April 25, 2024, 5:39 pm

Bà mẹ nuôi và quê hương thứ hai chiến sỹ Đoàn Đồng Bằng

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG ĐẠI ĐOÀN ĐỒNG BẰNG ANH HÙNG (16/01/1951 – 16/2021)

Kính tặng các cựu chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng anh dũng chiến đấu ở đồng bằng địch hậu sông Hồng

Sau ngày hòa bình 1954, căn nhà tre nhỏ ba gian đắp tường đất lợp rạ của bà nội và bố mẹ tôi ở lọt thỏm trong khu ao vườn khá rộng xung quanh trồng kín tre giây và tre hóa, hai cây xoan tỏa bóng xuống ao nhà, một bên kề giáp làng, còn ba phía là cánh đồng lộng gió. Trong căn nhà vừa thấp ẩm thiếu ánh sáng nhưng ở gian giữa trên xà dọc được treo sang trọng ảnh Bác Hồ và tấm Bằng khen của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng: “Gia đình bà Vũ Thị Hồi - Thôn Tử Tế, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình: Đã góp công, góp sức trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc” do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.

Chân dung cụ Vũ Thị Hồi

Lớn lên được mọi người trong nhà và dân làng kể lại: Ông bà tôi đều là con nhà nông dân nghèo, khi lấy nhau ông bà không có ruộng đất, các cụ bên nội nhà cửa chật trội, ông bà về ở với các cụ bên ngoại là nhà tôi đang ở bây giờ. Các cụ phải đi làm thuê cho nhà giàu, địa chủ trong làng để được trả công bằng gạo nuôi con. Năm 1943, ông nội tôi là cụ Phạm Thuận bị bệnh mất sớm, bà tôi còn trẻ và có nhan sắc nhưng quyết ở vậy đi làm thuê để nuôi dạy các con khôn lớn. Nhiều lần sinh, nhưng chỉ nuôi được năm người. Người con lớn lấy chồng ở làng, chồng mất sớm phải dắt con tha phương cầu thực ở núi rừng Yên Bái. Những năm đói làm ở quê không đủ ăn, bà tôi gửi người con út ở làng, mấy mẹ con dắt nhau lên Hà Nội. Bà làm u già nấu cơm cho nhà giàu, con đi gánh nước thuê, bán kẹo, làm con sen và tham gia quyên góp phát chẩn trong nạn đói năm 1945. Những ngày đau thương ấy bà tôi bị bệnh, người con út theo người làng ở quê đưa lên Hà Nội có tấm áo lành cũng bị người xấu lừa lấy mất... cũng may mà mấy mẹ con còn sống sót mà về lại quê nhà.

Vẫn căn nhà nghèo đã trải qua đói khổ cơ cực, bị áp bức bóc lột với lòng căm thù sâu sắc, bà sớm được giác ngộ, nhà bà tôi đã thành cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Bà và các con đào hầm bí mật thường gọi là “Bem” ngay trong nhà để nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật như ông Ẩm, ông Yêm, ông Tình, ông Trạch, ông Roan, ông Hoạt, ông Thố... sau này là những cán bộ Đảng viên lão thành mẫu mực của làng xã. Những cán bộ Đảng viên trong làng ngày phải đi “đào tẩu” trong vùng tự do, ở các làng bên, tối đến lại về hoạt động trong làng được cụ nuôi dưỡng, che giấu để xây dựng cơ sở, tuyên truyền cách mạng, xây dựng lực lượng dân quân du kích, diệt ác phá tề. Có lần giữa ban ngày địch đi lùng bắt cán bộ, hầm bí mật trong nhà chỉ chứa được hai người, có người vẫn phải nằm giấu trong cót thóc, người làng vẫn đang làm ruộng ngay sau nhà, cán bộ ta không thể trốn ra cánh đồng được. Bà và các con đã bình tĩnh mưu trí ra ngõ ngăn cản và tìm cách đánh lừa để chúng không rẽ vào nhà, vì thế mà cán bộ ta không bị bắt. Các con của cụ đều tham gia hoạt động cách mạng; Người con gái thứ hai Phạm Thị Nhu hoạt động trong quân báo ở Đồi Thông Thanh Hóa. Người con trai thứ ba Phạm Lục là thôn Đội phó dân quân canh gác và bảo vệ cán bộ. Người con gái thứ tư Phạm Thị Nguyệt vào du kích trận càn Mercure (Thủy ngân) nằm hầm bí mật ba ngày, bị địch vây không rút được đói đến mờ mắt. Người con gái thứ năm Phạm Thị Đon làm giao thông liên lạc, y tá cứu thương, phá đường giao thông... được kết nạp Đảng khi tuổi còn rất trẻ. Mấy mẹ con làm hàng sáo (mua thóc xay giã gạo bán) dành dụm được 100kg thóc chôn giấu để dành, khi có lệnh tổng động viên của Chính phủ đã đào lên góp phần nuôi quân đánh giặc, dù hết vốn làm ăn phải sang tận chợ Rồng - Nam Định buôn bán gây lại vốn.

Những năm tháng đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn chủ lực 320) về sát cánh cùng Quân dân Thái Bình và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ chịu đựng hy sinh gian khổ lập nên những chiến công vang dội. Bà tôi và dân làng Tử Tế là địa bàn, là cơ sở vững chắc để bộ đội, dân quân du kích trinh sát nắm tình hình và tiêu diệt nhiều đồn bốt địch giải phóng quê hương. Nhà bà tôi là địa điểm hội họp bí mật của Bộ đội, cán bộ du kích. Bà tôi trực tiếp nuôi Chính trị viên Đại đội Nguyễn Đình Long và một cán bộ Đại đội tên là Dục thuộc Trung đoàn 52, Đại đoàn Đồng Bằng. Các đồng chí đã cùng Chi bộ Đảng cán bộ địa phương xây dựng ở làng tôi như một cơ sở hậu cần của đơn vị. Chùa Quang Mô Tự của làng do cụ sư Hoàng Văn Huấn trụ trì có lúc đã nuôi giấu cả một đơn vị hàng Đại đội về đánh đồn, diệt ác, trừ gian. Đình làng Tử Tế là nơi ta giam giữ giáo dục tù binh bị bắt được đưa về khi đánh bốt Đông Hướng, bốt Bồ Hòn và các nơi khác... Gia đình cụ Đoàn Thị Chẩn, thông gia với bà tôi, là nơi đặt trạm cấp cứu Quân y của đơn vị. Các anh thương binh được sắp xếp ở nhà ngói năm gian của cụ Chánh Bùn. Có Ban quân y và dân làng chăm sóc chu đáo…

Bằng khen Thủ tướng Chính phủ tặng gia đình cụ Vũ Thị Hồi và các con của cụ

Các anh bộ đội của đại đoàn Đồng Bằng ở làng tôi ngày ấy như con em của làng, là con cháu của các mẹ chiến sỹ, là những người anh của anh chị em du kích và thanh thiếu niên ở một làng quê yêu nước. Những câu chuyện các anh kể về đánh giặc thật dũng cảm, mưu trí và anh hùng. Nào là chuyện đánh Bốt Bặt bằng phương pháp nghi binh ngay trong phiên chợ Bặt làm quân địch không kịp trở tay đối phó. Nào là chuyện bộ đội chủ lực đại đoàn Đồng Bằng mưu trí cải trang lẫn trong dân đi chợ sớm, dũng cảm đặt thuốc nổ dưới thùng dầu hỏa có hai ngăn, thuốc nổ đặt ở ngăn dưới, dầu hỏa ở ngăn trên, rồi ngang nhiên điểm hỏa bất ngờ đánh sập Bốt đầu cầu, ngay giữa vùng Tề, được nhân dân tin yêu khâm phục…

Tình cảm quân dân của bà nội tôi, của dân làng Tử Tế với bộ đội đại đoàn Đồng Bằng thật là sâu đậm. Ngót 15 năm người con nuôi của bà, Chính trị viên Đại đội Nguyễn Đình Long sau bao năm chinh chiến theo dấu chân của đại đoàn Anh hùng, với chiếc xe đạp và tấm bản đồ quân sự lại quay về thăm mẹ nuôi, thăm các anh chị em, thăm dân làng, cả nhà thật vui và cảm động khi ông trao lại tấm ảnh tôi chụp lúc mới được 6 tháng tuổi, ông luôn giữ cẩn thận mang theo bên mình khi mà ở nhà tôi không còn ai giữ được. Sau tấm ảnh ông ghi nắn nót dòng chữ “Con trai của Lục”. Ông ở lại nhà tôi với mẹ nuôi, với các anh chị em mấy năm trời để sống cùng dân làng Tử Tế thân thương của những người lính đại đoàn Đồng Bằng. Năm 1973 bà nội tôi mất, ông cùng bố mẹ tôi và gia đình họ hàng đội khăn tang tiễn đưa cụ về nơi yên nghỉ như người con, người thân yêu của mẹ.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, gia đình cụ Vũ Thị Hồi và gia đình sư cụ Hoàng Văn Huấn, gia đình ông Phạm Ân là ba gia đình trong làng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký tặng Bằng khen. Năm 1958 cụ Vũ Thị Hồi và cụ ông Trần Cận được đại diện cho dân làng đón Bác Hồ về thăm Thái Bình. Được trực tiếp nghe lời dạy của Bác Hồ “Xây dựng Thái Bình thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Cụ luôn nhắc nhở, động viên con cháu phấn đấu tiến bộ, gương mẫu cống hiến hy sinh vì dân, vì nước, các con trai, con gái, con dâu, con rể của cụ là cán bộ Đảng viên ở các cơ quan nhà nước hay ở địa phương đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nay sống gần trăm tuổi vẫn là những công dân gương mẫu. Hai cháu nội của cụ luôn nhớ lời cụ dặn từ ngày còn thơ dại. Người cháu có tấm ảnh chụp khi mới được 6 tháng tuổi mà Chính trị viên Đại đội ở đại đoàn Đồng Bằng giữ gìn và về tặng lại gia đình, đã được cụ động viên đi bộ đội khi mới 16 tuổi, đang học dở cấp 3. Nhiều năm được quân đội rèn luyện, chiến đấu, đào tạo và trưởng thành đã là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Luật - Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Cháu nội thứ hai của cụ nay là Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Quang Cử, đang là Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an.

Đã ba lần Trung tướng Khuất Duy Tiến anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người chiến sỹ đại đoàn Đồng Bằng đã chiến đấu trên mảnh đất Thái Bình năm xưa, người sư đoàn trưởng, người Tư lệnh Quân đoàn cùng các cán bộ Sư đoàn 320, về thăm quê hương và thắp hương cho cụ. Vị Trung tướng già xúc động thưa với người mẹ nuôi chiến sỹ của đại đoàn Đồng Bằng: “Cháu nội của cụ cũng đã là chiến sỹ và trưởng thành từ đại đoàn Đồng Bằng Anh hùng”

Tôi ghi lại những tưởng nhớ xúc động này nhân 45 năm ngày giỗ của bà nội tôi - cụ Vũ Thị Hồi (1898 - 1973). Như nén hương thơm thắp cho cụ và cho những chiến sỹ của đại đoàn Đồng Bằng đã từng chiến đấu hy sinh, lập chiến công oanh liệt ở vùng địch hậu Sông Hồng. Tri ân những người cán bộ, chiến sỹ của đại đoàn Đồng Bằng đã sống, chiến đấu và hoạt động cách mạng ở Làng Tử Tế. Tới cả những người đang còn sống và những người đã mất, mà dân làng quê hương tôi không bao giờ quên vì họ là những chiến sỹ Anh hùng, những người đã làm nên lịch sử của làng quê yêu dấu.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021                         


Có thể bạn quan tâm