April 19, 2024, 8:25 am

12 tác giả giành giải thưởng Cuộc thi viết " Vì sự học ngày nay"

 

Giáo dục: Cần lắm – trách nhiệm, tâm huyết và trăn trở…

 

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Song hành với quá trình phát triển, đi lên của đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, xác định rõ tầm quan trọng của việc GD&ĐT. Theo đó, với quan điểm không có sự đầu tư nào mang lại nhiều lợi ích như đầu tư cho GD&ĐT, bởi đây là lĩnh vực, nền tảng góp phần hình thành, tạo nên nhân cách chuẩn mực cho mỗi công dân, đào tạo nên những người lao động có trình độ nghề, năng động, sáng tạo, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Mục đích của cuộc thi Vì sự học ngày nay là tìm ra những nhân tố tích cực đóng góp cho sự phát triển giáo dục trên khắp mọi miền của Tổ quốc và đóng góp những ý kiến tích cực, thẳng thắn, phản biện để xây dựng một nền giáo dục đổi mới, hiện đại, nhân văn.

Sau 18 tháng  kể từ khi phát động, cuộc thi “Vì sự học ngày nay” do Ban Đề tài, Chi hội Nhà văn giáo dục - Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với báo Văn nghệ tổ chức đã khép lại.

Gần năm nay, cuộc thi viết về Ngành Giáo dục đã diễn ra với bao biến cố: Lũ lụt, thiên tai... trải rộng ở các tỉnh miền Trung đã cướp đi biết bao tài sản, sinh mệnh của nhiều người. Trong đó, có những người lính đã hy sinh tính mạng để giúp dân trong mưa lũ, sạt lở... Những năm gần đây, trong ngành Giáo dục, vấn nạn tiêu cực thi cử trong việc mua bán điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT “2 trong 1” diễn ra ở một số tỉnh phía Bắc khiến dư luật nhức nhối, bất bình... Rồi những bất cập của các bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới khiến báo chí và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm... Đặc biệt, năm nay, cũng là năm toàn Đảng, toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bao sự kiện, biến cố với những cảm xúc vui, buồn... đều in đậm trong những tác phẩm của các tác giả gửi đến Tòa soạn.

Những câu chuyện về Cô giáo không bục giảng Giấc mơ con chữ của bà giáo làng của bạn Vũ Minh Phúc là những câu chuyện nhân văn, được viết lôi cuốn, đã thuyết phục độc giả bởi những tấm gương hy sinh thầm lặng của những người làm được nhiều việc có ý nghĩa cho cuộc đời này. Những bài dự thi của bạn lôi cuốn người đọc không chỉ bởi câu chuyện xúc động, mà còn bởi cái tâm và văn phong của người viết. Có một ngôi trường như trong cổ tích là sự trải lòng, đầy tâm huyết của trường Mầm non Minh Hải - tư thục đầu tiên của Thành phố Hà Nội với tác giả Thiên Thanh. Ngôi trường đã đạt chuẩn Trường chuẩn quốc gia giai đoạn 3, đẹp như cổ tích bởi cây xanh và khuôn viên rộng rãi, cảnh quan ấn tượng. Và, hơn cả là cái tâm và ý chí của cô Hiệu trưởng Minh Hải trong sự nghiệp trồng người.

Tác giả Lưu Chí Thiện, với bài Gian lận thi cử - tác hại khôn lường đã phản ánh và đưa ra những kiến giải - vấn nạn tiêu cực trong thi cử, sự xuống cấp của đạo đức nhà giáo... trong thời gian qua. Bằng cái nhìn phản biện, đa chiều với văn phong sắc bén, tác giả đã chỉ ra đúng tên gọi của tệ tham nhũng, mua quan bán chức, bệnh thành tích trong giáo dục.  

Với bài Những người phơi chữ trên ngàn, tác giả không chỉ là nhân vật đi tìm hiểu sự việc, mà còn là người đồng hành trong cảm xúc, thâm nhập vào cuộc sống của những đứa trẻ có những cuộc đời buồn, dài triền miên như những đỉnh núi mây giăng kia. Tác giả Phạm Thanh Khương đã lăn lộn trên vùng đất heo hút của điểm trường vùng cao Làng Mười, điểm trường Cao Biền của huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, để ghi lại những nỗi niềm, cảnh ngộ của thầy trò vùng cao với cách viết lôi cuốn, đầy xúc động. Tuy nhiên, lay thức cảm xúc người đọc là hình ảnh sau những cơn mưa lầy lội, các thầy cô và các em học sinh mong trời hửng nắng để mang sách ra phơi...

15 phút giữa giờ và 15 phút cuối chiều của tác giả Hoàng Việt Hằng viết về giáo viên vùng cao ở Đại Từ, Thái Nguyên. Trẻ lớp 1 hay mất bút, muốn để trẻ không bỏ bê bài học, không chép bài, thì chỉ còn cách sắm bút cả năm và dỗ chúng học. Cô giáo Nguyệt sau giờ tan học vẫn dành 15 phút giữa trưa, 15 phút cuối chiều để kèm cặp học sinh lớp 1 thuộc chữ cái, để tập viết và tập đọc cho nhanh... Thầm lặng vì học sinh như thế, nhưng hành động trìu mến thương yêu học trò của cô đã khiến trẻ đến trường đều hơn.

Tác giả Phạm Tiến Luật lại nặng lòng về những người thầy của một thời đã qua. Điểm đến của tác giả là sự tri ân và tôn vinh những người thầy không chỉ của một thời, khi ký ức men theo bờ thực tại. Bài viết Thầy Thìn nghìn việc tốt viết về thầy giáo Trần Đức Thìn - người đội viên Đội du kích thiếu niên Đình Bảng năm xưa, và các bài viết về những người thầy mà tác giả chỉ được biết, nghe danh tiếng chứ chưa được học, đã khiến độc giả khâm phục bởi cách viết viết ấm áp, ân tình, trân quý. Đặc biệt, là sự công phu khi tìm hiểu nhân vật, để nối dài những câu chuyện yêu thương, cảm phục về những người thầy. Người thầy tôi chưa được học cũng là tác phẩm của tác giả Phạm Tiến Luật trong cách nhìn ấm áp, tràn đầy yêu thương quý trọng.  

Tác giả Diễm Nguyệt lại khiến người đọc bị cuốn theo câu chuyện cuộc đời của một cô giáo 24 năm đeo đẳng thân phận làm hợp đồng. Hành trình 24 năm đi tìm danh phận người thầy không chỉ là câu chuyện viết về một cô giáo Ngọc của trường THCS An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, mà nó còn là nỗi buồn da diết mang tên thi tuyển công chức trong Ngành Giáo dục. Bài viết khiến người đọc trăn trở, xót xa, vì cô đã thi, đã “vô tư” chờ đợi, tin tưởng và hy vọng... vì nghĩ mình có năng lực, đã cố gắng hết sức, chắc chắn sẽ thi đỗ công chức, rồi lại bất ngờ trượt trong những tình huống éo le nhất, khó đoán định nhưng dễ hiểu nhất.

Nhà giáo Hoàng Trung Hiếu, trong bài  viết Chống gian dối trong thi cử bắt đầu từ đâu?, sau khi phân tích lỗi hệ thống đằng sau những vấn nạn trong năm qua. Làm hư trò có phải do người dạy? là câu chuyện tiếp theo của gian lận thi cử, của dạy thêm, học thêm, của việc thanh tra giáo dục hàng năm trong kỳ thi chỉ là việc “cắt ngọn”, bỏ gốc. Nên những tiêu cực cứ nối dài, hoặc biến thể sang hình thức khác. Ông nhấn mạnh dạy học là một nghệ thuật, vừa mở ra cánh cửa huyền vi, vừa triết học và nhân văn.   

Nổi bật trong kỳ thi là cây bút phóng sự bút ký của đất Hà Tĩnh - nhà giáo, nhà thơ Lê Văn Vỵ, đã bám sát tính thời sự, có những loạt bài viết chuyên sâu, đưa ra những giải pháp đối với ngành. Loạt bài Giảng đường thời Covid, Lựa chọn sách giáo khoa: Nỗi lo này không chỉ riêng ai, Sách giáo khoa và BOT giao thông, Giải bài toán phân luồng cho học sinh phổ thôngNước mắt ngày lũ thuyết phục độc giả ở chỗ, tác giả bám sát tính thời sự và những sự kiện xã hội đang ảnh hưởng tác động đến Giáo dục như thế nào.

Tác phẩm Giáo dục thời Covid của Lê Văn Vỵ ghi chép rất kịp thời về những khó khăn thách thức của nhà trường và thích ứng của nhà trường trong tình hình mới. Sách giáo khoa và BOT giao thông là cái nhìn của người trong cuộc. Tác giả đã so sánh hai hình thức khá lùm xùm của hai ngành tưởng chẳng liên quan gì đến nhau. Trước khi dư luận “nóng” lên về sách giáo khoa, bài viết của tác giả được độc giả đón đọc vì có cách lí giải thỏa đáng, cách phản biện mang tính xây dựng. Tác phẩm Giải bài toán phân luồng cho học sinh như thế nào của ông lại gợi ra nhiều suy nghĩ cho các nhà quản lí, hoạch định chính sách giáo dục. Trong tác phẩm Nước mắt ngày lũ, tác giả không chỉ ghi chép về những số phận và hoàn cảnh đau thương vùng lũ, mà còn bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông  với hoàn cảnh cô giáo Nguyễn Thị Hoa – giáo viên trường Tiểu học Cương Gián 1, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Cao Cường hy sinh trong đợt lũ quét tháng 10 ở Quảng Trị. Ngay sau khi bài viết được đăng tải, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Vepic đã đến Hà Tĩnh trao học bổng cho hai con của cô giáo, đến năm 18 tuổi, giúp cô giáo vượt qua những đau thương, mất mát khó khăn, yên tâm đứng trên bục giảng. Bài viết đã có hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa về tính nhân văn. 

Tác phẩm Cùng vươn về ánh sáng thể hiện sự tâm huyết, công phu của tác giả Phan Tĩnh Xuyên khi viết về vợ chồng giảng viên đại học Hoàng Thị Bình và Nguyễn Văn Ngọc ở Đại học Đà Lạt. Tác phẩm kể về sự cống hiến khoa học không mệt mỏi cho khoa học với những ứng dụng thực tiễn thành công, không chỉ ở đề tài; không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới. Vấn đề bảo tồn sinh thái, vấn đề ô nhiễm... mà hai vợ chồng nhà khoa học đã áp dụng thành công ở Việt Nam, đã đem lại niềm tự hào cho ngành khoa học sinh học Việt Nam.

Tác giả Trương Thanh Liêm đã khiến người đọc xúc động bởi bà Bảy Nhị - một bà giáo già tình nguyện đưa đò cho trẻ em vùng sông nước Hậu Giang, về một bà giáo Lưu Thị Năm, có tên bà giáo bốn “miễn phí”: Miễn phí tiền học, sách vở, quần áo, ăn uống... cho trẻ em nghèo Hậu Giang có cơ hội đến trường, trong tác phẩm Những tấm lòng vì sự nghiệp khuyến học vùng sâu.

Tác phẩm Mấy suy nghĩ về nền giáo dục Việt Nam hiện nay của tác giả Kim Quyên đưa ra vấn nạn thành tích - căn bệnh trầm kha khó dứt bỏ của Ngành Giáo dục. Nếu không chữa “bệnh” tận gốc, căn bệnh này sẽ khiến xã hội coi “ngôi đền thiêng” là nhà trường sẽ không còn thiêng nữa. Bài viết có tính phản biện cao, trong cách viết sắc sảo và góp ý thẳng thắn của một nhà văn - nhà giáo.

Mảng về đề tài đời sống giáo viên được các tác giả đặc biệt quan tâm. Nhất là đời sống giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Những tác phẩm ấy đã giới thiệu cho bạn đọc những vất vả hi sinh, những cống hiến thầm lặng của đội ngũ thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh cũng như viên chức nhà trường. Các tác giả Phùng Phương Quý, Nguyễn Văn Công, Hồ Xuân Đà, Hoài Hương, Lê Thanh Trúc, Hoàng Khánh Duy, Vũ Thị Ngọc Thu, Lưu Chí Thiện, Đinh Đức Cần, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Hữu Tiến, Ma Thị Chuyên, Trần Bá Giao, Hà Lâm Kỳ, Lê Xuân, Hà Ngọc Khánh, Thăng Long, Đức Dũng, Hồ Thủy Giang... là những cây bút có những tác phẩm ấn tượng, có cái nhìn đa chiều, và tâm huyết trong cuộc thi này. Cho nên, văn chương là gì nếu không vì cuộc sống mà hiện diện?

Đây là cuộc thi báo chí, nên chúng tôi ưu tiên cho các thể loại báo chí, đặc biệt là bút ký, phóng sự, ghi chép, bình luận... Giải cao được trao cho những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống thực tại, và các tác giả phải chứng tỏ năng lực quan sát, điều tra; năng lực phát hiện, xử lý vấn đề, năng lực phản biện cũng như ngôn ngữ báo chí sắc sảo, cách viết cuốn hút, có bản lĩnh góp phần định hướng được dư luận, nhất là vấn đề về thi cử, sách giáo khoa.

Tuy nhiên, phải thành thực mà nói, tác phẩm xuất sắc chưa có nhiều. Rất thường thấy các bài viết chỉ mới dừng lại ở việc ghi chép, phản ánh hiện tượng sự việc mà thiếu khám phá chiều sâu đời sống hiện thực. Có những trường hợp viết vội vã, cấu trúc, văn phong cho đến ngôn từ chưa chặt chẽ. Hoặc có tác giả chỉ đưa ra vấn đề mà không phân tích, kiến giải trong cái nhìn tổng thể. Có tác giả tâm huyết, gửi dự thi hơn 20 tác phẩm, nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở những ý kiến cảm tính... nên rất tiếc, Ban Giám khảo không thể xét giải được.

Cuộc thi Vì sự học ngày nay đã chính thức khép lại. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả đã đồng hành để cuộc thi thành công rực rỡ. Hẹn gặp lại các bạn trong những kỳ thi tới.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

 

DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI

Ban Sơ khảo đã đọc 974 bài viết, và lựa chọn được hàng trăm tác phẩm để giới thiệu trên Tuần báo Văn Nghệ và Báo Văn nghệ oline với bạn đọc. 57 tác phẩm có chất lượng cao đã được đề nghị lên Ban Chung khảo đọc và tiếp tục lựa chọn  trao giải. Kết quả như sau:

Giải Nhất:

- Tác giả Lê Văn Vỵ - chùm 5 tác phẩm: Giảng đường thời Covid, Lựa chọn sách giáo khoa: Nỗi lo này không chỉ riêng ai, Sách giáo khoa và BOT giao thông, Giải bài toán phân luồng cho học sinh phổ thôngNước mắt ngày lũ.

- Tác giả Hoàng Trung Hiếu với chùm 2 tác phẩm: Làm hư trò có phải do người thầy? Chống gian dối trong thi cử - chống từ đâu.

Giải Nhì:

- Tác giả Phan Tĩnh Xuyên với tác phẩm Cùng vươn về ánh sáng.

- Tác giả Diễm Nguyệt với tác phẩm Hành trình 24 năm đi tìm danh phận người thầy.

Giải Ba:

- Tác giả Phạm Thanh Khương với tác phẩm Những người phơi chữ trên ngàn.

- Tác giả Vũ Minh Phúc với chùm hai tác phẩm: Cô giáo không bục giảng Giấc mơ con chữ của bà giáo làng.

- Tác giả Lưu Chí Thiện với tác phẩm Gian lận thi cử- tác hại khôn lường.

Giải Khuyến khích:

- Tác giả Kim Quyên với tác phẩm Một vài suy nghĩ về nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

- Tác giả Trương Thanh Liêm với tác phẩm Những tấm lòng vì sự nghiệp khuyến học vùng sâu.

- Tác giả Hoàng Việt Hằng với tác phẩm 15 phút giữa trưa và 15 phút cuối chiều.

- Tác giả Thiên Thanh với tác phẩm Ngôi trường Mầm non như trong cổ tích. 

- Tác giả Phạm Tiến Luật với tác phẩm Thầy Thìn - nghìn việc tốt.

Nguồn Văn nghệ số 52/2020


Có thể bạn quan tâm