April 19, 2024, 7:22 am

Âm nhạc đương đại & thể nghiệm Đông Nam Á - Kế thừa hay làm mới

 

Hội thảo chuyên đề “Âm nhạc đương đại & thể nghiệm Đông Nam Á” vừa diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2018, trong một chừng mực nhất định có thể coi là Hội nghị hiến kế cho âm nhạc đương đại thông qua việc làm sáng tỏ những dòng chảy nào đang từ từ cuộn lên trong không gian diễn ngôn của âm nhạc đương đại thể nghiệm Đông Nam Á và âm thanh của im lặng nào mà chúng ta đã bỏ qua khi cố cất giọng và chỉ nghe thấy chính mình?

 

Dòng chảy từ quá khứ

Hầu hết các học giả, nhà phê bình và các nghệ sĩ có mặt trong hội thảo đểu có một một quan điểm và một cách nhìn chung về nghệ thuật truyền thống, họ đều cho rằng đó là một quá trình tạo ra – duy trì – tái sinh. Đặc biệt, với những sự va đập mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, những thói quen mới liên tục được tạo ra dần thay thế cái cũ (truyền thống), chưa kể có những trào lưu phi truyền thống cũng đang trỗi dậy, chèn ép nhằm xoá bỏ truyền thống. Thế nên để nghệ thuật truyền thống tồn tại cho đến ngày nay là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Và chính sự sáng tạo ấy đã góp phần thúc đẩy nghệ thuật truyền thống tiếp tục phát triển.

Trên thực tế, hầu hết các nước Đông Nam Á, đời sống nghệ thuật đều kế thừa di sản của một thời thuộc địa kéo dài. Nhìn vào thực hành âm nhạc và nghệ thuật đương đại của họ, chúng ta đều thấy những ảnh hưởng sâu đậm của quá khứ, cộng với sự giao thoa của thời hiện đại. Trong đó, phải kể đến sự ảnh hưởng lớn nhất của công nghệ nhập khẩu văn hoá tại mỗi quốc gia, trong mối quan hệ toàn cầu hoá, tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn hoá nói chung, nghệ thuật nói riêng. Song, chính điều này cũng tạo ra sự đứt gãy về văn hoá xảy ra ở cấp độ nhanh chóng, thể hiện qua những trào lưu một bộ phận giới trẻ quay lưng lại với truyền thống, lai căng và thần thánh hoá các thần tượng. Câu hỏi cho các nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong giới nghệ thuật chính là làm thế nào để âm nhạc truyền thống có thể sống được trong dòng chảy âm nhạc đương đại giống như mỗi người đều có thê sống chung trong một thế giới phẳng mà vẫn được là mình?.

Để giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống âm nhạc, nhiều quốc gia đã sớm xây dựng kế hoạch bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có Việt Nam. Việc phục dựng, vinh danh đi cùng với trao truyền nghề cho lớp hậu thế đã sớm được thực hiện. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ những bộ môn nghệ thuật truyền thống, đặc sắc trình UNNESCO công nhận trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, đời sống nghệ thuật, trong đó có âm nhạc đương đại cũng vẫn duy trì, đan xen những yếu tố truyền thống. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được sáng tác theo âm hưởng dân ca, cổ nhạc được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt.

 

Làm mới nghệ thuật?

Giành hẳn một ngày bàn về công nghệ trong đời sống âm nhạc, nghệ thuật, các học giả, nhà giám tuyển và các nhạc sĩ đều thừa nhận sự tham gia ngày càng lớn của công nghệ trong việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt với các tác phẩm sử dụng nhiều hơn một chất liệu âm nhạc và kết hợp với các chất liệu, yếu tố khác để tạo ra những tác phẩm đa phương tiện với nền tảng âm nhạc. Do đó, công nghệ, vô hình chung đang lấn sân thậm chí gây sức ép mạnh mẽ lên dòng âm nhạc truyền thống. Ghi nhận chung tại nhiều quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đều thấy một bộ phận giới trẻ thờ ơ với âm nhạc truyền thống, thậm chí nhiều sân chơi âm nhạc trẻ không có chỗ cho âm nhạc truyền thống bởi họ cho rằng truyền thống là lỗi thời, thiếu sức sống, không còn phù hợp và phản ánh được thời đại. .

Barley Norton, giảng dạy khoa âm nhạc tại Goldmiths, Đại học London, là người đã có nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam cũng như âm nhạc châu Á, cho rằng hiện những suy nghĩ về tiếp biến trong âm nhạc, nghĩa là đặt ra các vấn đề phức tạp như di sản, truyền thống chuyển đổi sang đương đại, hiện đại, sự gắn kết với quá khứ và hiện tại, xây dựng ra những ý niệm mới đang có sự giao thoa và chưa thật sự rõ ràng. Nên vấn đề đặt ra là làm cách nào để không bị ràng buộc với cái đã có trong quá khứ mà luôn được tái phát minh và biến đổi, nghĩa là tạo ra cầu nối giữa truyền thống với hiện tại. Đó dường như cũng là điều mà một số nghệ sĩ ở các quốc gia Đông Nam Á đang hướng đến. Còn Seng Song, trưởng điều hành các chương trình nghệ thuật của Cambodia Living Art (CLA) tại Siem Reap, cho biết, từ năm 1998, CLA đã hỗ trợ các nhạc sĩ và vũ công phát triển và phát huy nghệ thuật và di sản truyền thống của đất nước Campuchia. “Chúng tôi bắt đầu làm việc với các nghệ nhân và học viên trẻ tuổi để bảo đảm rằng các hình thức nghệ thuật truyền thống, vốn đã bị đe dọa từ thời Khmer Đỏ, không bị mất đi”.

Dưới góc độ nghiên cứu, nhà âm nhạc học, phê bình âm nhạc Bountheng Souksavatd lại có cái nhìn tương đốỉ trẻ khi ông cho rằng: “Hình thức pha trộn, sự kết hợp âm nhạc điện tử với âm nhạc truyền thống đang chảy theo xu hướng bão hòa âm thanh và sáng tạo của thế giới ngày nay. Nó đã và đang mang lại cho người nghe một cảm giác mới lạ về nghệ thuật”.

Tại Việt Nam, đại diện cho thế hệ trẻ, Nguyễn Xuân Sơn (Sơn X), nhạc sĩ sáng tác nhạc kết hợp đa phương tiện Việt Nam. Mặc dù được sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ làm nghệ thuật truyền thống, nhưng Sơn X là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam tiếp cận với âm nhạc đương đại (năm 1994), chính vì vậy trong anh vừa có một nền tảng hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, vừa tiếp cận với dòng chảy âm nhạc nghệ thuật đương đại thế giới. Anh cho rằng, cùng với thời gian và theo lẽ tự nhiên, nghệ thuật truyền thống là một quá trình tạo ra – duy trì – tái sinh. Đặc biệt, với những sự va đập mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, những thói quen mới liên tục được tạo ra. “Để nghệ thuật truyền thống tồn tại cho đến ngày nay là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Cá nhân tôi cũng muốn thấy nghệ thuật truyền thống tiếp tục sống chứ không muốn nghệ thuật truyền thống trở thành quá khứ nằm trong các viện nghiên cứu hoặc các bảo tàng”.

Cũng như Seng Song hay Nguyễn Xuân Sơn có cách ứng xử riêng với nghệ thuật, hai nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy và Stefan Ostersjo (Thụy Điển) cũng đã là lựa chọn con đường đến với âm nhạc bằng sự kết hợp  lại thành Six Tones, một nhóm nhạc hoạt động dựa trên nền tảng gặp gỡ giữa văn hóa truyền thống và văn hóa thể nghiệm ở châu Á và phương Tây. Thực hành nghệ thuật thực chất là quá trình trao đi đổi lại liên tục, giao thoa không giới hạn giữa các ngành văn hóa, các thể loại văn hóa và rộng hơn là các nền văn hóa với nhau. Sản phẩm của những mối hợp tác liên văn hóa này là sự ra đời tác phẩm nghệ thuật đa dạng, đầy ngẫu hứng, truyền thống mà hiện đại.

Ngày nay, một trong những xu hướng nổi bật trong khu vực là vai trò ngày càng lớn của công nghệ trong việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt với các tác phẩm sử dụng nhiều hơn một chất liệu âm nhạc và kết hợp với các chất liệu, yếu tố khác để tạo ra những tác phẩm đa phương tiện với nền tảng âm nhạc. Bên cạnh đó là sự gặp gỡ của các cộng đồng và cá nhân thực hành trong giới hàn lâm và phi hàn lâm… Tất cả những đặc điểm này tạo nên ngôn ngữ của âm nhạc đương đại Đông Nam Á.

 


Có thể bạn quan tâm