Trong “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” của ta, Tiếng Việt, Kiến văn và Thẩm mỹ chả để làm gì? Và những ai giỏi khoa học xã hội thì rất dễ thất nghiệp.. ">
March 29, 2024, 9:32 pm

Ai là người đầu tiên lo lắng cho tiếng Việt?


ĐỖ TRUNG LAI

Tôi đã thấy, đã gặp, ở phố xa/phường gần, nhiều bậc cha mẹ- trẻ có, già có- đã và đang bỏ nhiều thì giờ, công sức và cả tiền bạc, để có được một ô-sin như ý!
Không bàn đến các tiêu chuẩn đời thường phiền hà, như là tuổi tác, tính tình, hình dong, nhan sắc… vốn là “mỗi nhà mỗi kiểu”, thì họ đều băn khoăn về một tiêu chuẩn chung! Họ nói, đại để:

- Em/chúng em, cháu/chúng cháu đi vắng suốt ngày, chỉ sợ ở nhà, cô/bà ấy toàn nói tiếng quê, giọng quê, lại toàn kể chuyện hài bậy, con trẻ nó học vào rồi không thể thạo/giỏi tiếng phổ thông- tiếng Hà Nội được nữa! Rồi chúng lại tưởng đó là “văn” nữa, thì chết!

Thấy thế, tôi lo theo họ, đồng thời thêm yêu kính họ! Rõ ràng, họ là những người đầu tiên lo lắng cho Tiếng Việt, cho tương lai của Tiếng Việt, bắt đầu từ nỗi lo riêng cho Tiếng Việt nhà trẻ/mẫu giáo/phổ thông của con mình!

Chao ôi! Thế thì hóa ra, nỗi khát khao một thứ Tiếng Việt thống nhất, trong sáng, đẹp đẽ, phong phú, sinh động, chuẩn xác (vốn thế từ Nguyễn Du); từ phổ thông đến nghệ thuật, từ đời thường đến văn chương; vẫn đang hiện hữu quanh ta!

Đau thật! Vì để đáp lại nỗi khát khao chính đáng ấy, thì con cháu chúng ta hiện lại đang bị đánh giá là “dốt, sợ, ghét” văn nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung? Thế thì lấy đâu ra một thứ Tiếng Việt như bao người đang mong mỏi kia? Và vì sao lại thế? 
Phải chăng, vì hai lẽ:
1. Nhà trường ta dạy Tiếng Việt/Văn/Khoa học xã hội kém, cho nên Tiếng Việt, Kiến văn và Thẩm mỹ của các ô-sin mới có thể “áp đảo” Tiếng Việt, Kiến văn và Thẩm mỹ của con cháu ta, đến thế? Hay là vì khi dạy học, ta đã dạy quá nhiều giáo thuyết mà thiếu ngôn ngữ đời sống văn minh và ngôn ngữ nghệ thuật? Hay là văn hóa nhà trường ta và văn hóa ô-sin vênh nhau? (Nhưng ngay cả  văn hóa của các ô-sin cũng là do nhà trường ta cung cấp lâu nay cơ mà!).

2. Trong “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” của ta, Tiếng Việt, Kiến văn và Thẩm mỹ chả để làm gì? Và những ai giỏi khoa học xã hội thì rất dễ thất nghiệp, hay tối thiểu là rất khó có vị trí “sang”- lương cao/ tiếng lớn- theo quan niệm thành đạt thực dụng?

Về cái lẽ 1, nếu nhà trường (sách giáo khoa/giáo trình, thầy cô…) chưa tìm đúng cách để trẻ Việt yêu/thạo/giỏi Tiếng Việt, Kiến văn và Thẩm mỹ, thì phải xem lại! Các bậc cha mẹ đương thời, dù không phải ai cũng thạo/giỏi Tiếng Việt mà còn biết lo lắng như vậy, há các nhà trường ta lại bó tay ư? Hay là bây giờ, trẻ Việt (và cả ô-sin của chúng) sinh ra đã không còn “gen” Tiếng Việt nữa?

Về cái lẽ 2, chẳng nhẽ trong mục tiêu “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa” lại không có thành phần “Nhân hóa” (theo cái nghĩa, được “sum xuê” về phía nhân văn) hay sao? Lẽ nào ta đã “nặng” về việc “tăng trưởng” kinh tế/chứng khoán mà “nhẹ” về việc “tăng trưởng” chân- thiện- mỹ hay sao? Và có phải vì thế, mà lâu nay những biểu hiện thiếu tử tế (vô cảm, nói dối, ăn cắp, tham nhũng, hối lộ, hủy hoại môi trường, trục lợi, bạo lực, tội phạm..., tóm lại là “suy thoái đạo đức và lối sống”), đã len lỏi cả vào “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” ta?

Đến đây, thế nào cũng có người bảo tôi, “có bé xé ra to”! Thế nên, tôi mạo muội xin “nói ngoài lề” đôi lời!

Xưa, có người theo chúa mình lưu vong - xuất bôn, khi có lại được nước, vẫn theo chúa về hưởng thái bình. Nhưng lúc qua sông biên giới, thấy chúa mình sai vứt tất cả đồ đoàn, chăn màn, quần áo cũ xuống nước, vì “Về nước làm vương, còn sợ thiếu cái gì nữa!”, ông ta đã lẳng lặng quay lưng bỏ đi! Ông này, hình như cũng “có bé xé ra to” vậy!

Quay lại với Tiếng Việt! Có câu, “Người ít chữ không hẳn đã xấu, người nhiều chữ chưa hẳn đã tốt, nhưng nhiều chữ thì dễ gần chân lý hơn!”. “Chữ” ở đây, nên hiểu là “Tiếng Việt” đã, rồi tính thêm sau.

Thế là, từ một “khát khao” giản dị, cụ thể, ta có “hai lẽ” để trả lời và để hành động. Trả lời đúng tức là có thể hành động đúng.

“To, bé” cũng chẳng quan trọng gì! Nhưng nếu không có kim chỉ thì không may được quần áo, dù đó là áo ngắn hay lễ phục, quốc phục! Mà, cái kim ta còn đang đi nhập! “Cái kim” trong “Chuỗi dệt may” Tiếng Việt, chính là sự lo lắng của các bậc cha mẹ đương thời nói trên. Hãy bắt đầu từ chỗ “đầu tiên” ấy!

Nguồn Văn nghệ số 45/2015

Có thể bạn quan tâm