April 25, 2024, 11:55 am

Anh đi nhé, anh Tô Hải Vân!

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hải Vân

Nhà văn Tô Hải Vân tên thật là Tô Đăng Hải, sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, từng giảng dạy tại khoa Thống kê, Đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn từ 1969-1991). Sau thời gian tu nghiệp ở Nga, ông trở về tiếp tục công việc giảng dạy, rồi chuyển sang làm giám đốc Nxb Khoa học - Kỹ thuật (1991-2008) đồng thời kiêm nhệm công tác tại một số cơ quan báo chí của Bộ Khoa học, Công nghệ & Môi trường và Hội Xuất bản Việt Nam. Từ năm 2009 đến nay ông về công tác tại Nxb Dân Trí.

Nhà văn Tô Hải Vân đã xuất bản 7 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, đã được trao nhiều giải thưởng văn học. Người đọc biết nhiều đến Tô Hải Vân với tập Chiều dài của một ngày. Sau 20 năm ngưng bút, ông trở lại với văn chương, chữ nghĩa. Những năm cuối đời, tuy mắc trọng bệnh, mỗi năm ông vẫn cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết hoặc tập truyện ngắn. Trong đó, tác phẩm Người thứ hai được giải B (không có giải A) cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ IV (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam; tiểu thuyết 6 ngày của ông được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2017, hạng mục văn xuôi. 

Bên cạnh đó, người đọc cũng yêu mến Tô Hải Vân qua các cuốn sách như Bỗng nhiên có một ngày, Bán sách và bán giầy, Khởi đầu là mèo...

Nhà văn Tô Hải Vân đã chiến đấu với căn bệnh ung thư di căn 5 năm nay. Tháng 12/2018, ông bị ngã gãy chân và từ đó, sức khỏe của ông ngày một xấu đi. Đến ngày 4/2/2019 (nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất), ông đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 72 tuổi. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông đã kịp hoàn thành cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp văn chương mang tên Hội hè

Lễ viếng Nhà văn Tô Hải Vân được tổ chức vào vào hồi 8h45’ đến 10h15’ ngày Thứ Ba, 12/02/2019 (Tức ngày 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội. Sau đó hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.

Văn nghệ xin gửi lời chia buồn đến gia quyến, bạn bè cùng độc giả của nhà văn Tô Hải Vân, và xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Đức Tiến, người bạn, người em thân thiết với ông từ thuở vong niên. Người mà khi nghe tin ông qua đời, đã bày tỏ trên facebook: “Em biết, người như anh thừa sức thấu suốt lẽ vô thường. Thừa sức làm một cuộc lên đường nhẹ nhõm…”

Văn nghệ

       

Tôi thực sự bối rối không biết làm gì, không biết đứng ngồi thế nào khi nghe tin anh mất. Mặc dù từ lâu đã biết anh trọng bệnh. Mặc dù đã lường trước tất cả. Vẫn không sao hình dung ra mình sẽ rơi vào trạng thái tinh thần như thế này. Những ngày cuối cùng, hai anh em không còn được nói chuyện qua điện thoại với nhau, vì anh quá mệt. Thế nên khi bất ngờ nhận được tin, có cảm giác định mệnh chơi khăm, lén lút giáng cho mình một cú đau điếng.

Đúng ra tôi phải gọi Tô Hải Vân là thầy. Thầy Tô Hải Vân, tên thật là Tô Đăng Hải, giảng viên khoa Thống kê, trường đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân) Hà Nội. Tôi là sinh viên của khoa. Nhưng khi thầy chưa chính thức giảng dạy trong khoa thì tôi đã… tốt nghiệp ra trường. Vài năm sau khi qua lại thường xuyên với nhau, tôi vẫn gọi “thầy”, nhưng “thầy” gạt đi, bắt gọi “anh”.

 Vâng, thì “anh”. Anh Hải. Và xưng em. Cả hai đều thấy gần gũi hơn, thân thiết nhau hơn.

 Anh là người đầu tiên tìm gặp tôi trong khu ký túc xá sinh viên, khi biết tôi có tác phẩm in trên tạp chí sáng tác của Hội Văn nghệ Hà Nội. Là người cặm cụi ngồi đánh máy truyện ngắn đầu tay của tôi, và xui tôi gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lúc ấy, nhà văn Tô Hải Vân đã rất nổi tiếng với tập “Chiều dài của một ngày”, còn tôi là thằng học trò mới tập tọng viết văn, theo đúng nghĩa đen. Sau này, cái truyện của tôi được giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội. Làm sao tôi có thể quên được kỷ niệm ngọt ngào và thiêng liêng ấy? Tô Hải Vân luôn là người góp phần nuôi giữ cảm hứng cho tôi để sau này gắn bó lâu dài với công việc viết lách.

Thành công và sớm nổi tiếng như Tô Hải Vân, không dễ gì nhiều nhà văn đạt được. Vậy mà đùng cái, anh bỏ viết. Thái độ rất dứt khoát, ít nhất cũng làm cho tôi, người em đã trở nên rất thân thiết với anh, cảm thấy hụt hẫng trong một thời gian dài. Tô Hải Vân không thèm động đến bút. Không nói một câu về văn chương. Mất chừng hơn hai chục năm như vậy, bắt đầu từ khi anh đi làm nghiên cứu sinh bên Liên Xô, và sau đó, về nước, tiếp tục giảng dạy ở trường đại học, rồi lại rời trường, làm Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học - Kỹ thuật.

Nhưng số phận không đồng ý cho anh thoát khỏi nghiệp viết. Niềm đam mê sâu thẳm không buông tha anh. Sau hơn 20 năm vắng bóng trên văn đàn, một hôm Tô Hải Vân từ Hà Nội bỗng gọi vào Vũng Tàu. Anh làm bộ thản nhiên, nhưng không giấu được sự ngập ngừng, nhờ tôi đọc giúp… cái truyện ngắn anh vừa viết xong.

Ôi trời! Ông anh tôi! Bậc đàn anh xuất phát trước tôi cả nghìn mét trên con đường ma-ra-tông chữ nghĩa, có lúc tưởng bỏ cuộc, giờ xỏ giày chạy lại. Tôi mừng quá. Gạt bỏ chút ngượng ngùng của thằng em được ông anh tín nhiệm, tôi đọc một mạch cái truyện ngắn.

Không chê vào đâu được, tôi nói với anh. Rồi nổi hứng kèm theo một câu hù dọa: anh mà bỏ viết là anh có tội với người đọc, có tội với văn chương đấy!

Nhạc công ống nước, cái truyện ngắn đánh dấu sự quay lại văn đàn của Tô Hải Vân, sau đó được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ. Liên tiếp những truyện ngắn khác của Tô Hải Vân trình làng. Anh viết khá nhanh, và đầy nội lực. Tập Bỗng nhiên có một ngày gây ngạc nhiên. Đến tập Bán Sách và Bán Giày sau đó chỉ vài năm thì Tô Hải Vân, một lần nữa, khẳng định lại chỗ đứng vững vàng của mình trong lòng người đọc, với tư cách là một nhà văn luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn, sang trọng.

Nhưng không chỉ có thế. Anh không chịu dừng lại. Khoảng 4-5 năm cuối đời, khi đã mắc trọng bệnh, người đọc mới được chứng kiến nghị lực, nội lực phi thường, tài năng rực sáng của nhà văn Tô Hải Vân. Mỗi năm 1 cuốn tiểu thuyết, và năm cuối cùng là 1 tập truyện ngắn. Trong 3 cuốn tiểu thuyết, có 1 cuốn được giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, 1 cuốn được Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội.

Tô Hải Vân chuyên nghiệp. Tô Hải Vân càng viết càng điêu luyện. Tô Hải Vân mài miệt gieo trồng trên những thửa ruộng chữ, hết thửa này sang thửa khác. Và Tô Hải Vân lạc quan. Nhớ hôm nằm trong bệnh viện, anh hỏi người bác sĩ: “Ông nói thật nhé, cái hạn của tôi còn được bao lâu?” Vị bác sĩ nhìn anh. Nhận ra vẻ bình thản trên nét mặt người bệnh – một nhà văn mà ông hiểu rõ và ngưỡng mộ - ông nói: “Không dài. Bác có định làm nốt việc gì thì làm đi”. Tô Hải Vân kịp làm nốt việc cuối cùng: tập truyện ngắn Hội hè ra mắt người đọc và đến tay anh còn thơm mùi mực in.

Anh Hải ơi,

Làm sao có thể nói hết những điều muốn nói về anh trong một bài viết ngắn như thế này được? Suốt mấy chục năm anh em sống xa nhau, cứ 3-4 ngày một cuộc điện thoại kéo dài đến mức phải mấy lần giục nhau tắt máy. Anh em thân nhau, hiểu nhau quá mà! Anh sống như thế, viết như thế, khiến em đã bao lần rắp tâm viết một bài về anh thật dài. Để làm gì, anh biết không? Để đọc cho nhau nghe qua điện thoại. Để thấy mình đi guốc vào bụng nhau mà cả cười. Nhưng chậm mất rồi! Chậm mất rồi! Đời sống của tụi mình chẳng ra cái thể thống gì. Vừa đủng đỉnh vừa hối thúc. Vừa biếng nhác vừa mải mê. Vừa đau đáu vừa quên lãng. Và hỡi ơi! Chúng ta, bao giờ cũng thế, chúng ta luôn luôn chậm hơn tử thần một bước chân.

Ngồi viết những dòng cuối của bài này, em đã phần nào bình tĩnh lại. Tưởng như trước mặt vẫn là cặp kính cận lấp lánh, và nụ cười rất hóm của anh: “Đáng đời cậu. Rốt cuộc, cậu vẫn phải ngồi kỳ cạch viết bài điếu văn đưa tớ đi”.

Em biết, người như anh thừa sức thấu suốt lẽ vô thường. Thừa sức làm một cuộc lên đường nhẹ nhõm và thanh thản.

Anh đi nhé, anh Tô Hải Vân!

 

                                                                      


Có thể bạn quan tâm