March 29, 2024, 3:45 pm

Anh Kim Đồng làm liên lạc cho bộ đội nào?

 

Lâu nay, việc “nhặt sạn” từ ngữ liệu không phù hợp đến nghiêm trọng hơn là sai kiến thức khiến độc giả quan tâm và lên tiếng đã kéo dài 3 năm nay - kể từ khi triển khai chương trình cải cách giáo dục phổ thông 2018. Hầu như các bộ sách giáo khoa nào cũng từng được dư luận “nhặt sạn”.
 

Có thể chỉ ra không ít lỗi ở 2 tập sách Tiếng Việt 4 của NXB Giáo dục Việt Nam. Trong đó, có cả việc các tác giả viết không đúng chương trình. Trước mắt, chúng tôi tạm kê thêm một số lỗi ai cũng dễ nhận ra như sau:

Dạy học sinh viết báo cáo theo mẫu không đúng

- Nội dung giống biên bản, chứ không phải báo cáo.

- Về thể thức, không có quốc hiệu; người viết báo cáo là thư kí, chứ không phải chủ tọa cuộc họp.

Đặc biệt, ở tất cả các bài làm văn, trong vòng 1 tuần, học sinh vừa viết bài, giáo viên đã phải trả bài. Yêu cầu này chứng tỏ người soạn sách giáo khoa không hiểu giáo dục phổ thông. Giáo viên làm sao có thể chấm mấy chục bài sau mấy tiết học? Một cô giáo dạy tiểu học ở Thái Nguyên cho biết, điều này gây nhiều khó khăn, lúng túng cho giáo viên khi thực hiện chương trình.

Không chỉ vậy, Sách giáo khoa lớp 4 Tiếng Việt Bộ Kết nối cũng mắc những lỗi lẽ ra không đáng có. Đơn cử, phiên âm tên nước ngoài sai nhiều. Ví dụ, Ludwig van Beethoven phiên âm là Lút-vích-van Bét-tô-ven. Van là một từ đệm, lẽ ra phải tách riêng.

Thocadéro (tiếng Pháp) phiên âm là Thô-ca-đê-rô. Trong tiếng Pháp, "h" là một chữ câm, nên phải phiên âm Tô-ca-đê-rô mới đúng.

Điều đáng nói là ngay việc viết nguyên dạng tên nước ngoài trong sách giáo khoa cũng sai:

- Nguyên dạng tên phiên âm Tin-tin là Tylyl thì sách viết: Tintin. Nếu viết như vậy thì phải đọc là Tanh-tanh.

- Nguyên dạng tên phiên âm Mi-tin là Mytyl thì sách viết: Mitin. Nếu viết như vậy thì phải đọc là Mi-tanh.

Chắc người soạn sách không có tác phẩm Con chim Xanh (của chính NXB Giáo dục Việt Nam) mà chỉ lấy từ sách giáo khoa cũ rồi tự khôi phục nguyên dạng theo tưởng tượng của mình nên mới sai. Sai như vậy thì bảng tra cứu tên riêng nước ngoài còn có ý nghĩa gì?

Sách giáo khoa phải là chuẩn mực về kiến thức, đứng đầu các tiêu chí. Tuy nhiên, để sảy ra liên tiếp những “hạt sạn” không đáng có trong kiến thức như vậy, không chỉ thể hiện trình độ của người biên soạn, mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với học sinh, giáo viên.

Gần đây, cô giáo M.C. (Bắc Kạn) rất ngạc nhiên khi thấy SGK viết: Anh Kim Đồng hi sinh trong lúc "làm nhiệm vụ giao liên cho bộ đội ta".  Trên thực tế, anh Kim Đồng hi sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943, trước khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của ông Võ Nguyên Giáp ra đời (22/12/1944) hơn 1 năm. Vậy, lúc ấy anh Kim Đồng làm giao liên cho bộ đội nào? Ngay cả khi đội quân của ông Võ Nguyên Giáp được thành lập thì đội quân ấy cũng chưa được gọi là "bộ đội". Từ "bộ đội" xuất hiện sau Chiến thắng Biên giới (1950); còn từ "giao liên" thì xuất hiện trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày anh Kim Đồng hi sinh trên dưới 20 năm.

Chúng ta đang bắt đầu triển khai, thực hiện môn Lịch sử là môn học bắt buộc. Điều đó khẳng định ý nghĩa, vị thế môn Lịch sử trong việc giáo dục lòng yêu nước, yêu dân tộc cho thế hệ trẻ. Việc đó bắt đầu từ những trang sách giáo khoa đầu đời.  Bởi vậy, hơn bao giờ hết, kiến thức lịch sử phải chuẩn xác nhất.

PV

Theo https://lsvn.vn/


Có thể bạn quan tâm