April 19, 2024, 6:34 pm

An toàn trên mạng xã hội: Khi tốt, xấu trở nên quá mong manh

* Tính đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực cho đời sống con người nói chung, từng cá nhân nói riêng ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau, nhưng bên cạnh mặt tích cực, nó cũng để lại không ít hệ lụy cho chính người sử dụng.

* Kể từ khi Internet chính thức xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 1997, sau 21 năm, vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, Luật an ninh mạng mới được Bộ Công An chủ trì, soạn thảo và được Quốc hội Việt Nam khóa XIV thông qua. Điều này cho thấy, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng không còn là “ảo” mà chính là một phần quan trọng trong đời sống con người.

YouTuber đăng clip khóc sau lùm xùm trên mạng xã hội

Ranh giới mong manh

Luật An ninh mạng chính thức được ban hành và được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng phát tán thông tin nhảm, độc hại và xâm hại quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân nói riêng, quốc gia, lãnh thổ nói chung. Nói như vậy, bởi theo cơ quan soạn thảo, Luật có rất nhiều điều khoản quy định chặt chẽ đối với từng đổi tượng, nhóm đối tượng cụ thể. Nhưng với những diễn biến gần đây trong đời sống xã hội Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, có thể thấy Luật đang bộc lộ không ít bất cập.

Do các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đều có máy chủ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam và được điều hành theo phương châm “Tiêu chuẩn cộng đồng”. Khái niệm mơ hồ này đã trở thành vỏ bọc để các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội khai thác triệt để thông tin không biên giới thu lợi bất chính mà không chịu bất kỳ một ràng buộc mang tính chất pháp lý nào đối với quốc gia, lãnh thổ, thậm chí tổ chức, cá nhân sử dụng nền tảng của họ. Chưa kể những hệ lụy vốn được xem là mặt trái của nền tảng trực tuyến, mạng xã hội gây nên cho những đối tượng cụ thể (đôi khi là cả mạng sống) khi tiếp nhận và làm theo những thông tin không có kiểm chứng được lan truyền trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội. Có thể kể ra hàng loạt những sự việc thương tâm mà nền tảng trực tuyến và mạng xã hội gây ra trên thế giới như: trẻ em tự dùng dao cứa vào tay, treo cổ dẫn đến mất mạng. Tại Việt Nam, trường hợp Thơ Nguyễn tự sản xuất những video cho trẻ em có nội dung “Truyền bá mê tín dị đoan trên mạng xã hội” là một ví dụ điển hình cho lỗ hổng về quản lý trên nền tảng trực tuyến và an toàn, an ninh trên không gian mạng cho người sử dụng. Lợi dụng luận điểm “Tiêu chuẩn cộng đồng”, các mạng xã hội như Facebook, YouTube và gần đây là Tiktok đã có những thay đổi lớn về mô hình kinh doanh. Song họ luôn tỏ ra độc quyền và sẵn sàng phản ứng Chính phủ, thông qua việc chặn các dịch vụ đối với người sử dụng, khi Chính phủ có những động thái siết chặt luật pháp trong quản lý, trả tiền thông tin hướng đến sự bình đẳng. Trường hợp của Facebook tại Úc hay Twitter tại Mỹ… là những ví dụ cho thấy rõ nhất mục đích tối thượng của nền tảng trực tuyến và mạng xã hội không gì khác ngoài lợi nhuận.

Trả lời trên báo Sài gòn Giải phóng, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho hay, cơ quan này đã đàm phán với những mạng xã hội có số lượng người dùng lớn tại Việt Nam như Facebook, YouTube và các kho ứng dụng như Apple Store và Google Play, yêu cầu họ phải tuân thủ gỡ bỏ nội dung xấu, độc hại khi có yêu cầu từ phía Cục. Ngoài ra, tham mưu Chính phủ ban hành một số nghị định để bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ hơn, cũng như có chế tài răn đe mạnh hơn về vấn đề quản lý mạng xã hội nói riêng và dịch vụ viễn thông, internet nói chung. Các nội dung này được cập nhật khá nhanh và được thực hiện rất quyết liệt. Nhưng kết quả chưa đúng như kỳ vọng.

An toàn tuyết đối, có hay không?

Nguyễn Thị Hồng Thơ, 30 tuổi, đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan vào chiều này 16/3. Cụ thể, ngày 27/2, Thơ Nguyễn đã đăng video “xin vía học giỏi” với búp bê trên tiktok. Sau khi nhận được nhiều phản ứng của dư luận, chị đã đăng tin đính chính rằng muốn học giỏi thì phải siêng chứ không cầu xin được. Tuy nhiên hành động đính chính muộn màng này đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội, cụ thể đối tượng là các bậc phụ huynh. Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, những hợp đồng kinh tế, giao dịch thương mại thậm chí việc dạy và học cũng được tiến hành trực tuyến trên toàn thế giới. Thực tế này tạo điều kiện cho nền tảng trực tuyến và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Và trong khi các ngành nghề kinh tế phải cầu cứu những gói cứu trợ từ Chính phủ, thì các nhà mạng, đơn vị sản xuất thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính bảng, laptop, máy vi tính) lại vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Vô hình chung Facebook, YouTube và Tiktok trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Từ vô hình Facebook, YouTube và Tiktok... với nhiều người đã trở thành kênh tiếp nhân thông tin chính. Còn nhớ chừng 5-10 năm về trước, khi internet chưa phát triển mạnh mẽ như hiện tại, để bảo vệ trẻ em trước game bạo lực, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tham mưu, đề nghị Chính phủ Luật hóa nhiều nội dung trong quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh internet, kèm theo những quy định bắt buộc về thời gian hoạt động, về phạm vi mở quán kinh doanh dịch vụ này phải cách cổng trường học, cơ sở giáo dục bán kính trên 200m... Chưa dừng lại ở những quy định hành chính, việc đề nghị các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội quy định độ tuổi của người tham gia cũng được triển khai (ví dụ Facebook quy định 13 tuổi). Nhưng thực tế, quy định này không được tuân thủ do sự lỏng lẻo trong quản lý và không có hậu kiểm…

Tiktok, Youtube hay rất nhiều các trang mạng xã hội trên thế giới đều khẳng định họ sở hữu đội ngũ kiểm duyệt thông tin hùng hậu cùng với các công nghệ AI tự động tiên tiến nhất. Nhưng với số lượng người dùng và khối lượng thông tin khổng lồ, quá khó để họ có thể xử lý được những video kiểu như “xin vía học giỏi” – tưởng chừng như vô hại. Hoặc hình ảnh về củ hành tây được đăng trên Facebook của một nông dân ở Canada đã bị xóa khi đội ngũ kiểm duyệt dựa trên công nghệ AI nghĩ rằng nó liên quan đến từ khóa “tình dục”. Theo báo cáo minh bạch gần đây của các nền tảng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, gần 95% bình luận bị gắn cờ là lời nói căm thù trên Facebook đã bị AI phát hiện; và trên YouTube, 99,2% bình luận bị xóa vì vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng đã bị AI gắn cờ. Điều đó có nghĩa là chính con người tạo lập nên công nghệ tự động, AI không có khả năng ra quyết định một cách sâu sắc và đúng đắn – điều khiến những thông tin mà ta tiếp cận không còn an toàn nữa.

Thay vì trông chờ vào các cơ quan chức năng, việc tự trang bị cho bản thân kiến thức cơ bản là một hành động thông minh của mỗi người để có thể tự bảo vệ mình trước những thông tin không may “lọt lưới” kiểm duyệt, và trong một chừng mực nhất định, môi trường mạng không hoàn toàn an toàn cho tất cả mọi người.

Về cơ bản, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nước đã và đang đương đầu rất tốt trong việc kiểm soát thông tin xấu độc, đặc biệt là các thông tin liên quan đến chính trị. Một phần của sự thành công đó nằm ở niềm tin, nhận thức của người dân hiện nay đã tiến bộ hơn, một phần nằm ở công cuộc kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng làm công tác truyền thông trên mặt trận vô hình nhưng vô cùng phức tạp, trước thách thức của cái gọi là Tự do ngôn luận, mà Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung luôn đề cao và tôn trọng. Tuy nhiên trong tương lai, vấn đề này vẫn luôn luôn đặt ra những yêu cầu trong đổi mới quản lý, cũng như nâng cao nhận thức trong tiếp nhận và sàng lọc thông tin, bởi không một quy chuẩn nào có thể đủ để giới hạn được thông tin trên các diễn đàn điện tử; không một điều luật nào đủ rộng để quy định những gì được nói hay không được nói gì trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội…

Trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam. Ngoài ra Cục Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) cũng đề nghị các mạng xã hội lớn, xuyên quốc gia ngăn chặn các thông tin xấu độc hại chống phá Đảng, Nhà nước. Cụ thể yêu cầu nâng mức độ ngăn chặn, xử lý lần lượt là 90% đối với facebook và gần 100%. Google, trực tiếp là YouTube, cũng đã đáp ứng hơn 90% yêu cầu từ chúng ta; Tiktok đạt gần 100%...

Nguồn Văn nghệ số 14/2021

 

 


Có thể bạn quan tâm