April 20, 2024, 3:11 pm

12 nghìn tỷ và giấc mơ giáo dục chất lượng cao

 

Dư luận đã thực sự bị “sốc”, thậm chí hoài nghi trước thông tin Bộ Giáo dục & Đào tạo đang lấy ý kiến về Dự thảo Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2015 tầm nhìn 2030, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo dự thảo (tạm gọi là đề án), để thực hiện, Chính phủ sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 12 nghìn tỷ để đào tạo 9.000 Tiến sĩ, (tương đường 1,1 nghìn tỷ đồng/1 Tiến sĩ). Trong đó có khoảng 5.000 Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, số còn lại được đào tạo trong nước. Dự thảo đưa ra 5 giải pháp để thực hiện bao gồm: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Thu hút tiến sĩ đến công tác, làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; Đổi mới cơ chế, chính sách.

Khoan bàn đến những căn cứ mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra để thuyết phục dư luận xã hội, như số lượng Tiến sĩ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới; tỷ lệ những công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, trong thời gian 10 năm (từ 1996-2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có… một bằng sáng chế, mà chỉ nhìn vào số lượng cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ thất nghiệp, từ bỏ con đường học vấn để làm trái ngành, trái nghề cho thấy đây là một đề án cần phải xét lại.

Xét lại bởi nhiều lẽ, đầu tiên là những dự án cử tuyển trước đây do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trương và Chính phủ tài trợ đào tạo Tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài? Và điều xét lại nữa là quá trình đàm phán tương đương bằng cấp giữa Việt Nam và các nước trên thế giới thời gian qua chưa có nhiều chuyển biến. Nghĩa là có rất ít nước công nhận tương đương bằng cấp với Việt Nam, và ngược lại, nhiều Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài khi về nước lại không đáp ứng được những môn học hay những tín chỉ được quy định trong hệ thống giáo dục đại học trong nước mà trường hợp một tiến sĩ trẻ trượt vị trí tuyển dụng tại Hà Nội thời gian qua là một ví dụ điển hình của sự bất cập về bằng cấp. Và khi những lấn cấn này được lan truyền trên mạng xã hội thì người ta mới thực sự lo ngại về sự khả thi của đề án mới, thậm chí đặt câu hỏi liệu có gì mới hơn trong công tác quản lý cũng như phát huy tác dụng của đội ngũ trí thức sau đào tạo. Bởi thực tế, nhiều người một đi không trở lại hoặc có thì chuyển sang làm công tác quản lý mà không dính dáng gì đến lĩnh vực ngành nghề đã làm nên học hàm, học vị của họ. Cho thấy “giá trị” của bằng cấp là để tiến thân vẫn còn “đất” để tồn tại.

Lãng phí nguồn lực xã hội, chảy máu chất xám là điều ai cũng nhận thấy từ những dự án đào tạo được gọi là nhân lực chất lượng cao, nên đứng trước đề án mới đưa ra ngoài nhấn mạnh sẽ phải có 100% giảng viên được bồi dưỡng về năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin, thì việc tiếp tục đưa ra mục tiêu 100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị trường đại học, vô hình chung khiến người ta nghĩ đến việc Bộ đang cố gắng xây phần ngọn và nếu không được triển khai một cách đồng bộ, có chọn lọc rất có thể Bộ sẽ tiếp tục “ném tiền qua cửa số”. Đặc biệt trong điều kiện khó khăn, ngân sách đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” thì những dự án lấy nguồn từ ngân sách phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Hiện Bộ Giáo dục & Đào tạo đang triển khai chương trình sách giáo khoa phổ thông mới cũng tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng tiến độ thì càng ngày càng giãn ra theo cách nói của Bộ là để thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Điều này không có gì sai, thậm chí nó hoàn toàn đúng bởi giáo dục liên quan đến mọi gia đình, và sự phồn thịnh của mỗi quốc gia nên sự thận trọng hẳn là cần thiết. Nhưng nếu cứ chần chừ, thậm chí xuất hiện tâm lý không chắc chắn của chính những người trong cuộc và dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói trên cũng không là ngoại lệ, sẽ đưa đến một cái nhìn méo mó cho giáo dục và một cái kết là ngân sách tiếp tục bị nghèo đi bởi sự chậm trễ, và coi trọng bằng cấp đó.

 


Có thể bạn quan tâm