April 25, 2024, 7:48 am

Âm vang Tuyên Quang

Nhớ lại quãng đời làm báo hơn 20 năm về trước, không biết bao lần tôi qua bến Bình Ca bên dòng sông Lô lịch sử để ngược Tuyên Quang nơi chiến khu Cách mạng; rồi cũng đôi ba lần xuôi dòng sông Gâm, đoạn gầm gào dữ dội, đoạn yên ả hiền hòa qua các địa danh Na Hang - Chiêm Hóa - Yên Sơn, cách thành phố hơn 10 cây số là điểm hợp lưu của hai dòng sông đi vào thi ca nhạc họa. Giữa đôi bờ của hai dòng sông thi ca-lịch sử ấy, nhịp sống sinh sôi của đất và người Tuyên Quang rộn rã như những khúc nhạc vui. Mỗi lần lên với Tuyên Quang là cảm nhận khác nhau về quê hương Cách mạng, đặc biệt là sau thời kỳ Đổi mới, Tuyên Quang mỗi ngày một thay da đổi thịt, chuyển mình. Tôi từng đứng trên cầu Nông Tiến vắt qua dòng Lô êm ả xuôi về, ngước sang núi đắp Thổ Sơn mới thấy sức mạnh, tầm vóc dân tộc; nhìn xuống những nhánh phố như những bàn cờ mà thấy xốn xang bức tranh thành Tuyên đầy gam màu sống động. Tôi từng lặng lẽ trước hai bức tường thành nhà Mạc, sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” nghe đâu đây như những tiếng vó ngựa dập dồn, những tiếng gươm khua, những cung tên vun vút xé gió của cha ông ta – một thời rất xa… chống giặc xâm lăng phương Bắc. Miên man Tuyên Quang trong những lần tác nghiệp báo chí của thông tin sự kiện, bất giác, trở lại thực tại, cụ thể là mùa thu năm 2022 này tôi “đổi dòng” tác nghiệp cho một hoạt động văn học nghệ thuật nặng về thông tin, về tư duy hình tượng. Đó là tham dự Trại sáng tác VHNT do Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang tổ chức.

Các văn nghệ sĩ của trại sáng tác du lịch trải nghiệm trên thảo nguyên xanh xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Và vào một chiều cuối thu, từ Hà Nội chúng tôi ngược Tuyên Quang nơi chiến khu cách mạng do NSND Vương Duy Biên – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam dẫn đầu; kế theo đó là NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; các nhà thơ, nhà văn, đặc biệt là sự có mặt của hai nhạc sĩ tên tuổi, gạo cội mang tên Lê Mây và Ngọc Khuê. Khi nhà thơ Tạ Bá Hương – Chủ tịch Hội VHNT Tuyên Quang đưa đầy đủ danh sách 12 văn nghệ sĩ Trung ương tham gia trại lên trang cá nhân, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã comment “Toàn các thành viên cự phách. Chúc trại thành công”!. Đón tiếp và gặp gỡ các văn nghệ sĩ Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang không khỏi phấn khởi và kỳ vọng VHNT Tuyên Quang sẽ hòa chung với dòng chảy VHNT cả nước qua Trại sáng tác này. Tôi hiểu đó là sự trăn trở không chỉ riêng ông mà toàn thể đội ngũ lãnh đạo Tỉnh rất quan tâm tới đời sống, văn hóa tinh thần của người dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Đối diện ông, gương mặt thông tuệ, vầng trán cao và rộng, tóc đã pha sương. Bất chợt, tôi nhớ lại bài phát biểu chỉ đạo của ông trong Đại hội VHNT Tuyên Quang lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022-2027) cách đây chưa lâu, đã đánh giá cao: “Sự lao động nghiêm túc, có trách nhiệm của đội ngũ VNS Tuyên Quang, đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, góp phần làm rạng danh mảnh đất Tuyên Quang lịch sử”. Chưa bằng lòng, mãn nguyện với những đóng góp nhất định của đội ngũ VNS, Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn còn đặt ra những câu hỏi thẳng thắn và trực diện: “Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang phải chăng vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm dài hơi, công phu, đồ sộ, xứng đáng với tầm vóc của mảnh đất mang đậm dấu ấn lịch sử? Phải chăng còn thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, lay động lòng người?...”

Những trăn trở của vị lãnh đạo đứng đầu chính quyền tỉnh là hoàn toàn có lí và xác đáng- Tôi thầm nghĩ. Và tôi cũng thật bất ngờ khi sau thành công của Đại hội, Hội VHNT Tuyên Quang đã “nổ phát súng” đầu tiên trong đột phá: Ấy là xây dựng ngay kế hoạch và Quyết định tổ chức Trại sáng tác VHNT năm 2022, có sự tham gia của văn nghệ sĩ Trung ương với văn nghệ sĩ địa phương mà từ trước đến nay chưa nơi nào làm được. Phải chăng đó là “câu trả lời” với Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Sơn?

Sáng hôm sau, rời thành Tuyên trong âm vang ngày mới, vượt 110 km theo hướng Đông Bắc, đoàn văn nghệ sĩ Trung ương ai cũng đầy háo hức, đầy dự cảm đến Trại sáng tác đặt tại Khu du lịch sinh thái Na Hang. Tại đây, 12 văn nghệ sĩ Trung ương “hội quân” với 11 văn nghệ sĩ của Hội VHNT Tuyên Quang gồm các chuyên ngành Thơ, Văn xuôi, Âm nhạc, Nhiếp ảnh và Mỹ thuật, tạo thành một trại sáng tác “hỗn hợp”, như lời phát biểu của NSND Vương duy Biên trong buổi khai mạc.

Sau khi điểm qua một số thành tựu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội và du lịch của huyện, Bí thư huyện ủy Na Hang Nguyễn Văn Thắng tự hào là nơi đăng cai mở trại; hứa hẹn về sự tạo điều kiện và kỳ vọng nhiều ở thành công của trại viết.

*

Trại sáng tác VHNT Tuyên Quang năm 2022 đặt chính tại Khu Du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, nằm sát thác Mơ có ba tầng thác suốt ngày đêm ào ạt, rì rầm kể chuyện về núi rừng; về những trang cổ tích, những câu chuyện tỉnh lâm li… Kể bao đời không hết. Chỉ có thác Mơ là tường tận hơn tất cả. Khu du lịch này có tổng diện tích 15 nghìn ha, trong đó diện tích mặt nước là 8 nghìn ha trải qua hai huyện Na Hang, Lâm Bình và toàn bộ lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Là nơi hội tụ của 2 dòng sông Gâm và sông Năng thơ mộng với những thắng cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn, những địa danh đã đi vào huyền thoại.

Nhạc sĩ Lê Mây (thứ ba từ phải sang) giao lưu với các ca sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa huyện Na Hang

Các trại viên của Trại sáng tác bắt đầu tour du lịch trải nghiệm đầu tiên là Khu ngắm cảnh rừng lòng hồ trong sáng thu sương lạnh còn mơ hồ trên những vòm lá, mây quàng đỉnh núi Pắc Tạ và các dãy núi đá lô xô, trùng điệp xa xa. Chúng tôi lần lượt xuống thuyền. Bồng bềnh trên lòng hồ thủy điện. Bồng bềnh mây trắng ở trên đầu - một vùng trời nước mênh mông. Nơi khoang lái được bố trí bộ âm li gắn màn hình ti vi, các loa nén được gắn phần mái dưới các điểm của thuyền. Từ đây, các ca khúc về Tuyên Quang, về Na Hang, về các dòng sông huyền thoại tạo nên lòng hồ mênh mông này lan xa trên mặt sóng, vọng vào các vách núi, làm xao động những cánh rừng nguyên sinh. Mặc dù chúng tôi đã nắm một số thông tin cơ bản về Nhà các địa danh, các miền thắng cảnh. Xen với những ca khúc lúc du dương dìu dặt, lúc thánh thót vút cao nhưng Phương Thùy, cô hướng dẫn viên du lịch, (thuộc Công ty Du lịch Hải Anh - Na Hang) vẫn vanh vách: Đập thủy điện Tuyên Quang được khởi công vào ngày 22/12/2002. Tháng 11/2008 tổ máy đầu tiên chính thức đưa vào hoạt động. Chưa đầy một năm sau, hai tổ máy đưa vào hoạt động tiếp, với tổng công suất 342 MW, sau Thủy điện Hòa Bình có công suất 2400 MW, khánh thành năm 1988 và Thủy điện Lai Châu với 1200 MW, khánh thành năm 2016. Để có lòng hồ thủy điện khổng lồ này, có 12 xã và 1 thị trấn bị ảnh hưởng phải di dời; có 5 xã của huyện Na Hang bị xóa sổ hoàn toàn. Hồ có tổng dung tích khoảng 3 tỉ mét khối, chiều sâu cao nhất 125m, mùa mưa phải xả lũ chỉ còn 90-95m.

Đi giữa lòng hồ mênh mông thăm thẳm, khi phía dưới kia chân đập thủy điện đang ầm ì các cánh tuabin hoạt động để hòa vào lưới điện quốc gia, tôi chợt nhớ lại bài bút ký Vùng tối sau khoảng sáng sông Đà của nhà văn Hoàng Hữu Các đăng trên báo Văn nghệ sau khi công trình Thủy điện Hòa Bình kết thúc. Bài ký ám ảnh tôi suốt. Bởi “công trình thế kỷ” hoàn thành thì sau đó có hàng nghìn mảnh đời lay lắt, thất nghiệp, không biết đi đâu về đâu. Có cả cảnh nhếch nhác chợ chiều ven dòng sông Đà của những người thợ từng “làm ra điện”. Khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng điều động họ vào các công trình thủy điện ở Tây Nguyên như Yaly, ở miền Nam. Nhưng họ đâu có “bốc” được cả “bầu đoàn thê tử” với đàn con đang ăn học; gia đình dòng họ ở những vùng quê miền Bắc còn nhiều ràng buộc để lại bắt đầu cuộc an cư, mưu sinh mới? Chưa hết, mang tiếng là nơi “làm ra điện”, là nơi bà con trong vùng lòng hồ sông Đà phải di dời, giải tỏa để “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, nhưng vẫn còn một số nơi không được hưởng “nguồn sáng” sông Đà. Kiến nghị, đấu tranh mãi, sau mới có. Tương tự, nơi Tuyên Quang này cũng vậy, độ “phủ lưới điện Quốc gia” đâu đã cơ bản? Giọng ca trong trẻo từ chiếc loa nén trên thuyền đang phát ra ca khúc “Tâm tình cô gái Na Hang” thật trữ tình, da diết. Nhưng tôi lại nghe những nhịp điệu, tiết tấu nhanh, khỏe khoắn, đầy lãng mạn, hòa quện: “Dòng điện âm vang từ triệu con tim/ Dòng điện mênh mang từ muôn khối óc/ Dòng điện mê say gọi ngày tương lai/ Dòng điện trong ta gọi đời (ơ ớ) bay xa…

Tôi không hiểu nhạc sĩ Tôn Thất Lập, chủ nhân của Trị An - Âm vang mùa xuân và các nhạc sĩ khác khi sáng tác về đề tài thủy điện, có hình dung được “khoảng tối” cho những người làm thủy điện, những người vì dòng điện có “như ánh sáng cháy trong ta” không?

Vẫn theo tour ngắm cảnh rừng vùng lòng hồ và khám phá Na Hang. Chúng tôi ghé thuyền thăm đền thiêng Pắc Tạ. Đền nằm dưới chân núi Pắc Tạ thờ nàng thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật, được trùng tu xây dựng lại năm 2008. Kế theo đó chúng tôi đến Pắc Vãng, vách Nàng Tiên Chú Khách, leo và ngâm mình dưới ngọn thác Khuổi Nhi mà thấy hồn nhẹ nhàng, thơ thới lạ, như rửa sạch những phiền muộn, ưu tư. Đến khu vực 99 ngọn núi - nơi mệnh danh “Hạ Long trên cạn”, tất cả đều trầm trồ trước kỳ quan thiên tạo vừa hùng vĩ vừa đầy chất huyền sử.  Và Cọc Vài - một khối trụ đá sừng sững, cô đơn, độc lập nhô lên giữa bao la trời mây sông nước, để bất kỳ đoàn du khách nào đi qua cũng phải chầm chậm sát thuyền quay phim, chụp ảnh.

Đến Na Hang mà chưa đi tour Thị trấn Na Hang - xã Hồng Thái của huyện, tức là chưa đi, chưa thấm, chưa “đã”. Bởi thế trong một ngày mới khác, các VNS của trại lại vượt 45km đường bộ uốn lượn quanh co khi xuống dốc, khi vượt đèo đến với độ cao hơn 1000m. Ở độ cao này được so sánh với Tam Đảo mù sương và “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời”. Trong tiết thu se lạnh và gió hào phóng quanh năm trên thảo nguyên xanh, chúng tôi tham quan làng văn hóa du lịch, xem cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc người Dao Tiền. Thật may, Hồng Thái đúng mùa lúa chín nên cứ tầng tầng lớp lớp “biển vàng” của các ruộng bậc thang uốn lượn trải đến mênh mông, tít tắp. Rồi nữa, cột cờ của làng văn hóa du lịch - nơi ngã ba bên kia là Bắc Kạn con gà gáy nghe chung, cả một đồi hoa rực rỡ các sắc màu như một mâm xôi khổng lồ, hỏi làm sao Hồng Thái không níu chân du khách?

Bữa cơm trưa du lịch trải nghiệm tại Hồng Thái thật đậm đà, ấm áp. Chủ nhà là chị Bành Thị Thương, 30 tuổi, là người Dao Tiền thuộc thôn Khâu Trùng. Chị có vườn lê rộng đến nửa ha mà chúng tôi đã tranh thủ đến thăm, được thưởng thức hương vị hoa trái trên xứ lạnh này. Là người kinh doanh du lịch, chị bán các loại rau, củ quả sạch như bắp cải, bí thơm, lê, rượu nếp và tép khô cho khách du lịch, phục vụ các hộ trong thôn bản; thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 100-150 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư cho các phòng nghỉ, giá cả phải chăng. Thế mới biết, làm du lịch cộng đồng cũng là cả một nghệ thuật. Các văn nghệ sĩ của trại sáng tác lưu luyến chụp ảnh và hẹn chị ở mùa vàng ruộng bậc thang năm sau.

Cắt nghĩa cho du lịch sinh thái Na Hang vì sao du khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông hơn, tôi mới vỡ lẽ: Ngoài thái độ, chất lượng phục vụ còn là sự thân thiện và mến khách. Bằng chứng là, khi biết có Trại sáng tác VHNT của tỉnh mời các văn nghệ sĩ Trung ương cùng tham gia, lãnh đạo và các bộ phận phòng ban của Huyện ủy và Ủy ban huyện Na Hang rất phấn khởi, háo hức. Chả thế mà hai đơn vị này “dành quyền” được đón tiếp và giao lưu vào hai đêm khác nhau. Huyện ủy tổ chức tại nhà khách cơ quan do Bí thư Nguyễn Văn Thắng “lĩnh xướng”; còn Ủy ban huyện do Chủ tịch Tô Viết Hiệp chủ trì bố trí hẳn nơi Khu Lâm viên Phiêng Bung, một điểm nhấn của tua du lịch. Tại hai địa điểm này, trong tiếng nhạc và ánh lửa bập bùng đêm lửa trại, các diễn viên thuộc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao Na Hang, ngoài trình bày những ca khúc về Tuyên Quang và Na Hang các ca sĩ vô cùng phấn chấn khi giao lưu và thể hiện ca khúc cùng hai nhạc sĩ Lê Mây và Ngọc Khuê. Nơi gió núi mây ngàn này, những Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai, Hà Nội linh thiêng và hào hoa của Lê Mây và Mùa xuân làng lúa làng hoa của Ngọc Khuê thực sự “đốn tim” người Na Hang. Cả hội trường và người dân ngưỡng mộ đồng loạt vỗ tay theo nhịp của mỗi ca khúc. Thế mới biết, đối với người sáng tạo nghệ thuật, tính chuyên nghiệp cùng sức sống tác phẩm mới làm nên thương hiệu!

Tôi từng tham gia một số Trại sáng tác, từng đưa các nhà văn, nhà thơ đi thực tế các vùng miền, các ngành, đơn vị cơ sở do Ban Văn học chuyên đề của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Nhưng tôi chưa thấy trại nào cường độ lao động nghệ thuật lại “quá tải” như trại sáng tác này. Nói “quá tải” tức không phải là trại bắt buộc, gò ép, mà là trách nhiệm, sự đam mê, được kích thích, cọ xát tạo cảm xúc khi có các hội viên chuyên ngành của Trung ương tham gia, để hai bên cùng cháy lên ngọn lửa sáng tạo. Bằng chứng là, trong khi đoàn văn nghệ sĩ của trại xuống thuyền du lịch vùng lòng hồ thủy điện thì các NSNA Hà Thế Đô, Nguyễn Chính, Nguyễn Phi Khanh bằng phương tiện xe máy đã vượt đèo dốc quanh co, len lỏi đi các xã vùng đồng bào dân tộc cách huyện hơn 70km để “săn” những bức ảnh nghệ thuật đẹp nhất. Một số phòng nghỉ của các trại viên sáng đèn đến 2-3h sáng là chuyện bình thường. Cạnh phòng tôi ở nơi tầng 1, nhà văn Đỗ Anh Mỹ và Vũ Mạnh Tữ của Hội Tuyên Quang hầu như luôn tập trung vào laptop sáng tác truyện ngắn, viết kịch bản văn học. Nhà văn Hoàng Kim Yến viết hai truyện ngắn và Bùi Mai Anh cũng sáng tác hai bài thơ. Hai hội viên Trung ương là nhà thơ Trần Vũ Long và Trần Quang Đạo, do bận việc về trước nhưng cũng kịp chuyển lên trại hai chùm thơ đầy hàm súc, tươi mới. Đến phòng của họa sĩ Hoàng Anh Chiến, tôi thấy họa sĩ đang miệt mài thể hiện bức Phong cảnh Na Hang, xung quanh la liệt, bề bộn những vật phẩm. Chiến tiết lộ từng đạt giải C khu vực Tây Bắc - Việt Bắc và giải C của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh quyết không “dẫm chân tại chỗ” và đang phấn đấu đạt giải cao hơn.

Có lẽ, những người thức rì rầm cùng Thác Mơ, ánh đèn thâu đêm suốt sáng nơi tầng 2 của trại là tổ làm phim. Từ nhà viết kịch Lê Duy Hiền, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Hoàng Thanh Du đến nhà biên kịch phim Bùi Xuân Thảo, người nào “phân cảnh, phân đoạn” ấy, như một tổ hợp, dây chuyền sản xuất. Các anh đang gấp rút cho 4 kịch bản sân khấu, 2 kịch bản phim truyện truyền hình, trong đó có kịch bản phim 10 tập có tên Ngày ấy Thủ đô kháng chiến với phần chỉ đạo nội dung của Vương Duy Biên. Đúng là sức lao động nghệ thuật đáng nể.

Vì cùng phòng nghỉ với nhạc sĩ Lê Mây và Ngọc Khuê, tôi chứng kiến hai ông trăn trở trong sáng tác như thế nào. Từ ý tưởng chọn đề tài đến hình thành giai điệu, ca từ. Tiếng bập bùng ghi ta xướng âm trong đêm Na Hang khiến tôi bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước. Dưới nhà vòm vòng cung ở cổng trại, nhạc sĩ Quang Thủy của Hội Tuyên Quang cũng quyên đêm bên máy tính hòa âm phối khí, thu thanh, những mẩu thuốc lá ngổn ngang…

Trong phát biểu bế mạc tổng kết Trại sáng tác VHVN Tuyên Quang năm 2022, NSND Vương Duy Biên đánh giá: Đây là trại sáng tác rất đặc biệt bởi tính “hỗn hợp” giữa văn nghệ sĩ Trung ương và văn nghệ sĩ địa phương. Qua kết quả số lượng tác phẩm đã hoàn thành đặc biệt là phần trình bày báo cáo tác phẩm âm nhạc, ông nhận xét trại sáng tác khá hiệu quả. Còn nhà thơ Tạ Bá Hương - Chủ tịch Hội VHVT Tuyên Quang, Trưởng ban Tổ chức trại thì “thở phào” vui mừng tổng kết: “Là trại viết có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Số lượng tác phẩm hoàn thành ngay nhất, nhiều nhất và chất lượng tác phẩm có thể nói là tốt nhất”. Thì đây, với 62 tác phẩm được hoàn thành, trong đó Thơ: 13; Văn xuôi gồm truyện và ký: 7; Sân khấu: 3; Phim truyện truyền hình: 4; Âm nhạc: 10 ca khúc; Nhiếp ảnh: 26 và Mỹ thuật: 1. Nhưng, chỉ riêng chuyên ngành Âm nhạc, 5 tác phẩm (trong trại nhanh trong tổng số 10 ca khúc) trình bày báo cáo tổng kết, đặc biệt là các ca khúc của nhạc sĩ Lê Mây và Ngọc Khuê, đã “gọi tên” đúng với Tuyên Quang - đúng âm hưởng của những trang sử hào hùng và bức tranh toàn cảnh thời đổi mới, hội nhập hôm nay!

Sau thành công của Đại hội VHNT tỉnh hồi đầu tháng 8/2022, thành công của Trại sáng tác “hỗn hợp” này càng tạo tiền đề, nền móng vững chắc cho sự phát triển VHNT của tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo. Bởi bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, là đổi mới và không lặp lại mình. Có “cọ xát” qua các trại sáng tác như thế này, người nghệ sĩ mới không bị tụt hậu, trái lại được truyền thêm năng lượng và nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất.

Đêm cuối cùng ở Na Hang khi trại viết kết thúc, yên tĩnh quá. Nhưng, sau những ngày mệt nhoài đi thăm thú các kỳ quan thắng cảnh, tác nghiệp, lao động thể loại; khi đêm đi vào chiều sâu, trong tôi lại vật vã, suy tư. Đêm cuối cùng này, lại bên Thác Mơ rì rầm kể chuyện, tôi còn nghe rõ những tiếng sóng từ lòng hồ Thủy điện vọng lại. Tiếng sóng lúc thẳm sâu như một lời tâm sự, khi rộn ràng như khúc nhạc tương lai. Khúc nhạc ấy chính là âm thanh của núi rừng, của biển hồ sông suối. Đó còn là thanh âm cuộc sống, là sự chuyển mình sinh sôi của đất và người nơi chiến khu Cách mạng.

Với tôi, tôi gọi đó là Âm vang Tuyên Quang!

Nguồn Văn nghệ số 43/2022


Có thể bạn quan tâm