April 23, 2024, 9:20 pm

Ba người đi trên bờ biển

 

Biển Thịnh Phú một buổi hoàng hôn.Khi ấy mặt nước biển sẫm lại. Đèn trên các con thuyền câu ngoài xa đã được thắp lên, lấp loáng tựa sao hôm. Sóng vỗ vào bờ dường như mạnh hơn theo một quy luật hoặc không theo quy luật nào cả. Trên bờ cát có ba người đàn ông đi men theo bờ nước. Họ đi về một hướng theo một hàng dọc, tất nhiên là không thẳng hàng, bởi đi chơi ngoài biển cũng không nhất thiết phải thẳng hàng, sóng biển cũng vậy.

Đi đầu là một ông già thấp và đậm.Phía sau ông là một người cao lớn, vạm vỡ, có thể đó là con trai ông? Hai người vừa đi như vừa nói một câu chuyện gì đó... Theo sau họ là một chú bé mặc một chiếc quần đùi và cởi trần. Rất có thể đó là cháu nội của ông già, tức là con của người đàn ông cao lớn. Chú bé không đi mà chạy. Chạy một cách tùy hứng, vui thú chứ không phải cách chạy của một đứa trẻ bị người lớn nhắc: “Ê...nhanh lên”.

Ba người đàn ông đi trên bờ biển Thịnh Phú lúc hoàng hôn.Hình ảnh rất đỗi bình thường ấy tôi nhìn thấy trong một lần từ thành phố về giỗ mẹ cứ bám riết lấy tâm trí tôi.Sau chính nó hình thành nguyên mẫu của ý tưởng về bức tranh. Một tác phẩm  làm lòng mà tôi dành cho quê hương sau bao năm xa cách. Một bức tranh mang tính sống còn. Sở dĩ mạnh dạn nói như thế vì đó là nỗi khao khát ngay từ lúc còn bé. Hồi ấy tôi ao ước trở thành một họa sĩ, cũng như lúc còn là anh sinh viên trường Mĩ thuật.Và kể cả sau này tôi lấy vợ và ở lại thủ đô.Những năm tháng biền biệt xa quê, tôi như thấy mình là một kẻ bội bạc.Đây đúng là dịp tôi chuộc lại lỗi lầm.Hơn nữa nếu bức tranh này hoàn thành, nó là bức khắc họa về ông tôi, cha tôi, và tôi. Ba thế hệ trong gia đình tôi, ngụ ý về hình ảnh quê hương Thịnh Phú.Tôi, một họa sĩ có tiếng với khá nhiều tranh có chất liệu khác nhau, nhưng bức tranh đặc biệt này, tôi chọn làm từ cát. Bởi cát vốn gần gũi với biển, cũng  bởi tôi sinh ra và lớn lên từ một làng chài.

Tranh cát là loại tranh đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ.Sau khi tham khảo các phương án, tôi quyết định chọn cách kết hợp giữa kiểu dồn cát thủ công với lối phun, phết cát nhuộm trộn keo hiện đại.Nếu vậy, bức tranh sẽ tạo được hình khối có độ tương phản lí tưởng, lại vừa tạo được chiều sâu của không gian ảo, đầy nội tâm. Đây rõ ràng là bức tranh đầy chất tự sự. Nó khoác trên mình trọng trách lớn. Đó phải có dáng dấp một bản anh hùng ca về quê hương Thịnh Phú, thông qua hình tượng cụ thể ba thế hệ ưu tú,vẻ vang của những con người vùng biển.Một trở ngại lớn khi phác thảo bức tranh là diễn tả được ba khuôn mắt với ba tính cách khác nhau. Nhưng lại phải tạo được tính nhất quán tư tưởng, đặc biệt là trách nhiệm lịch sử của từng cá thể, cũng như tính kế thừa... Dĩ nhiên khi hoàn thành được bức tranh, tôi cũng được an ủi phần nào vì đã làm tròn chữ hiếu, một nghĩa vụ một con người.

Những bước chuẩn bị đã xong.Phòng tranh của tôi được đặt trong khuân viên nhà mẹ.Từ đây, vừa vẽ tranh tôi vừa được ngắm nhìn biển cùng tận hưởng những cơn gió thanh sạch của Thịnh Phú.Những ngày này mặt biển như một bức tranh nằm nghiêng đầy gợi cảm. Được đắm mình trong thiên nhiên kì diệu, âu cũng là điều kiện để sự sáng tạo thăng hoa.Tôi thắp một nén hương cắm lên bàn thờ tiên tổ, rồi mặc cho những nét phác thảo chìm vào kí ức thở ấu thơ.

Ông tôi, một “Tráng sĩ của Lạc Long Quân” như người Thịnh Phú thường gọi. Đó là một người đàn ông can đảm sẵn sàng xả thân vì biển. Ông, một tấm gương tiêu biểu của thời tay lưới, tay súng, quyết bám biển đến giọt máu cuối cùng. Mẹ kể rằng ông tôi da nâu, người đậm.Ông có nụ cười rất hiền, nhưng khi nổi giận thì ít người dám nhìn vào mắt. Những ngày không quân Mỹ rải thủy lôi khắp ngư trường, máy bay tiêm kích của hải quân địch bay sát mặt biển, hùng hổ đe dọa thì ông vạch quần ra vừa đái, vừa chửi: “Bố mày có sợ cái con c...ấy”, hoặc là đôi lúc ông giơ nắm đấm lên trời dọa lũ máy bay : “Mày có giỏi nhẩy xuống  đây... ông chả đòm cho lòi ruột ra nhé...Biển này là của chúng tao”. Và những năm tháng ấy,không một chuyến đi khơi nào vắng mặt ông. Ông là thuyền trưởng già dặn nhất ngư trường, cũng là thủ lĩnh tinh thần bám biển của Thịnh Phú những năm chiến tranh. Noi gương ông, trai gái Thịnh Phú ngày đêm bám biển bảo vệ ngư trường và khai thác nguồn cá tôm vô tận của đại dương, góp phần cho chiến thắng.

Ông tôi không mất trong chiến tranh mà mất vào thời hòa bình.Lần ấy, cơn cuồng nộ của biển ập đến bất ngờ. Chiếc tàu đánh cá của ông bị sóng đánh tan tành.Rất bình tĩnh, ông ra lệnh cho thủy thủ đoàn rời tàu, ông là người nhảy xuống nước cuối cùng.Nhưng khác với mọi lần, ông không về nữa.Tin dữ lan nhanh. Những chiếc thuyền cứu sinh rú máy tìm kiếm suốt ngày đêm.Mặc cho làng cát xôn xao. Mặc cho vợ con khóc lóc. Ông lặng lẽ ra đi khi đã dành trọn sự sống quý giá cho các bạn thuyền viên, nhận về mình sự thiệt thòi vào năm mươi tư tuổi. Mãi đến sau này, nhiều người tin rằng ông vẫn còn sống ở đâu đó trên biển bao la, chỉ có điều chưa về mà thôi. Cũng có người cho rằng ông yêu biển đến độ đã thành con của biển cả. Biển không muốn xa đứa con yêu, nên đã ôm ông chặt vào lòng để vỗ về.

Di sản của ông có chiếc quần gabadin, và tấm áo trắng cộc taychưa mặc lần nào, giờ biến thành khăn niệm. Người ta lấy một cái sọ dừa, mấy đoạn thân cây dâu làm xương cốt để gọi hồn ông, sau vùi xuống bờ cát như trăm ngàn ngôi mộ gió nơi đây.

Ngày ông nội mất, tôi lẫm chẫm tập đi.

   Tuổi thơ của tôi giống như con cún con, như con mèo mướp. Hết rúc vào váy bà lại nằm bò nghịch cát.Cát ở bãi biển Thịnh Phú nhiều vô kể.  Vừa nghịch, mắt tôi chăm chăm nhìn về phía dãy phi lao đợi mẹ đi làm từ công trường kè biển trở về. Và mẹ tôi đã về. Mẹ chạy như bay trên cát trắngvề  phía tôi. Đôi mắt mẹ vốn to và ướt, nhìn tôi thật rạng rỡ  trong khi mồ hôi toàn thân ướt đẫm. Giật phăng tấm áo bảo hộ, ôm vồ lấy tôi, mẹ gào lên: “Trời ơi...sao con tôi nóng như hòn lửa thế này”... Bế thốc tôi lên, men theo bờ ruộng lạc, ruộng ngô mẹ vừa hô hoán vừa chạy. Những người làm đổng bỏ việc chạy theo, bà tôi tay cầm bát cháo cũng lao theo đoàn người về trạm xá vì nghĩ tôi sắp chết. Vậy mà cô y tá ở trạm không nghĩ vậy, cô lột phăng quần đùi của tôi ra, dùng khăn nhúng nước lau khắp người và đắp lên trán tôi.Cô cắm vào nách tôi một vật lành lạnh, buồn buồn. “Chị làm em hết hồn...thằng chó con này chỉ đày nắng chứ có làm sao đâu”! Cô búng nhẹ vào con chim của tôi một cái và đặt tôi vào tay mẹ. Một lần nữa, mẹ lại ôm ghì lấy tôi theo cái cách của người mất của lâu ngày, nay tìm thấy.Lúc ấy tôi không muốn khỏi bệnh.Tôi muốn ốm để mẹ cùng mọi người thương. Nhất là được mẹ ôm riết trong vòng tay đầm đìa mồ hôi ấy.Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên mùi mồ hôi của mẹ. Mồ hôi mẹ thơm lắm, tôi nghĩ vậy. Ngoài vị chua chua, nồng nồng, còn có mùi ngòn ngọt của bồ công anh, thứ lá cây mẹ uống hàng đêm. Ngoài mùi chua và mùi cây bồ công anh ra, đôi lúc mẹ cũng sức sáp thơm phưng phức. Đó là những lần có cha tôi từ cơ quan ghé qua nhà.Hình như mẹ biết trước mỗi lần cha về.Vì vào ngày ấy, mẹ đi làm về sớm, làm các món thật ngon. Cơm nước xong, mẹ tắm gội, mặc áo mỏng và sức sáp thơm, chỉ đợi tôi ngủ là chạy vào giường cha. Nhiều lần tôi chưa ngủ, định chạy theo thì bà tôi ôm chặt lấy mà nựng: “Ôi ồi... thăng cúnngoan nào”. Cha mẹ nói chuyện gì tôi không rõ.chỉ thấy một lần tiếng mẹ nức nở thì thầm: “Anh ơi...đừng bỏ em nhé anh...”. Cha tôi là một người trung thực, rất yêu vợ.Tiếc thay, ông chẳng giữ được lời hứa ấy.

Là một người lính, với niềm tin quyết thắng được tôi luyện trong chiến tranh. Lớp người như ông  vừacởi áo lính liền lao vào cuộc chiến đấu mới. Cuộc chiến chống đói nghèo ngay trên quê hương Thịnh Phú. Mặt trận này tuy không tiếng súng nhưng cũng cam go, một mất, một còn. Khi này, người ta xác quyết rằng  tinh thần chính là con đường dẫn đến thành công. Nhìn cảnh làng cát xác xơ thoi loi bên bờ cát bao đời, cha tôi cùng bạn bè nảy ra ý định mở một con đường giữa làng thay cho con đường cát cũ khốn khổ. Nhanh nhẹn lại tháo vát, con đường được sự đóng góp của sức tiền, sức của trong làng.Nhưng khi hoàn thành lại mang dấu ấn của người đặt nền móng là cha tôi. Cấp trên ngợi khen, xóm thôn tưng bừng mở tiệc ăn mừng. Trong đêm văn nghệ rộn ràng ấy có cô gái làng bên sang chơi. Nhìn thấy anh lính phục viên bảnh trai, đã có chílại có tâm, có tài nên phải lòng mà thành mẹ tôi. Việc làm được con đường lớn trong làng cùng với sự năng động đã đưa cha tôi thành một cán bộ cấp huyện. Ông được phụ trách xây dựng các công trình to, nhỏ khắp vùng dẫu ông chỉ học dở cấp hai.Nhưng vào thời điểm ấy, bằng cấp chưa quan trọng bằng tinh thần “dám nghĩ, dám làm”. Khi có một ít quyền lực, người ta hay nghĩ đến việc làm một cái gì đó cho làng xóm, nơi mình đã sinh ra. Cuối cùng, cha tôi quyết dùng ảnh hưởng của mình, lên  kế hoạch làm cho Thịnh Phú một con đê chắn sóng biển với lợi ích được cho là rất to lớn, ngõ hầu làm thay đổi bộ mặt cũ rích của làng chài.

Ngày vui cũng đến.

Những ngày này, Thịnh Phú vui như hội.Cờ xí cắm khắp nơi, nhất là trên suốt con đê chắn sóng lừng lững chạy quanh làng.Đây chính là công trình cha tôi cùng tài lực của người dân Thịnh Phú đổ ra suốt cả năm trời. Con đê được kè bằng đá chắc chắn biến làng cát Thịnh Phú giờ như một pháo đài bên bờ biển. Thịnh Phú ngất ngây.Mẹ tôi má đỏ hây hây nhìn cha, nước mắt hạnh phúc dâng trào.

  Tiếc rằng chưa kịp cắt băng khánh thành thì trời đổ mưa. Một cơn bão lớn tràn về. Hết gió lại mưa.Mưa sầm sập suốt ngày đêm. Cậy có đê chắn sóng, dân Thịnh Phú trùm chăn ngủkhì , không biết rằng tai họa đang ập đến. Đêm ấy nước đổ ập xuống do mưa trên trời, cùng với nước trong các khe lạch ầm ầm tràn vào làng. Con đê làm lỗi vì không có hệ thống thoát ra, khiến nước dâng lên vùn vụt. Nhà cửa, thóc lúa, hoa màu... ngậm tũm. Thịnh Phú sa vào cơn hồng thủy trong tiếng kêu gào náo loạn. Người già, con trẻ bồng bế nhau leo lên thân đê lánh nạn. Tiếng trống  báo động thúc liên hồi. Cha tôi cùng các trai tráng trong vùng đội mưa cầm búa tạ, xè beng, cuốc, xẻng... hò nhau đập phá thân đê mới làm,mở một con đường máu thoát nước. Ơn trời, tai qua nạn khỏi, không thiệt hại về người. Nhưng khi nước rút đi thì làng chài trông như một vũng bùn nhầy nhụa.Tài sản của dân làng chài kể như mất sạch, từ nay làm lại từ đầu.Vậy mà hệ lụy “đê” chưa dừng ở đó. Những nhà thầu thi công, cung ứng vật liệu xây dựng dần dần tìm đến yêu cầu thanh toán theo hợp đồng. Người của Ngân hàng cũng đem khế ước đến nhắc thực hiện theo cam kết. Dậu đổ bìm leo. Báo chí từng tung hô về “gương sáng” của cha tôi, naybắt đầu đưa tin và cử người đến làm điều tra, phóng sự. Thịnh Phú trở thành con nợ khổng lồ. Các cấp chính quyền nhìn cha tôi đang run bần bật, lặng im.

  Cha tôi phải bàn giao công việc của cơ quan, lập tức về Thịnh Phú tìm cách khắc phục hậu quả, nếu không muốn bị lôi ra trước vành móng ngựa. Không riêng gì cha tôi, các cán bộ chủ chốt ở cấp địa phương cũng chịu trách nhiệm liên đới nặng nề.Những ngày ấy, cha tôi đi đứng thất thầnnhư một kẻ vô hồn.

Một ngày, cát Thịnh Phú đã cứu cha tôi.Hôm ấy ông đang thẫn thờ bên bờ biển thì phát hiện và bắt được những kẻ khả nghi đang đào bới gì đó.Chúng cho biết muốn hỏi mua dải cát vàng cuối thôn. Đó là một đồi cát trắng tựa đường phèn, chen lẫn cát là những viên sỏi trắng, sỏi đen, tím và hồng rất đẹp.Cũng nơi đây, người Pháp đã có ý định xây một khu nghỉ dưỡng cho các quan Tây. Trên đồi cát ấy là vô vàn những phi lao, tùng bách tán lùn và bàng biển tỏa bóng sum suê. Nghe nói, xưa có thày địa lí qua đây phán rằng sở dĩ làng có tên là Thịnh Phú cũng do có đồi cát ấy. Giờ đây cũng là chỗ vãn cảnh của khách thập phương , nơi cắm trại của giới trẻ trong vùng. Thôi thì túng làm liều.Cha tôi cùng cán bộ địa phương bàn cách bán đồi cát vàng để lấy tiền trả món nợ khổng lồ của con đê hỏng. Các cấp lãnh đạo biết việc sai trái ấy nhưng cũng lặng im.

Lập tức những chiếc tàu khổng lồ buông neo ngoài khơi. Băng chuyền và những thiết bị hút cát được nối vào bờ. Máy đào và máy xúc gầm rú bật đèn làm việc thâu đêm. Ngoài cát,sỏi trên mặt đất,  chúng còn thúc các thiết bị hút ngầm xuống lòng đất mà hút những thứ gì đó. Có người cho rằng chúng đã hút cả long mạch trong vùng. Khi đồi cát biến mất, người ta mới rụng rời biết rằng  vừa đổi một mâm vàng lấy một gói kẹo bi. Đó là loại đá cát ấy cực hiếm, được đóng hộp bán đắt như vàng... Nơi đây, giờ chỉ còn lại một vùng sâu hoắm, đen ngòm, sặc mùi dầu máy.

Mất đồi cát vàng cuối thôn, nước ngoài biển tràn vào biến nơi đây thành một đầm nước cho sóng biển thi nhau ập vào như trống trận.Nền đất đã yếu, nay bị hẫng chân khiến khu đồng trồng cấy, sau đến bụi duối, bờ tre... lần lượt đổ nhào ra phía biển. Làng cổ Thịnh Phú tồn tại mấy mươi đời giờ như ngàn cân treo sợi tóc. Giờ đây mỗi khi biển động, người Thịnh Phú bồn chồn nằm nghe đất dưới chân vặn mình thở dốc. Lác đác đã có những nhà lặng lẽ  bỏ làng ra đi.

   Nhưng vào đúng những giây phút nguy nan thì ý chí của sinh tồn vùng dậy.Họ cất tiếng gọi nhau thoát ra khỏi chiếc chăn trùm đầu chờ chết. Những người dân Thịnh Phú, già trẻ, gái trai cầm tay nhau giăng hàng như thách thức sự hung hãn của biển cả. Ý chí quật cường của lòng dân đôi khi làm động lòng trời đất hoặc có thể khiến cường bạo chùn tay? Theo một kinh nghiệm hay thuật pháp nào đó, những bụi cây sòng sọngtua tủa gai nhọn hoắt và cứng như thép thường được mệnh danh “khí cụ của Sơn thần”, được kết lại thành bè kéo xuống bờ biển. Gai sòng sọng được neo buộc vào các cọctre đực đóng sâu xuống cát chờ những con sóng dữ dằn ập đến. Kì lạ thay, những con sóng hung dữ chồm tới, quất vào các thân gai sòng sọng sắc nhọn khủng khiếp, bỗng gào lên... sủi bọt đỏ ngàu. Dường như không chịu nổi đau đớn, những con sóng co lại dập dềnh, sau lặng lẽ rút xuống bờ cát.Ấy là lúc cho già trẻ, gái trai ào xuống cắm các gốc cây sú, vẹt và đước. Tiếp sau nữa là phi lao, bạch dương, bàng biển... những loại cây giữ đất, ngăn sóng thần kì. Hễ cắm chúng xuống đâu thì chắc chắn nơi ấy sẽ thành rừng.

Những ngáy sôi động ấy, cha tôi vừa chạy như con thoi vừa hò hét khản giọng.Da thịt ông đã đen cháy, giờ như quắt đi.Hẳn ông biết trách nhiệm của mình nên gắng hết sức hòng sửa chữa lỗi lầm.

Thịnh Phú gượng dậy sau cơn ba đào thập tử nhất sinh. Những đoàn thuyền lại căng buồm, tiếng hú gọi ra khơi vang mặt biển.Trên đồng ngô, lúa, lạc, đỗ đã lên xanh.Tiểng kẻng làng chậm lại, du dương...ấy là lúc cha tôi quên lời hứa với mẹ.Ông vội vã ra đi ngay tại công trường vào một ngày giông gió.

Mẹ tôi khóc rồi lại cười, một nụ cười bạc tóc.

Tôi được mẹ cho ra thành phố học tập rồi lấy vợ với hy vọng làm ra tiền gửi về cấp đỡ mẹ và em gái.Thịnh Phú quê tôi vẫn đói nghèo. Vợ tôi con một đại gia buôn bán bất động sản. Được nhà vợ bù đắp, chúng tôi có một phòng tranh lớn ở thủ đô. Ít lâu sau phất lên, bộn tiền do lợi nhuận môi giới tranh  và nhất là thiết kế các tượng đài. Nhưng tiền và tiền choán hết thời gian, cuốn chúng tôi vào những cơn hoan lạc cuồng say.Điều đôi lúc cũng làm tôi áy náy là phải xa mẹ, xa làng cát Thịnh Phú. Nhiều lần chúng tôi mời mẹ ra thành phố  để phụng dưỡng, nhưng mẹ không ra. Bà ở lại trong ngôi nhà xưa ấy cho đến lúc qua đời.

Bức tranh cát “Ba người đi trên bờ biển” đã hoàn thành.

   Ngắm lại chân dung  của ông tôi cùng cha, tôi bỗng trào nước mắt, vì đã khắc họa một cách kì diệu thần thái của họ. Tôi run rẩy nhận ra hình như qua những hạt cát tạo hình, tôi đã được một đấng siêu nhiên nào đó khai tâm, mở trí. Trước mặt tôi không chỉ là những hình hài sống động, nhưng còn ẩn chứa cả linh hồn. Tiền cảnh với mặt biển bão tố, kết hợp với hậu cảnh có trời chiều mây dông vần vũ, làm nổi bật trung cảnh với  ba người đàn ông sừng sững. Tranh cát toàn cảnh hàm chứa cả lịch sử, hiện tại...và hẳn cả tương lai của vùng đất Thịnh Phú.Ông tôi, “Tráng sĩ của Lạc Long Quân” có khuôn mặt điềm tĩnh, quả cảm,hiên ngang trên mặt biển, bất khuất trước kẻ thù. Khi cần,sẵn sàng dâng hiến mạng sống cho đời. Đứng cạnh ông là cha tôi  áo trận mạc sờn vai. Một chiến binh gan vàng , dạ đá...dám chấp nhận đối đầu với sự khắc nghiệt của đời sống để vươn lên, lúc thành công cũng như khi thất bại. Và tôi, tự khắc họa chân dung mình như một sự kế thừa với ẩn dụ: “con hơn cha…” Đó là một doanh nhân, kiêm trí thức thời thượng với vầng trán rộng, mắt sáng rực sau cặp kính trắng. Cạnh tôi là chiếc Mercedes biểu tượng của thành đạt và dĩ nhiên phía hậu cảnh lấp ló hình bóng một lâu đài.

  ...

   Tôi đặt bức tranh cát dưới ban thờ, đốt một nén hương như trình báo với cha ông về bức tranh cát. Tôi nhắm nghiền mắt, miệng lẩm bẩm lời ước nguyện.Cầu xin hương hồn ông cùng cha, mẹ về chứng dám lòng tôi, cùng tha thứ những lỗi lầm.

   Hương trầm thơm quá. Tôi miên man trong nỗi buồn lẫn với niềm vui.Nhưng thật không ngờ khi cúi xuống bức tranh, tôi kinh hoàng nhận ra bức tranh cát như động đậy. Tôi ghé sát bức tranh chợt thấy nó biến dạng. Khuôn mặt ông và cha tôi đanh lại, tóc trên đầu dựng ngược. Cặp mắt của ông nội hướng về phía tôi với cái nhìn tóe lửa, trong khi đôi mắt cha tôi bỗng đờ đẫn, đỏ hoe...Gần như cùng lúc, từ tấm kính trong suốt trồi lên những hạt nước li ti. Những hạt nước to dần, sau lăn dài như những giọt nước mắt. Dùng ngón tay thấm một giọt đưa lên môi, trời ơi..đó là những giọt mồ hôi mằn mặn, sau chát đắng như thể khi ta nếm trái bồ hòn. Bức tranh cát như co lại trước mắt tôi.Trong chớp mắt, những mảng màu sắc mờ đi và xám xịt. Bức tranh cát vỡ vụn thành một đống cát lổn nhổn trước ban thờ.

Tôi gầm lên như con thú trúng thương, không hiểu điều gì xảy ra. Chất lượng nguyên liệu, nhiệt độ... hay một sự trùng hợp ngu xuẩn nào đó đã diễn ra trước mắt tôi.Nhưng không ai trả lời tôi.Nhưng quyết không chịu thất bại, tôi hấp tấp đặt một khuôn hình mới một cách cẩn trọng. Nhưng ở ngay nét phác thảo đầu tiên, cây bút trong tay tôi vốn linh hoạt giờ lóng ngóng, thô vụng và chậm chạp, sau nặng nề như thể bị một thế lực vô hình giơ tay can thiệp. Tôi vội xóa đi, làm lại, nhưng vô ích. Trên trang vẽ mẫu là những hình thù kì quặc, bẩn thỉu và phản cảm... Lúc ấy, cây bút trong tay tôi cứng đờ, lạnh ngắt, miết vào tấm nền ken két như thể một lưỡi gươm...

    Tôi trở về thành phố trong tâm trạng một kẻ mộng du. Sự thất bại thảm hại của bức tranh kia không ngừng ám lấy tôi. Đêm đêm, tôi vắt óc tự vấn, đặt ra nhiều câu hỏi để lí giải tại sao...Tôi có lỗi gì?Có phải bức tranh cát chống lại tôi, hay chính linh hồn cha, ông  và Thịnh Phú đã không chấp nhận tôi. Và khi ấy, hình ảnh ba người đi trên bờ biển mà ngày nào tôi chọn làm nguyên mẫu cho bức tranh cát lại hiện ra. Tôi nhận ra rằng, cậu bé con chạy theo hai người đàn ông ấy như thể là tôi, nhưng  lại không phải là tôi. Bằng những bước chạy băng băng, chú bé nọ hăm hở lao về phía trước theo một hướng đã định. Hình như đó là cách của những con người quả cảm, sẵn sàng nhận về mình sự ủy thác của lịch sử với biết bao cay đắng, vinh quang. Đó là một cánh chim bằng trong bão tố, một con tàu vượt phong ba giữa đại dương quyết tìm lẽ sống.Tôi bỗng mơ hồ ngộ ra tôi.Tách mình ra ngoài Thịnh Phú, tôi là kẻ vong bản.Sống chỉ vỉ tôi trong tụng ca hoan lạc mù lòa, tôi là kẻ vong thân...trên chính quê hương tôi.Chẳng biết tôi nghĩ thế đúng hay sai.Chỉ biết giờ đây, hằng đêm tôi vẫn thao thức vì sóng biển.Biển là thế, lúc ồn ào, khi chừng như lặng lẽ.Nhưng những người sống gần biển ai cũng biết, biển chưa ngủ bao giờ.

Nguồn Văn nghệ số 47/2018

                                                                            

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm