March 29, 2024, 2:23 pm

100 năm tấm lòng hướng về tổ quốc

Với phần đông kiều bào tại Pháp, ít ai không biết hoặc nghe nói đến Hội Người Việt Nam tại Pháp, và năm nay, Hội sẽ tổ chức 100 năm ngày thành lập. Đây có thể nói là một địa chỉ để những ai mới cặp bến nước Pháp tìm đến, hoặc những ai muốn tìm hiểu về giai đoạn đầu tiên khi cộng đồng kiều bào Việt Nam xuất hiện tại Pháp…

Thực ra Tên Hội Người Việt Nam tại Pháp chỉ thực sự ra đời vào năm 1976. Năm 1919, cái tên chỉ là Nhóm người An Nam yêu nước, qua nhiều thời kỳ thay đổi tên và các thành viên tăng lên, nhiều chi hội ra đời như Hội Công Nhân, hội Phụ Lão, hội Thương Gia, Hội Trí Thức… nhưng vẫn trực thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp, và theo tinh thần do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng, là ái quốc và hướng về Tổ quốc.

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đại diện cho nhóm người An Nam yêu nước gửi bản yêu sách đến Hội nghị Hòa bình Versailles gồm tám điểm bằng tiếng Pháp. Bản Yêu sách này ký tên Nguyễn ái Quốc nhưng thực ra là một nhóm mang tên Ngũ Long (Năm con rồng) đã tham gia soạn thảo gồm Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Tường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền. Nhóm đã tranh thủ sự ủng hộ của những người Pháp ưa chuộng hòa bình và dân chủ để đấu tranh dành hòa bình độc lập cho tổ quốc Việt Nam. Đến năm 1933 Hội Việt Nam Khuyến học kế thừa Nhóm An Nam Yêu nước để khuyến khích các sinh viên Việt Nam. Đến năm 1945 Hội Việt kiều Liên Minh được thành lập tại Marseille, một thành phố phía nam nước Pháp. Từ dấu mốc thành lập Nhóm Người An Nam yêu nước ngày 18 tháng 6 năm 1919, nhiều tổ chức và hội đoàn tại Pháp đã đồng hành cũng dân tộc trong nước. Năm 1946, khi Hồ Chủ Tịch sang Pháp đã được kiều bào đón tiếp nồng nhiệt.

Trong ký ức của thành viên thuộc nhóm Công Binh, Lính thợ, dù đã rất cao tuổi, Hồ Chủ Tịch là Tổ quốc, là quê hương xứ sở. Bao năm qua bị bắt đi lính, vắng biệt tin nhà, khi được tin Hồ Chủ Tịch sang Pháp, ai nấy đều hồi hộp mong đợi, khí thế phấn chấn. Tại sân bay Pháp, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tại nhà ga sân bay, kiều bào các thế hệ, nam nữ, công nhân, trí thức, không kể tôn giáo, đều tế chỉnh sắp hàng trật tự chờ đợi. Máy bay đỗ và Hồ chủ Tịch bước xuống, tiếng hoan hô vang dậy đón chào Người. Bác đã rất cảm động trước khí thế đón tiếp của kiều bào. Ngay ngày hôm sau cặp bến nước Pháp, Hồ Chủ Tịch đã bắt đầu tiếp các gia đình kiều bào tại tòa nhà Maubert Mutualité lịch sử, đây vốn là nơi dành cho các đảng phái dân chủ hội họp. Hôm đó, kiều bào đã tụ tập rất đông, trên dưới hai ngàn người đa phần đến cả gia đình. Trong buổi nói chuyện, sau khi đã tóm lược sơ qua tình hình đất nước hiện tại, Hồ Chủ Tịch nói đến phận sự của những người con xa xứ đối với đất nước “Anh chị em đã đoàn kết vì vận mệnh dân tộc, thì hãy tiếp tục đoàn kết thêm. Trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm, kiều bào tại Pháp đã không ngừng xuống đường để biểu tình đòi Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam và nhất là cuộc chiến tại Điện Biên Phủ.

Trong giới kiều bào trong giai đoạn này tại Pháp, chúng ta cần kể đến lượng Lính Thợ, 20 ngàn người mà phần đông không biết chữ đã bị Nhà cầm quyền Thực dân ép đi lính sang Pháp trong cuộc đại chiến thế giới thứ II. Sau khi cuộc chiến kết thúc, một phần lớn đã hồi hương Việt Nam, nhưng một số đã ở lại vì lý do nào đó hoặc đã lấy vợ Pháp. Họ đã đến buổi gặp gỡ với Hồ Chủ Tịch và ghi nhận lời dặn dò của Bác: “Các chú nên học lấy một nghề, vì không có nghề thì sẽ không thể làm gì được. Dù gì cũng phải học nghề. Dù ở lại Pháp hay hồi hương Việt Nam cũng cần phải có một nghề trong tay. Và chính vì điều đó nên tất cả những Lính Thợ đều đã cố gắng đi học nghề. Nước Pháp sau cuộc chiến, rất thiếu nhân lực nên sẵn sàng đào tạo nghề cho những ai có nhu cầu. Lời bác dặn “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” luôn vẳng vẳng bên tai họ cho đến tận những ngày cuối đời. Cách đây vài năm, truyền hình Pháp có đưa một phóng sự Ai đã trồng lúa tại Pháp để vinh danh những người lính thợ Việt Nam khi xưa. Chính họ, vốn xuất thân từ những vùng quê nghèo Việt Nam biết cách cấy lúa đã đem kỹ thuật gieo cấy lúa nước đến vùng Camargue, một nơi vốn là đầm sình lầy ở miền nam nước Pháp…

Tháng 12 năm 1955, Liên hiệp Việt kiều được thành lập, nhằm kết nối thêm các nhóm đồng bào ái quốc khác trên toàn nước Pháp. Phong trào thời gian này chúng ta cần kể đến các gương mặt trí thức như Nguyễn Khắc Viện, Lâm Bá Châu, Lê Văn Phu… Họ đã bị cảnh sát Pháp lùng bắt, nên đã phải tổ chức khá nhiều các sự kiện văn hóa thể thao nhằm che mắt cảnh sát, nhưng thực chất là để hoạt động trao đổi thông tin tình hình trong nước và tìm cách trợ giúp.

Khi bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ tại Việt Nam, kiều bào Việt tại Pháp lại bắt đầu những cuộc biểu tình rầm rộ trên các đường phố nước Pháp nhằm thu hút dư luận của Pháp và Quốc tế về chính sự đang diễn ra tại Việt Nam. Nhất là trong cuộc đàm phán để dẫn đến kỹ kết Hiệp Định Hòa Bình Paris năm 1973. Do công việc tôi cũng đã được tiếp xúc với các cô bác đã trực tiếp giúp đỡ hai đoàn ngoại giao Việt Nam dân chủ Cộng Hòa và Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam, đứng đầu là Ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình.

Tôi đã đến Suresne, một thành phố nhỏ ở phía tây nam Paris, nơi Bà Jeanne Minh Thanh Trần Vân Phi hiện thời đang sinh sống. Bà Jeanne Minh Thanh là bác sỹ, thời kỳ ấy bà đã tự nguyện là bác sỹ miễn phí chăm sóc sức khỏe cho các đoàn. Trong nhà bà hiện giờ mang đầy hình ảnh dáng dấp Việt Nam, nhưng điều khiến tôi quan tâm nhất có lẽ là những cuốn an-bum ảnh cá nhân của bà và gia đình. Có rất nhiều những bức ảnh mang dấu ấn lịch sử được chính các nhân vật tham gia cuộc đàm phán trong những năm tháng ấy ký tặng, như ông Lê Đức Thọ, ông Xuân Thủy, bà Nguyễn Thị Bình, ông Mai Văn Bộ... Thi thoảng giọng bà như trùng lại, nghẹn ngào vào lúc đang kể lại về sự tích từng bức ảnh. Bà gọi những cán bộ ngoại giao lão thành ấy là anh, là chị. - Phòng mạch của tôi có lúc đã biến thành một nơi ở tạm cho đoàn, bà kể. - Có những hôm tôi rời nơi đó về nhà thì đã hơn 1 giờ sáng, về nhà ăn vội vàng rồi lại thức dậy vào lúc sáu giờ sáng. Mọi người đều rất vui vẻ… Hiện nay bà Jeane Minh Thanh dã rất cao tuổi, bà nghỉ hưu và chỉa sẻ cuộc sống của mình giữa Paris và Nha Trang, nơi bà có một ngôi nhà và vẫn tiếp tục đầu tư làm từ thiện giúp các trẻ em cơ nhỡ tại Nha Trang.

Tôi cũng đã được gặp ông Lâm Bá Châu, hiện sống tại quận 19 của thành phố Paris. Ông Lâm Bá Châu thời kỳ đó là Phó chủ tịch liên hiệp Việt kiều Pháp (tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp), và là Tổng thư ký chi hội vùng Paris. Phu nhân người Pháp của ông khi ấy cũng là một chiến binh tranh đấu tích cực vì hòa bình cho Việt Nam. Ở tuổi 90, những hồi ức như làm ông trẻ lại. Nhìn bàn tay ông vuốt ve bức ảnh chụp rừng cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và cờ của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam tung bay bên ngoài Trung tâm hội nghị Quốc tế Klébert, và giọng kể run run của ông, tôi như được sống trong cảm xúc vui sướng, tự hào cùng với cộng đồng kiều bào trong những 45 năm về trước: - … vào buổi trước ngày diễn ra Hội nghị, chúng tôi đã huy động tất cả để dựng cờ, may cờ rồi hẹn nhau đến sớm ở Klébert. Lúc đó bên kia cũng huy động đến, nhưng ở đó chỉ thấy rợp trời cờ đỏ sao vàng. Chính vì thế mà báo chí Pháp và Quốc tế khi ấy thấy rõ rằng cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã chủ yếu ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam…

Ông Lâm Bá Châu hiện nay đã rất già, ít đi lại, nhưng tình cảm của ông đối với Việt Nam, với  hội Người Việt Nam tại Pháp, đối với đất nước vẫn bất biến, keo sơn và bền vững.

 

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 hội Người Việt Nam tại Pháp chính thức được thành lập. Từ đó, hội lại tiếp tục đồng hành cùng đồng bào trong nước khắc phục hậu quả sau chiến tranh và xây dựng đất nước bằng những công việc cụ thể như cử các bác sỹ về các bệnh viện, gửi thuốc men. Bắt đầu từ sau thời kỳ đổi mới và chính sách mở cửa, thông thương với Pháp được dễ dàng hơn, hàng loạt những dự án trợ giúp các vùng sâu vùng xa, xây dựng trường học, làm cầu, phát học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học, của Hội được lập lên và đã thực hiện. Dự án Nước ngọt vì Trường Sa được hội phát động đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo kiều bào. Ngoài Hội Người Việt Nam tại Pháp có trụ sở chính ở Paris thì còn có rất nhiều các chi hội khác ở các thành phố lớn tại Pháp cũng hoạt động rất tích cực, như chi hội ở Lyon, Bordeaux, Marseille… Những hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước của Hội diễn ra thường xuyên thông qua các sinh hoạt văn hóa, các buổi lễ tết cổ truyền, tết trung thu và các buổi triển lãm ảnh tại những địa điểm lịch sử của Pháp… Những khuôn mặt tiêu biểu của kiều bào trong Hội Người Việt Nam tại Pháp phải kể đến giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo. Tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện những nghệ sỹ này trong những năm 2000, họ để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Vì một lý do nào đó đã phải viễn xứ, tôi hình dung họ đã phải học tập và cố gắng rất nhiều để có một chỗ đứng xứng đáng trong nước sở tại, nhưng trong lòng vẫn đau đáu nhớ về quê hương xứ sở, yêu quê hương bằng cách quảng bá tới công chúng Pháp nền âm nhạc Việt Nam, đưa được âm nhạc truyền thống Việt Nam đến trường quốc tế...

Thời gian qua đi, nhưng gương mặt hoạt động sôi nổi một thời đã già đi và dần nhường chỗ cho lớp trẻ. Chính sự quốc tế và trong nước đã thay đổi, các mối liên hệ qua lại giữa hai quốc gia Pháp – Việt đã trở nên dễ dàng hơn, cộng với sự phát triển của viễn thông và các mạng xã hội, giao lưu giờ đây đã trở nên thường xuyên hơn. Các bạn trẻ gốc Việt sinh tại Pháp có nhiều cơ hội về thăm nơi quê cha đất tổ và kết nối để thực hiện những nguyện vọng cống hiến cho Tổ quốc qua những dự án hợp tác, gắn kết hơn nữa sợi dây nối liền với đất nước, nơi mà họ chỉ nghe kể chứ ít được chứng kiến. Theo mạch những sự kiện, những giai thoại, những câu chuyện lớn, những mẩu chuyện nho nhỏ đã làm nên một trang sử của Người Việt Nam tại Pháp. Với đông đảo Kiều bào, Hội Người Việt Nam tại Pháp như một sợi dây nối liền những đứa con xa xứ tại với đất nước.

100 Năm một thế kỷ, kiều bao nói chung và kiều bào Việt Nam tại Pháp vẫn luôn cận kề cùng dân tộc, luôn hướng mắt về Đất Mẹ, Tổ Quốc Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 25/2019


Có thể bạn quan tâm