April 18, 2024, 10:16 am

40 tỷ và câu chuyện sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần

 

Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu một tháng, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, nhiều mồn học của nhiều cấp học khác nhau (đặc biệt khối các lớp đầu cấp) vẫn phải học chay do thiếu sách giáo khoa, khiến cho việc học của cả cô và trò càng trở nên khó khăn. Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, do năm nay lượng học sinh tăng đột biến, nên dẫn tới hiện tượng hết sách giáo khoa tại các cửa hàng sách nhỏ lẻ. Nhà xuất bản cũng đã khẩn trương cung ứng bổ sung sách giáo khoa, phục vụ nhu cầu của học sinh trước ngày khai giảng, đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu sách giáo khoa. Tuy nhiên, lời giải thích của Nhà xuất bản giáo dục lại không thể làm yên lòng dư luận xã hội, thậm chí nhiều trang mạng xã hội đã không ngần ngại khẳng định, đây chính là góc khuất của cái gọi là “độc quyền sách giáo khoa”. Và rằng, chính sự độc quyền này đã khiến cho Nhà xuất bản Giáo dục bỏ qua quyền lợi của học sinh,

Nghìn tỷ cho sách giáo khoa

Từ rất nhiều năm nay, sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành chính là sách giáo khoa chính thống, và những cuốn sách khác không do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành chỉ được coi là sách tham khảo phục vụ quá trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thông thường sách giáo khoa năm nay được Nhà xuất bản lên kế hoạch và in ấn từ quý 4 năm trước. Việc quyết định in bao nhiêu đều có thể tiên lượng gần như tuyệt đối thông qua số lượng học sinh được thống kê từ các Sở giáo dục & Đào tạo. Do đó, lý do của Nhà xuất bản đưa ra “học sinh năm nay tăng đột biến” dẫn đến thiếu sách giáo khoa là chưa thỏa đáng. Nhất là với khối các lớp đầu cấp THCS và cấp THPT (lớp 6 và 10), đây là hai cấp học có số lượng học sinh tương đối ổn định (cho dù ở khối lớp 10, học sinh có thể học dưới hai hình thức học nghề và học THPT thông thường thì cũng đều phải dùng sách giáo khoa), nên việc thiếu sách giáo khoa rất khó được chấp nhận, nếu như không muốn nói là Nhà xuất bản Giáo dục đang đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của học sinh. Nhất là trước thông tin, năm học 2019 -2020 sẽ thay sách giáo khoa lớp 1, và theo lộ trình, việc thay sách tại các khối học khác sẽ được tiến hành cho các năm tiếp sau, nên việc Nhà xuất bản in hạn chế, dẫn tới thiếu sáchlà hoàn toàn có cơ sở và nó nằm trong kế hoạch kinh doanh của chính Nhà xuất bản.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/9, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng mỗi năm phụ huynh học sinh phải bỏ ra 1 nghìn tỷ đồng để mua sách giáo khoa, nhưng cái họ thu được sau một năm chỉ là đồng giấy vụn vì không thể tái sử dụng. Điều này, đã và đang cho thấy sự lãng phí không chỉ về tiền bạc mà còn là tài nguyên. Bởi trên thực tế, nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất giấy đang gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc giá giấy đã tăng mạnh trong một hai năm trở lại đây. Sự lãng phí này hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay. Ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm trên, đồng thời cho rằng cần phải xem lại quy trình và quan điểm làm sách giáo khoa tránh để tái diễn tình trạng lãng phí. Chủ tịch Quốc hội cũng đã không ngần ngại lấy dẫn chứng về những cuốn sách giáo khoa đã được các thế hệ trước tái sử dụng và cho biết, về nội dung kiến thức trong các cuốn sách giáo khoa không bị lỗi thời (vì đã được chỉnh sửa cho phù hợp), để đặt ra câu hỏi, có cần phải in lại sách giáo khoa mới hay không?

Câu chuyện về những cuốn sách giáo khoa chỉ dung một lần rồi bỏ đi gây lãng phí đã được nhắc đến trong nhiều năm qua, và nó thực sự đốt nóng dư luận xã hội khi đại diện Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định, việc làm sách giáo khoa đã khiến cho Nhà xuất bản lỗ 40 tỷ/ năm cho công tác in ấn. 

 

Lỗ triền miên nhưng vẫn làm sách

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 21/9, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục cho biết: Do chi phí đầu vào của sách giáo khoa tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù Nhà xuất bản đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành sách giáo khoa vẫn không thể bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành sách giáo khoa luôn bị lỗ.

Tại “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại Nhà xuất bản Giáo dục” ngày 26/1/2018 của Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận: - Doanh thu sách giáo khoa năm 2015 là 656,6 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng sách giáo khôa lỗ 43,8 tỷ đồng. Tiếp đến, doanh thu sách giáo khoa năm 2016 là 735,2 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng sách giáo khoa lỗ 43,3 tỷ đồng. Năm 2017 doanh thu lần lượt từ sách giáo khoa đạt 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng. Trước tình trạng bù lỗ cho SGK nhiều năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xin được tăng giá sách giáo khoa lên 10% để phần nào giảm bớt lỗ.  Tuy nhiên, đại diện Nhà xuất bản cũng khẳng định đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu về dài sẽ nghiên cứu hình thức xuất bản sách sao cho phù hợp, tránh lãng phí.

Có nhiều lý do để Nhà xuất bản Giáo dục phải in lại sách giáo khoa cho hầu hết các môn học từ cấp tiểu học lên trung học phổ thông. Trong đó lý do cụ thể nhất chính là phần bài tập được in chung một phần với sách giáo khoa (dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm); và phần sách bài tập cũng yêu cầu học sinh làm trực tiếp vào sách. Chính việc làm này đã khiến cho cuốn sách không thể tái sử dụng cho dù chỉ giành cho học sinh năm trước và năm sau. Việc in sách bài tập và sách học lý thuyết tích hợp thêm phần bài tập đã được tiến hành từ năm 2002-2003 và ổn định đến thời điểm hiện tại. Cái được của sách giáo khoa  này là  học sinh năm nào cũng được học sách mới nhưng đổi lại, Nhà nước, cha mẹ học sinh phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để mua sách khi nội dung sách không có sự thay đổi  giữa các năm.

Và đến đây thì hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vậy tại sao hàng chục năm nay sự lãng phí này vẫn tồn tại, và nó sẽ còn kéo dài đến bao giờ, nếu không có những ồn ào  xung quanh các bộ sách giáo khoa đang cùng song song tồn tại hiện nay. Câu trả lời hẳn đã có trong mỗi chúng ta, nhưng sự thay đổi trong tư duy của Nhà xuất bản và của những người làm sách giáo khoa thì vẫn chưa có. Bài toán lỗ-lãi trong kinh doanh, sự độc quyền trong mảng sách giáo dục hẳn vẫn là miếng bánh không dễ chia phần cho bất cứ ai. Chính vì vậy, tình trạng thiếu sách giáo khoa cho dù năm học mới đã được khởi động cả tháng, và những cuốn sách  chỉ dung một lần vẫn tiếp tục xuất hiện và được bổ sung trong từng năm học, như sách An toàn giao thông, và  Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội (đối với học sinh Hà Nội) là những cuốn sách cực chẳng đã…

 

 


Có thể bạn quan tâm