April 24, 2024, 10:47 am

Ai đưa Shakespeare trở thành một hiện tượng toàn cầu?

 

Trong thời đại của chúng ta, Shakespeare là một hiện tượng toàn cầu. Từ bác sĩ, giáo viên, công nhân hay sinh viên cũng đều có thể đọc các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, cách đây hàng trăm năm, chỉ tầng lớp tinh hoa giàu có mới có thể tiếp cận các ấn phẩm kịch của đại văn hào người Anh.

 


Vào cuối những năm 1500, Thomas Millington ​đã xuất bản các vở kịch của Shakespeare. Ảnh: Claudio Divizia / Shutterstock

Một ngày đẹp trời, bạn bước vào bất kỳ hiệu sách lớn nào để tìm kiếm các tác phẩm của Shakespeare, kiểu gì bạn cũng sẽ tìm thấy được ít nhất một cuốn. Kể cả khi bạn không thấy chính xác vở kịch mà mình đang tìm kiếm trên giá sách, thì vẫn luôn có Internet - nơi chứa đựng rất nhiều tác phẩm và ấn bản hoàn chỉnh khác nhau - hầu như tất cả đều miễn phí. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng đúng. Trên thực tế, vào thời đại mà Shakespeare còn sống, các tác phẩm đều khá khó để tìm đọc. Để có được khả năng tiếp cận dễ dàng các tác phẩm của Shakespeare như hiện nay là nhờ vào một số nhà xuất bản tiên phong, những người đã nhìn thấy tiềm năng ‘hái ra tiền’ từ việc cung cấp các tác phẩm của đại văn hào Shakespeare đến công chúng. 

Vào cuối những năm 1500, nhà xuất bản Thomas Millington là nơi đầu tiên có cơ hội phát hành bản thảo vở kịch. Millington điều hành một cơ sở xuất bản quy mô nhỏ, nằm khuất trong con ngõ ở London. Nơi đây đã phát hành ấn bản Titus Andronicus của Shakespeare, phần thứ hai và thứ ba của bộ ba vở kịch mà ông viết về Vua Henry VI. Bất chấp vị trí bất tiện của cửa hàng, các ấn bản do Millington phát hành vẫn bán rất chạy và thành công của ông đã khuyến khích những nhà xuất bản khác tham gia phát hành các vở kịch của Shakespeare. 

Không chỉ gói gọn trong tầng lớp tinh hoa 

Đến năm 1623 - bảy năm sau khi Shakespeare qua đời - doanh số bán ra đã đủ tốt đến mức các nhà xuất bản chuyển sang phát hành theo dạng ấn bản sưu tập (tuyển tập các vở kịch của Shakespeare, thường được gọi là “First Folio”). Nhưng ấn bản này rất đắt, khoảng 1 bảng Anh - tương đương với gần chín ngày lương của một thợ thủ công lành nghề. Do đó, nó là một món hàng xa xỉ mà chỉ những người giàu có mới có thể mua được. Và nó thiết lập nên một khuôn mẫu kéo dài trong nhiều thập kỷ, theo đó các vở kịch của Shakespeare phần lớn chỉ giới hạn trong một bộ phận độc giả ưu tú, những người có đủ tiền để mua những ấn bản đắt tiền. 

Người đầu tiên cố gắng phá vỡ khuôn mẫu này và đưa Shakespeare đến gần hơn với công chúng là Robert Walker. 

Walker có nhiều điểm chung với Millington, đặc biệt là ở điểm cả hai hầu như chỉ xuất bản những tác phẩm giật gân, rẻ tiền, đọc thoáng qua rồi quên. Nghề tay trái của ông là kinh doanh các ‘thần dược’. Cụ thể, ông sản xuất và bán “Daffy's Elixir”, một loại thuốc được quảng cáo là có thể chữa trị hiệu quả hầu hết các bệnh phổ biến. 

Vào giữa những năm 1730, Walker tiến hành một cuộc chiến giá cả trong ngành xuất bản ở London, khiến chi phí của các ấn bản kịch theo từng vở riêng lẻ giảm xuống chỉ còn một xu penny. Điều này khiến lượng độc giả của Shakespeare tăng vọt, và do đó, nhu cầu trình diễn các vở kịch của Shakespeare trong nhà hát thế kỷ 18 cũng tăng theo đáng kể.

Đưa Shakespeare đến gần hơn với tất cả mọi người

Vào thế kỷ sau đó, một nhà xuất bản khác, John Dicks, đã noi gương Walker và tăng khả năng tiếp cận các tác phẩm của Shakespeare lên cao hơn nữa. 

Bản thân Dicks cũng là một người có xuất thân khiêm tốn, vì vậy ông quyết tâm mang các tác phẩm văn học tuyệt vời đến những tầng lớp nghèo nhất của xã hội Anh. Vào những năm 1860, ông đã phát hành các văn bản kịch của Shakespeare theo từng vở riêng lẻ theo tỷ lệ hai vở kịch/một xu penny - chỉ bằng nửa giá của Walker trong hơn một thế kỷ trước. 

Tiếp đó, Dicks gom tất cả các vở kịch thành một tuyển tập bìa mềm duy nhất mà ông rao bán với giá chỉ 12 xu, tương đương với chưa đến một phần ba xu cho mỗi vở kịch - mức giá rẻ nhất từ trước đến nay cho một tác phẩm Shakespeare hoàn chỉnh. Dicks ước tính rằng ông đã bán được gần một triệu bản, khiến nó trở thành ấn bản Shakespeare thành công nhất cho đến thời điểm đó.


John Dicks là người đầu tiên gộp tất cả vở kịch của Shakespeare thành một tuyển tập hoàn chỉnh. Ảnh: Ana Hollan / Shutterstock

Có thể nói Dicks đã làm nhiều việc để phổ biến Shakespeare đến công chúng hơn bất kỳ nhà xuất bản nào khác. Nhưng rồi kỷ lục của ông ấy cũng đã bị ‘phá vỡ’ trong thời đại của chúng ta. Nhân vật tạo ra bước ngoặt trong ngành xuất bản, một lần nữa, lại là một nhân vật được khá ít người biết đến: một lập trình viên máy tính tên là Grady Ward, người đã tạo ra ấn bản kỹ thuật số của các vở kịch vào năm 1993. Ward đã cung cấp miễn phí các file cho mọi người, và chúng trở thành cơ sở để gây dựng các trang web và ứng dụng truy cập miễn phí về Shakespeare. Nếu bạn đã từng xem một văn bản trực tuyến về vở kịch của Shakespeare, có thể bạn đã xem một số phiên bản từ các file gốc của Ward.

Nhiều năm về trước, John Dicks đã bán được gần một triệu ấn bản Shakespeare trị giá 12 penny. Tuy nhiên, giờ đây việc thống kê xem bao nhiêu người đã sử dụng văn bản của Ward lại khó hơn một chút. Một trong những cách tính khả thi đó là xem lượng người dùng trên những nguồn mở của nó, chẳng hạn như Nguồn mở Shakespeare của Eric Johnson. Từ năm 2006 đến năm 2020, chỉ riêng trang web này đã thu hút được 19 triệu người dùng riêng biệt. Với mức lưu lượng truy cập chỉ trên một trang web như gì, chẳng có lý gì mà tổng số người dùng cho tất cả các trang web và ứng dụng khác nhau lại không thể đạt tới con số 100 triệu.

Trong thời đại của chúng ta, Shakespeare là một hiện tượng toàn cầu. Hàng chục triệu người có thể đọc miễn phí các tác phẩm của ông dưới dạng bản in hoặc trực tuyến. Và những nhân vật ít được biết đến như Millingtons, Walkers, Dickses và Wards - chính là những người đã nỗ lực phổ biến các tác phẩm của đại văn hào Shakespeare đến công chúng suốt hàng thập kỷ qua. 

Hà Trang dịch

Nguồn: Tia Sáng


Có thể bạn quan tâm