April 20, 2024, 4:58 am

Anh đứng cho chú vững chưng!

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Truyện ngắn dự thi 

Đọc tới trang 59, tạp chí khoa học tháng 9: “Tìm hiểu về biểu tượng Thiên Nhãn (Eye of Providence) qua nghiên cứu trường hợp biểu tượng đạo Cao Đài và tờ 1 USD tác giả: PGS.TS Nguyễn Chung Hưng, Phó trưởng khoa văn hóa tôn giáo”, Sang thấy rát rát, hai tay bủn rủn như một khúc cây bị bọng ruột.

Minh họa: Đỗ Dũng 

Cậu nhìn vào bức tường đối diện bàn làm việc, luồng hơi từ trong mũi đi ra chậm rì như một người mắc bệnh khó thở. Phía cửa sổ sau lưng, gió thổi đầy bụi, tiếng lá quẹt vào nền gạch nghe như những buổi chiều buồn thiu trong sân Tòa thánh Tây Ninh. Cậu đọc kỹ tờ tạp chí một lần nữa, đảo lên xuống phần mục lục, hy vọng có một lỗi kỹ thuật nào dẫn đến việc lẫn lộn giữa hai cái tên: Nguyễn Chung Hưng và Đỗ Quân Sang không. “Cố chấp” hy vọng trong giây phút thất bại, giống như dùng cây đũa bếp khư lên nấm tro buồn bã. Cậu vẫn cố chấp tìm cái tên Đỗ Quân Sang của mình trong tờ tạp chí, cho đến lúc tối mịt.

*

- Làm khoa học là một hành trình gian khổ. Chú nên biết. Viết bài báo khoa học là một công việc tinh hoa của người giảng viên ưu tú. Đó là những miếng nạc của một quá trình nuôi dưỡng bằng kiến thức từ mồ hôi nghiên cứu. Ngoài tập giảng để đứng trên bục giảng, thì em phải tập trung viết bài tạp chí khoa học, trước là tạp chí trường, bước tiếp theo là tạp chí ngành văn hoá, tiếp theo là tạp chí trong khu vực và quốc tế. Đừng nghĩ nông cạn, nghĩ “ao làng” cho dòng chảy khoa học của mình, hãy nghĩ đến biển cả mênh mông. Như anh, cũng đã phấn đấu rất nhiều, cũng bao lần chảy nước mắt cho bao đêm nghiên cứu của mình, để ngồi vào cái ghế phó trưởng khoa. Chưa kể bao tháng ngày cọ xát thực tế các thực hành tín ngưỡng tôn giáo. Ăn, ngủ ngay tại các địa điểm tôn giáo để lọc được miếng tư liệu thực tế tươi ngon và sống động nhất. Khoa học phải thế em ạ, không phây phây múa bút mài mực được. Bây giờ anh có ý tưởng này.

Phó khoa ngưng nói, hớp một miếng trà, đọc tờ note vàng trong tay:

 - “Bàn về hai thuật ngữ Tin Lành (The Good News) và Đạo Tin Lành (Protestantism) dưới góc nhìn văn hóa tôn giáo”, anh sẽ tập em viết từng bước, để sau này em tự mình đứng vững trên các bài tạp chí của mình. Có thể ban đầu anh sẽ cho em đứng chưng (chân) chung, để tạo dần thương hiệu khoa học cho em. Chứ sinh viên mới ra trường như em, Ban biên tập còn nghi ngại lắm. Dù gì anh cũng là tiến sĩ, phó trưởng khoa nên bài viết cũng sẽ sức nặng hơn. Chứ bây giờ cả trăm bài đang xếp hàng chờ biên tập trên tạp chí Trường. Sang thích từ “chưng” của Phó khoa. Phó Khoa là cán bộ từ Hải Dương, nhà sát bên bờ sông Kinh Thầy, nên hay tập nói tiếng miền tây cho hòa hợp vùng đất mới.

Những tháng đầu tiên ra trường, Sang hăm hở bước ra cửa phòng phó trưởng khoa với tờ note: “Bàn về hai thuật ngữ Tin Lành (The Good News) và Đạo Tin Lành (Protestantism) dưới góc nhìn văn hóa tôn giáo.”. Sang cảm giác cầm tờ note như cầm cục gạch đầu tiên xây dựng con đường khoa học của mình. Hình như có biển xanh chảy quanh chân mình, Sang tự nở nụ cười hàm tíu đẹp trai…

Cậu bắt đầu lên thư viện tìm các cuốn sách về lịch sử đạo Tin Lành, và tìm trích dẫn trong Kinh Thánh về cụm từ Tin Lành. Lội trong hơn 100 trang tài liệu và sách, Sang như nhúng mình trong những câu chuyện kỳ bí xa xưa của loài người.

Cậu hy vọng một ngày tên mình được in trên tạp chí khoa học Trường, sớm nhất so với các bạn cùng khoá ở lại trường.

Cậu lại mỉm cười nhìn một chiếc lá rụng ngoài cửa lúc 12 giờ đêm.

- Em viết tới đâu rồi, đẩy nhanh tốc độ lên nha, tinh thần khoa học là tinh thần thần tốc, thần tốc. Nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau giữa thời 4.0 này - Hễ phó khoa gặp là nhắc nhở cậu về bài báo.

Tám trang bản thảo chạy ra từ máy in, cậu rưng rưng nhìn những dòng chữ in còn nóng hổi mực trước mặt, chính là chữ đi ra từ đôi tay của cậu.

*

“Viết như thế cũng viết! Câu cú lộn xộn, từ chuyên ngành không đúng. Đọc sơ sơ đoạn đầu là anh thấy sai sơ sơ gần 10 lỗi chính tả. Trình bày văn bản canh lề cũng sai, cũng xấu. Ngày xưa thầy hướng dẫn anh là xé vứt sọt rác. Viết lại ngay!”

 Sang sợ xanh mặt. Coi như những chữ viết ra trong những đêm trắng đã đổ xuống biển xanh. Nỗi sợ đêm trắng biển xanh cứ chập chờn trong những đêm sau đó.

“Xé vứt sọt rác!”

“Xé vứt sọt rác!”

“Sao người ta có thể dễ quăng chữ của người khác vào sọt rác?” – Sang hoang mang tự hỏi với nỗi sợ giăng mù mịt như cơn mưa núi ở Sa Thầy.

- Sếp nóng hay la vậy, chứ không có gì, em chưa khóc đấy, ngày trước anh mới về bị la không nói được gì, chỉ đ?ng ?? ch?y n??c m?t t?m lem.??ứng đó chảy nước mắt tèm lem.”  – Anh đồng nghiệp an ủi Sang.  – “Bữa sau trước khi nộp, em đọc kỹ chính tả một chút, canh lề theo ý sếp: trái 2.5 cm, còn trên, dưới, phải thì 2cm.”. Nếu kỹ thì lấy thước đo lại.

Sang nhức đầu như dòng “Biển xanh” trong tâm trí đã khô cạn. Cậu nhìn tờ bản thảo quệt đầy vết mực nước đỏ như toé máu.

Cả buổi, Sang không dám nhìn bốn tám tờ bản thảo, tiếng nói của phó khoa vẫn móc lại trên từng dòng chữ. 

“Xé vứt sọt rác!”

“Xé vứt sọt rác!”

*

Lần sửa thứ 12, thì bản thảo “Bàn về hai thuật ngữ Tin Lành (The Good News) và Đạo Tin Lành (Protestantism) dưới góc nhìn văn hóa tôn giáo” được sếp gật đồng.

Lần cuối sếp sửa một liên từ “Bởi vậy” thành “Do đó”, và thống nhất cách viết tên riêng Giê-xu thành Jesus, vì phó khoa ủng hộ không Việt hóa những tên riêng trong tiếng Anh.

- Em thấy chưa, anh mà không gắt với em thì làm sao mà em viết lên tay như vậy? Em gửi anh file mềm nhé! Để anh đọc lại chính tả lần cuối. Rồi gửi cho bên tạp chí. Phát huy tiếp theo nhé!

Sang gật đầu thấy có lý. “Nếu cứ lãng mạn để nghiên cứu, thì cũng chỉ là những khúc văn của tiểu luận sinh viên. Thôi thì, có thầy học còn quý hơn lượm được vàng.” - Sang trấn an, và đọc lại bản thảo, biết thêm nhiều kiến thức về thuật ngữ Tin Lành mà mình không biết. Sang run người, kiến thức mạnh như một cơn bão bất ngờ đỗ ập vào vùng quê duyên hải miền Tây của mình, mạnh hơn các loại vũ khí.

- Giờ bài này anh tạm đứng tên, vì em còn xanh, nên biên tập sẽ nghĩ bài viết chưa chín. Giờ anh cho em một ý tưởng mới: Tìm hiểu về biểu tượng Thiên Nhãn (Eye of Providence) qua nghiên cứu trường hợp biểu tượng đạo Cao Đài và tờ 1 USD.” Trong khoa học mà được cho ý tưởng là quý hơn lượm được kim cương. Đề tài dễ òm đó mà. Em lấy lại cơ sở lý luận từ bài trước, mấy định nghĩa, khái quát chung về đạo Cao Đài, Thiên Nhãn, lịch sử thiết kế tờ 1 đô Mỹ. Sau đó phân tích xem thử sự giống và khác nhau giữa biểu tượng thể hiện hình ảnh của Creator (Đấng Tạo hóa) tại hai nơi này. Em cũng có thể gợi mở kiến thức cho người đọc bằng nêu thêm sự xuất hiện của biểu tượng Thiên Nhãn ở các nơi khác.

Hình như kiến thức văn hóa tôn giáo là thảo nguyên của phó khoa. Sang mềm nhũn, và quên đi cảm giác kháng cự về việc bị “mời” ra khỏi bài báo về thuật ngữ Tin Lành.

*

Tạp chí in bài viết, từng dòng chữ của Sang viết trở lên lấp lánh. Phó khoa tài thật, sửa một chút mà những đoạn viết về thuật ngữ Tin Lành như một thảo nguyên xanh ngát những ngọn cỏ lịch sử. Tài múa bút của phó khoa là có thật. Sang cũng không thể nói là các đoạn viết là của Phó khoa cũng không thể nói đó là của mình. Cảm giác vừa dễ chịu, vừa khó chịu phải hai tuần mới hết. 

Sang tiếp tục lao vào bài báo thứ 2! Cậu tin lần này, mình sẽ được đứng tên. Cậu lật ngược phần mục lục và đọc kỹ tên các tác giả, may quá vẫn chưa… có đứa bạn nào tốt nghiệp cùng khóa có bài đăng. 

“Biển” dưới chân cậu đã xanh trở lại. Thi thoảng, đang viết bài, cậu lật bài viết “Bàn về hai thuật ngữ Tin Lành (The Good News) và Đạo Tin Lành (Protestantism) dưới góc nhìn lịch sử văn hóa”- lấy viết chì gạch tên Tiến sĩ Nguyễn Chung Hưng - và viết tên Cử nhân Đỗ Quân Sang, rồi lật đật gom đi. Cậu tưởng tượng giá như, tên là của mình, chắc giờ này mình đã nổi tiếng khắp trường.

Bản thảo viết xong xong, cậu canh lề trái 2.5, phải, trên, dưới 2.

Cậu đọc chính tả kỹ, nhưng phải in lại 4 lần vì để sót 4 lỗi chính tả. Sự gật đầu của trường phòng là điềm lành cho bài báo. 

- Em nên phân tích thêm bối cảnh ra đời của hai biểu tượng Thiên Nhãn này, vì một bên lả phương Tây, một bên là phương Đông.

Một bóng đèn lại bật lên trong đầu Sang. Cậu lại thán phục phó khoa.

- Aha aha, tốt quá! Giờ sửa lại, thêm mấy dấu “chấm phẩy” ( “; ”) để tách ý. 

- Thế này, cóp file qua cho anh nhé, hay gửi file qua zalo cũng được.

Sang run tay, “Chẳng lẽ phó khoa lại “đòi công” hướng dẫn, bài này sếp có sửa nhiều đâu?”

- Chú vẫn còn xanh, nên anh đứng chân cho chú vững chân. Biên tập sẽ không dò xét hay nghi ngờ. 

Thấy mặt Sang thoáng buồn. Phó khoa nói tấp thêm: 

- Không sao. Có anh cơ hội đăng sẽ cao hơn. Mà đứng chung bài, thì điểm khoa học vẫn tính như em đứng một mình. Khi em xét chức danh giảng dạy, vẫn tính trọn một điểm. Đứng chung với một người có bề dày chuyện môn và thương hiệu là niềm vinh dự. Nhiều em trong Khoa muốn nhưng anh chưa cho cơ hội. 

- Dạ! - Sang gật đầu, cười bằng cách mím môi vì không mở miệng nổi. 

*

- “Sang, sếp gọi qua phòng!” - Anh đồng nghiệp gọi Sang. Anh cầm tờ tạp chí số mới, làm Sang cũng run, như sắp có tin không lành.

- Ngồi đi, rót trà đi, lột quýt ăn đi, vì quy định mới của Tạp chí không cho đứng chung tên trên một bài, nên biên tập Tạp chí chỉ để tên anh, để tăng uy tín của báo. Nhuận bút thì anh gửi luôn cho 50% cho ban biên tập, coi như phần anh giúp chú tạo mối quan hệ với trển”. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, giúp em vững chưng. Lần sau có viết thì cũng thoáng cho em… 

- Chân chứ không phải “chưng” thưa phó trưởng Khoa! 

Sang bước ra khỏi phòng, như đi trên biển khô…

Nguồn Văn nghệ số 41/2022


Có thể bạn quan tâm