April 25, 2024, 3:06 pm

10 Sự kiện Văn hóa - Nghệ thuật tiêu biểu 2021

 

Năm 2021 đã chính thức khép lại với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chưa có tiền lệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà đời sống văn hóa nghệ thuật kém phần sôi động, dưới đây là 10 sự kiện văn hóa, nghệ thuật nổi bật trong năm do Văn nghệ bình chọn.

 

VĂN HÓA


1. Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

 

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị diễn ra vào 24/11/ theo hình thức trực tuyến tới tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước, với điểm cầu chính đặt tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội. Đây là sự kiện quan trọng nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Sau phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị đã tập trung dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới. Từ đó rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, về xây dựng con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước. Đó là con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

 

2. Việt Nam lần thứ 5 trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO

 

Các nước đến chúc mừng đoàn Việt Nam

Ngày 17/11/ Việt Nam (lần thứ 5) trở thành Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu trúng cử 92%. Viêc trủng cử Ủy viên Hội đồng sẽ giúp cho Việt Nam không chỉ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO mà còn là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO, mở ra những “không gian phát triển mới” cho Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội và tạo cơ sở thuận lợi để nước ta hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của UNESCO, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã thông qua hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để vinh danh và tham gia kỷ niệm trong niên khóa 2022-2023.Như vậy, với việc thông qua danh sách nói trên, Việt Nam hiện có 6 danh nhân được UNESCO vinh danh.

 

3. Việt Nam có thêm 2 danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh

 

 UNESCO vinh danh niên khóa 2022-2023

Ngày 23/11 tại Paris, hai danh nhân Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 thông qua hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để vinh danh và tham gia kỷ niệm trong niên khóa 2022-2023. Việc thông qua hồ sơ của hai danh nhân văn hóa không chỉ là niềm tự hào, niềm vui của tỉnh Nghệ An, tỉnh Bến Tre mà còn của toàn thể người dân Việt Nam. Đồng thời cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, của UNESCO đối  với những giá trị của dân tộc Việt Nam về văn hóa, về lịch sử, về truyền thống học tập cũng như tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ và những điều này cũng rất phù hợp với những giá trị mà UNESCO đang thúc đẩy”.

Như vậy, với việc thông qua danh sách nói trên, Việt Nam hiện có 6 danh nhân được UNESCO vinh danh.

 

4. Lần đầu tiên Ban hành bộ Quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật

 

Bộ Quy tắc gồm 3 chương, 11 điều

Sau một thời gian soạn thảo, lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL Ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”, gồm 3 chương, 11 điều. Việc xây dựng và ban hành bộ Quy tắc được coi là một “hệ sinh thái” mới với nhiều hình thức khác nhau để định hướng và đánh giá hành vi của nghệ sĩ theo nhóm. Trên cơ sở Quy tắc ứng xử, các đơn vị, hội nghề nghiệp sẽ xây dựng quy định khen thưởng, xử phạt riêng phù hợp với từng đơn vị, góp phần làm trong sạch môi trường nghệ thuật và triệt tiêu những tiêu cực núp bóng nghệ thuật, giúp định hướng nghệ sĩ ứng xử đúng chuẩn.

 

5. Nhan sắc Việt tỏa sáng trên trường quốc tế

 

Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên đoạt ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Quốc tế 2021 

Tối 4/12, Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên đã được xướng danh ở ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Quốc tế 2021 - một trong bốn cuộc thi hoa hậu lớn nhất của thế giới được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, lập nên kỳ tích cho nhan sắc Việt tại đấu trường quốc tế. Sau đăng quang Thùy Tiên sẽ sống tại Thái Lan một năm và sẽ đến nhiều nước để truyền thông điệp về “chấm dứt chiến tranh và bạo lực”

Cùng với Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, Á hậu Nguyễn Huỳnh Kim Duyên cũng lọt top 16 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2021 diễn ra vào ngày 12/12. Hoa hậu Đỗ Thị Hà tham gia Hoa hậu Thế giới 2021 (Miss World) tại San Juan (Puerto Rico) vào ngày 16/12.

 

NGHỆ THUẬT

 

6. Chuỗi Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quy mô cấp quốc gia đã được UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức vào ngày 22/12, gồm 2 phần: Lễ dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổ chức lễ kỉ niệm tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Bình, được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng VTV1, VOV, truyền hình các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đợt sinh hoạt có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội ta và phong trào cách mạng thế giới; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

Trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện chương trình nghệ thuật Trái tim Việt Nam, phát sóng 20h10 ngày 22/8/2021,Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”.

 

7. Dấu án 100 năm, sân khấu kịch nói Việt Nam

 

Cảnh trong vở " Lời nói dối cuối cùng"

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm Sân khấu kịch nói Việt Nam vào tối 21/10 tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Cùng với lễ kỷ niệm, Tuần văn hóa chào mừng sự kiện trong đại với nhiều hoạt động như: Tổ chức các đêm diễn giới thiệu các tác phẩm kinh điển; Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam”; Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển” đã được diễn ra góp phần khẳng định dấu ấn và vai trò của kịch nói trong đời sống nghệ thuật hiện nay, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ trong đào tạo nguồn nhân lực, tập trung sáng tạo tác phẩm xứng tầm, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu kịch nói...

 

8. Năm của những cuộc vận động sáng tác nghệ thuật

 

Các y, bác sỹ trong cuộc chiến chống Covid 19

 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, để cổ vũ tinh thần của cả hệ thống chính trị, xã hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, Hội VHNT tổ chức nhiều cuộc thi viết Văn học, Âm nhạc, Hội họa, Nhiếp ảnh, Sân khấu… đề tài phòng, chống dịch Covid 19.

Tuy thời gian phát động không dài lại được tổ chức trong điều kiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh, nhưng các tác phẩm đều có sự đầu tư kỹ lưỡng về chủ đề, thể loại, phong cách… Phần lớn các tác phẩm đã khai thác đúng chủ đề, âm hưởng chủ đạo là ngợi ca, ghi nhận sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng trên tuyến đầu, san sẻ những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân vùng dịch. Từ đó thắp sáng niềm tin, động viên mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng chung sức vào công cuộc phòng, chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.

 

9. Năm của những kỳ liên hoan và cuộc thi tài năng trẻ

 

Cuộc thi diễn viên Xiếc trẻ toàn quốc

 

Năm 2021 chứng kiến nhiều cuộc thi nhằm phát hiện những tài năng trẻ - đội ngũ kế cận cho lĩnh vực sân khấu, điện ảnh…do Cục Điện ảnh; Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), phối hợp với Hội nghệ sĩ sân khấu tổ chức. Có thể điểm qua các cuộc thi như: Cuộc thi diễn viên Xiếc trẻ toàn quốc; Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22… Đây không chỉ đơn thuần là những hoạt động nghề nghiệp giúp cho lớp nghệ sĩ trẻ có cơ hội thử sức và trưởng thành mà còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các hãng phim  “đãi cát tìm vàng”, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng để tài năng tiếp tục được phát triển và cống hiến. 

 

10. Xòe Thái của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

 

Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 15/12 năm 2021, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Xòe nghi lễ phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an. Đồng thời là biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hóa tộc người, và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Như vậy, với Nghệ thuật Xòe Thái, Việt Nam đã có gần 30 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Có thể bạn quan tâm