April 20, 2024, 7:15 pm

Ánh sáng văn hóa trong Di chúc Bác Hồ

 

Trong Diễn văn tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xúc động nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân ta. Di chúc của Người toả sáng giá trị dân tộc và thời đại, thấm đậm nhân văn, văn hoá Hồ Chí Minh, mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta”.

Mấy lời dặn lại của người Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới có độ dài chỉ hơn 1000 từ. Bác Hồ không dành riêng phần nào nói về xây dựng, phát triển văn hóa, nhưng tư tưởng của Người về văn hóa, tấm lòng nhân ái của Người  lại xuyên thấm, lắng đọng trong từng câu, từng chữ.

Đọc Di chúc, cảm nhận đầu tiên là niềm tin sắt đá của Bác vào chiến thắng của toàn dân tộc.  Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng từng đặt niềm tin như thế: “Lúc này thời cơ cách mạng đã đến, dù hi sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập”. Thời điểm Bác viết Di chúc, từ năm 1965 đến năm 1969, là những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra vô cùng ác liệt. Niềm tin của Bác đã truyền sức mạnh tinh thần to lớn đến đồng bào, chiến sĩ: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Không chỉ khẳng định tinh thần nhất định thắng ở câu mở đầu mà sau đó Bác bốn lần nhắc lại từ “nhất định”: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Sức mạnh tinh thần được truyền đi từ Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài đã biến thành sức mạnh vật chất to lớn cổ vũ những đoàn quân trùng trùng ra trận, làm nên những chiến thắng lẫy lừng  để đi tới Đại thắng mùa Xuân 1975, “Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, dân tộc ta hoàn toàn tự do”. Sức mạnh tinh thần ấy chính là sức mạnh văn hóa, là đặc sắc của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Sức mạnh tinh thần ấy có nguồn gốc từ lòng yêu nước cháy bỏng, hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt Nam. Qua nhiều thời đại, nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược, dân tộc ta đã chiến thắng kẻ thù trong những hoàn cảnh, điều kiện tưởng như không thể thắng bằng sức mạnh nghìn cân, đôi hài vạn dặm của niềm tin, của lòng yêu nước.

Tuy không nói riêng về văn hóa, nhưng Bác Hồ nói rất kỹ về xây dựng văn hóa trong Đảng, mà theo Người, việc cần làm đầu tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Đó là thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng; tự phê bình, phê bình; đoàn kết trong Đảng;  thực hành dân chủ rộng rãi. Toàn bộ các công việc ấy phải được tiến hành trong bầu không khí trung thực, ấm tình người, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đạo đức cách mạng, theo Người, không phải trên trời sa xuống mà cái gốc là cần, kiệm, liêm, chính. Cũng như, một năm có bốn mùa. Người cách mạng phải có đủ bốn đức tính ấy thì mới đảm đương được những “công việc khổng lồ” mà dân tộc, nhân dân giao phó. Tư tưởng của Bác Hồ về đạo đức cách cách mạng đã được nhắc đến nhiều lần trong suốt cuộc đời chiến đấu, hi sinh không ngừng nghỉ. Cho đến trước lúc về cõi vĩnh hằng Người vẫn đau đáu lo cho hậu thế, sao cho con cháu mai sau thật sự là những người vừa “Hồng”, vừa “Chuyên”. Văn hóa Việt Nam – nguồn sức mạnh nội sinh Việt Nam sẽ được hội tụ, bồi đắp, được chắp cánh bởi các thế hệ người dân yêu nước, nhân ái, khoan dung, bởi con người bao giờ cũng là chủ thể mọi sáng tạo.

Quan tâm đến con người, “đầu tiên là công việc đối với con người”, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý trong những lời dặn lại. Bác dặn phải quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ, “tre già yêu lấy măng non”; phải quan tâm đến nông dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho bà con ta. Bác dặn dò kỹ lưỡng: Sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến các thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ. Bác không quên dặn lại việc chăm lo, tạo điều kiện cho những người có thời gian tham gia bộ máy chính quyền của chế độ cũ, những người dính vào tệ nạn xã hội, có điều kiện hòa nhập cuộc sống mới của đất nước hòa bình, độc lập, vươn lên làm lại và làm chủ cuộc đời. Bác mong muốn “Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Tư tưởng nhân văn của Bác hợp với lòng dân, phù hợp với xu thế thời đại, góp phần làm giàu truyền thống nhân ái, làm đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Và trên hết là sợi dây bền cố kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, không nặng nề, định kiến với quá khứ, hướng tới một tương lai tươi sáng. Đến đây chợt nhớ đến lời nhận xét của nhà thơ,  nhà báo Nga Ô-xíp Man-đen-xtam: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”. Lại chợt nhớ lời người Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Ganđi: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân”.

Nhân văn Hồ Chí Minh còn thấm đẫm trong những dòng cuối Di chúc khi Bác nói “về việc riêng”. Việc riêng đấy nhưng là việc chung, là mối quan tâm chung của toàn dân tộc. Thật là kỳ diệu, phần này Bác viết vừa đúng 79 chữ, tương đương với 79 mùa xuân trong cuộc đời “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của Người.  Nhận rõ lẽ tử sinh ở đời. Rồi ai cũng sẽ đi vào cuộc vân du cuối cùng như thế! Người dặn chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, làm mất thời giờ, tiền bạc của nhân dân. Người ra đi chỉ duy nhất điều tiếc nuối là không được phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Suy nghĩ ấy, tấm lòng ấy chính là cái chung của người công bộc của dân mà sinh thời Bác luôn căn dặn. Điều đó nhất quán với những điều Bác đã nói từ năm1946, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.  Bây giờ đọc lại những lời dặn dò này chợt thấy lòng đau thắt, chợt thấy xót xa khi thấy có những cán bộ cấp cao thoái hóa, biến  chất.  Khi sống thì tham nhũng, quan liêu, hãnh tiến, bằng cấp giả, đạo đức giả, khi nằm xuống vẫn còn để lại bao điều tiếng xấu. Những hiện tượng như thế khiến cho uy tín của Đảng, khiến cho niềm tin của Dân với Đảng giảm sút. Văn hóa trong Đảng chỉ có thể trở thành mẫu mực, tiêu biểu trong xã hội khi văn hóa đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có cương vị công tác cao thật sự tỏa sáng. Khi ấy mới có thể nhận diện, soi đường. Văn hóa trong Đảng thể hiện ở trí tuệ, lương tâm và sự trong sạch của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì thế công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc Đảng ta đã làm, đang làm và còn phải làm kiên trì, quyết liệt hơn nữa để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh. Với tinh thần đó Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” .     

“Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ” là cách nói của một nhà thơ Cu Ba Felix Pita Rodriguez. Niềm thơ ấy là văn hóa, là ánh sáng đạo đức, là khát vọng hòa bình, độc lập, văn minh. Bác đã đi xa 50 năm nhưng “niềm thơ” ấy vẫn luôn lay thức, vẫy gọi mỗi chúng ta sống tốt hơn, đẹp hơn trong hành trình đi lên của đất nước./.

Nguồn Văn nghệ số 37/2019

 


Có thể bạn quan tâm