April 19, 2024, 4:00 pm

Bắc Giang – Nóng bỏng những ngày chống dịch

CƠN LỐC DỊCH BỆNH

Bắc Giang đang sống những ngày nóng bỏng, quay cuồng trong tâm dịch Covid-19. Có lẽ, tất cả người dân tỉnh Bắc Giang chưa bao giờ có trải nghiệm như thế này trong đời. Một cuộc sống hoàn toàn khác với những năm tháng đã qua trước đó. Các chốt kiểm soát dịch bệnh lập khắp các ngõ phố, thôn xóm; loa truyền thanh 5 phút gọi một lần từ sáng sớm đến 24 giờ đêm; tin tức về dịch bệnh được cập nhật từng giờ ở tất cả các nhóm người dùng Zalo, Facebook; các văn bản của chính quyền ký còn ướt mực đã được truyền đi.

Danh sách các F0, F1, F2 được chia sẻ với tốc độ siêu nóng. Cả hệ thống chính trị cùng toàn dân dồn lực cho chống dịch, khẩn trương vào cuộc truy vết các ca bệnh và thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách li. Đúng là “chống dịch như chống giặc” – một cuộc sống đã không còn bình thường nữa. Những người hàng xóm, bạn bè thân quen của tôi đã nhiều người trở thành F1, F2. Riêng F3 thì đã nhiều đến khó kể hết. Tỉnh Bắc Giang cho phép được đi làm tại cơ quan nhà nước và thực hiện tốt 5K. Các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y bác sĩ, công an, bộ đội, thanh niên xung kích đã bắt đầu cuộc chiến cam go, nhiều đêm không ngủ, xa gia đình chưa hẹn ngày về. Tất cả mọi nơi, đều không còn an toàn nữa, ai cũng có nguy cơ trở thành các (F). Lúc này, ai ai trong chúng tôi cũng khát khao cháy bỏng là đẩy lùi Covid – 19 để có một cuộc sống bình thường.

Hàng hóa chuẩn bị cứu trợ công nhân trong khu công nghiệp

Tính đến tối 24/5/2021 tỉnh Bắc Giang có tổng số ca mắc Covid 19 trong tỉnh là 1024 ca, cao nhất Việt Nam. Hiện Bắc Giang có 03 ổ dịch lớn. Ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến bệnh nhân bệnh viện K Hà Nội) có 7 F0 và hiện đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng. Ổ dịch thứ hai là ở Khu công nghiệp Vân Trung và ổ dịch thứ 3 tại Khu công nghiệp Quang Châu đang có những diễn biến phức tạp, những ngày gần đây, nhiều F1 đã chuyển sang F0). Cũng trong ngày 24/5/2021, Bắc Giang đã ghi nhận ca bệnh tử vong đầu tiên do Covid 19 là bệnh nhân nữ 38 tuổi, không có bệnh nền. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định, dự báo tỉnh có có khoảng 5% bệnh nhân nặng, và 2% trong số này có thể tử vong. Khu công nghiệp Quang Châu, công nhân Công ty Hosiden Việt Nam với khoảng 6.000 công nhân có tỉ lệ lây nhiễm cao, chỉ trong vòng một tuần lễ, số lượng công nhân nhiễm SarsCoV2 tăng chóng mặt. Môi trường làm việc công xưởng khép kín, có dùng điều hòa, chính là cơ hội thuận lợi cho virus lây lan. Ngoài ra công nhân của các Công Ty TNHH SamkwangVina, Luxshare đã xuất hiện ngày càng nhiều các ca dương tính với Covid-19. Cơ quan chuyên môn dự báo, vài ngày tới, số lượng F0 tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao, do F1 đã tiếp xúc đến gian đoạn khởi phát bệnh. Ngoài ba ổ dịch trên, đáng lo ngại là đã phát hiện thêm 18 F0 tại khu công nghiệp Đình Trám, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và cộng đồng (chủ yếu giáo viên và học sinh).

Theo thông tin từ Bộ Y tế: Tính đến 6h sáng nay (26/5/2021), thời điểm trước khi bài báo này lên khuôn, Bắc Giang ghi nhận 55 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 1454, vẫn là địa phương có số ca mắc Sars CoV2 lớn nhất trên cả nước. Đáng lưu ý, trước con số ca nhiễm tăng vọt (hơn 300 ca tại Bắc Giang ngày 25/5), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẩn cấp họp trực tuyến với tỉnh Bắc Giang và cho hay: Chủng virus ghi nhận hiện nay dễ dàng nhân đôi, lây qua không khí, nguy hiểm hơn nhiều so với các chủng trước đây. Mặc dù đối mặt với biến chủng virus nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh chóng, và con số ca nhiễm cuối ngày có thể còn tăng vọt, nhưng với tinh thần toàn dân đoàn kết một lòng chung tay chống dịch, chắc chắn trong một khoảng thời gian ngắn nữa, tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát trên toàn quốc.

Mọi chỉ đạo của chính quyền đều đặt trong tình huống cấp bách, đầy khó khăn. Đã có những cuộc họp khẩn tổ chức trong đêm để có quyết định kịp thời chống dịch Covid-19. Tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định dừng hoạt động của 4 Khu, cụm công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng từ 0 giờ ngày 18/5/2021 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới. Công tác phong tỏa, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân nhằm sàng lọc các đối tượng F0, F1 ở các Khu công nghiệp được bắt đầu ngay trong đêm. Các công nhân hiện có mặt ở Công ty lập tức ở lại trụ sở, chờ lấy mẫu. Số công nhân đã về nhà được thông báo ra khai báo y tế khẩn cấp và theo dõi sức khỏe tại nhà, tránh tiếp xúc với cộng đồng… Nhìn cảnh hàng trăm người ngồi giữa đêm khuya đợi đến lượt mình lấy mẫu, cảnh các y bác sĩ mặc quần áo bảo hộ làm việc không ngừng nghỉ, vài phút giải lao ngủ gục bơ phờ mà cay sống mũi. Thật may mắn khi Bắc Giang nhận được sự chi viện từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Nội và Bộ Y tế ngay lúc cấp bách. Hàng ngàn các y bác sĩ đã về giúp Bắc Giang chống dịch, hỗ trợ công tác xét nghiệm bệnh phẩm… Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã cách ly y tế 141 thôn, tổ dân phố; giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, 17 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 4 huyện (Lạng Giang; Lục Nam; Yên Dũng – nơi có 1 khu công nghiệp; Việt Yên – nơi có 3 Khu công nghiệp) và giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang. Khắp nơi, người dân đều đồng thuận thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền, đường xá vắng lặng, các cửa hàng, trừ các mặt hàng thiết yếu, dược phẩm, đều đóng cửa; mọi ngõ phố, thôn xóm đều có các chốt phòng dịch. Truyền thông cập nhật diễn biến dịch bệnh liên tục, gọi loa, cho cán bộ đến từng hộ gia đình rà soát các đối tượng F1, F2.

Tỉnh Bắc Giang có 5 khu cách li với sức chứa 5.000 người, các huyện, thành phố đã đưa vào hoạt động các khu cách li khoảng với 25.000 giường, lắp camera tại các khu vực cách li. Riêng việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, tỉnh có 9 khu cách li và 4 bệnh viện dã chiến đặt tại một số bệnh viện trong tỉnh đã đi vào hoạt động. Tổng các bệnh viện tỉnh, huyện, thành phố, các trung tâm y tế có số giường điều trị là 2.164 giường. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục triển khai lắp đặt Bệnh viện dã chiến với công suất 620 giường, đi vào hoạt động ngày 22/5/2021.

Căng thẳng và vất vả nhất, phải chạy đua từng giờ từng phút là lực lượng y bác sĩ làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm. Với năng lực xét nghiệm hiện tại, phải nỗ lực cao nhất để giảm thiểu số mẫu tồn đọng. Thực tế, năng lực xét nghiệm của CDC là 1.500 mẫu đơn, tương đương 7.500 mẫu gộp; Bệnh viện Đa khoa tỉnh 500 mẫu/ ngày; mẫu gộp 3.500; Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển 4.000 mẫu đơn (20.000 mẫu gộp); bệnh viện Quân y 110.552 mẫu/ngày, mẫu gộp 5520; bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ 10.000 mẫu đơn/ngày; Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc 100 mẫu/ngày. Từ yêu cầu cấp bách, năng lực công tác xét nghiệm đã được nâng cao với công suất 100.000 mẫu/ngày, phấn đấu mẫu phải có kết quả trong ngày. Vấn đề thiếu sinh phẩm của nhiều ngày trước đã được giải quyết. Tỉnh đã chỉ đạo ráo riết thực hiện kế hoạch tổng thể lấy mẫu xét nghiệm, ưu tiên tập trung xét nghiệm đối với các doanh nghiệp có nhiều F0, công nhân trong các khu công nghiệp, những vùng có nguy cơ cao; xét nghiệm lần 2 đối với Công ty TNHH Hosiden Việt Nam và người dân trên toàn huyện Việt Yên.

Công tác xét nghiệm, trả kết quả được đẩy nhanh, tính đến chiều ngày 23/5/2021, toàn tỉnh Bắc Giang đã lấy được 576.825 (riêng trong ngày 23/5/2021 đã lấy thêm được 17.271 mẫu); đã chạy được 527.785 mẫu, hiện nay còn 9.700 mẫu đơn  (48.500 mẫu gộp chưa có kết quả). Có được những kết quả này là công sức của hàng ngàn con người làm việc nhiều đêm không ngủ. Các bác sĩ đã chia sẻ: “Đêm hè oi nóng, mặc đồ bảo hộ kín mít, đứng làm việc 5-6 tiếng đồng hồ liền, mồ hôi ra như tắm, chảy vào mắt cay xè nhưng không dám lau. Lấy xong mẫu bệnh phẩm cuối cùng, nhiều người trong chúng tôi gần như kiệt sức…”. Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Quốc Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang đã bộc bạch: “Liên tục mấy ngày vừa qua, mỗi ngày, cán bộ nhân viên của Khoa chỉ dành chút thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, chợp mắt khoảng 1 tiếng rồi tiếp tục làm việc”. Trên mạng xã hội, trên báo chí, truyền hình liên tục xuất hiện những hình ảnh đẹp, gây xúc động mạnh về đội ngũ cán bộ y tế, công an, bộ đội vất vả gian lao trong công việc. Nhân dân nhiều nơi đã dành tình yêu thương, sự trân quý đến những người ở tuyến đầu chống dịch bằng sự động viên khích lệ cả vật chất lẫn tinh thần. Họ thực sự trở thành những chiến binh dũng cảm trong cuộc chiến với kẻ giặc vô hình mà nguy hiểm.

Có lẽ ám ảnh nhất, thương nhất là hình ảnh những em học sinh bé xíu đã phải rời xa gia đình, cha mẹ đi cách li tập trung. Trời nóng hầm hập, các em tự giác mặc quần áo bảo hộ kín mít để di chuyển, ốm sốt không kêu khóc để bác sĩ làm việc. Những ánh mắt thơ ngây, ngơ ngác của các em làm người lớn rơi lệ. Cô giáo hàng xóm nhà tôi con mới hơn một tuổi cũng đi cách li tập trung, đành phải vậy thôi, dù cô chia sẻ, nhớ con không ngủ được, mong nhanh hết 21 ngày để về nhà. Thử nghĩ, một gia đình có F0, riêng F0 vào bệnh viện điều trị, tất cả thành viên khác là F1 đi cách li tập trung, nhà cửa đóng im ỉm rêu mốc 21 ngày quạnh quẽ… rồi hàng trăm người đã tiếp xúc trở thành F2, F3 phải theo dõi y tế… mới thấy sức tàn phá của Covid-19 khủng khiếp ra sao. Với nhiều bà mẹ, việc gặp con mình chưa biết đến khi nào, với nhiều người, đường về quê xa ngái... Nhiều bài thơ mộc mạc, cảm động, chưa rõ tên tác giả đã được cảm tác đăng trên Facebook làm xao xuyến bao người. Xin trích những câu thế này: “Mẹ biết không? Mấy đêm nay Bắc Giang không ngủ/ Những chuyến đi chưa định ngày về/ Bầu trời Việt Yên rực sáng chân đê/ Phụ lão, bé thơ trong cơn mê thảng thốt/ Từng chỉ số F0 cứ tăng đột ngột/ Ánh mắt con gầy trên điểm nóng Quang Châu/... Bốn khu công nghiệp đang xiết chặt vòng vây/ Chúng con khoanh vùng tìm F0 thần tốc/ Báo chí, truyền thông nhanh như cơn lốc/ Cũng kịp thời đưa tin hỏa tốc Covi/ cuộc chiến này dẫu có phải trường kỳ/ Nhưng nhất định chúng con sẽ đi tới đích...

“Cơn lốc” Covid-19 thực sự làm đảo lộn cuộc sống mọi nhà, nhưng rồi, toàn dân cũng đã bình tĩnh lại, đã ứng phó, thích nghi với hoàn cảnh có dịch bệnh để duy trì đời sống và chống dịch. Giãn cách xã hội và cách li xã hội được thực hiện nghiêm, phố vắng, nhà nhà đóng cửa, nhưng các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra trong từng nhà người dân, hàng hóa thiết yếu vẫn được cung ứng ra thị trường, các vùng cách li đều có người vận chuyển đến điểm chốt, sau đó đội ngũ tại cơ sở sẽ có trách nhiệm điều phối phục vụ nhân dân. Riêng các khu dân cư có khu công nghiệp đã có các chợ 0 đồng phục vụ cho công nhân bị cách li, phong tỏa. Hầu như mọi người đều ý thức được rằng, hãy bình tĩnh đối mặt, thực hiện quy định 5K, cùng nhau một lòng dập dịch thì sẽ sớm có cuộc sống bình thường như vốn có.

 

Điểm phát thực phẩm miễn phí để hỗ trợ những người dân phải cách ly do dịch

TÌNH NGƯỜI TỎA SÁNG

Trong hoạn nạn, Covid-19 hoành hành bất ngờ, tao tác, chính quyền và các cơ quan chuyên môn gồng mình quá sức, bao phận người cơ cực, khốn đốn không kịp trở tay thì tình người đã tỏa sáng. Những ân tình ấy đã làm cho con người tin tưởng và yêu thương nhau hơn, đoàn kết hơn để vì mục đích chung: Chiến thắng dịch bệnh. Nhiều tỉnh thành trong cả nước, Bộ Y tế, các đơn vị công an, bộ đội ở trung ương đã tập trung lực lượng về Bắc Giang chống dịch. Điều đó làm rưng rưng trái tim người dân Bắc Giang. Các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức và nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh đã góp kinh phí, hàng hóa cùng chính quyền, các cơ sở y tế chống dịch. Nhiều hội nhóm, hội đoàn làm công tác cứu trợ thiện nguyện đã xuất hiện ngày một nhiều ở các địa phương có dịch nhằm giúp đỡ những người khó khăn. Theo số liệu từ Báo Bắc Giang, đến 17 giờ ngày 20/5/2021, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang và các huyện, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận kinh phí, vật tư y tế, nhu yếu phẩm ủng hộ công tác phòng chống dịch tổng cộng 96,9 tỉ đồng. Đường dây nóng về tiếp nhận hỗ trợ được thành lập, công tác rà soát đối tượng khó khăn được triển khai; tổ công tác chỉ đạo sản xuất trong điều kiện có dịch của tỉnh đã được thành lập trong tình hình nóng. Hội Chữ thập đỏ Bắc Giang tính đến ngày 23/5/2021 đã nhận được và trao tặng hết  hơn 3 tỉ đồng (tiền mặt, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế) của các tổ chức, cá nhân khắp nơi ủng hộ  cho các cơ sở chống dịch. Bên cạnh đó nhân dân ủng hộ một số lượng lớn gạo, mì tôm, nước uống để cứu trợ giúp đỡ các công nhân khó khăn, các đối tượng phải cách li tập trung.

Ngày 20/5/2021, Liên đoàn Lao động tỉnh đã quyết định chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động là 2.000.000 đồng/trường hợp; F0 là 500.000 đồng/trường hợp; F1 phải cách li y tế 21 ngày tập trung; hỗ trợ mỗi đoàn viên, người lao động ở khu nhà trọ thuộc khu vực cách li y tế, phong tỏa là 5kg gạo. Nhiều công nhân đã mừng rơi nước mắt, bởi nghỉ dịch đồng nghĩa là không có thu nhập, đời sống thêm khó khăn. Hệ thống Hội chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở cũng nhận được vô số hàng hóa, thiết bị y tế và kinh phí ủng hộ cho phòng chống dịch. Áo đỏ của các tình nguyện viên đã tỏa đi các điểm nóng về dịch bệnh, các cơ sở y tế trong tỉnh. Những bếp ăn nuôi dân vùng dịch đã xuất hiện ngày một nhiều ở Việt Yên, Lục Nam, Lạng Giang. Người dân trong xóm, các cô giáo đã lập nhóm, cùng nhau góp kinh phí nấu cơm, làm ruốc, muối vừng, ngâm sấu rồi chia suất mang đi phát cho những gia đình trong diện phong tỏa, các công nhân khu cách li. Nhiều người nhận suất cơm mà nghẹn ngào, bởi tất cả đều xác định, trong lúc nguy cấp, có cơm và muối vừng ăn là sống rồi. Nhiều công nhân ngoại tỉnh, hoặc lao động thời vụ bị cách li trong khu trọ sau vài bữa ăn mì tôm, đã có các nhóm tình nguyện mang cơm và thực phẩm đến cứu trợ. Những thiếu thốn đã được cộng đồng giúp kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, dù còn nhiều khó khăn, nhưng không có chuyện công nhân bị đói khát, hay bỏ rơi như một số thông tin lan truyền. Những nhóm công nhân ở sâu, hẻo lánh, hoặc số ít công nhân người dân tộc thiểu số không rành tiếng Kinh cũng đã được đội tình nguyện, cán bộ tại cơ sở tiếp cận, giúp đỡ. Thôn Núi Hiểu xã Quang Châu huyện Việt Yên – nơi có 8000 công nhân cách li, những ngày qua liên tục nhận được viện trợ, giúp đỡ của các nhóm thiện nguyện đến từ Hà Nội và các tỉnh.

Hiện tại tất cả các phương tiện giao thông trong tỉnh đã dừng hoạt động, hàng hóa nhiều tỉnh xa gửi về đến chốt kiểm soát rồi tập kết ở đó, đội tình nguyện nhận và phân phối cho các điểm cần, đã có chiến sĩ công an sẵn sàng làm người vận chuyển hàng hóa cứu trợ từ điểm chốt ngoài đường lớn về thôn xóm cho nhân dân. Nhiều bệnh viện dã chiến thành lập gấp rút đã nhận được nhiều tổ chức, cá nhân trao tặng tiền, hiện vật, đồ ăn thức uống hỗ trợ đội ngũ chống dịch. Các cấp hội phụ nữ khắp các thôn xóm, ngõ phố, xã phường đều có những hoạt động thiện nguyện quyên góp giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, các chốt phòng dịch. Các mẹ, các chị thay nhau nấu cơm và mang đến các chốt trực chống dịch. Toàn dân, khắp nơi, không ai bảo ai, nhà góp rau, người góp trứng, thịt, cá, lạc, đỗ để nuôi dân vùng phong tỏa và khu cách li. Trên một số tuyến đường tại địa bàn thành phố Bắc Giang, huyện Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng đều có điểm cấp phát rau quả miễn phí cho người dân. Các hội nhóm phụ huynh, cựu học sinh các trường có học sinh nhiễm Covid-19 cũng vào cuộc, chung tay động viên giúp đỡ các cá nhân khó khăn và đội ngũ chống dịch tại các trung tâm cách li. Và hàng ngàn thanh niên tham gia tình nguyện công tác chống dịch…

 Không khí vắng lặng bao trùm khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, chỉ có tiếng loa phát thanh tuyên truyền bầu cử và phòng chống dịch. Đêm qua, thành phố yên tĩnh đến kinh ngạc, không một tiếng xe, không một âm thanh nào khác. Gần về sáng trời mưa như trút nước. Tôi đoán chắc có rất nhiều người không ngủ, các nơi làm xét nghiệm, các chốt trực chống dịch, các khu cách li đều có người trắng đêm.

Khi bài viết này khép lại, Bắc Giang đã tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong điều kiện hết sức đặc biệt, song để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa sản xuất trong bối cảnh hiện nay, khi các ca bệnh vẫn tăng cao là việc làm hết sức khó khăn, sẽ không tránh được tình trạng quá tải cho hệ thống y tế địa phương. Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định trong phiên họp ngày 19/5/2021: Hiện phải tập trung chống dịch cộng đồng, sức khỏe của người dân phải được đặt lên trên hết. Bên cạnh đó phải duy trì mục tiêu kép, thực hiện nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội và phòng, chống dịch. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng xác định: “Không nên chủ quan cho rằng dịch sẽ sớm được đẩy lùi, mà phải xác định chống dịch còn lâu dài, phức tạp. Vì vậy phải tổ chức lại sản xuất, đời sống để sống chung với dịch, có thái độ bình tĩnh, quyết tâm, không hoang mang, dao động, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng với những hành động thiết thực…”.

Bắc Giang là thủ phủ vải thiều trên cả nước. Thời điểm này, vải thiều sớm đang chuẩn bị thu hoạch, khoảng ba tuần nữa là vải muộn vào vụ. Vấn đề làm sao tiêu thụ được vải thiều với số lượng lớn thực sự là thách thức. Hơn bao giờ hết, Bắc Giang mong muốn việc thông thương với các cửa khẩu, cửa ngõ các tỉnh được thuận lợi. Không bán được vải, bế quan tỏa cảng lúc này thì khó khăn thêm chồng chất lên vai người dân. Bắc Giang chuẩn bị tinh thần cuộc chiến với Covid-19 còn lâu dài, dai dẳng, trong khi nguồn lực địa phương chưa đủ mạnh. Cần lắm lúc này, những động viên, hỗ trợ giúp đỡ về vật chất của bạn bè khắp nơi để Bắc Giang chiến thắng dịch bệnh. Người dân Bắc Giang lúc này bên cạnh việc tuân thủ phòng dịch tốt, đều hy vọng, tất cả các F0 đều được chữa bệnh, các F1 đều được chăm sóc y tế. Khi nào khoanh vùng, sàng lọc hết, không còn ca nhiễm ngoài cộng đồng thì  mọi thứ sẽ ổn. Tin là thế...

 Bắc Giang 21/5/2021

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ” 


Có thể bạn quan tâm