March 29, 2024, 5:24 pm

Alexa Trương Blank là người Việt Nam

Đã rất lâu tôi không bén mảng đến sân bay, hưu trí cả chục năm rồi, dù máu nghề nghiệp vẫn sôi sục, nhưng ngặt vì sự eo hẹp đồng lương hưu... Vâng, thì chuyện thường mà, kiềm chế ham muốn là phương thuốc mà hầu như ai cũng phải dùng. Thế mà vừa rồi tôi bay, lại bay chớp nhoáng qua nước Mỹ, nhìn ngắm nước Mỹ bằng con mắt người châu Á, tình cờ, nhưng cũng là cơ duyên… 

Lại nữa, mảnh đất Năm Căn Cà Mau mấy năm gần đây không ngừng gõ cửa tôi, chỉ nói một câu liệu anh có thể đến đó trước khi không còn một giọt… ý chí không? Thế là tháng 6 vừa qua tôi đã đến Năm Căn, khoả chân vào con nước vơi đầy, nơi màu xanh đước kiên trì tiến lên, phóng con mắt tưởng tượng vượt qua vịnh Thái Lan mà nhìn thế giới, bây giờ trở về với một chút tâm trạng hả hê, thoả mãn.

Về Hà Nội, chúng tôi bay Pacific Airlines, may không giẫm phải vết chân chậm kinh niên kinh khiếp VietJet Air. Và lại thêm một cơ duyên khác…

*

Minh hoạ Lê Trí Dũng 

Chiếc tầu không gian chở chúng tôi do châu Âu sản xuất, không được đầy đủ tiện nghi như tầu không gian Mỹ. Tôi bị xếp ngồi ghế giữa, gần cửa sổ là một anh chàng Mỹ trẻ, đặt đít xuống là cắm mặt vào chiếc máy thông minh, gọi là Smartphone. Ngồi cạnh lối đi là một thiếu phụ khá to con, da ngăm đen hơi giống người Philippines. Tôi vào trước, ngồi đúng ghế của mình, cảm giác Năm Căn Cà Mau vẫn còn xôn xao sóng sánh. Sau đó là thiếu phụ. Sau cùng là chàng trai. Chàng trai nói tiếng Mỹ, tôi ngơ ngác, nghe không thủng. Thiếu phụ nhìn tôi nói, anh ta nói muốn xin phép bác cho anh ta vào chỗ của mình. Đúng lối hành văn Mỹ, tôi vui vẻ đứng lên để anh ta bước qua. Quay lại thiếu phụ tôi hỏi, cô là người Việt Nam? Thiếu phụ đáp, vâng. Chúng cháu về thăm gia đình ở Sài Gòn, giờ ra Hà Nội để đi Điện Biên. Thiếu phụ khá cởi mở, vui chuyện. Tôi được đà, hưởng ứng nói tốt quá, Điện Biên rất đẹp, hoan nghênh gia đình cháu. Thiếu phụ chủ động chỉ sang người đàn ông cao cỡ mét chín, to mập, nói đó là chồng cháu, kế bên là hai con gái.

Câu chuyện tôi sắp kể tiếp đây xẩy ra vào tháng sáu, dù dịch coronavirus khởi từ Vũ Hán đã không còn đáng sợ nữa, nhưng nhà bay vẫn yêu cầu khách bay mang khẩu trang. Nom cốt cách, lối trang phục, nghe giọng nói, dù bị khẩu trang che khuất chỉ nhìn thấy đôi mắt đen láy mở to, nổi máu nghề nghiệp, tôi thầm dựng nhanh lí lịch thiếu phụ, để thử sức phán đoán của mình. Sinh ở Mỹ sau năm 1975, cha mẹ là người miền Bắc di cư sau 1954, mang quốc tịch Mỹ, nghề nghiệp kinh doanh. Và bắt đầu thử xem mình đúng được đến đâu.

Tôi mở chuyện bằng cách nói tên mình trước, rồi hỏi tên thiếu phụ. Cô gỡ khẩu trang. Một gương mặt trăm phần trăm châu Á, tươi tỉnh, cân đối. Cô cười, đáp tên cháu là Alexa, tên chồng là Blank, trên giấy tờ là Alexa Truong Blank. Tôi khen, cháu nói giọng Hà Nội chuẩn. Cháu học tiếng Việt như thế nào? Các con cháu có nói được tiếng Việt không?

Thiếu phụ đeo lại khẩu trang, rồi quay sang nhìn tôi với ánh mắt tò mò. Tôi cũng gỡ khẩu trang. Cô nói, bác có dáng dấp phong trần của một kí giả, biết cách khơi chuyện. Tôi giật mình, buộc phải gật đầu thừa nhận, mười mấy năm làm báo, dấu vết nghề nghiệp làm sao tẩy xoá sạch. Sự thành thật của tôi khiến thiếu phụ cảm thấy không cần phải e dè. Cô nói, cháu sinh ở Hà Nội, sống ở Sài Gòn, học ở Mỹ. Tôi bị bất ngờ, không lấy làm buồn vì đã dự đoán sai, hơn nữa còn vui vì câu chuyện xoay theo chiều thuận tiện.

“Cháu họ Trương, thiếu phụ kể, ngày còn là cư dân Hà Nội, mẹ cháu nói gia đình thường trú trong một căn nhà cấp bốn diện tích chín mét vuông, tại một ngõ nhỏ phố Triều Khúc.”

Tôi biết phố Triều Khúc, nơi đặt nhà máy ô tô Hoà Bình, được khởi lên từ làng Triều Khúc khá cổ kính. Tôi hình dung ngay ra khu tập thể nhà máy ô tô Hoà Bình đối diện với cổng nhà máy, nơi đấy có một cặp vợ chồng trẻ với cô con gái 5 tuổi, mặc dù hàng ngày phải vật lộn với cuộc sống, nhưng không thiếu hi vọng. Người chồng là kĩ sư ô tô tốt nghiệp đại học Bách Khoa, vợ là giáo viên dạy tiếng Nga.

Cuộc sống thừa những ngẫu nhiên trôi qua không lưu lại dấu vết, nhưng cũng có những ngẫu nhiên làm thay đổi cuộc đời. Trong một chuyến được nhà máy phái đi công tác ở Tiên Yên Móng Cái, một tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của cha cô bé, bẻ ngoặt hướng đi của gia đình trẻ. Hơn một năm sau, mẹ cô đi bước nữa, cô bé có dượng kế. Dượng quyết định chuyển cư vào Sài Gòn.

“Ngay từ bé cháu đã tự lập, thiếu phụ kể. Cháu rất yêu mẹ, nhưng dù cố gắng thế nào dượng kế cũng không thể thay thế được cha cháu. Cháu quyết định sẽ rời khỏi gia đình bằng con đường học vấn.”

Tôi lập tức bị tính cách của cô gái này hấp dẫn, tin rằng thời thiếu nữ cô xinh đẹp, mỗi buổi học tan có hàng tá cậu choai choai bám theo về tận cổng nhà ở cư xá Thanh Đa. Những ngày học, cửa sổ phòng cô buông rèm, gài thêm một cành hoa tường vi, dấu hiệu của riêng cô từ chối tiếp bạn trai. Ai mà không có những năm tháng học trò, nguồn cội của số phận. Ngoảnh lại, cuộc sống mưu sinh, kiếm tìm thì mỗi ngày đều rất dài. Cô gái sinh năm 1978, đã đi suốt tuổi thơ của mình để tìm được học bổng hai năm cuối trung học tại Mỹ, học hết trung học, thi lên đại học, tiếp tục học thạc sĩ, định bụng sẽ trở về Hà Nội quê cha đẻ, kiếm việc làm, hiển nhiên là những trang đời không thể dễ dàng viết lại.

Tôi nói, cô thật là người con gái cứng cỏi. Thiếu phụ hơi ngập ngừng, bác nói cứng cỏi phải không, cháu hiểu rồi, cháu hiểu.

Cô kể, cô kiếm được học bổng toàn phần của một trường đại học danh tiếng ở Florida. Không chỉ học giỏi, cô còn nổi tiếng trong giới sinh viên là một vận động viên bóng rổ hàng đầu. Cô gái Việt Nam xinh đẹp thế, hẳn phải có nhiều chàng trai để ý. Vấn đề là, với tính cách cứng cỏi của mình, cô không để ý đến chàng trai nào, ngoài mục tiêu mà cô đã vạch ra. Cô nói, cháu chỉ có một mục tiêu, nhận bằng thạc sĩ, về Hà Nội.

Nhưng một sự kiện bất ngờ đã xẩy đến, trước khi nhận bằng thạc sĩ nửa năm, đã làm nên bước ngoặt thứ hai cuộc đời cô.

Ngày 11/9/2001, đánh dấu năm đầu của kỉ nguyên mới, khủng bố quốc tế tấn công nước Mỹ, toà tháp đôi biểu tượng bị đánh sập.

Một đêm cuối năm 2001, Trương Thị Quỳnh đi bộ từ thư viện về nhà. Bỗng đâu, một đám đông thanh niên cả da trắng và da màu như từ trên trời rơi xuống, chặn đường cô, miệng la hét, đánh chết con điếm Trung cộng này, tội tổ chức ăn mừng toà Tháp đôi bị đánh sập. Trương Thị Quỳnh kêu to, nhầm rồi, các bạn nhận nhầm người rồi. Đám đông vẫn la hét, Trung cộng nói dối, Bắc Kinh đốt pháo nhẩy múa ăn mừng. Hung hãn, đầy sát khí. Trương Thị Quỳnh nhìn xung quanh tìm kiếm sự giúp đỡ.

Góc phố khuya Trương Thị Quỳnh vẫn thường xuyên đi qua vốn tĩnh lặng và thân thiện, bỗng nhiên chìm ngập trong không khí khủng bố. Bỏ chạy hay chống lại? Có một đồn cảnh sát nằm ở phía tây cách khoảng ba bốn trăm mét, liệu cô dù có sức mạnh của một vận động viên bóng rổ có thể chạy kịp đến đó? Nhưng cô quyết định không bỏ chạy. Cô tin trong đám đông ồn ào kia thế nào cũng có người biết lắng nghe lẽ phải. Trương Thị Quỳnh tiến lên một bước, hướng thẳng về phía đám đông đang bị kích động, nói to, tôi là người Việt Nam, không phải khủng bố. Đám đông dường như bị chững lại. Cô nói tiếp, tôi phản đối vũ lực.

Và rồi cơ duyên của cô. Vang lên một giọng nam trầm đầy uy lực, hãy dừng tay, không được tấn công phụ nữ! Đám đông sắp phát điên lặng đi. Một quân nhân xuất hiện từ phía sau. Anh ta bước đến, dắt tay Trương Thị Quỳnh, bước đi.

Sau đó là tình yêu. Là hôn nhân.

Alexa là giáo viên trung học công lập ở Florida, thu nhập một năm của cô khoảng 40 đến 50 ngàn đô la. Hai con gái cô đang tuổi tiểu học. Các con cô mang quốc tịch Mỹ, học trường công lập được miễn phí. Con gái lớn đã học hết lớp năm sẽ lên bậc trung học middle high school (lớp 6 đến lớp 8). Alexa dạy high school (lớp 9 đến lớp 12).

Trương Thị Quỳnh kết hôn với Blank sau khi lấy bằng thạc sĩ, mang tên mới Alexa Truong. Năm đầu sinh con, ở nhà làm công việc nội trợ. Nhưng do lòng yêu trẻ, cô đi học, thi lấy thêm chứng chỉ nghề để làm giáo viên trung học. Cô kể, ở Mỹ, các bang đều có quốc hội và luật pháp riêng. Chẳng hạn chứng chỉ nghề dạy học do bang Florida cấp, chỉ dùng được ở bản bang, không thể dùng ở bang khác. Alexa Truong biết rõ, hiếm người Việt Nam làm nghề giáo ở bậc trung học, phần lớn có làm nghề giáo thì cũng là làm giáo sư giảng dạy bậc đại học. Giáo viên trung học là người gốc Á, có cái khỏ riêng, ấy là sự hoà nhập văn hoá Mỹ, anh chị quốc tịch Mỹ đấy, bằng cấp Mỹ đấy, nhưng liệu anh chị có đủ vốn văn hoá Mỹ để dạy con cái chúng tôi là người Mỹ đích thực không? Người Việt có thể nắm vững văn phạm Mỹ, nhưng luôn nói không đúng ngữ điệu, người Mỹ không hiểu. Những năm đầu đến Mỹ, Trương luôn ở trong tình trạng lúng túng như gà mắc tóc ấy, Trương đã vượt qua nó từng giờ, từng ngày. Nên nhớ, từ bậc trung học, các học sinh Mỹ đã được làm quen với việc tự do chọn lựa những môn học không bắt buộc (elective courses), song song với các môn bắt buộc (required/core classes). Các môn học bắt buộc phổ biến là English/Literature (Văn học), Mathematics (Toán học), Science (Khoa học), Physical (Vật lý)… Với các môn không bắt buộc, học sinh được linh động chọn lớp, chọn giờ, chọn giáo viên phù hợp với sở thích và định hướng phát triển sau này, với các môn học như PE (Thể dục), Foregin Language (Ngoại ngữ), Computer (Tin học), hay Art (Nghệ thuật). Và như thế học sinh đã được làm quen với hình thức học tương tự như ở các trường cao đẳng/đại học Mỹ. Ngoài ra, học sinh còn có thể đăng ký học các lớp AP (Advanced Placement) là chương trình xếp lớp nâng cao, với nội dung tương đương với các lớp nhập môn hoặc các lớp cơ bản tại chương trình đại học năm nhất của các trường đại học, nếu đạt đủ số điểm yêu cầu cho môn AP tương ứng, học sinh sẽ được giảm số tín chỉ ở chương trình cử nhân năm đầu.

Alexa Trương dạy môn Văn học. Cô chọn một chuyên môn khó, không phải cô muốn chứng minh năng lực xuất sắc, mà là vì cô thích và yêu mến nó thực sự. Buổi lên lớp đầu tiên có thể coi là thử thách to lớn, nếu thất bại thì cái chứng chỉ nghề cầm trong tay sẽ là một gánh nặng mà cô sẽ phải mang suốt đời. Blank xứng đáng là người bạn đời của cô, giúp cô trút bỏ gánh nặng tâm lí, bằng cách trước ngày lên bục giảng đã đưa cô đi dự một buổi hoà nhạc. Suốt buổi ấy, hai người chỉ nói chuyện âm nhạc, không nói đến một cái gì khác. Và cô đã vượt qua ngọn núi đầu tiên trên con đường dài xa của mình.

Làm giáo viên trung học, lẽ dĩ nhiên Alexa phải thích ứng với phương thức đào tạo Mỹ, đồng thời phải có chỉ số tín nhiệm cao. Chỉ số tín nhiệm, không chỉ là chỉ số đạo đức, mà là phẩm cách và trình độ.

*

Alexa, hôn nhân của cháu, một người Việt Nam kết hôn với một quân nhân Mỹ đang tại ngũ có trở ngại gì không? Nhìn thẳng vào tôi, thiếu phụ từ tốn đáp, nom bác cháu tin bác đã từng là quân nhân, bác sẽ hiểu điều cháu nói. Sau cái đêm định mệnh cuối năm 2001 ấy, Blank đã nói với cháu, anh ấy là sĩ quan an ninh mạng, phục vụ trong không quân Mỹ. Khi chúng cháu quyết định đi đến hôn nhân, Blank nói cháu phải kê khai các mối quan hệ gia đình một cách thành thật. Lẽ dĩ nhiên cháu không cần phải che giấu. Cha đẻ là ông Trương Văn Ba đã quá cố, sinh thời hành nghề kĩ sư ô tô, chết trong một tai nạn đáng tiếc. Cha dượng cháu đã từng du học Liên Xô, tốt nghiệp được giữ lại làm phiên dịch ở Đại sứ quán Việt Nam, sau làm cán bộ quản lí lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Ông là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Cho đến nay, ông ấy vẫn tin vào lí tưởng của mình.

Cháu có e ngại lo lắng gì không, trong khi chờ đợi câu trả lời từ phía chính quyền Mỹ. Alexa không ngần ngừ, đáp ngay cháu không e ngại gì, người Mỹ tôn trọng tự do tư tưởng, tin vào sự thành thật, ghét nói dối che giấu sự thật. Sự thật bảo vệ cháu.

Người Mỹ đã tiến hành thẩm tra một cách kĩ lưỡng, dĩ nhiên theo cách của họ. Blank nói với Trương Thị Quỳnh, họ tin em. Từ nay em sẽ mang tên Alexa Truong Blank.

Tôi nhìn sang hàng ghế bên, cha con Blank đang chơi một trò chơi điện tử gì đó. Tôi hỏi, chồng cô cấp bậc gì, vẫn phục vụ trong quân đội Mỹ chứ? Alexa gật đầu, anh ấy cấp bậc đại tá, trước kia do không quân Mỹ quản lí, giờ anh ấy vẫn là quân nhân nhưng là người do Chính phủ quản lí. Từ một sĩ quan thường leo lên đến cấp đại tá hẳn phải được đào luyện qua các trường hoặc học viện quân sự? Alexa nói, không hẳn thế, chồng cô đã phải trải qua các thử thách ở chiến trường Afghanistan và Syria.

Blank là đại tá không quân, nhưng sinh sau năm 1975, Alexa sinh năm 1978, đều chưa trực tiếp trải qua chiến tranh, nhưng du trình của vợ chồng Blank và Alexa luôn có điểm dừng ở các bảo tàng chiến tranh. Alexa nói, Blank thích đọc sách, anh ấy nghiên cứu về chiến tranh, muốn xem tận mắt các dấu tích chiến tranh, xem nó như thế nào. Tôi nói, thăm mảnh đất chiến trường xưa Điện Biên Phủ là một ý tưởng không tồi, Hà nội cũng có rất nhiều bảo tàng chiến tranh có thể thăm.

Blank là đại tá không quân đang phục vụ chính phủ Mỹ, chưa về hưu, sao có thể tự do đi lại thăm viếng Việt Nam, liệu anh ta có thể phát biểu những quan điểm của riêng mình? Tôi thăm dò. Alexa biện luận thay chồng. Cô nói, anh ta không bị ràng buộc gì cả, anh ta rất yêu Việt Nam, nói về hưu sẽ sang Việt Nam sống. Quân đội Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ anh ta và gia đình của anh ta.

Alexa mở túi lấy ra một tấm thẻ mầu sám ghi tên Truong Thi Quynh, với nhiều dấu hiệu đặc biệt, nói thẻ này ghi các thông tin chứng tỏ cháu là vợ một quân nhân Mỹ, tất cả các đơn vị quân đội Mỹ đóng khắp địa cầu, nếu thấy cháu trình thẻ ra, sẽ phải cung cấp mọi phương thức bảo vệ cháu. Tôi hiểu, nghĩa là khi ra nước ngoài Blank phải khai báo kĩ càng. Alexa xác nhận, không thể khác, anh ấy phải kê khai tỉ mỉ, theo đó quân đội Mỹ sẽ cấp cho anh ta một thiết bị định vị, chẳng hạn nếu lên Điện Biên anh ấy không may lạc trong rừng, quân đội Mỹ có thể tìm cứu được anh ta.

*

Tại sao Trương Thị Quỳnh lại chọn Florida? Cô đáp, cũng rất tình cờ, nhưng có thể lại là cơ duyên. Lang thang trên mạng tìm kiếm học bổng, Quỳnh tìm thấy một tổ chức tư vấn giúp tìm học bổng toàn phần, ngay sau đó cô đã tỏ ra đáp ứng các yêu cầu để có học bổng hai năm cuối cùng trung học. Cuộc sống tự lập từ bé và cá tính mạnh mẽ đã giúp cô hoà nhập vào môi trường giáo dục Mỹ.

Đặt chân đến Florida, khí hậu biển ấm áp của vịnh Mexico cùng phong cảnh tuyệt đẹp đã lập tức khiến Quỳnh bị chinh phục. Florida đem đến cho cô cảm giác ấm áp, cùng giấc ngủ sâu yên tĩnh. Gia đình người Mỹ đầu tiên mà Quỳnh được gửi đến sinh sống là dân bản địa, chỉ có hai vợ chồng già đã về hưu. Họ trao cho cô một không gian văn hoá Mỹ mở, thân thiện và khai phóng. Người chồng tên Bin, trên thực tế đã xem Quỳnh như con gái ruột, tự mình lái xe đưa cô gần như đi khắp bang, để cô làm quen với các khu vực đô thị lớn như Miami, Tampa, Jacksonville, Orlando, Tallahassee… Bin nói, con gái ạ, bang Florida của chúng ta có trên 20 triệu dân, gồm nhiều cộng đồng, trong đó có cộng đồng người Việt Nam chịu thương chịu khó, rất thông minh, nghĩa là Florida có nền văn hoá đa sắc tộc, hi vọng con sẽ yêu vùng đất này.

Tuy nhiên trước cái đêm định mệnh sau sự kiện 11 tháng 9, Quỳnh nhất quyết lấy xong bằng thạc sĩ sẽ trở về Hà Nội, tìm kiếm việc làm để được gần gụi, chăm sóc phần mộ cha. Kì nghỉ hè năm sau, cô nghiên cứu sinh thạc sĩ nhận lời mời của bạn trai Blank đi nghỉ ở Tampa, thành phố biển xinh đẹp.

Và vào một buổi sáng tinh khôi, trên bãi biển Clearwater dài 4 kilomet, nước trong xanh và cát trắng phẳng mịn, được mệnh danh đẹp nhất nước Mỹ, cô đã quyết định chấp nhận lời cầu hôn của Blank, để từ đó cô gắn mọi vui buồn, chia sẻ mọi lo âu và hạnh phúc với một sĩ quan phục vụ trong không quân Mỹ.

Tôi biết một số người Việt Nam vừa ra nước ngoài được một hai tháng, đã không ngớt lời kêu ca, than phiền rằng thèm rau muống đến không ăn ngủ được. Không biết những người ấy có thèm rau muống thật không, hay chỉ diễn thế. Một số người Việt Nam sang châu Âu hoặc sang Mỹ không thể hoà nhập với đời sống văn hoá bản địa, tự biến cộng đồng ít ỏi của mình thành một thế giới bí ẩn, khép kín. Trường hợp Alexa quả thật gợi cho tôi một cách nhận biết khác về người Việt Nam mình. Khi tôi viết những dòng này, có thể Alexa cùng Blank và các con đã hoàn thành du trình về nguồn của họ và đã trở về Mỹ. Không hiểu sao tôi lại tin rằng, sau này vợ chồng con cái cô sẽ về sống ở Việt Nam!

Nguồn Văn nghệ số 40/2022                    


Có thể bạn quan tâm