April 25, 2024, 7:56 am

10 sự kiện Văn hóa, Nghệ thuật tiêu biểu năm 2020

Khép lại năm 2020 với những ảnh hưởng nặng nề của dịch covid-19 đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã không thể thực hiện, hoặc nếu có cũng bị thu hẹp về quy mô, thậm chí lựa chọn hình thức trực tuyến để tiếp cận công chúng... Tuy nhiên, vượt qua những khóa khăn từ dịch bệnh, đời sống văn hóa, nghệ thuật trong nước vẫn có những điểm sáng, mang đến cho công chúng những gam màu ấm áp.

Dưới đây là 10 sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu diễn ra trong nước năm 2020 do Văn nghệ bình chọn

  1. Chương trình nghệ thuật đặc biệt Dâng Người tiếng hát mùa xuân

 

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Dâng Người tiếng hát mùa xuân nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị nhằm tuyên truyền sâu rộng, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Người; góp phần khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người. Chương trình được thực hiện vào, tối 17/5/2020, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức… Qua các giọng hát hàng đầu của làng nhạc Việt Nam như: Quang Thọ, Thu Hiền, Tạ Minh Tâm, Thái Bảo, Phạm Ngọc Khôi, Quốc Hưng... các nghệ sĩ đã mang đến một không gian âm nhạc với những cảm xúc ngọt ngào và sâu lắng cùng những bài hát đi cùng năm tháng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

2. Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương”

Bộ ảnh đoạt giải và tham dự triển lãm

 

Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự Cuộc thi có chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao, sáng tạo, đáp ứng các tiêu chí về bố cục, ánh sáng, nội dung phong phú; khắc họa tương đối toàn diện vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam ở các vùng biên giới trên đất liền Tổ quốc; phản ánh sinh động, chân thực những nét độc đáo trong sinh hoạt, lao động sản xuất; những công trình, lễ hội văn hoá, các loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc ít người…, ở các rẻo cao dọc tuyến biên giới. Đây là cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên và chỉ kéo dài trong 5 tháng (kể từ khi phát động đến hết thời hạn nhận tác phẩm), nhưng đã nhận được gần 7.000 ảnh dự thi của 745 nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

3. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020

Một góc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020

Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) từ ngày  1-10/12/2020. Đây là sự kiện được tổ chức 5 năm một lần, là triển lãm định kỳ, truyền thống của mỹ thuật Việt Nam, nhằm tổng kết và đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm (2016-2020), ghi nhận những thành tựu sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ghi nhận tại triển lãm, với tổng số gần 500 tác phẩm được chọn trưng bày gồm các loại hình: Đồ họa, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, video art và các loại hình nghệ thuật đương đại khác, đã nhiều hơn gần 90 tác phẩm so với triển lãm năm 2015 (409 tác phẩm), cho thấy bức tranh toàn diện về những thành tựu sáng tạo nghệ thuật, hoạt động sáng tác, các khuynh hướng nghệ thuật trong 5 năm qua của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam.

Mặc dù triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2020 không có giải nhất (triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015 có 2 Huy chương vàng) ở bất kỳ thể loại nào; song công chúng yêu hội họa vẫn hoàn toàn có quyền hy vọng những điểm hạn chế từ triển lãm 2020 sẽ được các thế hệ họa sĩ, điêu khắc Việt khắc phục và phát huy hơn nữa những thé mạnh của mỗi cá nhân, từng bước đưa hội họa, điêu khắc Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

 

4. Điện ảnh Việt Nam tham  dự vòng sơ tuyển oscar lần thứ 93

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định chính thức gửi phim Mắt biếc tham dự vòng sơ tuyển giải thưởng Phim truyện quốc tế - Oscars lần thứ 93 do Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức.

Theo quyết định này, Công ty cổ phần truyền thông và giải trí Galaxy chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Điện ảnh đăng ký phim tham dự, gửi tài liệu theo quy định của ban tổ chức; gửi các bản phim DCP, đĩa phim có phụ đề tiếng Anh cho ban tổ chức đúng thời hạn.

Mắt biếc là bộ phim điện ảnh Việt Nam do Victor Vũ đạo diễn, được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây là bộ phim thứ hai của Victor Vũ đạo diễn dựa trên truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh sau thành công từ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh năm 2015. Phim ra mắt vào ngày 20/12/2019 và nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả, trở thành hiện tượng phòng vé cuối năm 2019 khi thu khoảng 50 tỉ đồng chỉ sau ba ngày phát hành. Đến ngày 22/1/2020, Mắt biếc chạm mốc doanh thu 172 tỉ đồng.

Sự thành công của Mắt biếc cho thấy sự kết hợp giữa văn học và điện ảnh không chỉ đang đi đúng hướng mà sự tôn trọng nguyên tác tác phẩm (khi tác phẩm đó đã đạt đến độ hoàn chỉnh) sẽ đem đến những thành công ngoài sự mong đợi. Chính vì vậy, tất thảy người xem Mắt biếc đều có chung cảm giác, hiếm khi nào, xem một bộ phim mà người ta nhìn thấy mình trong đó, sống trong cảm xúc của nhân vật, thổn thức đến cả khi bộ phim kết thúc.

 

5. Năm của những Đại hội và cuộc thi Tìm kiếm Tài năng trẻ sân khấu

Năm 2020 là năm chứng kiến Đại hội đại biểu toàn quốc của nhiều Hội chuyên ngành nghệ thuật như: Hội nghệ sĩ sân khấu, Hội nghệ sĩ Nhiếp Ảnh, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc... Đây là dịp để các Hội chuyên ngành tổng kết, đánh giá công tác điều hành hoạt động Hội cũng như đời sống nghệ thuật của từng chuyên ngành trong một nhiệm kỳ. Đồng thời bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm các cá nhân ưu tú có đủ Tâm và Tầm, không chỉ gánh vác trọng trách điều hành hoạt động Hội mà còn định hướng, dẫn dắt hoạt động nghệ thuật trong giai đoạn 5 năm của nhiệm kỳ.

Ghi nhận chung tại các Đại hội đại biểu toàn quốc từng chuyên ngành nghệ thuật, việc đánh giá những mặt mạnh và yếu trong công tác điều hành Hội nói chung, cũng như hoạt động nghệ thuật chuyên ngành nói riêng đều được Đại hội thực hiện nghiêm túc, thẳng thắn. Công tác nhân sự cũng được chuẩn bị kỹ càng, bám sát chỉ thị của Bộ Chính Trị, Ban Bí thư, về tiêu chuẩn của người ứng cử và đề cử vào Ban chấp hành khóa mới (ngoài tài năng, đóng góp được Hội viên ghi nhận, công tác nhân sự cần đảm bảo vệ độ tuổi, yếu tố vùng miền), nên hầu hết các Đại hội chuyên ngành đều bầu đủ số lượng thành viên Ban Chấp hành khóa mới như kế hoạch đặt ra trước Đại hội. Đồng thời, tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch Hội, các Phó Chủ tịch, Ban kiểm tra ngay tại Đại hội. Riêng Hội Điện ảnh không bầu được Chủ tịch Hội.

 

Và của những cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ

Đã có ít nhất 5 cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ diễn ra trên phạm vi toàn quốc được thực hiện trong năm 2020. Và đây được coi là những hoạt động cần thiết không chỉ nhằm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho từng chuyên ngành nghệ thuật nói riêng và nhìn xa hơn là chuẩn bị đội ngũ kế cận, thông qua những kế hoạch đào tạo cụ thể và xây dựng định hướng đầu tư, phát triển lâu dài cho từng chuyên ngành nghệ thuật, từng bước đáp ứng như cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong và ngoài nước trong thời kỳ mới.

Đầu tiên phải kể đến Liên hoan “Diễn xướng Nghi lễ Chầu văn đồng bằng Bắc bộ lần thứ 7 năm 2020. Liên hoan diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/12 tại Rạp Đại Nam (Hà Nội) do NSND Thúy Hường chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn Hoàng Đạt dàn dựng. Tiếp đến là Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương, Chèo, Kịch nói và Múa  toàn quốc – 2020 đã góp phần phát hiện nhiều tài năng trẻ có đủ nhiệt huyết và tài năng để trao truyền từ thế hệ đi trước. Theo Cục nghệ thuật biểu diễn, mặc dù các cuộc thi chưa quy tụ được đầy đủ các đơn vị nghệ thuật có bề dày hoạt động nghệ thuật  sân khấu trong cả nước tham gia, đây thực sự là điều đáng tiếc, đòi hỏi các đơn vị cùng với các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát hiện, đào tạo, giữ được diễn viên trẻ yên tâm làm nghề và phát triển tài năng nghệ thuật, cống hiến hết mình cho lĩnh vực nghệ thuật mà mình yêu mến.

 

6. Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam

Công trình Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình thuộc phường Hoàng Diệu (TP. Thái Bình). Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thái Bình đã vinh dự được năm lần đón Bác về thăm. Mỗi lần Bác về thăm là mở ra một chặng đường lịch sử mới, tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng của tỉnh. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân tại Thái Bình là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thái Bình, thể hiện được tình cảm của Bác Hồ dành cho người dân Thái Bình, cũng như tình cảm, lòng kính yêu và sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ kính yêu... Đồng thời,  việc đặt tượng Bác Hồ với nông dân để tưởng nhớ công lao trời biển của Người, song quan trọng hơn, chúng ta cần tạc trong lòng, trong dạ những lời dạy của Bác, ra sức học tập tư tưởng của Người; không ngừng tu dưỡng đạo đức trong sáng, ý chí bản lĩnh của người Cộng sản, cùng làm cho đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, giàu mạnh, cơ đồ dân tộc mãi bền vững, trường tồn.

 

7. Festival áo dài huế 2020: Tôn vinh và khẳng định giá trị  Di sản Áo dài truyền thống

 

Biểu diễn áo dài truyền thống 

 

Được biết đến như một đặc sản của Huế,  festival  áo dài Huế sau nhiều lần phải trì hoãn vì dịch covid 19 đã chính thức được khai mạc vào ngày 18/12 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, với điểm nhấn là Ngày hội Áo dài Huế và biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Trình diễn áo dài truyền thống Huế, các bộ sưu tập của Nghệ nhân, Nhà thiết kế, Nhà may áo dài xứ Huế; Tọa đàm với chủ đề: “Áo dài truyền thống trong đời sống đương đại”; Chương trình trình diễn nghệ thuật truyền thống…

Ban Tổ chức cho biết, việc tổ chức Ngày hội áo dài Huế chính bước khởi đầu và động thái cụ thể trong tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài Huế và Ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Thông qua Ngày hội để khẳng định Huế là cái nôi, nơi khởi nguồn của Áo dài Việt Nam, nơi còn lưu giữ những giá trị tinh túy của ẩm thực cung đình và dân gian, góp phần xây dựng thành công thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ hoạt động tôn vinh giá trị di sản của áo dài truyền thống, Lễ tế nhằm tôn vinh tổ nghề áo dài lần đầu tiên đã được tổ chức tại Lăng Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Lễ tế do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp nghiên cứu, xây dựng nội dung kịch bản. Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát động phong trào trong giới công chức Huế, mặc áo dài truyền thống đến công sở; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội và nhiều tổ chức nghiên cứu, đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học xung quanh Trang phục áo dài truyền thống, Vấn đề Bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay”. Chuỗi hoạt động trong năm 2020 tiếp tục khẳng định sự lên ngôi của tà áo dài truyền thống. Trong hầu hết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra tại ba miền đất nước, áo dài truyền thống như một điểm nhấn mang quốc hồn, quốc túy của dân tộc.

8. Trang trọng Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội

     

 

Tối 10/10, tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020). Cách đây 1010 năm, vào mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (tức Thăng Long), mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó tới thời đại Hồ Chí Minh, trải qua 1010 năm với bao thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều; là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng của cả nước. Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp của Thủ đô: Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị - Sáng tạo.

9. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 “Một thập kỷ nhan sắc”

 

Ba người đẹp đăng quang đêm chung kết " Hoa hậu Việt Nam 2020"

 

Với quyết tâm cao, không để cuộc thi có lịch sử 32 năm phải gián đoạn, không để những khó khăn và dịch Covid-19 đánh bại, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 “Một thập kỷ nhan sắc” vẫn được thực hiện theo kế hoạch và tiến tới trao giải trong đêm Chung kết ngày 20/11. Trước đó Ban Tổ chức cuộc thi đã tiến hành nhiều hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, nhằm quảng bá mạnh mẽ cho tiềm năng du lịch của địa phương cũng như nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về cuộc chiến chống Covid-19 và miền Trung ruột thịt”.  Đặc biệt, Ban Tổ chức đã triển khai dự án từ thiện “Hoa hậu Việt Nam hướng về miền Trung”, quyên góp hơn 14,5 tỉ đồng. Số tiền đã được các thí sinh trao tặng cho các hoàn cảnh khó khăn trong chuỗi hành trình “Người đẹp nhân ái”.

Tuân thủ các vòng thi như đã diễn ra tại 16 mùa thi trước đó, cuộc thi Hoa hậu 2020 cũng trải qua các vòng sơ khảo ở hai miền, chung khảo và chung kết toàn quốc. Ngoài giải chính được trao cho thí sinh Đỗ Thị Hà – 19 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện là sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân; Hai Á hậu 1 và 2 lần lượt được trao cho các thí sinh Phạm Ngọc Phương Anh, Nguyễn Lê Ngọc Thảo. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải phụ như: Người đẹp Biển, Người đẹp Thời trang, Người đẹp Thể thao, Người đẹp tài năng, Người đẹp Nhân ái.

10. Trao giẢi báo chí về chủ đề Văn hóa ứng xử

Các tác giả đoạt giải tại cuộc th

 

Phát động từ ngày 1/1/2019, Ban Tổ chức đã nhận được 358 tác phẩm thuộc 5 thể loại báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói và ảnh báo chí của gần 70 tác giả, nhóm tác giả của hơn 60 cơ quan báo chí tham gia. Đây là hoạt động  được xem là có ý nghĩa trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Qua vòng sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 37 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất và 8 cơ quan báo chí tích cực tham gia để trao các giải thưởng. Cho thấy, Giải báo chí về văn hóa ứng xử đã góp phần lan tỏa giá trị nhân văn tới cộng đồng.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm