March 28, 2024, 11:49 pm

10 Sự kiện Văn hóa - Nghệ thuật nổi bật năm 2022

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong năm 2022 đã sôi động trở lại sau hơn hai năm gần như đóng băng vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh các kỳ liên hoan của các loại hình nghệ thuật quy mô trong nước và quốc tế, nhiều hoạt động văn hóa cũng được đẩy mạnh. Đó là sự trở về của các cổ vật, là các hội thảo khoa học nhằm khẳng định và phát huy những gia trị bất biến của văn hóa, yếu tố quan trọng làm nên giá trị Việt Nam từ lịch sử, hiện tại, tương lai. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực Văn hóa, nghệ thuật do Văn nghệ bình chọn.

1. Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Uỷ ban Unesco về bảo vệ di sản

Đoàn Việt Nam tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9

Ngày 6/7, tại Paris (Pháp), trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử.

Trở thành thành viên Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 2, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp nhiều hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng.

2. Nghệ thuật gốm của người Chăm trở thành di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Kế hoạch bảo vệ di sản sẽ được thực hiện trong 4 năm (2023-2026)

Nghề làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản được phụ nữ Chăm thực hành thông qua tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hằng ngày nên người học nghề và người truyền nghề tại các làng gốm còn rất ít. Vì vậy, kế hoạch bảo vệ di sản sẽ được thực hiện trong 4 năm (2023-2026) nhằm tổ chức đào tạo và phát huy giá trị của nghệ thuật gốm Chăm.

Trước đó, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) cũng đã thông qua hai hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán - Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” của Việt Nam là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

3. Hội thảo quốc gia định vị giá trị đất nước, con người Việt Nam

Toàn cảnh Hội thảo

Đó là cuộc Hội thảo mang tên “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kì mới” do 4 cơ quan là Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra vào ngày 29/11/2022, một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hoá những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định 

Hội thảo đã làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định nội dung các giá trị cụ thể trong từng hệ giá trị; những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc sử dụng, giữ gìn, phát huy các hệ giá trị nhằm phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay; Đồng thời xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội và của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

4. Hội thảo “Thể chế chính sách và nguồn lực cho mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hoá

Diễn ra trong một ngày và với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự hội thảo đã đi đến thống nhất Việc

Toàn cảnh Hội thảo

hoàn thiện thể chế chính sách, khơi thông các nguồn lực để phát triển văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp vào việc chấn hưng và phát triển văn hóa nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa theo đường lối, chủ trương của Đảng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do đó, hội thảo đã kiến nghị 7 nhóm vấn đề và đưa ra 9 nhóm chính sách lớn để tạo ra bước đột phá cho phát triển văn hóa.

Hội thảo do uỷ ban văn hoá giáo dục Quốc hội và Học viện chính trị Hồ chí Minh chủ trì.

5. Chuỗi sự kiện vinh danh Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương

Chương trình nghệ thuật vinh danh Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương

Được tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm”, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những gương mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam, với tư tưởng mới mẻ và lối làm thơ phá cách, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều giá trị về việc nghiên cứu cho giới phê bình trong và ngoài nước. Nhằm tri ân và tôn vinh danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, tỉnh Nghệ An phối hợp với các Ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều hoạt động vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của bà qua chương trình nghệ thuật; Trưng bày thực tế ảo về nữ thi sĩ; Hội thảo khoa học quốc tế “Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”.

Chuỗi sự kiện vinh danh nói trên tiếp tục khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương nói riêng, người Việt Nam nói chung, văn hóa Việt Nam đã và đang hòa chung dòng chảy văn hóa nhân loại cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho Văn hóa thế giới.

6. Quốc hội thông qua Luật điện ảnh sửa đổi

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào

Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ”

tháng 5/2022, giúp ngành điện ảnh có bước phát triển, hội nhập mới.

Có thể nói, điện ảnh là lĩnh vực văn hóa nhưng đang phát triển trở thành một ngành kinh tế có thu nhập, có đóng góp ngày càng nhiều vào thu nhập quốc dân. Sau khi ban hành luật mới, ngành Điện ảnh Việt Nam được kỳ vọng có một bước phát triển, hội nhập mới và thu hút được điện ảnh nước ngoài tìm đến với Việt Nam, không phải chỉ đem phim nước ngoài đến chiếu mà còn là hợp tác về trường quay, làm phim, lồng tiếng, kỹ thuật điện ảnh...

7. Việt Nam nhận được giải vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế

Tiết mục “ Đu son” giành Giải Vàng liên hoan

Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 với thông điệp “Cùng nhau thăng hoa – tỏa sáng” được tổ chức tại Hà Nội với 28 tiết mục của hơn 100 nghệ sĩ đến từ 9 quốc gia trên thế giới. Tại liên hoan, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam và quốc tế đã mang tới nhiều tiết mục xiếc đạt tính chuyên nghiệp cao từ vóc dáng, hình thể cùng phong cách nghệ thuật và đẳng cấp kỹ thuật xiếc. Kết quả, Việt Nam giành 3 Huy chương Vàng tại liên hoan.

Trước đó, tại Liên Hoan Xiếc quốc tế diễn ra tại Nga (cuối tháng 10), có chủ đề “Công chúa xiếc”, Việt Nam đã giành giải vàng với tiết mục “Đu son” do 2 nghệ sĩ xiếc Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy thể hiện. Giải Vàng đoạt được của hai nữ nghệ sĩ đã tiếp tục khẳng định tài năng cũng như vị thế của nghệ thuật xiếc Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là động lực để các nghệ sĩ xiếc tiếp tục dấn thân, đam mê, cống hiến cho sự phát triển nghệ thuật xiếc nước nhà

8. Liên hoan Âm nhạc Asean 2022

Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thành phố Hội An với

Tiết mục âm nhạc khai mạc đêm liên hoan

sự tham dự của 14 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước, qua thông điệp “Đoàn kết, sáng tạo - Cùng nhau tỏa sáng”. Đây không chỉ là  dịp để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên đại diện cho nền nghệ thuật của các quốc gia trong khu vực ASEAN giao lưu, học hỏi, hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới, mà còn là cơ hội  để Việt Nam nói chung, tỉnh quảng Nam nói riêng giới thiệu, quảng bá những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống cũng như đương đại của Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, hiền hòa tới bạn bè và nhân dân các quốc gia trong khu vực ASEAN.

9. Lễ phát động sáng tác VHNT  “Sống mãi với thời gian”

Các đại biểu tham dự lễ phát động

Lễ phát động sáng tác các tác phẩm Văn học nghệ thuật mang tên “Sống mãi với thời gian” diễn ra vào ngày 18/12 tại thành phố Hải Phòng. Sự kiện chính là minh chứng cụ thể cho việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết, Chiến lược của Đảng, Nhà nước đã đề ra về phát triển văn hóa, Văn học nghệ thuật. Sau lễ phát động, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch  sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội chuyên ngành để từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động Văn học nghệ thuật trong thời gian tới, tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sĩ phát huy khả năng của mình, tiếp tục phát huy những thành tựu của các thế hệ đi trước, kiến tạo những thành tích mới tự hào cho nền Văn học nghệ thuật Việt Nam.

 

Các nghệ nhân vinh dự nhận danh hiệu NNND& NNƯT.

10. Vinh danh và trao tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước

Tối 20/12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng thành phố tổ chức Lễ trao tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III - năm 2022 cho 66 cá nhân, đưa tổng số cả 3 đợt phong tặng qua các năm: 2015, 2019, 2022, lên 131 nghệ nhân được vinh danh, gồm: 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú (bao gồm cả truy tặng danh hiệu). Mặc dù đây là sự kiện do Hà Nội tổ chức nhưng tiêu biểu cho tinh thần trân trọng các nghệ nhân dân gian của cả nước, tiếp tục khẳng định văn hoá dân gian đã thực sự được coi là cội nguồn của văn hoá.

Minh Hằng - Vũ Khanh Tổng hợp

Nguồn Văn nghệ số 1/2023


Có thể bạn quan tâm