March 29, 2024, 8:51 am

20 năm “Xã hội hóa” sân khấu – Góc nhìn nghệ sĩ

 

Hiện nay, Xã hội hóa sân khấu còn là một câu chuyện dài vẫn đang chờ chương kết. Báo Văn nghệ số 26/2019 đã đăng bài viết “Sân khấu Việt loay hoay Xã hội hóa” của nhà báo Vũ Anh. Nay, để đào sâu hơn về vấn đề này, báo Văn nghệ xin giới thiệu bài viết “20 năm Xã hội hóa sân khấu – góc nhìn nghệ sĩ”, vẫn câu chuyện cũ, nhưng dưới góc nhìn của một nghệ sĩ, người trong cuộc: NSND Lê Huy Quang.

Xã hội hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu, đã được thực hiện trên 20 năm nay… Ảnh Internet

      Theo các Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014;  thì việc “xã hội hóa” (XHH) các hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu, đã được thực hiện trên 20 năm nay…

      Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu, có lẽ XHH mới chỉ như một vòng tròn quẩn quanh chưa được xác định... một hướng đi cụ thể  nào cả; vì không thấy các cơ quan, ban ngành, các đơn vị được chỉ đạo thực hiện một cách bài bản, theo một lộ trình cả trước mắt cũng như lâu dài. Trái lại, mỗi người hiểu một cách… mỗi địa phương, mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật… cũng tiến hành theo cách hiểu của riêng mình. Vì thế, mặc dù không phải là người làm công tác quản lý, cũng không phải là một nhà nghiên cứu chuyên ngành, nên tôi không đi vào việc tìm hiểu, thẩm định một cách chuyên sâu các vấn đề cụ thể về XHH sân khấu. Nhưng với tư cách là một người làm nghề đã trải qua  nửa thế kỷ; bằng thực tiễn, kinh nghiệm đã nếm trải, tôi chỉ dám đưa ra một vài ý kiến để cùng tìm ra những giải pháp về XHH sân khấu một cách hiệu quả nhất. Bởi, nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam, sau những khởi đầu từ năm 1957, (năm mà Hội Nghệ sĩ Sân khấu được thành lập) những năm 70, rồi bước vào thời kỳ hoàng kim nhất của sân khấu Việt Nam là thập kỷ 80-90 (sau khi Tổ quốc hoàn toàn thống nhất), những năm cuối cùng khép lại thế kỷ XX, bước sang thế kỷ XXI đến nay, chúng ta thường gọi là thời kỳ sân khấu “xuống cấp”- mặc dù cụm từ này chưa thật chính xác và không thật sự thuyết phục...

       Thực tiễn đã cho thấy, đã có một thời gian dài, các nhà hát Trung ương, các đoàn nghệ thuật tỉnh, được Nhà nước cấp kinh phí để mỗi năm dàn dựng một vở diễn mới, cũng như sửa chữa, nâng cao vở cũ… Tuy nhiên, vở mới ra đời hầu hết chỉ tổng duyệt xong, chiêu đãi vài ba đêm rồi cất vào kho, nhưng đơn vị vẫn báo cáo thành tích cuối năm là đã hoàn thành chỉ tiêu dựng vở; còn vở cũ thì hết nâng cao hay hạ thấp cho xong… Đây là mô hình được gọi là bầu sữa mẹ ngọt ngào của thời bao cấp, kéo dài suốt mấy chục năm qua…và được tất cả đều tung hô…! Nhưng khi nền kinh tế thị trường đã bùng nổ một cách mạnh mẽ, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và văn hóa, nghệ thuật - trong đó có sân khấu - thì chủ trương XHH tất yếu đã phải ra đời. Hiểu nôm na: một đơn vị nào đó, tài trợ cho một đoàn nghệ thuật nào đó kinh phí dựng vở - nhiều, ít - tùy nghi và thích hợp. Rồi duyệt, rồi ra mắt bán vé cho công chúng, rồi có vẻ ăn khách mới ngon lành chứ...  Đây đúng là mô hình XHH đích thực rồi! Nhưng chủ đề tư tưởng hỏng, chất lượng nghệ thuật non kém… thế là cũng cất vào kho! Phía đơn vị tài trợ thì buồn ơi chào nhé, vì kết quả chẳng được gì, ngoài cái tiếng hão “Mạnh Thường Quân” giời hỡi…  

      Có một nhóm nghệ sĩ của một đoàn kịch, rủ nhau mỗi người đóng góp nhiều ít vài chục triệu, để tìm vở, tìm đạo diễn, hoặc tự dàn dựng lấy, âm nhạc chọn trong băng, đĩa, trang trí chọn vở cũ, trang phục diễn viên tự túc như ngoài đời…Vở hiện đại, 5 đến 7 nhân vật cho gọn nhẹ. Nội dung tầm tầm thôi: chồng cán bộ cấp cao (hoặc cao vừa vừa), vợ móc nối xã hội đen buôn bán, con nghiện hút vào tù tội… rồi mâu thuẫn cứ phát triển dần lên… nhưng phải thật ăn khách…Vậy là ổn. Vở sống được vài tuần. Kinh phí thu hồi được vốn, lời lãi chia nhau… Nhưng hình như, đây là mô hình “tư nhân hóa”- chứ không phải “xã hội hóa”- như chủ trương của Nhà nước!

      Ngay cả với xu hướng XHH hoạt động sân khấu đang được triển khai, thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được bàn bạc, xác định cho rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đây thực sự là xu hướng mang tính tất yếu, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước ta hiện nay. Theo định nghĩa của Từ điển bách khoa - “xã hội hóa” là làm cho trở thành của chung của xã hội”. Do đó, theo tôi, XHH trước hết là để cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, được tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật sân khấu theo đúng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của mình. Trên cơ sở đó, sẽ huy động được mọi nguồn lực (của cả Nhà nước, tập thể và tư nhân), đầu tư cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của sân khấu, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật sân khấu ngày một hoàn thiện hơn, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn.

      Nhưng XHH không thể chỉ đơn giản là việc nhập, tách hay giải thể bớt các đơn vị nghệ thuật, đưa một số nghệ sĩ ra khỏi biên chế Nhà nước, để cho họ tự lo liệu bằng cách tổ chức nhau lại thành từng nhóm rồi góp tiền dựng vở, sau đó đi diễn lấy tiền chia nhau… Như vậy, sẽ không còn là sáng tạo nghệ thuật nữa, mà chỉ còn là hoạt động kiếm sống theo kiểu các phường, gánh ngày xưa.  Sinh thời, NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cho rằng - nếu tư nhân hóa sân khấu, tức là trở lại như thời kỳ các gánh hát trước kia - thì chúng ta đã vô tình “nghiệp dư hóa” nền sân khấu chuyên nghiệp hiện nay!

      XHH hoạt động sân khấu, lại càng không phải là người người, nhà nhà cứ có tiền và nếu thích là có thể trở thành nghệ sĩ, mặc dù quyền được sáng tạo nghệ thuật là của tất cả mọi công dân. Nhưng để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu khác nữa. Do vậy, bản chất của quá trình XHH là nhằm tranh thủ được nhiều hơn các nguồn kinh phí cho hoạt động sân khấu, không chỉ trông chờ vào Nhà nước như trước dây. Khi ấy, mỗi nghệ sĩ nếu muốn tồn tại thì không có cách nào khác hơn là phải có tài năng thực sự và luôn lao động nghệ thuật với một tinh thần nghiêm túc, sáng tạo. Cũng như vậy, mỗi kịch chủng và đơn vị sân khấu muốn tồn tại, phát triển tốt, cũng sẽ phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng nghệ thuật, đồng thời phải xác định đối tượng khán giả chính của mình, từ đó mới có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng.

     Trong nhiều năm qua, để tạo điều kiện cho các vở diễn sân khấu có cơ hội đến với công chúng, các câu lạc bộ hay các nhóm nghệ sĩ sân khấu (của một nhà hát, đoàn nghệ thuật hay của các cá nhân), đã hoạt động hết sức năng nổ, lấy tình yêu sân khấu của người nghệ sĩ để đáp lại tình yêu của khán giả. Nhưng rõ ràng, tình trạng đóng cửa, tắt đèn sàn diễn của một số Nhà hát, rạp hát ở Hà Nội thường xuyên, sẽ khiến đông đảo khán giả dần dần quên mất thói quen đi xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu  - vốn đã hình thành một nền nếp tốt đẹp lâu nay, từ những năm 80-90 của thế kỷ trước -  bởi những ngày đó, mỗi khi ra mắt một vở diễn mới, ê-kíp làm vở và diễn viên, thường phải “trốn chạy” những khán giả quen biết của mình, vì không còn giấy mời hay rất khó mua vé để biếu tặng, làm quà…

     Với tình cảm của một người làm nghề sân khấu, tôi nghĩ XHH các hoạt động sân khấu hiện nay là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, một xu thế tất yếu của cuộc sống. Nhưng để thực hiện được những điều đó, trước hết, vẫn phải có được sự hậu thuẫn từ phía Nhà nước, bằng những cơ chế, chính sách phù hợp từ đầu tư cơ sở vật chất, cho đến đào tạo, sử dụng, đãi ngộ… đội ngũ nghệ sĩ, để có thể khuyến khích được tinh thần sáng tạo từ những tài năng thực sự... Đây hoàn toàn không phải là sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà thực tiễn sân khấu hiện nay đang đòi hỏi phải có một sự đổi mới mang tầm vĩ mô, được thực hiện đồng bộ, từ trên, xuống dưới, thì mới có thể cải thiện được tình hình. Vì thế, việc cần phải điều tra, đánh giá thực trạng nghệ thuật sân khấu từ những năm 1990 đến nay, cũng không nằm ngoài mong muốn này, và là một việc làm hết sức cấp bách, cần thiết, nhưng phải với một lộ trình tích cực và hiệu quả hơn.

Nguồn Văn nghệ số 39/2019


Có thể bạn quan tâm