April 20, 2024, 10:46 pm

Ảnh quý hơn vàng

Ngày 19/5/2023, lễ trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong dịp này, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành đã chia sẻ với báo Văn nghệ những câu chuyện thú vị quanh cụm tác phẩm của ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022. Tại sao những bức ảnh này vào thời điểm chụp ảnh lại chưa được dùng? Tại sao sau 45 năm lại được công bố và sau 50 năm thì được trao giải thưởng cao quý nhất về Văn học nghệ thuật? Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho biết, ông vốn là một sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vì “nghề chọn người” mà ông trở thành một phóng viên ảnh chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Một nhà văn không thể, hoặc hiếm có thể theo dõi số phận nhân vật của mình trong suốt 50 năm, nhưng một nhà nhiếp ảnh thì có thể.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành

Chuyến đi may mắn của đời làm báo

Ngay sau khi hiệp định Pari được ký- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia sẻ - tôi được cử vào Quảng Trị với có hai nhiệm vụ: một là chụp các cảnh trao trả tù binh và hai là hai bên thi hành hiệp định Pari như thế nào. Bức ảnh Hai người lính và bức Tay bắt mặt mừng đã ra đời cùng một thời điểm. Khi tôi vào đến nơi, tình hình giao tranh đã chấm dứt. Hôm đó, khi ra chốt giáp gianh ở Long Quang, tôi rất bất ngờ vì tự nhiên thấy một nhóm lính Sài Gòn từ phía Nam đi sang phía Bắc, gặp bộ đội ta thì tay bắt mặt mừng, đặc biệt là anh lính Sài Gòn lại bắt tay mấy cô du kích, bên cạnh lại có anh lính Giải phóng khoác vai anh ta. Sau đó, chính anh lính Sài Gòn này đã yêu cầu tôi chụp cho anh và anh lính Giải phóng một bức ảnh làm kỷ niệm. Đối với tôi, đó là một cảnh ngoài sức trưởng tượng. Bởi khi tôi làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam, những ảnh của hãng thông tin Mỹ, Pháp, Anh, chúng tôi đều thấy, họ chụp những ảnh đánh nhau rất dữ dội, máu lửa rất ghê gớm, nên khi thấy cảnh này thì tôi lạ lắm, và vui lắm. Tối hôm đó về lấy phim kiểm tra, tôi biết ngay đây là may mắn mà ít người gặp. Cũng trong chuyến công tác này, tôi đã chụp bức ảnh trao trả tù binh. Khi những người lính Sài Gòn xuống thuyền về bờ Nam, thì họ quay lại vẫy tay chào những người lính Giải phóng và chào đất Bắc. Người lính Giải phóng trên bờ vẫy tay chào lại.

Số phận trắc trở của những bức ảnh quý

Điều đặc biệt thú vị của cụm tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành là phần lớn những tác phẩm sau khi chụp và gửi về cơ quan thì đều…không được sử dụng.

Sau ba tháng công tác, tôi về nhà đúng ngày Hà Nội đang tưng bừng cờ hoa đón mừng ngày Quốc tế lao động đầu tiên sau hiệp định Pari, rất vui, rất tự hào – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành tiếp tục câu chuyện - Tôi đến cơ quan báo cáo công tác và xem lại maket, thấy đầy đủ cả, riêng ảnh hai người lính khoác vai nhau thì maket dựng lên nhưng không ghi lưu cũng không ghi phát, tức là không được dùng. Tôi nghĩ ngay là có vấn đề, nhưng lúc đó tôi không phản ứng, vì nói năng tranh cãi thì thành vấn đề lý luận sẽ rất mệt, bèn lẳng lặng xuống phòng tư liệu xin lại những phim chụp trong chuyến đi, chỉ tìm thấy phim anh lính Sài Gòn bắt tay cô du kích, còn ảnh anh lính Sài Gòn khoác vai anh lính Giải phóng thì không còn nữa, chỉ còn mẫu thôi, tôi bóc mẫu mang về cất trong sổ tay.

Bức ảnh “Tay bắt mặt mừng” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành

Đến năm 2007, khi làm triển lãm ảnh cá nhân về chiến tranh, tôi mới đưa những bức ảnh này ra. Phản ứng của công chúng như thế nào? Trước hết tôi để ý những nhà nhiếp ảnh ở Sài Gòn cũ. Một người nói riêng với tôi: “Ông cũng gớm nhỉ, chụp được bức này mà còn để được đến bây giờ. Tôi hỏi: “Bác thấy nó là như nào?” Ông ấy nói “Hay quá còn gì nữa”. Tôi lại hỏi “Hay thế nào?” Ông ấy lại nói: “Tình cảm Bắc Nam không chia cắt gì đâu. Đúng như thế thật”. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thông, người chụp bức ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn năm 1963, thì nói: “Rất may là chú đã giữ được đến bây giờ, đưa ra lúc này là chịu chú đấy”. Tôi rất yên tâm, vì những nhà cầm máy lâu năm mà rất trân trọng bức ảnh đó.

Còn anh em mình trong rừng ra, họ cũng rất ủng hộ. Ngay cả ông từng “bỏ ảnh của tôi đi” cũng nói “Thời đó ai mà chấp nhận được bức ảnh này, bây giờ thì chấp nhận được rồi”.

Tầm nhìn của Bác Hồ về hòa hợp dân tộc

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành kể: Có phóng viên phương Tây hỏi xoáy tôi: “Vì sao ông chụp bức ảnh này?. Tôi nói: “Nó là thực tế, tôi thấy hay thì chụp”. Họ lại hỏi “Hay chỗ nào? Tôi thấy các ông quan điểm rất rõ ràng, không thể nào địch ta khoác vai nhau mà lại hay”. Tôi nói: “Địch ta là khi đánh nhau trên mặt trận, còn hòa bình rồi, chúng tôi thấy người Việt chúng tôi với nhau không nghĩ đến hận thù nữa”. Họ lại hỏi: “Thế lúc đó ông mà là lãnh đạo ban ảnh như bây giờ thì ông tính thế nào?” Tôi bảo tôi không bỏ đi bởi chúng tôi có thể lưu tham khảo, tôi sẽ đưa bức ảnh này vào lưu tham khảo.

Tôi phải cảm ơn Khoa Văn Đại học Tổng hợp đã có những giờ giảng về nhân nghĩa của người Việt Nam. Tôi cứ khư khư giữ ảnh vì tôi biết đây là những bức ảnh thể hiện rõ nhất tinh thần của Bác Hồ đã nói thời kỳ đầu thành lập nước: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Quả thực khi tôi nhìn thấy những người lính Sài Gòn, họ mặc rằn ri, ngổ ngáo, khác với anh lính Giải phóng của chúng ta, nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi, và bản thân họ lúc đó không có hành động gì gọi là xấu cả. Bối cảnh cuộc sống khi đó thay đổi, cho nên tôi nói giá trị của hòa bình rất lớn, nó làm cho tâm lý con người thay đổi, cách nhìn của con người thay đổi, bản thân cuộc sống, ước mong của họ cũng thay đổi. Lúc đó, họ chỉ muốn yên ổn để sống với nhau thôi. Ngoài bức Tay bắt mặt mừng và Hai người lính thì bức ta trao trả tù binh cũng khiến tôi xúc động. Khi những người lính Sài Gòn xuống thuyền đi về bờ Nam, họ đã ngoái nhìn lại, vẫy tay chào những người lính Giải phóng và chào đất Bắc. Người lính Giải phóng lại vẫy tay chào lại. Tôi lạ lùng lắm. Tại sao lại có tình cảm đó? Tôi đứng sau họ, chụp được bức ảnh đó, tôi cho rằng đây là tình người rất sâu sắc và có lẽ chỉ có dân tộc Việt Nam mình mới độc đáo như thế thôi. Bởi nếu chỉ bức ảnh Hai người lính thì có thể ai đó cho rằng đó là một sự ngẫu nhiên, nhưng bức ảnh trao trả tù binh mà hai bên vẫy chào nhau như thế thì không còn là ngẫu nhiên nữa, mà là một biểu hiện rất rõ ràng và phổ biến của những người lính của cả hai phía lúc bấy giờ. Họ đều sống chết ở Cửa Việt và Thành Cổ, bởi họ trải qua cái chết cho nên họ mới quý cuộc sống và họ nhìn thấy nhau là họ mừng. Đó là những bức ảnh rất thực về con người mà lúc đó gọi là hai chiến tuyến, nhưng thực ra trong lòng họ không còn chiến tuyến nữa. Thắng lợi của ta là không còn chiến tuyến...

Bản chất của nhiếp ảnh là ghi lại hiện thực với những gì thực nhất, đẹp nhất và độc đáo nhất, cho nên, theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành: Ảnh quý hơn vàng, bởi vàng còn có giá, nhưng ảnh với những giá trị lịch sử thì vô giá.

An Cư

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


Có thể bạn quan tâm