April 20, 2024, 1:04 am

Ðại đoàn kết - Cội nguồn sức mạnh toàn dân tộc

KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Những năm năm mươi, sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, bài hát Kết đoàn: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh, Kết đoàn chúng ta là sắt gang, Đoàn kết ta bền vững…” phổ biến rộng rãi trong toàn dân, vang lên trong mọi sinh hoạt công cộng. Và bức ảnh của Lâm Hồng Long chụp cảnh Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc bài Kết đoàn vào tối ngày 19/9/1960, trong buổi nhân dân Hà Nội tổ chức Đại hội mừng thành công Đại hội III của Đảng tại Bách Thảo đã trở thành một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết trong thời Hồ Chí Minh và chính Bác là người nhạc trưởng vĩ đại.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tư liệu

Đoàn kết, một truyền thống quý báu của người Việt Nam

Trong mọi truyền thuyết của người Việt, thì truyền thuyết về mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở trăm con rồi năm mươi đứa lên rừng, năm mươi xuống biển là phổ biến và mang thông điệp sâu sắc hơn cả. Vì tất cả được sinh ra từ một mẹ, trong một bọc nên mới có hai tiếng thân thương “đồng bào”.

Thật ra, người Việt (gồm cả 54 dân tộc anh em) có người là dân bản địa, có người di cư từ nơi khác đến, đều mang một tinh thần anh em, hòa thuận dưới mái nhà chung Tổ quốc.

Vì sao người Việt lại có sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ thành một khối sắt thép vững bền như vậy?

Trước hết người Việt là dân lúa nước, công việc vụ mùa khá phức tạp, không có nhà nào đủ nhân lực cho mọi khâu, ít người thạo hết mọi việc, nên sinh ra hình thức “mượn công”, “đổi công”, đặc biệt là trong việc tưới tiêu, lấy nước cũng phải qua ruộng của nhau, xả nước khi úng cũng phải qua ruộng của nhau.

Văn hóa người Việt là văn hóa gia đình, “gia đình hóa xã hội” trong xưng hô ngọt ngào thân ái cô, chú, cậu, dì …

Người Việt vốn có tinh thần dân chủ, người dân làm chủ và được tham gia công việc triều đình, người của hoàng cung thì hướng về dân, dạy dân làm ăn, mở trang lập ấp. Từ xửa xưa, thời Hùng Vương đã như vậy. “Nhà vua” có việc thì bách tính đều xắn tay vào. Ở Phú Thọ còn tên làng Thậm Thình, phỏng âm tiếng chày giã nếp làm bánh dày. Con em nông dân trau dồi đèn sách, thi đỗ thì được làm quan ngay, làm quan xong thì “hết quan hoàn dân” lại gắn bó anh em, vườn tược. Người Việt không có giai cấp quý tộc lâu đời, cách bức ông chủ với nô lệ như Phương Tây mà quan - dân gần gũi.

Người Việt cũng sẵn sàng hoan nghênh người nhập cư, sẵn sàng giúp đỡ, nhường miếng cơm manh áo vào lúc khó khăn, nhường cho cả đất ở. Ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh có một tên làng là Nhượng Bạn. Người nhập cư vốn khí phách, tài giỏi cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, nên cố kết bền chặt trong ơn nghĩa.

Bởi Phương Nam là một góc trời tuyệt đẹp nên các thế lực bành trướng, đế quốc luôn dòm ngó, xâm lăng. Và cũng bởi Phương Nam là góc trời tuyệt đẹp, nên dân tộc ta nghìn đời hun đúc ý chí độc lập, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mọi triều đại đều lấy dân làm gốc (trừ một số thời điểm thối nát, suy tàn), việc lớn như hàng hay đánh đều hỏi dân. Hội nghị Diên Hồng là một ví dụ điển hình.

Dân tộc ta đoàn kết vì biết cân bằng, hài hòa lợi ích, trách nhiệm, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Đoạn văn trong Hịch tướng sĩ cho thấy điều đó: “Các ngươi hãy nên huấn luyện quân - sĩ, rèn - tập cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, bêu đầu Tất - Liệt dưới cửa khuyết, ướp thịt Thoát - Hoan trong trại rơm. Như thế chẳng những là thái-ấp của ta mãi mãi là của gia truyền, mà bổng-lộc các ngươi cũng được suốt đời hưởng thụ; chẳng những gia - quyến của ta được yên giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng được sum họp đến già; chẳng những là tông-miếu ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các người dưới trăm đời nữa tiếng thơm vẫn lưu truyền; chẳng những tên tuổi ta không bị mai một, mà đến tên họ các người cũng để tiêng thơm trong sử xanh…

Bởi đoàn kết muôn người như một nên Việt Nam trở thành một một dân tộc ngoan cường, chưa từng bị khuất phục trước bất cứ kẻ thù hung bạo nào, trước những thử thách khốc liệt nào của tự nhiên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

Hồ Chí Minh là kết tinh tinh hoa dân tộc, kết tinh tinh hoa văn hóa nhân loại. Mang trong mình những phẩm chất, truyền thống vẻ vang của dân tộc, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, Người đã thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Người nhận thấy: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai thắng được lực lượng đó” Chính vì vậy, Người hết sức chăm lo cho khối đại đoàn kết dân tộc, nâng truyền thống đó lên một tầm cao mới.

Lời kêu gọi cách mạng đầu tiên là lời hô gọi đoàn kết. Trong “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” năm 1925, Bác viết: “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!”

Tổng kết lịch sử, Người thấy đoàn kết là nguyên nhân của mọi thành công, mất đoàn kết là nguyên nhân của mọi thất bại. Trong diễn ca Lịch sử nước ta, Bác viết: “Vì dân đoàn kết chưa sâu/ Cho nên thất bại trước sau mấy lần”.

Chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa, Bác đã lập ra Mặt trận Việt Minh để đoàn kết rộng rãi trong toàn dân. Trên báo Việt Nam độc lập số ra ngày 1/2/1942, Bác khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

Trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Bác chân thành tâm sự: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Tại Đại hội hợp nhất hai mặt trận Việt Minh và Liên Việt năm 1951: “Trong Đại hội này, chúng ta có đại biểu đủ các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc, già có, trẻ có, nam có, nữ có, thật là một gia đình tương thân tương ái. Chắc rằng sau cuộc Đại hội, mối đoàn kết thân ái sẽ phát triển và củng cố khắp toàn dân. Với lực lượng đoàn kết ấy, chúng ta sẽ vượt qua hết thảy mọi khó khăn, gian khổ, chúng ta sẽ đánh tan tất cả mọi kẻ thù đế quốc thực dân… Toàn dân đại đoàn kết muôn năm!”.

Phát biểu tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người nêu chân lý “Đoàn kết là một lực lượng vô địch”.

Chân lý đó được khẳng định mạnh mẽ hơn trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ hai ngày 25/4/1961: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Bác nói “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”, “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi” và Bác đã nêu một tấm gương về đoàn kết.

Tinh thần đoàn kết, để tập hợp được cả nước thành một khối đại đoàn kết phải là một người hy sinh hết thảy vì dân nước. Bác Hồ là một người như vậy: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (Báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946).

Là Chủ tịch Chính phủ lâm thời, rồi đến Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (do Quốc hội khóa I bầu), Bác đã giành nhiều ghế bộ trưởng cho những chuyên gia, những nhà trí thức không phải đảng viên Đảng Cộng sản như Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Cứu tế xã hội, sau là Trưởng ban Thường trực (Chủ tịch) Quốc hội (người thay Nguyễn Văn Tố làm Thường trực Quốc hội là  Bùi Bằng Đoàn, trước đây là Thượng thư Bộ Hình); Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Nội vụ, có thời gian là Quyền Chủ tịch nước; Vũ Trọng Khánh rồi Vũ Đình Hòe thay nhau giữ ghế Bộ trưởng Tư pháp... Trong 15 thành viên Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, chỉ có ba người thuộc  Mặt trận Việt Minh là Hồ Chí Minh (Chủ tịch), Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Tài chính) và  Đặng Thai Mai (Bộ trưởng Giáo dục).

Chính phủ còn mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn, bố trí biệt thự sang trọng ở số 51 phố Gambetta, nay là trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo.

Tư tưởng về Đảng của Bác cũng hết sức nhất quán, rõ ràng. Đó là đảng gồm những người dân yêu nước, phấn đấu vì lợi ích của đất nước, thống nhất với dân tộc, ngoại từ kẻ phản quốc và tham nhũng. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo nước ngoài đăng trên báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946, Bác khẳng định: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Ðảng dân tộc Việt Nam. Ðảng đó chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Ðảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Bác luôn luôn khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. “Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà… Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”.

Không chỉ những người cộng sản mới có lòng yêu nước, mới có tinh thần dân tộc. Thực tế cho thấy, có những tấm gương đáng ngợi ca, dù có khi họ từng đứng bên kia chiến tuyến. Nhật lệnh, hay là Lời Tuyên bố ngưng bắn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Dương Văn Minh, được phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào lúc 9h30’ ngày 30/4/1975 là một ví dụ sinh động: “Tôi, Tổng thống Dương Văn Minh. Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào”.

Ngay sau đó là Tuyên bố đầu hàng theo yêu cầu của Quân Giải phóng: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam…”

Hiện nay, nhiều thế hệ người Việt di tản năm 1975, nhiều thuyền nhân trốn ra nước ngoài, trừ một bộ phận nhỏ hết sức phản động, phần lớn đều chân thành hướng về Tổ quốc, và Tổ quốc sẵn sàng ôm vào lòng những đứa con thân yêu của mình khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Đoàn kết – bệ phóng và lực lượng của khát vọng hùng cường

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với những mục tiêu cụ thể: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện được khát vọng đó trong một thời gian không xa nữa, trong điều kiện thế giới có những biến động khó lường, phải có nỗ lực rất lớn của toàn dân. Để có sức mạnh toàn dân, phải tạo được khối đại đoàn kết muôn người như một. Muốn muôn người như một phải có một niềm tin vững chắc.

Lòng tin ấy dân gửi vào nơi Đảng.

Việc then chốt, chính là phải xây dựng Đảng, để Đảng thật sự vì dân, thật sự có quan hệ máu thịt với nhân dân, để dân tin như điều Bác Hồ thường nhắc nhở: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ của mình: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ” (Hồ Chí Minh - Diễn văn đọc tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng).

Đây là lúc Đảng phải quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Con đường đi đã rõ. Bước khởi đầu và then chốt đã rõ. Thời đại Hồ Chí Minh vốn sinh ra những con người sẵn sàng hiến dâng hết mình cho Tổ quốc: Đất nước/ Ta hát mãi bài ca đất nước/ Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc/ Cho mắt ta nhìn tận cùng trời/ Và cho chân ta đi tới cuối đất/ Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi (Nam Hà); Người yêu người sống để yêu nhau; Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay (Tố Hữu).

Ý Đảng – Lòng Dân là đôi cánh cho dân tộc bay xa mãi trên con đường thắng lợi.

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022


Có thể bạn quan tâm