April 20, 2024, 7:06 pm

Anh Nhỡ

Nguồn Internet

Sáng chủ nhật, tôi đang ngon giấc thì giật mình. Tiếng đập cánh cửa ruỳnh ruỳnh, cùng tiếng anh Nhỡ, giật giọng - Phác ôi… Phác ôi…. xuống tao uống nước chè đi. Vâng, anh cứ về trước, em sẽ xuống ngay. Nói vậy, nhưng tôi vẫn ự ự, oằn oằn oài một rơn nữa mới giở dậy. Vớ cái khăn định rửa mặt thì cái xô khô cong. Mở cửa ra, định sang phòng cô Thúy xin ca nước thì thấy anh Nhỡ ngồi xổm trên hè, vẻ mặt rất sốt ruột. Anh đợi em làm gì, em thưa là em khắc xuống. Tao pha trà rồi, bọn nó bảo có mày mới rót, tao mới đi gọi luôn. Ghê quá, cứ làm như em là chủ tịch huyện ý. Còn hơn cả chủ tịch, xuống mau đi thôi, rửa mặt làm đếch gì.

 

Tôi xỏ vội quần dài, chui vội cái áo phông, đi theo anh. Lạ cho cái ông này, vừa nãy chồm hỗm trước cửa đợi người ta mà giờ lại cắm đầu cùn cụt bước. Tôi chạy gằn theo, loáng thoáng như là mấy phụ huynh chào thầy, mấy cô gái cười tươi… chả rõ là ai… thì vâng, thì cười đáp.

“Em chào các bác ạ”. Tôi chào chung một câu, vì thấy đông người, cả già cả trẻ. Lia mắt, thấy hết chỗ ngồi, tôi đang định sang giường thì anh Nhỡ phẩy tay - mày phải sang bên này. Lập tức… đúng rồi, đúng rồi, thầy giáo phải sang chính giữa đây. Cái ông dùi đục này, con mình học mà cứ mày mày tao tao. Hí hí, nó là người nhà, nó là em tao…

Mọi người đứng lên, tôi nghiêng người vào chỗ trống dành cho mình.

Anh Nhỡ bắt đầu rót trà. Chén trắng bong, nước vàng sánh nhịp nhịp xuống rất “công bằng” các chén. Mắt anh long lanh như thèm quá, mắt khách nhìn vòi ấm lại nhìn lên anh. Anh ngồi xuống, hai tay chắp vào bẹn, rồi đưa lên xoa xoa.

- Uống đi các anh. Chè ngon lắm, em về quê, thằng em trên Thái Nguyên cũng về cho hẳn hai cân, Tân Cương chính gốc đấy.

- Thế à. Để cho một lạng nhé.

- Nhưng mà… uống mãi rồi, còn mỗi mấy ấm. Tôi với thằng Phác này, hai tháng nay, tối nào cũng uống… Phác nhỉ.

Anh Nhỡ nháy mắt cho tôi. Thấy ông xin xỏ lắc đầu, cười cười. Tôi bèn chống chế cho anh - ngon quá, em phải bắt anh ấy để dành mãi mới còn đấy các bác ạ. Đúng đúng… để hôm nay ra mắt bộ salon này - anh Nhỡ cười tít mắt, hàm răng như vâu thêm.

- Đâu đâu, salon đâu. Giấu ở đâu cho xem ngay đi. Gớm ông này giàu ngầm thật…- Tất cả nhao nhao.

- Thì tất cả đang ngồi lên từ nãy rồi còn gì, giấu diếm cái gì. - Anh Nhỡ nói to (có vẻ bực).

Mọi người đứng dậy, lùi ra, có người ra tận ngoài hè… Bắt đầu ngắm. Thấy nghênh cổ, thấy nheo mắt, rồi dịch sát vào, sờ tay lên, miệng thổi phù phù, đưa tay xoa xoa…

- Lát hay là dổi đấy?

- Lát chứ. Ai thèm dổi.

- Sao cứ thấy tối tối nhỉ?

- Thì bao nhiêu người đứng sấp bóng thế kia lại chả tối.

- Nhưng sao không thấy vân, không thấy chun nhỉ… hay là lát xoan.

- Lát chun của người ta đấy. Mắt mũi bị làm sao thế.

Khách hỏi dồn dập, anh Nhỡ trả lời pằng pằng. Nhưng xem ra khách vẫn không chịu, cứ ơ mắt nhìn nhau. …Thì đùng đùng, anh Nhỡ chạy vào buồng mang cái đèn ba pin ra… Dọi sáng, hua hua lùa mọi người lại. Nào, không phải chun thì cái gì xô nhau tăn tằn tằn đây. Nào, chỗ này không là bèo dạt mây trôi thì là cái gì. Ghé mắt thật gần vào… có giống cơn bão số 6 không?...

Anh Nhỡ lấy lại thế chủ nhà, hỏi như đóng đinh luôn. Khách có vẻ thua… thấy một tiếng nói bé - ờ ờ, có tí chun đấy. Và mấy cái đầu gật gật theo lấy lòng. Nhưng chợt… em thấy giông giống bộ nhà ông Lảnh dưới C8, anh mua của ông ý à.

A… mày bảo tao mua đồ cũ hả. Cái thằng bán kem này biết cái gì mà nói.

Thôi rồi Sam ơi, đang yên đang lành đi bán kem về có chỗ mà hút thuốc lào… nhỡ mồm thì toi rồi.

Anh Nhỡ nghiến răng, mặt sắt lại. Nguy cơ khách chào chào thôi về nhá là cái chắc. Đương lúc không khí như sợi dây ngắn bó củi to, sắp đứt phựt thì tự nhiên tôi bỗng chuyển gam. Thôi thôi, mời các bác, anh em uống nước đi, chè ngon pha giỏi mà để nguội khác gì uống nước giếng. Mọi người đã ngồi xuống nhấm nháp. Thấy im lặng, tôi lại tiếp… cái món trà này muốn uống ngon thì tất cả các khâu đều phải ngon lành. Nước mưa là tuyệt vời nhất, không thì cứ nước suối lấy lúc nửa đêm đảm bảo luôn. Đun sôi trên trăm độ, tráng ấm giãy đành đạch, trà cho vào kêu coong coong… trần một lúc, đổ nước xấu đi, rồi mới chính thức hãm. Đảm bảo vua uống cũng khà cũng chẹp, hỏi thằng nào pha đấy, cho ngay vào cung gặp ta.

Hé hé. Đúng là dân quê chè có khác. Nói ngon hơn cả uống.

Thì v…ư…ỡ…n (tôi nhại giọng bà già nhà quê) nhưng em vẫn thua anh Nhỡ quê muối.

Ờ ờ… công nhận lão này pha trà tuyệt vời. Mà lại hay mời chứ (có tiếng đế theo)

Anh Nhỡ cười… Mường Tông có mấy anh em dưới xuôi lên đây buồn chết đi được. Lắm lúc pha ấm trà xong, đi gọi… ông thì đi nương, ông thì vào bản, ông thì lên lớp. Tôi về uống một mình, vừa uống vừa chửi đấy…

Chưởi thế lào? Có rống chưởi thằng bán kem không? Mai tôi cũng đi bán kem đấy.

Hà hà hà. Tất cả cười. Rung hai gian nhà, lên tận mái gianh.

Mặt mũi chân tay ai nấy đều giãn ra, lúc vui vẻ vẫn ngân nga, thì anh Nhỡ vụt chạy vào buồng lấy ra gói bánh qui Hương Thảo. Anh đưa cho tôi bảo, này mày bóc ra mời các anh hộ tao.

Gớm ông anh hôm nay vung tay quá trán thế, đã cho thưởng trà lại được chén bánh.

Hí hí, cái thằng đến tìm hiểu con Minh hôm qua đấy.

Sắp bố vợ rồi sướng thế. Sướng đếch gì, cái thằng thợ xẻ, tao ghét.

Ai cũng cắn một miếng bánh xong lại nhấp một ngụm trà, lại nói một câu.

Tưởng chủ đề bộ salon bị bỏ quên thì thằng Sam lại nói - công nhận mắt anh Nhỡ ghê thật. Ghê gì, vừa nãy tao có chửi mày bằng mắt đâu. Ông này để nó nói nốt đã, cứ chặn họng… Em thấy mặt ghế nào cũng có cái xoáy. Đâu đâu… tất cả lại đứng dậy. Xoay mông, vuỗi vuỗi, ghé sát mắt vẫn hỏi xoáy đâu. Thằng Sam chẳng nói chẳng rằng cầm luôn cái ấm rót vào ghế. Rót đến đâu lấy luôn vạt áo lau đến đấy.

Chỉ cây lát trăm tuổi, ăn đá uống mây mới có mắt thần. Suốt ngày gió hú, suốt đêm cọp gầm, sấm sét đoành đoành đinh tai nhức óc, quặn thắt đất trời chui vào từng thớ gỗ. - Tôi ngồi ngoài bậu cửa, xem khách xem mắt gỗ, nói bâng quơ như một nhà văn.

Anh Nhỡ gật gật, các khách nghênh tai ra rồi lại nhòm chỗ ngồi.

Đã gần trưa, như thế là buổi xem salon thành công tốt đẹp, rồi ai về nhà nấy ăn cơm. Nhưng mà ông Tinh lại nói một câu - Tôi cũng sẽ đóng một bộ, sẽ rước thợ dưới quê lên làm, gỗ tôi đã nhắm một cây trên núi Kim rồi. Ờ đã chơi thì mới toanh cho đã, chứ đồ cũ mất hứng… Nhỡ mồm rồi, không rút lưỡi lại được rồi. Anh Nhỡ sầm mặt, thu các chén cho vào khay mang ra giếng. Tiếng khách chào chú chào anh về về đồng loạt, không có tiếng đáp. Tôi ngại quá, chạy theo ra cổng bắt tay tạm biệt từng người.

Anh Nhỡ mang bộ ấm chén đã sạch từ giếng vào, bảo tôi, trưa nay ở đây ăn cơm với tao. Tôi hỏi mát, hôm nay muối lạc hay muối giềng. Thằng đểu, mày là em tao nhưng vẫn là khách, lẽ ra là ngả con gà, nhưng trưa rồi ăn tạm gắp cá mới nướng tối qua.

Lúc rượu đã ngất ngây, anh Nhỡ hua đũa nói - bộ salon ấy, đếch phải tao mua đâu, thằng con rể nó cho đấy. Hai đứa mới tìm hiểu, anh đã nhận quà to như thế này, nhỡ ra… Tại nó cứ chở đến, tao phải nhận. Anh thiếu gì tiền sao không đóng bộ mới cho đàng hoàng. Tao không ăn đời ở kiếp ở đây, mới làm gì cho phí. Mày thấy đấy, nhà tao cũng mua lại cái bếp của người ta đem về dựng, oai cái chó gì chốn núi cùng rừng kịt này.

Tôi thở dài, thấy thương thương anh.  

*

Tôi biết anh Nhỡ từ một lần đi bản. Dịp ấy gặt mùa, mấy đứa học trò trong Na Sa đến xin nghỉ học một tuần về giúp bố mẹ. Tất nhiên là tôi bảo không và phân tích, học hành không thể buổi đực buổi cái, động tí là nghỉ. Mặc chúng nằn nì, kể lể hoàn cảnh, tôi vẫn cương quyết. Bẵng đi hai tuần, trưa thứ bảy ấy, thằng Hiêng xuống phòng tôi - Thưa thầy, hôm nay nhà em làm lễ mừng cơm mới, bố mẹ em bảo thầy vào uống rượu, múa hát ạ. Thế à, cả múa hát cơ à. Vâng ạ, con gái cả bản đến múa, đẹp lắm ạ. Con gái trên này xinh thật đấy, cô nào cũng uyển chuyển lưng ong, tôi quên ý tứ, khen luôn. Vâng, chị em cũng đẹp nhất bản, mười chín tuổi vẫn chưa lấy chồng, thằng Hiêng thật thà. Trong râm ran cảm xúc, tôi quyết, được, giờ thầy trò mình hành quân.

Xuống hết dốc cổng trường, đã thấy năm đứa Na Sa đứng đợi, mắt đứa nào cũng ánh lên, tôi biết chúng sung sướng vì… đón được thầy giáo. Lên đến đỉnh đèo, thằng Hiêng bảo nghỉ một tí thôi, tôi lắc đầu, thầy không đau chân đâu mà lo. Nói thế nhưng tất cả vẫn dừng lại, gió trên cao thật mát. “Bản em kia kìa”, theo tay Hiêng tôi thấy lấp lóa những mái nhà sàn, và chao ôi, màu vàng lúa chín, chạy suốt từ ruộng lên núi.

Nhìn gần thế nhưng mãi tối mịt chúng tôi mới tới nơi. Lên nhà là vào mâm luôn. Bốn dãy mâm lá chuối chạy dài từ đầu nhà đến cuối nhà. San sát bát đĩa thịt thà, nhấp nhô gái trai già trẻ. Tôi bị “bắt” ngồi mâm khách quí, vì “thầy giáo đến thì mừng quá, không cho thầy giáo đi đâu”. Tôi chả biết từ chối chén nào, cứ lễ phép uống. Liên tục các “lý”, chúc sức khỏe thầy, bố mẹ thầy, anh em thầy, chúc mười lăm thầy cô ở trường… thì đến chúc vợ thầy. Tôi thật thà, cháu chưa có, mấy đứa trò cũng nói đế vào, đúng đấy, thầy ngủ một mình thôi. Thế à, thế thì rét đấy, phải tìm con gái luôn mùa đông này.

Tôi cầm chén đi chúc xã giao đám đông. Sức khỏe sức khỏe, ực ực bắt tay, chỉ thấy nhòa nhòa người người, u u inh inh. Tôi đã sang dãy thứ hai, đang giơ chén lên có lời thì thấy áo sau như có ai giật giật. Rồi tiếng nói vào tai, đừng uống nữa chết đấy, anh cũng ngoài thị trấn đây. Quay lại, thấy một người mặt quắt, mắt sáng, tay can tay chén. Anh gạt tay tôi ra sau, tôi đi theo anh. Chỗ nào anh cũng giới thiệu, đây là thằng em tôi. Ô, anh Nhỡ cũng có em làm thầy giáo; nhà có thóc rồi đấy cho người vào lấy đi… Đâu đó có tiếng nói, tôi nghe loáng thoáng, không hiểu, định nói rõ… nhưng mình đang mềm nhũn, sắp đổ.

Tôi tỉnh dậy thì đã trưa hôm sau. Một cô gái đến bên giường gọi, thầy giáo dậy ăn cháo cho hết say thôi. Tôi mở mắt, nhìn bát cháo, nhìn lên. Chao ôi là đẹp, khuôn ngực, làn da, mái tóc… như là giấc mơ. Cô gái vẫn đứng im, đôi mắt chờ đợi như vợ bên chồng. Hai bên sẽ cứ như thế chẳng biết đến bao giờ. Thì tự nhiên có tiếng gọi - Phác ôi, thầy Phác còn ở đây không? Anh Nhỡ vào, tay cầm cái bao xác rắn, bó lạt - Này, có về thì về cùng đi. Tôi choàng tỉnh, ngồi phắt dậy, có có đợi em cùng về luôn. Anh còn mệt mà, đừng về. Không, anh phải về tối còn soạn bài, mai phải lên lớp. Anh ăn cháo em mới cho về. Có thích lấy chồng thầy giáo không? Thích nhưng mà không có chữ, anh Phác không nói chuyện được lại bỏ.

… Hiêng cùng chị gái đưa tiễn tôi đến tận bờ suối. Giây phút bịn rịn, lẽ ra tôi phải nói những lời có cánh, thì lại hỏi Hiêng, chị em tên là gì. Em tên là Hồng, quả hồng ý, cô gái trả lời luôn. Tôi bị hút vào đôi má hồng rực, tìm câu nhiều tình dễ hiểu thì tiếng anh Nhỡ kêu to, Phác ôi cứu cứu…. Nhìn ra, thấy anh Nhỡ lẩy bẩy giữa dòng nước xiết, ba bao thóc xô đẩy, cái xe đạp oằn xuống.

Chúng tôi ào tới. Anh Nhỡ nhăn nhó, cầm ghi đông lùi lùi, Hiêng ghé vai vào một bên, vừa giữ bao thóc vừa ủn chéo, đằng sau tôi và Hồng cong mông đẩy. Mồm thở, tim đập, ì ạch ì ạch một lúc thì qua cơn nguy hiểm. Cảm ơn chúng mày nhé, thôi hai đứa về đi, Phác đẩy cho anh.

Lên đoạn đường bằng, còn hai người trò chuyện. Anh mua thóc này bao nhiêu? Bằng một nửa ngoài chợ. Sao rẻ thế? Mua non…. Năm vừa rồi tao tung chục triệu vào đây, cũng lấy gần hết rồi, về hất luôn cho mấy bà hàng xáo cũng ăn ra ngần đấy, nhưng tao chả dại, cứ găm lại đã, lúc giáp hạt lại cho nơi sản xuất vay.... lòng vòng mà nhân bốn đấy. Sao người ta lại bán non nhỉ? Chú mày ngây thơ quá, nhà trông vào mỗi hai nghìn mét ruộng, ma chay, cưới xin, đi viện, con cái học hành… trăm thứ tiền… có người mua non cho là tốt. Thế à, nếu mà giữ được đến mùa thì đỡ mất một nửa, xót nhỉ. Tao cũng xót lắm, nhưng mình không làm thì đầy thằng khác a lô xô. Ác với nhau quá, cứ y như bọn tín dụng đen ý. Thôi đừng quở nữa chả thay đổi gì được đâu. Mà em thấy anh có nghèo khó gì đâu, hai vợ chồng hai lương… kệ người ta, anh đừng làm thế. Đúng là cái thằng đầu chỉ có mấy quyển sách, rồi có lúc mày sẽ đến xin tao cho theo… Thôi nghỉ tí đã, không nói chuyện non già nữa.

Anh Nhỡ rút một cây cọc rào vườn rau bên đường chống xe. Hai người ngồi phệt xuống cỏ. Anh có thuốc lá không, em điếu. Tao chỉ có thuốc lào, hút tạm đi. Thôi em nhịn vậy, tôi xua tay. Anh đứng lên, rờ rờ túi quần, rút ra một tờ 5 nghìn, bảo, ra cái quán gốc mít kia mà mua mấy điếu.

Tôi cầm tờ tiền ố đen, như có nhựa gì bửn bửn… ghê ghê. Thôi, tí nữa em về thị trấn mua, tôi trả lại anh. Rách chuyện, sao không hút thuốc lào như tao vừa rẻ vừa tiện. Anh cầm lại tờ tiền, đưa lên mũi hít hít mấy cái, rồi nhét vội vào túi sau.

Hết mặt giời mới về đến nhà. Anh Nhỡ thả tay cho xe đổ kềnh giữa sân. Chị vợ từ trong bếp chạy ra, mặt cứ tái tái - sao anh về muộn thế. Muộn cái gì, đi làm ăn chứ có phải đi chơi đâu. Đây là chú Phác (anh Nhỡ chỉ sang tôi) thầy giáo trường cấp III đấy, may hôm nay có chú ấy đẩy giúp không thì khốn nạn. Chú cũng vào bản mua thóc à? Chị hỏi tôi, nhưng anh Nhỡ cắt ngang luôn, thanh niên thóc lúa cái gì… nó đi tìm vợ. Anh cứ đùa, em vào chơi nhà học trò thôi. Ừ, chú mới lên đây chịu khó đi thăm phụ huynh, nhiều chuyện hay lắm. Tôi đang định kể về đám mừng cơm mới, uống rượu múa hát tưng bừng cho chị nghe thì anh Nhỡ ngắt cái sập… thôi thôi tào lao cái gì, cơm được chưa, định cho anh em tao chết đói hả. Lập tức chị vợ chùng mặt xuống, đi vào. Đến cửa bếp thì… này này ra chợ mua cho đĩa lòng, hôm nay không muối vừng đâu nhá. Anh Nhỡ lần lần túi quần đưa tiền cho chị. Tôi nhận ra có tờ lúc dọc đường.

… Từ buổi ấy, thỉnh thoảng tôi xuống nhà anh. Thanh niên tập thể chân son mình dỗi, chiều chiều tay đút túi quần lơ vơ. Khu quán xá, chợ búa thì ngại vì người đấy tạp, mà chả nhẽ chơi suông. Đến khu xóm, nhà thì đóng cửa đi rừng, nhà thì túi bụi thu chít, thu thóc. Mỗi nhà anh, chiều nào cũng kiểu ngồi thu lu nhìn ấm trà như chờ như đợi.

- Ô, đợi mãi mày, quà cho mày này… của đám cưới từ hôm kia đấy. Anh đưa hai điếu Thạp Luông, tôi châm một, đưa lại anh một. Nặng quá, tôi há mồm, dụi điếu thuốc xuống cái gạt tàn. Anh vẫn đang rít, nghe tiếng xịt dài, mãi chả thấy khói ra, hình như anh nuốt hết. Lâu lắm tao mới hút lại, công nhận ngon thật.

- Này, có phải mày thích con bé trong Na Sa không? Không, chỉ gặp nhau hôm ấy thế thôi. Thấy dân trong ấy khen mày, tao cứ tưởng …, thôi đừng vội là chết đấy. Vâng, em chưa nghĩ gì, chưa biết thế nào. Ờ, tỉnh táo nhé, đời người như trò chọc lỗ, không bao giờ thắng được nhà cái đâu.

- Tròn năm chục rồi mày ạ, cho mày xem này. Tôi đón cái sổ tiết kiệm, há mồm nhìn. Anh ngửa khuôn mặt ngời ngời lên. Tôi đặt trả những chữ tiền vào tay anh. Anh vẫn như tượng không động đậy.

Chuyện chỉ như thế mà thân. Hôm cưới con gái anh, tôi mừng 500 ngàn, với lời đề tặng Chú Phác mừng hạnh phúc hai cháu. Mấy hôm sau tôi mới xuống, anh hỏi luôn, sao mày mừng nhiều thế. Tôi cười, anh em rồi nhiều ít nỗi gì. Anh chạy vào buồng, một lúc ra, đưa tôi hai bao thuốc - nhà trai nó lại mặt, tao cất để phần mày.

- Sao anh không làm nhà đi, xung quanh người ta xây hết rồi, nhà gianh khó coi lắm. Tao thừa sức cất nhà ba tầng, nhưng… không thích. Hay là anh sợ mình gầy quá ngồi trong cái nhà sáng choang... như cãi nhau. Cái thằng khỉ gió này… rồi mày sẽ biết.

- Hôm nay ở đây uống rượu nhé, có thịt hoẵng đấy. Chơi sang thế. Đâu, ông bố nuôi tao bắn được, tao đem bán hộ được lãi một đùi. Còn rượu không, để em đi mua nhé. Ờ, mày nói tao mới nhớ, …à… mua cả sả, cả rau sống nữa nhé.

… Chuyện linh tinh như thế. Lắm lúc, chả ai nói gì, cứ nhìn lên mái nhà, lại đơ đơ vào vách đất. Trên vách có bức ảnh đen trắng, chồng vêu vao nghẹo đầu, vợ cao hơn hẳn, tay ôm bó hoa nhựa… nền cảnh là ngôi nhà tốc mái, một phên gianh bung biêng. Hồi tao cưới hết có cân chè, mua ba thừa hẳn hai… thế là tao nghiện chè từ đấy. Định bỏ mấy lần mà đếch được. Anh mà bỏ chè thì em gọi luôn là chị. Hí hí, chị mày cũng không cho tao bỏ, nó bảo còn mỗi uống chè em thấy anh là đàn ông.

*

Tôi lấy vợ, rồi chuyển lên thị xã. Hồi đầu còn vài tháng về thăm anh một lần nhưng rồi công việc, áp lực… nên chốn cũ cứ xa dần. Lắm khi tôi nhớ anh, nhưng anh không dùng điện thoại, đành lời nhắn, hỏi thăm qua người này người kia. Chục năm rồi, như thế là không nên không phải, tôi định chủ nhật tới sẽ gạt hết mọi thứ, đưa vợ con về thăm anh, thăm bà con chốn cũ. Thì buổi trưa… anh đột ngột gọi cửa. Tôi ô lên, ôm lấy anh sung sướng. Tôi giục vợ đi chợ thì anh chạy ra ngăn lại, thôi tao về luôn không ăn đâu. Sao, hết anh em với nhau rồi à? Không phải, để khi khác. Gặng hỏi một lúc thì anh khai thật, không định đi nhưng thằng Sam nó bảo đi ô tô với nó… thằng Sam bán kem ấy mày nhớ không. Nhớ nhớ, cái thằng hôm xem salon bị anh chửi chứ gì. Ờ, nhưng giờ người bị chửi lại là tao… là thằng cù lần. Sao lại thế nhỉ? Anh hơn nó gần hai chục tuổi cơ mà. Tao cũng không hiểu nhưng mà kệ bố nó. Thôi tao về đây, thằng Sam nó chỉ cho đi mười phút thôi. Tôi đành khoác vai anh đưa tiễn, ra đến đường, phắt một cái, một bao thuốc dúi vào tay tôi, quà cho mày này. Anh bày vẽ thế? Không phải tao đâu, tao thó của thằng Sam đấy.

Hôm nay tôi lại được ngồi với anh. Vẫn ấm trà cũ nhưng câu chuyện thì…

- Tao no đòn rồi mày ạ.

- Chị ấy đánh anh à?

- Không tao đánh tao.

- Anh ghét anh đến thế sao.

- Ờ, ghét lắm, tao muốn xúc tao hất ra ngoài suối.

Tôi mở to mắt nhìn anh, không hiểu sao cái người còm nhom này lại… “đổ đốn” ra một nhà hiền triết. Thấy tôi vẫn nhìn chằng chằng, anh ghé sát vào mắt tôi, cụ thể.

- Thằng Sam bùng rồi mày ạ. Sáng hôm kia, om sòm gạch đá chửi bới ầm ầm cả thị trấn.

- Làm sao, anh liên quan gì?

- Tất cả sổ tiết kiệm, sổ đỏ tao đưa nó rồi, mày bảo không liên quan à. Nhỡ ơi là Nhỡ, ngu ơi là ngu…

Anh bưng mặt khóc. Tôi chả biết dỗ người lớn thế nào, đành sang ngồi bên, vỗ vỗ vào lưng anh.  

Anh gục xuống bàn, đôi vai còn rung lên một lúc nữa mới tắt. Tôi thả mắt lơ vơ lên xà nhà, xuống bức vách, bộ salon sỉn màu. Tôi nắm lấy cổ tay toàn xương là xương của anh, khẽ nói:

 - Anh ơi, em về nhé, anh nhớ giữ gìn sức khỏe đấy.

- Ở đây, chiều đi bản với tao, đi chơi thôi. - anh choàng tỉnh, nói như ra lệnh.

- Em còn việc ngày mai, phải về. Lúc nào thu xếp được em sẽ ra.

- Ờ mày giờ nhiều việc… Còn tao bắt đầu phải tập đi chơi như mày hồi xưa thôi.

  D. A

Nguồn Văn nghệ số 16/2019

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

         

 


Có thể bạn quan tâm