March 29, 2024, 12:32 pm

Bác Bổng

Là một người lính chân ướt chân ráo về báo Văn nghệ được một thời gian thì nhà văn Nguyễn Văn Bổng về làm Tổng biên tập. Hôm đó ông đến tòa soạn, cả tòa soạn đón ông ở tầng hai, ông nói rất ngắn rồi ai về làm việc ấy. Lúc sau ông xuống phòng hành chính hỏi han từng người một, đến bàn tôi ông hỏi:

- Bộ đội mới về à? (Ông hỏi vậy vì khi ấy tôi luôn mặc quần áo bộ đội đi làm)

- Dạ cháu về đầu năm bảy sáu

- Chiến trường nào?

- Dạ Tây Nguyên ạ

- Lâu không

- Dạ, hơn mười năm. Từ năm 1965  

- Binh chủng nào?

- Dạ tình báo kỹ thuật

Nghe vậy ông vỗ vai tôi trìu mến và dăn:

- Cố gáng nhé. Có gì khó hỏi các cô chú trong phòng

Sau khi nhà văn Trần Hòai Dương in cho tôi một truyện ngắn viết cho thiếu nhi trên báo Văn nghệ ông rất mừng thường xuyên động viên tôi và thỉnh thoảng lại trò chuyện với tôi về công việc tôi làm trong chiến tranh. Ông bảo: Có vốn sống đấy, nhưng viết được ra lại là chuyện khác.

 

Từ trái sang nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và nhà văn Lý Văn Sâm thời kỳ ở chiến trường miền Nam

 

Có lần báo Văn nghệ đón tiếp đoàn nghệ sĩ của chế độ cũ từ Sài Gòn ra, ông bảo tôi tìm mua két bia chai Hà Nội để ông tiếp khách. Vừa mới nghe đên tiếp đoàn nghệ sĩ của chế độ Sài Gòn cũ, máu tôi đã sôi lên. Những tiếng gầm rú của trực thăng, những giọng ca chiêu hồi từ thời chiến tranh trên chiến trường Tây Nguyên năm nào như lại dội lên trong tiềm thức tôi. Nhưng tôi không dám cãi, lẳng lặng đi mua. Hồi đó mua được két bia Hà Nội là phải duyệt với rất nhiều chữ kí. Măc dù đã xin được tiêu chuẩn, nhưng tôi không mua bia mà đặt cà phê và bánh ngọt về cho ông tiếp khách. Khi khách đã ra về, ông gọi tôi lên phòng hỏi: Khó mua bia lắm phải không? Sao lúc đó tôi ngu đến thế. Lẽ ra chỉ cần “vâng ạ” một câu thì xong chuyện. Nhưng bỗng dưng máu lính nổi lên, tôi nói một mạch:

- Sao lại phải mua bia mời những kẻ đã kêu gọi chúng cháu đầu hàng cơ chứ.

Ông nhìn tôi ngạc nhiên, những tưởng ông sẽ mắng tôi. Nhưng không, ông nhẹ nhàng bảo tôi về phòng làm việc, rồi ông lẳng lăng đứng dậy thở dài và nói: Còn phải học nhiều mới thành người được

Bữa đó tôi hối hận và rất sợ ông. Như đọc được điều đó ông gần gũi tôi hơn, đi đâu về thế nào ông cũng dúi cho tôi một món quà. Ngày tôi sinh cháu đầu lòng, ông về tận quê thăm hỏi và có quà cho cháu. Mỗi lần tháp tùng ông về nhà sáng tác Đại Lải, thế nào ông cũng rẽ vào thăm gia đình tôi…

Thế rồi có giấy chiêu sinh vào học khóa Hai trường viết văn Nguyễn Du, tôi lên gặp ông để báo cáo và xin phép đi học. Ông nhẹ nhàng bảo: Chưa đi học được đâu, cứ ở báo tốt hơn, đi học về là không viết được đâu, hãy nghiền ngẫm những thứ đã trải qua, rồi nhờ các cô chú ở tòa soạn giúp. Nghe lời ông, tôi ở lại báo mãi đến khóa ba  mói theo học. Thời gian sau ông đề bạt tôi làm trưởng phòng hành chính của báo.

*

Có những chuyện mà tôi ơn ông suốt đời. Chả là lúc đó đời sống rất khó khan. Ở hợp tác xã nông nghiệp quê tôi thường hay bán thải loại những con trâu già không còn đủ sức cày cấy. Thỉnh thoảng tôi lại xin mua một con về cho cán bộ cơ quan. Vài ba lần trôi chảy, thế rồi vị chủ tịch công đoàn của báo tìm về tận quê tôi hỏi giá bán một con trâu, sau khi cộng lại số tiền thu ở cơ quan, thấy cao hơn, liền đưa tôi ra kiểm điểm. Tại buổi họp, nghe tôi tường trình rằng ngoài số tiền mua trâu còn phải đóng thuế sát sinh, còn tiền thuê giết mổ, còn hao hụt, và một số cân biếu cán bộ địa phương… Ông ngồi im lặng không nói gì, lát sau quay sang hỏi người ngồi bên cạnh:

- Thịt trâu ở chợ bao nhiêu một cân?

Khi được biết giá thịt trâu ở chợ cao gấp đôi giá cơ quan mua ở địa phương, ông cười và nói:

- Từ nay ai mua thì không kêu, mà đã kêu thì đừng mua. Bao nhiêu công sức của anh em phải biết quý trọng chứ...

Lại một lần khác, nhân ngày lễ quốc khánh 2/9, cơ quan có liên hệ trại gà xin được một ít trứng gà công nghiệp và mua được một số phích Rạng Đông. Tôi có dành một xuất như cán bộ cơ quan mang biếu giám đốc nhà in. Chuyện đó sau đó cũng bị chủ tịch công đoàn lôi ra kiểm điểm, cho rằng đó là hành vi tham ô… Việc đó chẳng ai đồng tình. Nhà thơ Phạm Tiến Duật thì cho đó là việc nên biểu dương, vì nhà in với báo Văn nghệ khi đó quan hệ rất khăng khít, giống như một cơ quan. Còn nhà văn Trần Ninh Hồ cười mà nói: Thế mới đáng là trưởng phòng hành chính chứ… Riêng ông thẫn thờ ngồi trên ghế, lát sau ông đứng dậy lẳng lặng đi vào phòng. Khi ra thấy ông cầm khăn lau nước mắt. Ông gằn giọng:

- Anh ấy do tôi đề bạt. Khuyết điểm của anh ấy là của tôi. Mọi người hãy kiểm điểm tôi đây này…

Không ai nói gì thêm nữa. Và cuộc họp lặng lẽ giải tán.

Rồi một tai nạn ập xuống đầu tôi. Chả là sau năm 1975, khi sát nhập báo Văn nghệ Giải phóng về báo Văn nghệ nhà văn Đào Vũ có mang từ miền nam ra một thùng mực in. Để mãi không dùng sợ hỏng, phòng Trị sự đề nghị mang đổi cho nhà in lấy 50 kg giấy xước. Giấy xếp kho mãi không dung, thế rồi cơ quan cần tiền chi tiêu vào một việc khác. Phòng Trị sự quyết định mang bán số giấy xước đó bán cho một xưởng in. Đơn tố cáo bay đến công an. Một cuộc điều tra diễn ra ngay sau đó. Anh em trong phòng lo lắng cho tôi. Chiều nào ông cũng ghé chỗ tôi làm việc, nhưng không nói gì. Cho đến một buổi chiều ông đến nhà riêng của tôi. Vẻ mặt lo lắng, ông hỏi:

- Sư việc thế nào, nói tôi rõ để còn có cách…

Tôi trả lời tất cả diễn tiến sự việc và nói thêm: Cháu không chấm mút gì cả. Số tiền bán được đã nộp hết cơ quan, chủ trương bán đã xin ý kiến Phó tổng biên tập phụ trách trị sự

Ông vui hẳn lên, nét mặt giãn ra và nói: Thế thì ổn. Tôi tin cậu…

Sau khi điều tra xong, công an kết luận tôi không có lỗi gì. Cả cơ quan thở phào nhẹ nhõm. Người vui nhất vẫn là ông

*

Nhân hậu với cấp dưới như vậy, còn với công việc, và đặc biệt là với cá nhân, ông lại hết sức nguyên tắc. Có một lần gần tết, một nông trường tặng cho báo một con lợn ăn tết. Dịp đó lại đúng vào thời điểm ông  đang lo vợ cho con trai. Ông dặn tôi đừng chia thịt cho ông, thay vào đó ông xin nhận cái thủ. Đến lúc kiểm tra phần thịt để chia cho mọi người, nhà văn Hoài An thấy thiếu một xuất, bèn hỏi. Tôi đành phải khai thật là không chia phần cho Tổng Biên tập. Nhà văn Hoài An mắng tôi: Mày đúng là thằng tốt nhưng mà dốt. Sau đó ông bắt tôi phải chia lại cho đủ cả phần của ông Bổng, rồi cử tôi và một vài người mang đến tận nhà ông, nói rằng phần thịt của ông vẫn có. Còn cái thủ lợn là anh em làm quà mừng cháu… Nói mãi ông mới chịu nhận

Sống với nơi phố xá, tôi có lúc sinh hư. Dạo ấy tôi có yêu một người và đòi bỏ vợ ở quê. Bí thư chi bộ và một chi ủy viên về tận quê tôi điều tra, và sau đó họp chi bộ định kỷ luật đưa tôi ra khỏi Đảng (Hồi đó những chuyện như thế bị xử lý rất nghiêm). Cuộc họp bắt đầu nghe bí thư chi bộ nêu lí do đề nghị khai trừ Đảng đối với tôi. Nhà văn Hoai An nói rất to:

- Nó bỏ vợ chứ có bỏ Đảng đâu mà khai trừ!

Họa sĩ Lê Chính hùa theo:

- Vô lý vô lý… Xong ông kéo nhà văn Hoài An đứng dậy:

- Ra làm ly rượu .

Ông Bổng cũng đứng dậy nói với theo:

- Chờ tôi cùng đi uống…

Cuộc họp chi bộ không thành, và từ đó không ai nhắc đến chuyện của tôi nữa…

*

Ở báo Văn nghệ ngày đó anh em biên tập và các trưởng ban có thói quen là sau khi bài vở đã nộp coi như xong việc, ngày làm báo không ai đến cơ quan nữa cho đến ngày nộp bài số sau. Trong một cuộc họp ông nhắc:

- Tổng biên tập không phải là tổng của tất cả các biên tập, mà trưởng ban phải là tổng biên tập của trang mình phụ trách. Vậy là từ đó ngày làm báo là ngày vui nhất trong tuần. Trưởng ban, rồi cả anh em biên tập viên, các họa sĩ… đều có mặt, để cắt bài, thay bài theo yêu cầu của ông. Không khí làm việc từ đó sôi nổi hẳn lên

 Từ ngày ông về Văn nghệ, mọi người ở báo rất vui khi được làm việc với ông. Có lần ông nhận xét với nhà văn Trần Ninh Hồ một bài viết nào đó:

- Viết lách gì mà ngu bỏ mẹ

Nhà văn Trân Ninh Hồ cười tếu táo:

- Thì lớp bảy em cũng học Con trâu (tên tác phẩm của ông được chọn vào chương trình Giảng văn phổ thông), lên lớp mười em cũng học Con trâu, vào đại học lại học Con trâu… Không ngu sao được…

Ông ngạc nhiên:

- Đại học cũng học Con trâu à mày? Thế thì ngu thật

Cả hai cùng cười và lại lôi rượu ra uống.

Họa sĩ Lê Chính trình bày báo rất giỏi, nhưng ông cũng rất kĩ tính. Hai người thỉnh thoảng có những ý trái nhau. Nhưng khi xếp lại các trang báo xong lại lôi rượu ra uống như chưa hề có những tranh cãi… Có lần báo có in một bút kí có tên Chuyện mới ở nông thôn của tác giả Nguyễn Thanh Sơn, được xem là “có vấn đề” tại thời điểm đó. Khi kì một được in ra thì công an văn hoá đến làm việc. Lúc đó kì hai đã lên khuôn và đang in ở nhà in. Ông bảo tôi ra nhà in mang về cho ông một tờ đang in thử. Tôi nghe ông nói với công an:

- Báo tôi in rồi. Các anh cứ đọc đi rồi nói chuyện sau...

Quả thật bài báo đó khi đọc đến cuối thì vấn đề lại rất rõ ràng, không có gì phải băn khoăn nữa

*

Rất bình đẳng với mọi người, khi làm việc thì nghiêm túc, ngoài giờ vui vẻ, ở bên ông mọi người đều cảm thấy thoải mái, cơ quan hồi đó có mỗi chiếc xe uwat chạy ì ạch, đi công tác xa nhiều khi chết máy giữa đường. Những lúc như vậy ông chỉ thương lái xe vất vả. Có lần vợ lái xe Đào Ngọc Chi ốm, ông về tận bãi giữa ở Hưng Yên thăm chu đáo. Rồi chuyện cơ quan bố trí cho ông một phòng nhỏ để làm việc, thấy cô đánh máy ngồi ở hành lang, ông bảo phải đưa cô đánh máy vào phòng ấy làm việc cho yên tĩnh, còn ông ra ngồi chung phòng với hai phó tổng biên tập… Nguyễn Văn Bổng là thế

Mùa xuân này kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Nhớ ông, biết ơn ông, tôi ghi lại mấy câu chuyện về ông, người mà suốt đời tôi kính trọng và mang ơn.

Bác Bổng của cháu ơi!

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021


Có thể bạn quan tâm