April 26, 2024, 1:49 am

“Anh đi công tác Ban Ma…”

1.

Ai viết văn mà không say những miền đất lạ? Mới chỉ mon men đến rìa phía Nam Tây Nguyên trong một chuyến công tác vào huyện Lâm Hà – vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Lâm Đồng. Một lần dẫn sinh viên lớp viết văn (Khoa Sân khấu, Điện ảnh, Viết văn Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), đi thực tế ở Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đồn trú ở Gia Lai. Thế nên nghe cháu Huệ (Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao, Du lịch) điện ra lấy thông tin đặt vé máy bay vào Đắc Lắc, mừng như ông lão tám mươi bỗng dưng được giàng (trời) ban cho một tiên nữ giáng trần!

Các nhà văn trong chuyến tham quan thành phố Buôn Ma Thuột.

Lạ vì chưa từng mắt thấy, tai nghe, miệng nếm, bất cứ cảnh trí, vật thể, món ăn nào của xứ này. Nhưng đóng đinh trong tiềm thức của anh giáo trẻ dạy văn cấp 3 mấy chục năm trước là cây kơnia, “bóng tròn che ngực em”, “bóng ngả che lưng mẹ…”. Năm 1975, định vị trong tiềm thức mình là trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà ta nghi binh thánh đến mức địch cứ tưởng sẽ đánh Pleiku… Ai ngờ tướng Hoàng Minh Thảo chỉ huy trận này giã một đòn chí mạng vào Buôn Ma Thuột mà dẫu kém cỏi thế nào về quân sự thì cũng biết điều sơ đẳng này: Làm chủ Buôn Ma Thuột là làm chủ Tây Nguyên. Làm chủ Tây Nguyên là làm chủ chiến trường miền Nam buộc địch phải tính đến cuộc rút lui chiến lược dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Sau năm 1975, được đi công tác miền Nam là một niềm vui lớn. Chưa đi đã biết đến Buôn Ma Thuột nhờ câu thơ kiểu Bút Tre: “Anh đi công tác Buôn Ma/ Thuột xong một cái lại ra với mình”. Lại cũng không thể nhắc đến công của nhạc sĩ tài danh Phạm Tuyên “Chú voi con, ở bản Đôn/ Chưa có ngà nên còn trẻ con…”.

2.

Không phải lần đầu được mời chấm các tác phẩm văn xuôi một tỉnh tổng kết sau năm năm. Nhưng cách làm của Đắc Lắc chỉ qua bộ tài liệu gửi ra cho từng thành viên Ban giám khảo đã thấy lần đầu tiên một cách làm quy mô, bài bản của cả hệ thống. Từ quyết định thành lập Hội đồng giám khảo và Ban giám khảo đến Quy chế giải thưởng và thể lệ giải thưởng, đến mẫu phiếu thẩm định tác phẩm và lịch làm việc của Hội đồng giám khảo Giải thưởng văn học nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ III. Chấm xong mới ngộ ra cứ tưởng tỉnh là vùng trũng văn học nghệ thuật. Ai ngờ là một trong những vùng cao của cả nước. Đọc công văn của Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao, Du lịch Thái Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực, ký thay Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm Ngọc Nghị gửi, đã thấy nể cả hệ thống đúng như thành ngữ “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Từ khâu đưa đón khách ở sân bay về (các đoàn đều đi lẻ theo yêu cầu của khách, có thể vào sớm một hai ngày, về muộn một hai ngay) đến lúc đưa tiễn đều thấy sự cởi mở, thân thiện, chu đáo. Những ngày làm việc, các bạn chiều khách tối đa có thể.

Khách được bố trí ở khách sạn Sài Gòn – Buôn Ma ngay ngã sáu giao lộ trung tâm thành phố. Ngã sáu, nhưng không có một cột đèn tín hiệu giao thông, không một cảnh sát giao thông. Dòng xe đông vẫn hối hả êm xuôi nhờ hệ thống giao thông tĩnh được thiết kế khoa học, hợp lí. Nhưng Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao, Du lịch vẫn cẩn thận cho người dẫn chúng tôi sang đường đến nơi làm việc là Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh chỉ cách nơi ở chừng 200m…

Giữa trung tâm ngã sáu là một quần thể tượng đài. Nổi bật giữa mầu trắng mây trời của hình khối biểu tượng chiến thắng là mầu xanh rêu đã bị mưa nắng thời gian ngả sang nâu sẫm của chiếc xe tăng. Xích sắt nằm trên bệ bê tông nghiêng để nó kiêu hùng nghếch nòng pháo chếch lên trời làm ta nhớ tới lúc nó vừa hùng dũng dẫn bộ binh, vừa nã pháo vào các hỏa điểm địch, hạ gục hết bốt này đến bốt khác, giải phóng hoàn toàn thị xã, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vào 11h30 ngày 30/4/1975, nhờ cách đánh thần, tốc xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cứ bảo lịch sử không lặp lại. Nhưng trong hai cuộc kháng chiến thắng hai đế quốc to, chỉ một tổng tư tư lệnh chỉ huy đều diễn ra trong đúng 55 ngày. Chỉ có khác do tương quan lực lượng và thế trận nên ta phải chọn cách đánh chắc, tiến chắc, ngược hẳn lối đánh chiến dịch Hồ Chí Minh. Và đều kết thúc trước mùa mưa, mặc dù mùa mưa năm 1954 đến sớm đến nỗi một vị chỉ huy phải: “Báo cáo anh Văn, nước ngập ngang lưng bộ đội rồi!”.

3.

Nhà văn Đặng Bá Tiến, nguyên phóng viên thường trú báo Lao động tại Tây Nguyên, về hưu thấy quá thân thuộc với đất này nên đất lành chim đậu. Trở thành Chi hội trưởng chi hội nhà văn Việt Nam tại Đắc Lắc. Anh tự tay lái xe riêng đưa nhà văn Niê Thanh Mai, người Ê đê, Phó Chủ tịch Hội và anh em tôi dạo quanh thành phố.

Đứng trước cây long lão cổ thụ. Đặng Bá Tiến kể, công sứ Pháp mang giống từ châu Phi về trồng năm 1905 trong khuôn viên công sứ, sau thành biệt điện của vua cuối cùng triều đại phong kiến Việt Nam, nổi tiếng về ăn chơi và săn bắn. Nay trở thành viện bảo tàng lịch sử tỉnh. Được Hội bảo vệ thiên thiên Môi trường Việt Nam gắn biển “Cây di sản” thì một cây không hiểu sao lại chết. Cây còn lại, quả thật to lớn khác thường, niềm tự hào của Đắc Lắc để chúng tôi thích thú chụp ảnh.

Hà Nội cũng có nhiều cây long não, ngay trong sân Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội cũng còn hai cây cổ thụ. Vườn hoa Tây Hồ cũng có nhiều long não cổ thụ. Rừng Phú Thọ, nơi tôi tản cư thời chống Pháp, long não mọc hoang. Quả, trẻ con làm đạn phốc bắn tiếng nổ đanh rất khoái. Cả lá, thân, rễ nhất là quả đều có dầu long não dùng chế thuốc trợ tim. Thời còn hoạt động ở Pháp, Bác Hồ biết thông tin Bắc Giang có cây giáng hương nghìn tuổi. Đến thời kháng chiến chống Pháp, Người mới có dịp ghé thăm. Đắc Lắc gọi là long não. Bắc Giang gọi là giã hương, Phú Thọ gọi là màng tang. Tiến sĩ Nguyễn Phú Tuấn từng làm phó giám đốc sở giáo dục Hà Tuyên kể, trên Hà Giang người ta hạ cả cây làm được bàn bóng bàn (không phải ghép). Cây giã hương Bắc Giang chỉ cao 36m nhưng chu vì gốc tới 17,6m. Tám người vòng tay không ôm xuể. Tán trùm hết hai sào đất. Người viết đứng với lên bứt lá được. Cây giã hương này bị rỗng ruột. Có lần, mùa rét trẻ con chui vào chơi trốn tìm, rồi nổi lửa sưởi. Lửa bén vào thân dầu cháy âm ỉ bốc khói lên dân làng mới biết. Phải đắp đất những chỗ chui vào được. Dùng vòi xe cứu hỏa bơm đầy mới cứu được. Giờ vẫn là “cây di sản”. Nhưng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

4.

Cả đại ngàn rừng nguyên sinh Tây Nguyên chỉ còn có mặt trong những ngôi nhà sàn Ê đê ít ỏi sót lại trong thành phố nơi Đặng Bá Tiến đưa chúng tôi đến uống cà phê. Nhà văn Nguyễn Trí Huân vào muộn nên chỉ còn Văn Chinh và tôi được anh đưa đi la cà. Cảm thấy trong ngọn gió dọc ngang trên những con phố dưới những tán cây cổ thụ cũng phảng phất mùi cà phê rang say. Mùi cà phê trong những phin nóng hòa trong gió. Không uống nhưng vẫn thích mùi cà phê thơm đặc trưng không giống, không họ hàng với bất kỳ mùi gì khác. Không gì thay thế, không thể đánh đổi. Nhìn các bạn nhấm nháp từng ngụm nhỏ mà… thèm! Cà phê không chỉ tạo ra mùi vị riêng thế giới mê chuộng nhấm nháp như một trong những thứ ẩm thực hằng ngày không thể thiếu được của nhân loại. Nó còn tạo mầu sắc riêng trong hội họa: mầu cà phê! Bã cà phê được nhóm bạn trẻ Việt dùng làm phụ phẩm chế giầy nổi tiếng thế giới. Đến xứ sở cà phê mà không nhấm nháp được cà phê đành cảm nhận nó gián tiếp thế vậy.

Chúng tôi vào không phải là quán mà là nhà cà phê: nhà sàn, chỉ tiếc không còn lợp gỗ mà đã thay bằng ngói. Một chiếc cổng lớn làm bằng gỗ. Trụ cổng cũng bằng cây gỗ to, bản lề gỗ. Cánh cổng gỗ. Thử đóng. Nặng quá. Chưa ăn thì chắc không đóng được. Cánh cổng cao hơn 2m, rộng chừng 3m do ba tấm gỗ lớn ghép lại trong một khuôn hình chữ nhật làm thành một bức tranh gỗ khắc nổi 5 người đang múa. 3 nam, hai nữ. Nam đeo một mảnh vải che trùm chỗ kín. Nữ mặc váy, nhưng theo luật tục xưa, ngực để trần. Chân ai cũng khuỵu xuống, khuỳnh ra. Gương mặt các vũ công đều ở tư thế ngang -dường như đều đang khoái thể hiện mình. Các bàn uống cà phê, cả bàn và ghế đều là gỗ nguyên khối chỉ đẽo bớt đi cho vừa một người ngồi. Nhưng có một chiếc ghế dài… suốt chiều dài mấy gian nhà, ngang hơn hai gang tay mà chân thấp, liền với ghế! Phải voi, trâu mới kéo về nổi. Phải nửa buôn mới khiêng nổi!

Tường rào bằng gỗ cây to chôn thẳng xuống đất, bất chấp mối mọt. Hẳn là loại gỗ có dầu. Những cây gỗ làm tường được cắt bằng nhau để trên đặt một chiếc thuyền độc mộc dài suốt chiều dọc tường hơn chục mét. Lòng thuyền sâu khoảng 50cm chạy suốt chiều dài con thuyền, đủ chứa 2-3 người – bây giờ xếp đầy chậu cây cảnh cũng bằng gỗ.

Nhà sàn bên. Một chiếc cổng khác nhỏ hơn, năm người xếp hàng ngang đi lọt. Hình như cánh cổng không đóng bao giờ. Hai cây gỗ to làm trụ cổng cũng được tạo dáng đỡ một cây gỗ to nằm ngang trên hay cây trụ trên đẽo một con rùa và hai bầu… vú. Phía ngoài 2 trụ cổng cũng có hai cây gỗ to, đầu hình tháp nhọn tròn đều có 3 đường ngấn ngang sâu. Dưới đó chừng 30 phân là một cặp vú tròn trịa. Dưới hai bầu vú là hai cái sừng bò ngỏng lên. Không phải là đẽo gọt ở ngoài gắn vào mà là cả cây gỗ to dùng rìu, dao đẽo gọt những chỗ không cần thiết để nổi lên những đường gân, bộ ngực trần và hai cái sừng bò ngỏng lên. Có người bảo nó thể hiện cho sức mạnh. Không đủ sức thuyết phục. Vì sao nó lại được đặt đối xứng (trên dưới) với hai bầu vú?

Nhà sàn thấp nên cầu thang lên nhà chỉ hơn hai mươi thước. Cũng là hai cây gỗ nguyên khối đẽo bớt đi thành bậc và trên cùng là hai bầu vú ngồn ngộn. Niê Thanh Mai bảo, leo lên bậc thang đến đây anh phải sờ tay vào bầu vú ấy mới là tôn trọng luật tục Ê đê. Loài người tìm ra lửa là một phát hiện lớn. Nhờ biết dùng lửa và những điều kiện khác nữa, con người mới thoát khỏi loài thú. Lửa làm cho miếng thịt nướng thơm ngon hơn hẳn. Bắp ngô nướng thơm lừng. Lửa xua đi giá lạnh đêm đông, xua đi thú dữ. Còn gì ấm áp khi hay gia đình, bầy đàn quây quần quanh đống lửa. Thế tất dẫn đến một sự phân công tự nhiên: đàn ông săn bắn, hái lượm, làm nương rẫy. Đàn bà ở nhà... giữ lửa, chuẩn bị bữa ăn cho đàn ông đi rừng về. Đàn bà làm nhiệm vụ sinh nở nuôi nâng trẻ thơ bằng bầu sữa mình. Tục chuê nuê (nối dây) chính là biểu hiện của chế độ mẫu hệ, để không bao giờ sợi dây sinh sản bị đứt. Bầu vú là vẻ đẹp phồn thực tự nhiên của người phụ nữ, người mẹ. “Đàn ông không râu bất nghì/ Đàn bà không vú lấy gì nuôi con?” Thế nên tay anh Văn Chinh đặt lên bầu vú trong tấm ảnh chụp chung là… phải phép.

Trong văn học dân gian, người Kinh chả có câu: “Vú đàn bà, quà đàn ông” là gì? Cũng chỉ một nhà thơ dân tộc mới có câu thơ hồn nhiên thế này: “Đồi núi quê ta/ Đẹp như vú đàn bà”. Còn nhà thơ Lò Ngân Sủn thì viết những câu tuyệt diệu ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ: “Người đẹp như tuyết/ Chạm vào thấy nóng/ Người đẹp trông như lửa/ Sờ vào lại thấy mát/ Người không khát, trông thấy người đẹp cũng khát/ người không đói, nhìn thấy người đẹp cũng đói/ người muốn chết, trông thấy người đẹp không muốn chết nữa/ Ơ! người đẹp là ước mơ treo trước mọi người!”.

Dẫn ra như thế để thấy tính nhân văn, nhân bản của 49 dân tộc anh em trên đất Đắc Lắc này là mẫu số chung. Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán chỉ là tử số nhỏ nhoi mà thôi. Nhưng cuộc sống hôm nay trong thời kỳ hội nhập cộng đồng, hội nhập quốc tế đang là xu thế tất yếu trong thế giới phẳng. Trên đường phố Buôn Ma Thuột không thể nhìn y phục mà biết đấy là dân tộc nào. Nếu các cô gái Ê đê lại cứ mặc như thuở nào thì có mà…

Nguồn Văn nghệ số 46/2020


Có thể bạn quan tâm