thế này: Nghĩa người tôi để trong cơi. Nắp vàng đậy lại để nơi mùng nằm. Mà đánh máy và do anh không soát lại cẩn thận, nên trên bản thảo lại thành Nghĩa người tôi để trông coi. Thì hỏi rằng câu thơ còn ra thế nào. Hiệp ước Patenôtre đúng ra là năm 1884. Câu thơ này là của Hàn Mặc Tử chứ không phải của Nguyễn Bính. 1950 là năm Canh Dần chứ không phải như viết trong bản thảo. Câu thành ngữ trích trong Chương 10 phải là thế này mới đầy đủ. Cuộc gặp gỡ của nhân vật A và B phải là buổi chiều thứ bảy như mọi lần mới hợp với logic. v.v… Không kém phần quan trọng, họ giúp anh loại trừ những thiếu sót li ti thôi, nhưng làm giảm thiểu ít nhiều đến sự hoàn bị cuốn sách của anh. Những sai sót về chính tả của anh chẳng hạn .Vì nghe nói, có lúc Tô Hoài nói vui: Không  nhầm  tr, ch, s, x… không phải là nhà văn (!?)

Một cuốn sách đã ra đời. Hạnh phúc làm sao khi thấycông trình của mình đang được nâng niu trên tay bạn đọc, trong đó ngoài các bạn cùng giới nhà văn, còn là đông đảo độc giả, những bạn đọc không quen chưa quen biết, trân trọng với mỗi ý tưởng câu chữ, nghĩa là văn chương của mình hay dở đều được soi ngắm đến chân tơ kẽ tóc. ./.

Nguồn Văn nghệ số 42/2018

 


Có thể bạn quan tâm