April 26, 2024, 12:51 am

Bài học biết ơn từ những điều giản dị

Xem con lớp một chào cờ

 

Xem con vào học online

Tiết đầu buổi sáng thứ hai chào cờ

Tròn đen đôi mắt ngây thơ

Bàn tay nhỏ nhắn vừa đưa lên chào

 

Lá cờ lồng lộng trên cao

Kéo lên trong tiếng nhạc bao trầm hùng

Rồi khi tất cả đã xong

Con thơ hỏi bố với lòng băn khoăn

 

“Đã bao lần, đã bao lần

Con chào cờ với tinh thần nghiêm trang

Mà sao cờ chẳng chào con

Cứ im lặng mãi như buồn thật lâu?”

 

Mỉm cười bố khẽ xoa đầu

Lắng nghe trong gió thật sâu có lời

Cờ chào con đấy con ơi

Bằng bao xương máu của người hy sinh!

 

Lời bình của Nguyên Tô

Đỗ Anh Vũ là một tâm hồn đa giọng điệu. Đọc anh, như chạm tới cái vô cùng của dòng chảy cuộc sống. Một Vũ bỡn cợt, hóm hỉnh, cái nhìn xuyên vào những góc mới lạ như một phát hiện độc đáo những vấn đề nhạy cảm mà nhiều người không dám động bút đến của lịch sử văn chương. Có khi lại là những nốt phiêu linh trên khuông nhạc lãng đãng tình đời, nhưng trong tình yêu lại là Vũ rất thâm trầm… Mỗi cách Vũ viết đều khiến tôi có nhu cầu tìm để hiểu. Nhưng tôi thích nhất Người Cha ở Đỗ Anh Vũ. Có lẽ vì sự thiếu hụt tình phụ tử ở các con tôi, nên cách yêu thương của Vũ dành cho những đứa trẻ luôn làm tôi cảm động chăng?

Xem con lớp một chào cờ là một tác phẩm khiến tôi xúc động. Vũ viết bài thơ vào đúng thời điểm dịch bệnh covid đang cuộn dâng mọi ngả Hà Nội. Bài thơ của Vũ vì thế bao gồm cả thế sự và thời sự, yêu con và nhắn nhủ con niềm tự hào về lịch sử cha ông. Tất cả gói trọn trong ngôn từ giản dị nhưng thấm đượm yêu thương, trăn trở, xót xa và đầy tự hào.

Dịch bệnh là một điều không ai mong muốn. Song cuộc sống luôn có những biến cố khiến chúng ta rơi vào nghịch cảnh, có người lựa chọn cách vẫy vùng chống đỡ, có người chọn cách thích nghi, và có người chọn cách tận dụng nghịch cảnh để thay đổi bản thân và tìm kiếm những giá trị tích cực của cuộc sống. Vũ đã trải nghiệm nghịch cảnh đặc biệt ấy bằng tình cảm ân cần dành cho con trai của mình. Bài thơ Xem con lớp một chào cờ vì thế xứng đáng là một câu chuyện đáng nhớ của Vũ với con trai và cũng là của tất cả của chúng ta, ghi lại lịch sử tâm trạng của những tháng ngày tưởng như buồn tẻ nhưng lại có giá trị thức nhận hơn bao giờ hết.

Xem con vào học online

Tiết đầu buổi sáng thứ hai chào cờ

Tròn đen đôi mắt ngây thơ

Bàn tay nhỏ nhắn vừa đưa lên chào

Tôi thích lối vào đề rất tự nhiên của Vũ. Dù bài thơ anh viết cho con trai bé bỏng nhưng lại cho tất cả chúng ta, từ sự việc thường nhật trong gia đình, anh đã khái quát thành vấn đề thời sự mang tính lịch sử. Đó chính là cái tài của Vũ, lấy nhỏ mà nói lớn, tâm sự cùng con nhưng chính là thói quen chất vấn mình và gửi gắm những thông điệp tích cực tới mọi người. Vũ là người cha có tâm. Dĩ nhiên không chỉ Vũ, mà sau màn hình của buổi học online đã có bao ông bố bà mẹ như anh, đau đáu về tất cả: sức khoẻ, sinh mệnh, cuộc sống, công việc và học tập của con trẻ. Câu thơ thứ hai của Vũ đã tái hiện lại nghi thức giản dị nhưng thiêng liêng của mỗi buổi chào cờ sáng thứ hai. Câu thơ truyền vào tôi những cảm xúc tự tuổi ấu thơ thần tiên. Tôi như thấy tôi hồn nhiên mỗi sớm đầu tuần, bàn tay nhỏ bé nghiêm trang chào lá cờ đỏ tung bay phấp phới trên cao, trong giọng hát Quốc ca trầm hùng. Cũng là một buổi chào cờ, nhưng thế hệ các con tôi lại nhìn thế giới qua những cửa sổ chat, không phải là màu xanh biếc của vòm trời lộng lẫy mỗi ban mai mà là màu xanh điện tử nhấp nháy từ những thung lũng silicon. Đó là cách mà cuộc sống đảo chiều và cũng là sự thích nghi tuyệt vời của con người. Chỉ với bốn câu thơ Vũ đã tái hiện những khoảnh khắc lịch sử đặc biệt của một thời covid: “online- làm việc trực tuyến, “thứ hai chào cờ”- tiết học lịch sử đặc biệt, “đôi mắt thơ ngây”, “bàn tay nhỏ nhắn”- tuổi thơ trong veo nhìn ra thế giới lạ lẫm. Tất cả chúng ta, trong khoảnh khắc đã sống lại những tháng ngày bất ổn đặc biệt nhưng đó chính là một khúc dữ dội trong quy luật tất yếu của cuộc sống. Buổi học cho con, thức nhận của Cha, Vũ đã giản dị và sâu sắc như thế.

Lá cờ lồng lộng trên cao

Kéo lên trong tiếng nhạc bao trầm hùng

Rồi khi tất cả đã xong

Con thơ hỏi bố với lòng băn khoăn

Khổ thơ tái hiện một không gian được truyền tải qua những kí tự điện tử nhưng sự hiện diện không kém phần sinh động. Có bầu trời lồng lộng tô thắm lá cờ Tổ quốc, âm thanh Quốc ca trầm hùng- thế giới của lịch sử với bao thăng trầm, vinh quang. Nhưng hai câu thơ cuối lại thu vào một câu hỏi của đứa trẻ, câu hỏi khiến người lớn phải giật mình. Khổ thơ là hai thế giới đối lập, nhưng Vũ không giải quyết vấn đề ngay, anh dành cho người đọc sự “băn khoăn”. Trăn trở trước thắc mắc của con, ấy chính là tư cách Người Cha của Vũ.

Đã bao lần, đã bao lần

Con chào cờ với tinh thần nghiêm trang

Mà sao cờ chẳng chào con

Cứ im lặng mãi như buồn thật lâu?

Từ trước đến nay, người ta chỉ nghĩ đến/ nói đến “chào cờ” mà chưa ai đặt ra vấn đề “cờ phải chào lại mình” cả. Nhưng đó là thứ logic rất đáng yêu của trẻ thơ. Trẻ thơ lại còn thấy cả việc hình như lá cờ cũng biết buồn.

Thường thì thắc mắc của con, sẽ nhận được cái xoa đầu của cha “mai này lớn lên con sẽ hiểu”. Vũ không như thế, mà anh cùng con đi lý giải những thắc mắc rất đáng yêu. Đứa bé ham hiểu biết, không chấp nhận sự im lặng, mỗi câu hỏi của nó như gõ đến tận cùng mọi thắc mắc. Lúc đó người cha sẽ như một pho sách cổ, đứa bé tin rằng, cha sẽ giải đáp mọi thắc mắc của mình. Cha là tất cả thế giới rộng lớn bên ngoài kia, cho con khám phá và lớn lên từng ngày. Và Vũ đã trả lời con thật âu yếm:

Mỉm cờ bố khẽ xoa đầu

Lắng nghe trong gió thật sâu có lời

Cờ chào con đấy con ơi

Bằng bao xương máu của người hy sinh!

Vũ khích lệ con bằng cái mỉm cười và xoa đầu. Thi sỹ giải thích cho con thật giản dị bằng những tiếng gió vi vút từ sâu thẳm. Vũ không đại ngôn khi nói về lịch sử, vì anh đang trò chuyện với con cũng là nói với chính mình và bao người. Vũ mượn lời ngọn gió, nói đến xương máu của những người đã hy sinh. Để có lời chào con trẻ, lá cờ lồng lộng trên cao đã thấm bao mất mát. Tôi hiểu, thơ Vũ dù ngắn nhưng súc tích, cô đọng. Anh không chỉ trân trọng cống hiến của cha ông trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước mà còn trân trọng hy sinh thầm lặng của những người đã tham gia vào trận chiến covid. Tất cả họ đều là những chiến sĩ. Và máu của người lính dù đổ xuống trong trận chiến với kẻ thù xâm lược hay đấu tranh với dịch bệnh đều đáng trân trọng như nhau. “Bằng bao xương máu của người hy sinh”, câu thơ tám chữ của Vũ đã nói được thông điệp ấy. Giản dị mà thấm thía. Năng lực, cảm xúc của Đỗ Anh Vũ đã truyền vào đó. Một cái kết mở, khiến ta thấm thía và xúc động.

Với đứa trẻ lớp một, giờ học là giờ chơi. Trò chơi là lâu đài của trẻ thơ. Người cha là vòm trời cổ tích của con. Nói với con nhưng để nhắc mình, đánh thức mọi người. Vũ đi từ cái nhỏ: giờ học của con trẻ, để đến cái lớn: tính thời sự xã hội và trân trọng lịch sử, tự hào yêu thương những mất mát, hy sinh của những người chiến sĩ quả cảm trong mọi thời đại. “Một dân tộc không có quá khứ là một dân tộc bất hạnh”, như một triết gia từng nói. Vũ đã mượn câu chuyện của thời đại online để nhắc con trân trọng lịch sử. Biết ơn ngày hôm qua chính là cách sống đẹp cho hôm nay và ngày mai.

Nguồn Văn nghệ số 17/2022


Có thể bạn quan tâm