March 29, 2024, 6:40 am

Anh Sơn thao thức

Cuối mùa thu, thời tiết lạ lùng chưa, nắng nóng, oi bức, thà rằng như gió lào, tuy khô, nhưng có gió, thoáng, dễ thở. Đằng này, trời rải màu vàng rực rỡ chói chang, không gió, đứng chết trân cùng rơm rạ, cỏ khô xơ xác. Hình người đi trong nắng nhìn từ xa giống như bị nắng làm đông lại, lòe nhòe, chập chờn, nhìn mãi, hình mờ đi, rồi nhòa hẳn vào không gian ảo ảo!

Đầu tháng 9, tôi và các nhà văn Thạch Qùy, Dương Huy, Nguyễn Thế Quang, Vân Anh, Trường Thọ, Nguyễn Ngọc Lợi, Phan Quốc Bình, Trần Thu Hà, Lê Quốc Hán, Tùng Bách đến huyện miền núi Anh Sơn cách thành phố Vinh hơn 100 km trong không gian thời tiết như vậy.

Nhà văn đi viếng Đền Cửa Lũy- Anh Sơn

Anh sơn nằm trên trục đường hành lang kinh tế Đông tây, trên các tuyến Du lịch Quốc gia và Quốc tế ( xuyên Việt theo đường Hồ Chí Minh, Vinh- Cánh đồng Chum- Luangprabang- Viên Chăn- Băng cốc- qua Quốc lộ 7A). Thời này, cuộc sống khinh tế khá hơn, người ta đi du lịch, tham quan, học hỏi thường tìm nơi sang trọng, giàu sang, no đủ, mình lại chọn đến những vùng đất còn nghèo, vất vả gian nan, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung xứ Nghệ này!

Gần 30 năm về trước, tôi đã sống ở nơi “khô cằn cát sỏi”, khổ sở, cùng cực với rừng núi đầy sên vắt rồi ra đi, trưởng thành hơn, biết giá trị những gì có được so bì với thực tiễn mình đã trải qua, và thế là nuôi ý tưởng trở lại “chiến trường xưa”! Hôm nay quay lại, nhớ mãi hình ảnh người già ngày xưa còm cõi đi sát đất bóc măng trong rừng hoang đem về nhà bán lấy tiền mua gạo. Nhớ mãi con chó, con bò gầy trơ xương, mắt đầy ghèn chiều chiều từ trên đồi lúc lắc lục lạc theo nhau về chuồng. Và những em bé nhem nhuốc bồng bế nhau dính đầy đất cát chơi dọc đường đi. Tôi không bao giờ quên hình ảnh trên, họ đã trở thành “di tích lịch sử” vĩnh cửu, nét đẹp của cuộc đời mãi mãi trong tôi.

Đó là chuyện ngày trước: “Còn giờ, mấy chục năm đã trôi đi, gần nửa đời người, một vùng đất miền núi đương nhiên phải đổi thay về nhiều mặt, nhiều khía cạnh tích cực, có cả tiêu cực theo vận động của con người và chuyển hóa theo quy luật của đất trời”- Ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch huyện Anh sơn còn trẻ trung tươi cười nói khiêm nhường khi đón các nhà văn Việt Nam về vùng đất này. Hành động đầu tiên của các Nhà văn khi đến Anh sơn là thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ, anh hùng tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt- Lào!

Đoàn nhà văn tham quan đồi chè ở xã Cẩm sơn- Anh sơn

Anh Sơn, miền núi xa xôi, nhưng không nghèo, có tiềm năng về khoáng sản đất đai và rừng núi! Nhưng khí hậu khắc nghiệt, tiềm năng giàu có của nó nằm ngay trong trong cái gian khổ đó. Là huyện miền núi thấp, nằm về phía Tây tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có 20 xã, một Thị trấn. Đất của Anh sơn giàu dinh dưỡng: đất bãi, đất bồi, đất vê, đất phù sa, phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu, trồng rừng, làm đồng cỏ. Địa thế của huyện không hẹp, diện tích của rừng rất lớn có từ bao đời nay với tầng lá mục đã tạo cho đất đai ở Anh sơn rất tốt. Lớp đất rừng xôm xốp dưới chân, các loại cỏ dại mọc xanh rờn đầy sức sống mạnh liệt của thiên nhiên.

Anh sơn đang có một số tài nguyên khoáng sản như: Đá vôi xi măng trữ lượng lớn, quặng đa kim loại chưa tổ chức khai thác...

Huyện Anh Sơn còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử văn hóa cách mạng, là niềm tự hào của Anh sơn. Và cũng là điều kiện để phát triển Du lịch: Lèn Kim nhan, đền Cửa lũy, đền Cả, và đặc biệt là Nghĩa trang Hữu nghị Việt- Lào với quy mô gần 7 ha, nơi yên nghỉ của gần 11 ngàn liệt sỹ.

Giao thông là huyết mạch sự sống của con người và núi rừng đã thông thoáng. Ngày trước, các con đường liên thôn, xã cách nhau chỉ có mấy chục cây số phải đi đường rừng mấy ngày vì nhiều khe suối chạy qua. Giờ thì con đường Quốc lộ 7, hay đường vào Vều (cách thị trấn gần 20 km) có bộ đội biên phòng ở xã Phúc Sơn, hay vào xã Cao sơn nổi tiếng với chè Gay đã được rải nhựa. Ô tô chạy loang loáng, hai bên đường một màu xanh ngút ngàn tĩnh lặng của núi rừng.

Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc với anh Hoàng Bá Nhị- Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm sơn

Những năm gần đây, Anh sơn có nhiều đổi mới trong việc xây dựng cuộc sống mới ở xã Hùng Sơn, Hoa sơn, Long sơn, Lĩnh sơn; Rau sạch, chăn nuôi phát triển ở Hội sơn; Nhà máy xi măng, nhà máy đường, tinh bột sắn ở Bỉm sơn, Hoa sơn; Chè công nghiệp ở Cẩm sơn...đang trên đường phát triển tiến tới làm giàu, không phải để “xóa đói giảm nghèo” như ngày trước!

Con người Anh sơn, nhất là bộ máy lãnh đạo của huyện còn trẻ trung, năng động, như: Bí thư Nguyễn Thanh Tùng; Chủ tịch Nguyễn Hữu Sáng; Trưởng ban tuyên giáo Ngô Đình Hùng... Con người của thời kỳ đổi mới, không cam lòng chịu cảnh nghèo như ngày trước. Lo lắng, trăn trở nhiều, giật gấu vá vai, đi Nam ra Bắc học hỏi tìm cách đưa cuộc sống huyện nhích lên từng bước, từng bước, không chịu thua chị, kém em, tìm đường ra cho người nghèo còn ở mức cao toàn huyện! Với “quan điểm mới” “cuộc sống mới” của Anh sơn đã tạo được sức hút với các nhà đầu tư vào mảnh đất này. Như dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván MDF tại khu công nghiệp Tri lễ( Khai sơn), đó là niềm vui tin tưởng bền vững cho kinh tế rừng của các huyện Anh sơn, Con cuông, Tân kỳ, Đô lương. Hay như dự án về du lịch tâm linh đang tiến hành triển khai trong nay mai...

Anh sơn có tiềm năng, cộng với nội lực, nhất là những năm gần đây, huyện trở thành điểm sáng của miền Tây xứ Nghệ. Và huyện cũng xác định Dịch vụ, Du lịch sinh thái, Du lịch tâm linh là đòn bẩy, điểm tựa cho kinh tế với mong muốn Thị trấn sẽ trở thành Thị xã như ước mơ của toàn dân. Lãnh đạo huyện tự hào về Địa danh thắng cảnh ở quê nhà, muốn tận dụng nó để xây dựng quê hương. Nhưng việc phát triển Du lịch không phải chỉ của huyện, mà đó là của cả tỉnh, cả Quốc gia, không thể “mạnh ai nấy được”, phải có liên kết, có hẳn cả một chiến lược đầu tư mới phát huy hết khả năng tiềm tàng kinh tế ngay trên quê hương mình!

Nhà thơ Thạch Qùy trên đồi chè Cẩm Sơn

Để đạt được điều đó, “hệ thống con người” phải đổi mới tư duy hàng đầu. Từ người nông dân thành thị dân, tiếp viên, phải học hỏi nhiều. Hiểu được điều ấy, nên những gì làm được, trong khả năng có thể, Anh sơn đã và đang làm, nhất là vấn đề con người trong bộ máy lãnh đạo toàn huyện!

Hôm đoàn Nhà văn đến xã Hoa sơn, gặp Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Văn Thủy, theo thủ tục hành chính giới thiệu con người, việc làm, ngắn gọn, không rườm rà. Bí thư nói chuyện về xã, cuộc sống của huyện theo yêu cầu của khách, chuyện trò vui vẻ, nhẹ nhàng, lồng vào là thơ, văn, công việc hóm hỉnh, dí dỏm và có phần hài hước, sôi nổi, chan hòa.

Đoàn Nhà văn đến xã Cẩm sơn xem các đồi chè công nghiệp, chuyện trò với ông Hoàng Bá Nhị- Bí thư Đảng ủy xã- ngay trên đồi chè. Thật vui, ấm áp. Rồi đoàn vào xã Cao sơn gặp ông Chủ tịch xã Nguyễn Đức Vĩnh thưởng thức nước chè Gay ngòn ngọt, chan chát, thơm thơm của nắng, gió. Và cũng lạ, các vị lãnh đạo ở Anh Sơn từ huyện đến xã đều am hiểu về Văn học- Nghệ thuật, thuộc thơ rất nhiều. Nên cuộc gặp gỡ, chuyện trò rất vui, tình cảm, ấm cúng và gần gụi.

Tôi hiểu, con người lãnh đạo ở Anh sơn đang sẵn sàng và chuẩn bị tâm thế  về con người cho cuộc sống ngày mai. Ngày của thời của Khoa học, Công nghệ, Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa, thông tin toàn cầu.

Đó là Văn hóa, ứng xử, thương hiệu của con người cấn phải có trong cuộc sống thời đại mới!

 Con đường đi lên của Anh sơn còn nhiều khó khăn, gian khổ, không có việc gì dễ thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng trên cơ sở những gì đang có, Anh sơn tin về ngày mai với tiềm năng đất đai tốt, rừng rộng lớn mênh mông, con đường 7, đường liên thôn thông thoáng.Và quan trọng hơn là đổi mới tư duy, đổi thay cách nhìn, cách nghĩ, nhận thức của con người ngay trong tâm hồn họ sẽ quyết định thắng, bại trong việc làm!

Anh sơn là vậy, con người là vậy! Một rẻo đất miền Trung giáp Lào đầy nắng, gió, và tính cách của con người Nghệ. Ai đến rồi đi, hình ảnh khó nhạt phai, khó quên với hương vị của chè Gay, bánh Gai, Nhút, Măng, Mít...của Anh sơn.

 

Và hơn cả, khó diễn tả thành lời, đó là ánh mắt, nụ cười, lời nói chân chất thật thà, nằng nặng của người Anh sơn khiến khách mới gặp đó đã trở thành thân thiết, ra đi vấn vương, lưu luyến hẹn ngày trở lại!

9/2017

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm