March 29, 2024, 3:25 pm

420 năm Dinh Trấn Thanh Chiêm, đồng vọng và bước tiếp

 

Theo dòng lịch sử, năm 1471, Đệ nhất Minh quân Lê Thánh Tông ra sắc lệnh thành lập Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam mà địa giới mở rộng từ nam sông Thu Bồn đến phủ Hoài Nhơn, rồi núi Thạch Bi, Phú Yên.. Năm 1474, làng Thanh Chiêm được thành lâp. Thanh Chiêm, theo Học giả, Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, là dân xứ Thanh theo vua, chúa vào mở cõi hội nhập với Chiêm Động, nên có tên làng Thanh Chiêm. Để phát triển thế lực của mình ở Đàng Trong, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lấy tên làng lập Dinh trấn Thanh Chiêm để xây dựng lỵ sở của Quảng Nam là thủ phủ của vùng đất rộng lớn bao gồm các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định , Phú Yên ngày nay.

 

Tiết mục Trống lân của người dân địa phương chào mừng 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm

420 năm vật đổi sao dời, nhưng cái tên Dinh trấn Thanh Chiêm vẫn còn trong lịch sử, nó mãi là niềm tự hào về sự phát triển của một thời mở cõi của xứ Đàng Trong, đất Quảng nói chung, làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn nói riêng.

Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, có trường Đốc, nơi ra đời của chữ Quốc ngữ, vùng đất của các bậc công hầu, các nhà khoa bảng, nơi đào tạo xuất thân của những chí sĩ yêu nước, các học giả và các nhà khoa học đương đại lừng danh thế giới. Chứng mình điều trên, nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên, một bô lão của làng dẫn tôi đi thăm chùa Hội Phước, do ông tổ của mình là Hội chủ Đinh  Công Quang xây dựng  năm 1753, nhà thờ Phước Kiều,  xây dựng năm 1624, đền thờ Đức Bà Đoàn Quý Phi, xây dựng 1662, bến Vạn Đông , nơi chúa Tiên tập kết ghe bầu để đi chiến đấu đánh tan Hạm đội Hà Lan năm 1641.

Ông Tuyên tiếc nuối, qua thời gian, thiên tai bão lũ, rồi chiến tranh tàn phá, nhiều di tích đã thành trầm tích như Hành cung Dinh trấn, , Thành Vệ, Sài Thị ( chợ Củi), Tàu Tượng ( nơi nuôi voi chiến của danh tướng Tây Sơn- Bùi Thị Xuân), Mô Súng, Đàn Tiên Nông (nơi chúa Nguyễn, Tổng đốc đi cày với dân làng trong lễ tịch điền), Vọng Khuyết, Gò Sài, Trạm Lai, Gò Sứ, Văn Thánh, Trường Đốc....

Không chỉ tôi mà các nhà thơ, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, nhà thơ Hoàng Lộc, nghệ nhân làng gốm Lê Đức Hạ, nhà nghiên cứu Dương Tấn Hùng, nhà sưu tầm sách cũ Lê Nam, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Tiếp người đứng đầu làng nghề gỗ truyền thống Đông Khương...  đều sốt sắng muốn chính quyền thị xã Điện Bàn, xã Điện Phương có nhiều kế sách, kể cả xã hội hóa, kêu gọi đầu tư bảo tồn, phục dựng lại Dinh trấn Thanh Chiêm xưa để gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế bằng các dự án đẩy mạnh làng nghề, du lịch sinh thái...

Một trong những người có công đầu về việc này theo các nhà văn, nhà báo là ông Đinh Trọng Tuyên, đồng tác giả với Đinh Bá Truyền viết cuốn sách Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam. Ông Tuyên không chỉ dừng lại tham mưu, góp ý kiến về bảo tốn, xác định cái nôi của chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm mà còn đau đáu việc khôi phục lại diện mạo Dinh trấn Thanh Chiêm xưa qua cuốn sách quý Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam. Đến nay, Dinh trấn Thanh Chiêm xưa  giờ đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, rồi cấp Nhà nước

Không nghỉ trưa, ông ngồi trải lòng với tôi, chép miệng thở dài: Nếu không có Covid-19 cản trở thì nay chính quyền đã xây dựng xong Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm rồi. Nếu mình không bị bệnh của tuổi già, được sống khỏe vài mươi năm nữa để tiếp tục góp chút sức lực cho quê nhà Thanh Chiêm.

Hiểu nỗi lòng của ông Tuyên, trao đổi với tôi, anh Đặng Hữu Tú, Bí thư Đảng ủy xã Điện Phương, một cán bộ trẻ, đầy nhiệt huyết xác định: Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thành hạng mục Công viên Dinh trấn, khôi phục lại một số di tích như: Hành cung, Lầu Vọng Khuyết...; kết nối các chuỗi sự kiện để phát triển du lịch địa phương như các loại hình du lịch: lịch sử, sông nước, làng nghề; trong thời gian ngắn nhất sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cấp và mở rộng  các tuyến đường, phát triển đô thị trên cả ba mảng nông nghiệp;  du lịch, dịch vụ, thương mại; phát triển làng nghề đúc đồng Phước Kiều, gỗ mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, làng nghề mỳ Quảng, bánh tráng Phú Chiêm, Cơ sở gốm nung Lê Đức Hạ ..

 

Bí thư Đảng ủy xã Điện Phương, Đặng Hữu Tú ( người đứng giữa) với các Văn nghệ sĩ xứ Quảng

Bí thư Tú kể thêm: Tại hội trường Trung tâm văn hóa xã, chúng tôi đưa lên pano áp phích, mô hình để quảng bá các sản phẩm các làng nghề quê hương. Qua báo Văn Nghệ, cho xã nhà chúng tôi gửi lời biết ơn anh Hồ Xuân Bình, giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Thiên Ngân, nhà nghiên cứu Lê Minh Dương và nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng đã tổ chức Ngày hội mỳ Quảng lần thứ Nhất, năm 2022 tại làng Thanh Chiêm thành công, quảng bá mỳ Quảng Phú Chiêm thành thương hiệu Quảng Nam, thành món ăn tinh hoa xứ Quảng, đưa mỳ Quảng của nhiều hộ dân lên thành Làng nghề Mỳ Quảng Phú Chiêm.

Trân trọng tặng cuốn sách quý lưu trữ Nguồn, một Tạp chí Văn học Nghệ thuật của Điện Bàn năm xưa cho nhà thơ Hoàng Lộc, nhạc sĩ, nhà thơ Đynh Trầm Ca, ông Lê Nam quý mến đeo cho tôi logo Dinh trấn Thanh Chiêm nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ XỨ Đàng Trong như muốn gửi gắm sự đồng thuận việc bảo tồn và phát triển Dinh trấn Thanh Chiêm trong thời kỳ hội nhập của đất nước. Tôi cầm lòng chẳng đặng, ngẫu hứng đọc mấy câu thơ:

Tìm về Dinh trấn Thanh Chiêm/420 năm gửi nỗi niềm bể dâu/ Các làng nghề vẫn đi đầu. Cội nguồn xứ sở bền lâu giữ gìn. Đền chùa miếu mạo vững tin. Truyền thống tiếp nối, nội sinh khải hoàn

          21.9.2022


Có thể bạn quan tâm