April 25, 2024, 10:35 am

Bài thơ " Cơ nhỡ" qua lời bình của Hà Quảng

 

Vũ Tú Nam người từng là Tổng thư kí Hội Nhà Văn Việt Nam (khóa IV).  Là em của nhà thơ Vũ Cao tác giả bài Núi đôi nổi tiếng. Bên cạnh hàng chục tác phẩm văn xuôi, về thơ Vũ Tú Nam sáng tác đến trăm bài, đã công bố 5 tập thơ: Gửi em (1991) Người và gió (1996), Trái chín (2000), Chào tiễn thế kỷ 20 (2003) và Túc tắc (2009). Nhiều bài thơ viết về gia đình, tình yêu, khi nhà thơ vừa độ chín trong tuổi tác và sáng tạo ông đã viết bài thơ Cơ nhỡ khá ấn tượng với bạn đọc nhiều lứa tuổi. Bài thơ tô đậm một triết lý sâu sắc về mối quan hệ giữa thời gian và tình yêu, nghệ thuật và đời sống. Mùa Xuân có trôi qua, hình hài có tàn phai, chỉ tình yêu làm cuộc đời cũng như thơ ca, nghệ thuật tươi thắm mãi!

         CƠ NHỠ

 

Đã qua rằm tháng giêng

Cành đào quăng trước ngõ

Con ong nào cô đơn

Cuống quít bên hoa úa

 

Đào chẳng còn mật ngọt

Ong vẫn sục vẫn đòi

Đào còn đâu hương sắc

Mà ong say miệt mài

 

Ơi con ong cơ nhỡ

Giữa mùa xuân ngẩn ngơ

Phải chăng đào đã hứa

Ong đã nguyền cùng hoa?

                     (Tạp chí Thơ 9/2008)

Bài Cơ nhỡ trên đây có tứ lạ giàu tính biểu tượng, có hai trường nghĩa lồng vào nhau. Trường nghĩa thứ nhất, kể chuyện một con ong hẩm hiu cơ nhỡ, giữa ngày xuân không may mắn lạc vào chốn trăm hồng ngàn tía mà chỉ gặp một cành đào úa tàn qua nguyên tiêu ai đem quăng trước ngõ. Ấy thế mà con ong cô đơn mừng vui cuống quít: Con ong nào cô đơn/ Cuống quít bên hoa úa. Cái cảm giác mừng vui đến “cuống quit” của con ong sao mà xúc động lắm vậy!

Để rồi:

 Đào chẳng còn mật ngọt 

 Ong vẫn sục vẫn đòi

 Đào đâu còn hương sắc

 Mà ong say miệt mài.

Khổ thơ thật sống động, tả chim chóc cây cỏ mà gợi cảm một niềm hoan lạc trần thế! Ca dao có câu Ra đường gặp cánh hoa rơi/ Hai tay bưng lấy cũ người mới ta/ đã quá nhân đạo vì cái tình người trong đó vượt qua tập tục và dị nghị, bộc lộ rõ tâm tình người nông dân ngày xưa, câu ca đẹp một cách giản dị và thô mộc. Câu thơ của Vũ Tú Nam có yếu tố tự sự vưà xen đan trữ tình, tả việc nhưng cũng đầy tâm trạng, nên cụ thể sống động và dạn dĩ! Ong ham hố và say sưa, dẫu đào không còn mật ngọt và hương sắc, thời gian có làm cho hình hài tàn phai, thì cũng vẫn đốt cháy lên một tình cảm đam mê trọn vẹn. Tình yêu làm cho vẻ đẹp hình hài tàn phai được tái sinh ngọt ngaò và mới mẻ như buổi ban đầu! Cũng cần hiểu đằng sau cái ham hố miệt mài đó không phải là thứ tình cảm thoáng qua thuần bản năng, mà có cái gì sâu xa hơn. Cái đó như là sự gặp lại nhau của đôi tình  nhân tri kỷ  sau bao tháng ngày chia phôi sau bao tháng ngày trông chờ vì hoàn cảnh éo le?

Ơi con ong cơ nhỡ

Giữa mùa xuân ngẩn ngơ

Phải chăng đào đã hứa

Ong đã nguyền cùng hoa?

Hiện thực mà như mơ, thực và mơ quyện vào nhau trong một niềm say đắm. Phải chăng những bông hoa muộn màng đó đã từng cùng ong hứa hẹn và ngược lại con ong cơ nhỡ đã từng thề nguyền cùng hoa: Phải chăng đào đã hứa/ Ong đã nguyền cùng hoa? Họ đã từng trông chờ và đã gặp nhau trong vô thức! Mới nhưng mà cũ, lạ nhưng mà quen. Tình yêu ong - hoa vượt qua thời gian vượt lên hình hài để có mùa xuân vĩnh viễn.

Hình tượng thơ giàu tính liên tưởng, một tình yêu đầy hương vị trần thế nhưng không thô kệch sỗ sàng. Đã có lần người viết bài này ngỡ ngàng trước câu thơ của X.Êxênhin Người ta yêu em đến nhàu nát, người ta chiều em đến sờn mòn… nhưng tình yêu đã xóa đi mọi mặc cảm, đối với thi sĩ em vẫn thân thương. Tình yêu không mảy may gợi dục. Nhục thể đấy mà cũng thật trang nhã! Gặp lại ở bài Cơ nhỡ cũng cái cảm giác đó...

Trường nghĩa thứ hai: Thơ hay nó hư hư thực thực, nói vậy mà không chỉ có vậy, nói cái này trực cảm cụ thể mà xui ta nghĩ đến cái kia trừu tượng khái quát! Bài thơ nói về mùa xuân về tình yêu nhưng nó còn gợi lên trong tâm tư người đọc một ý tưởng rộng lớn hơn không chỉ về tình yêu mà còn về nghệ thuật về thơ ca! Cái thi hứng, cái say nồng của tâm hồn là quyết định của sự sáng tạo! Bình cũ mà rượu mới, bình hư hao mà rượu say nồng thì vẫn mê hoặc người ta và tạo cái đẹp cho đời!

Hà Quảng

Nguồn Văn nghệ số 1/2023


Có thể bạn quan tâm